Từ bến Gạo Rang nghĩ chuyện gạo rang

đỗ quang tuấn hoàng |

Ở thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có một cụm di tích hiếm có mang tên bến Đâm Gạo, bến Gạo Rang, miếu Gạo Rang.

Cửa ngõ của thương cảng Vân Đồn

Giữa tiểu vùng Cửa Lục - Bãi Cháy, bến Gạo Rang là một vụng biển đẹp, nước sâu và kín gió, với chiều dài hàng trăm mét.

Đứng trên đỉnh Thiên Sơn cao 1.096m so với mực nước biển nhìn xuống sẽ thấy một hình tròn dưới thung lung, thì núi Mằn là điểm cao nhất (trên 300m so với mực nước biển), vịnh Cửa Lục là nơi thấp nhất. Vịnh Cửa Lục rộng 18km2, nơi sâu nhất 17m, trông giống bàn chân người. Năm ngón chân là năm con sông: Giáp Khẩu, Diễn Vọng, Đá Trắng, Bút Xê và Trới. Theo huyền thoại, đó là dấu chân ông khổng lồ. Ông khổng lồ đang gánh đá vá trời, trở vai thì đứt gánh, hai quẩy đá rơi xuống đất. Quẩy bên này là núi Bài Thơ, quẩy bên kia là núi Mằn. Bến Gạo Rang và bến Đồng là cảng biển trong vịnh Cửa Lục, nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn có từ thời nhà Lý, năm 1149 đời vua Lý Anh Tông.

Trong sách Thương cảng Vân Đồn (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2004, trang 179-182), Đỗ Văn Ninh mô tả: Đây là một vụng biển rất đẹp, tựa như một cái túi mà hai mỏm Hồng Gai và Bãi Cháy đã thắt lại thành một miệng kín đáo, đó là cửa Lục. Bến Gạo Rang chính ở vào đáy túi, thuộc địa phận thôn Xích Thổ ngày nay. Từ khu đảo đất liền, trạm dừng chân đầu tiên phải là bến Gạo Rang. Hay nói ngược lại, thuyền chở hàng hóa ra cảng Vân Đồn phải đỗ chặng cuối trên đất liền ở bến Gạo Rang để chuẩn bị đi vào khu vực những bến ngoài hải đảo.

Tại vụng biển này, phần lớn đoàn thuyền lương nhà Nguyên do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy đã bị quân của Trần Khánh Dư nhấn chìm. Ngày 13 tháng 2 năm 1288, Trần Khánh Dư đã chỉ huy thủy quân tấn công quyết liệt, chặn đánh đoàn thuyền tiếp vận của địch. “Đại Việt sử ký toàn thư” nhận xét: “Khánh Dư đánh bại, bắt được quân lương, khí giới nhiều không kể xiết. Bắt sống quân giặc rất nhiều”. Theo “Nguyên sử”, trong trận Vân Đồn, quân Nguyên chết 220 tên, mất 11 chiếc thuyền, 14.300 thạch lương. Tuy nhiên, theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968) thì con số đó chắc chắn còn xa so với thực tế, vì lực lượng của Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiến thuyền.

Các cuộc khai quật khảo cổ đến nay cho thấy tại bến này xuất lộ dày đặc các mảnh sành sứ các loại, với niên đại từ thế kỷ XIII - XVII. Bến Gạo Rang đóng vai trò là cửa ra vào trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, một trạm dừng chân của tàu thuyền từ ngoài vào, từ trong ra.

Cùng với bến Gạo Rang, tại khu vực xã Thống Nhất còn có hai bến thuyền cổ khác bao gồm bến Bang và bến Đâm Gạo nằm ở ven sông Diễn Vọng. Sự xuất hiện của các bến bãi này càng cho thấy tính chất quan trọng của thành Xích Thổ đối với hệ thống thương cảng Đại Việt.

Sở dĩ có tên gọi bến Gạo Rang là vì, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, nơi đây được nhân dân địa phương (Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng, Việt, Hoa) dùng để tiếp tế lương thực gạo rang cho quân sĩ nhà Lý, Trần.

Cũng lại có tích khác. Bà Trần Thị Bé, Phó trưởng thôn Xích Thổ, cho biết: “Thời nhà Mạc đưa quân về đây chống giặc, lúc đầu không có nước ngọt nên phải rang gạo để ăn. Sau đó mới đào được giếng Dọc để có nước nuôi quân. Rồi xây miếu Gạo Rang, xây thành Xích Thổ. Vì thế dân trong vùng gọi là thành nhà Mạc, làng Xích Thổ được gọi là làng Thành. Quần thể di tích bến Gạo Rang được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích lịch sử vào ngày 04.09.2009”.

Thành Xích Thổ được coi là căn cứ địa, đại bản doanh của quân đội nhà Mạc lúc bấy giờ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Thành cổ... ở xã Xích Thổ, huyện Hoành Bồ, đắp bằng đất, bốn mặt đều 25 trượng, cao một trượng một thước, sâu hai trượng... Có thuyết nói thành đều do nhà Mạc đắp”.

Dù là tích nào thì cũng đều gắn với việc rang gạo làm quân lương. Để có gạo mà rang, gần đó có bến để dân, quân đâm (giã) thóc thành gạo nên gọi là bến Đâm Gạo. Cạnh bến Gạo Rang có miếu Gạo Rang rất linh thiêng. Cửa miếu quay hướng nam, ở thế tọa sơn vọng thủy. Người làm nghề chài lưới, buôn bán đi tàu bè trên sông Mằn qua cửa miếu đều phải hạ buồm, bỏ nón, hướng về cửa miếu mà thắp hương, khấn vái để cầu xuôi chèo mát mái, đánh bắt bội thu, buôn may bán đắt...

Cạnh bến Gạo Rang có miếu Gạo Rang rất linh thiêng. Ảnh: Trần Thị Bé
Cạnh bến Gạo Rang có miếu Gạo Rang rất linh thiêng. Ảnh: Trần Thị Bé

Thức ăn tiện lợi

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, để duy trì chiến đấu khẩn trương, liên tục và truy kích địch, không có điều kiện nấu nướng thì quân lính ăn vài nắm gạo rang hoặc bánh bỏng rồi uống nước thì vừa no vừa nhanh chóng.

Để làm bánh bỏng, người ta lấy gạo nếp đồ thành xôi, sau đó tãi mỏng, phơi nắng cho những hạt xôi săn lại. Tiếp đó, cho xôi khô lên chảo rang, đảo đều tay cho các hạt nở đều, giòn bung thì bắc xuống. Đường phên (hoặc mật mía) được thắng với nước tạo nên thứ mật sền sệt. Khi nước mật sôi sủi, trút bỏng rang vào đảo, đến khi mật ôm chặt lấy từng hạt bỏng, sóng sánh. Tiếp đó, trút bỏng quyện mật vào khuôn hoặc các dụng cụ phẳng, sạch sẽ rồi lấy chày cán cho thật chặt, phẳng. Có thể phủ lên trên một lớp vừng hoặc lạc đã rang, để mật dính chặt lại. Cuối cùng là lấy dao bài thái ngang, dọc thành từng miếng. Tuy nguyên liệu và cách chế biến không có gì phức tạp nhưng người làm phải khéo léo để bỏng, mật không quá lửa, bánh phải mật dẻo bỏng, lạc, vừng giòn. Phong bánh bỏng (tiếng Nùng là khẩu sli, khẩu xà) phải nguyên mùi thơm của nếp rang, bùi béo của lạc, vừng, ngọt thanh của đường phên hoặc thơm của mật mía, để lâu không ỉu. Lúc thanh nhàn, dịp lễ tết, ăn bánh bỏng nhâm nhi với nước trà xanh rất hợp. Khi đi làm đồng, làm nương mang theo túi bánh bỏng ăn đường rất tiện lợi. Khi có chiến tranh, bánh bỏng thành quân lương. Những bánh cơm cháy chà bông, những phong lương khô, những túi cơm tươi ăn liền... hiện nay chính là phiên bản nâng cao của bánh bỏng.

Sách “Võ bị chế thắng chí” dạy hai cách rang gạo làm quân lương như sau:

Cách thứ nhất: Dùng gạo một thạch (khoảng 71,616 kg - Đ.Q.T.H.), đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể được độ hai đấu. Mỗi lần lấy ăn chỉ một lẻ (nắm) to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn. Mỗi người có thể ăn được năm mươi ngày.

Cách thứ hai: Muối ba đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn được năm mươi ngày, đem đi tháng hè thì hợp.

Đến thời chống Mỹ, gạo bốn túi đã cùng rau rừng góp phần chống tê, phù và quáng gà là hai bệnh phổ biến trong những năm đầu chiến tranh, làm hao hụt khá nhiều quân số ở chiến trường miền Nam.

Ngoài nấu cơm, gạo ra tiền tuyến cũng được bộ đội, dân công rang làm lương khô. Có lúc thiếu thốn, “mấy chục người mà chỉ có một nắm gạo, chúng tôi bỏ cả vào rang, rồi cho nước vào đun sôi, mỗi người chỉ được một bát nước, chỉ cần có hơi gạo thôi, thế mà cũng no. Khi hòa bình, ai cũng có cơm ăn, nhưng chúng tôi lại thấy nhớ cái vị mặn mặn, khét khét của thứ nước ngày xưa, vậy là mấy anh em tụ họp cùng nhau pha chế lại thứ nước đó, để nhớ lại những ngày cùng nhau chiến đấu”, ông Quang, chủ quán Đồng đội (số 1, phố Trần Phú, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, xúc động kể lại. Nắm gạo rang ăn khi đói lòng, bidon nước gạo rang với điếu thuốc lá là hình ảnh sâu đậm của đời quân ngũ. Thế nên người ta mới “Nhớ nắm gạo rang đường ra chiến trận/ Ôi tất cả tâm tình đi nhớ mãi” như trong bài hát “Nổi lửa lên em” (1968) của Huy Du.

Ở bên kia chiến tuyến, lính Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa có một loại lương thực tiện dụng là gạo sấy. Gạo được nấu chín, sấy khô, đóng vào túi nylon theo định lượng từng bữa ăn (150g). Gạo sấy thường được cấp đủ dùng trong mấy ngày hành quân ngắn hạn dưới ba ngày: Chín túi gạo sấy, chín hộp thịt ba lát, bánh kẹo, cà phê, một, hai lon sữa... Tùy vào nước đổ vào là nóng (mười phút) hay lạnh (ba mươi phút) mà chúng sẽ trở thành cơm nóng hay cơm nguội. Loại thức ăn này khá tiện dụng và phổ biến, ăn tuy không ngon được như cơm nấu nhưng lại đỡ ngán hơn đồ hộp nhiều. Chiếc bidon nước và túi gạo sấy là một trong những vật bất li thân của binh sĩ.

Cốm gạo ngào gừng là món quà ngon, tiện dụng, được nhiều người yêu thích.  Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Cốm gạo ngào gừng là món quà ngon, tiện dụng, được nhiều người yêu thích. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Vị thuốc quý

Ngày xưa người ta ăn gạo rang vì tiện lợi, ngày nay người ta lại ăn gạo rang vì đó là dược thiện.

Dùng vài muỗng gạo rang cháy để ăn hoặc hãm nước uống 30 phút trước bữa ăn sẽ có những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe.

Gạo rang cháy thải loại thức ăn tồn đọng và hai giờ sau khi ăn để ngăn cơ thể tích mỡ (đối với người béo), vì thức ăn tiêu hóa trong dạ dày khoảng hai giờ là đủ, quá hai giờ sẽ tích mỡ thừa và bốc mùi gây hôi miệng. Thế nên ăn hoặc uống nước gạo rang có tác dụng chống hôi miệng. Gạo rang cháy có những công dụng thần kỳ đối với chứng trào ngược và HP dạ dày và giảm béo bụng, còn có hiệu quả tức thời đối với các bệnh đường ruột như đầy bụng, ăn không tiêu và tiêu chảy. Công dụng của gạo rang cháy là kiềm hóa môi trường acid trong dạ dày, thải độc, hút chất nhầy nuôi dưỡng vi khuẩn HP, ngăn protein, ngừa ung thư dạ dày, giảm béo bụng do mỡ tích mất trật tự. Khi bị tiêu chảy cấp hoặc bất thường đầy bụng không tiêu, nhai hoặc uống nước gạo rang sẽ có công dụng hữu hiệu tức thời mà không cần dùng thuốc.

Chính gạo rang sẽ hút hết thức ăn còn dư cùng những chất độc hại do thức ăn tồn đọng này sinh ra, rồi tống nhanh chất thải xuống ruột già. Dạ dày của chúng ta được làm sạch trước khi ăn thức ăn mới và sau khi đủ dinh dưỡng.

Cách làm: Ngâm gạo thường (không dùng gạo lứt) khoảng một đến hai giờ, vo sạch để ráo, cho vào nồi rang cho đến khi có màu cánh gián hoặc cháy sém, để nguội rồi đổ vào lọ trữ để dùng dần. Tốt nhất là rang bằng củi trên nồi đất hoặc chảo gang.

Cũng có người dùng gạo lứt, gạo nếp, cho gạo vào rang luôn chứ không cần ngâm. Người để nguyên hạt gạo chế nước vào hãm, người xay thành bột rồi hòa với nước mà uống. Công dụng cũng tương tự.

Nước gạo rang (trà gạo rang) hiện là thức uống lành mạnh có giá trị dinh dưỡng cao nên được rất nhiều người sử dụng.

Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, cho biết: Từ xưa nước gạo rang đã được dân gian biết đến như một loại đồ uống lành tính, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, có một thời gian dài nước gạo rang được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong các bệnh viện để hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy và thực tế cho thấy tác dụng tốt. Nước gạo rang pha thêm chút muối với nồng độ 9‰ vừa có tác dụng cung cấp nước vừa bồi phụ điện giải có tác dụng cầm trong các trường hợp rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Nước gạo rang nếu không bổ sung thêm muối thì nó là một loại nước giải khát giàu dinh dưỡng. Nước gạo rang, nếu không cho thêm đường thì ngay cả người bị bệnh đái tháo đường cũng có thể dùng được.

Đương nhiên, trong quá trình sản xuất nước gạo rang, lượng vitamin sẽ mất đi một phần. Nhưng đổi lại, chúng ta được một khối lượng chất dinh dưỡng rất dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, một nguồn cung cấp năng lượng rất đáng kể. Do đó, nước gạo rang là nước giải khát có giá trị dinh dưỡng cao.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: Nước gạo rang rất giàu các loại kháng chất như calci, magie, sắt, kẽm... Ưu điểm nổi trội của loại nước này là giàu các loại vitamin nhóm B, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ hòa tan, không chứa choresterol...

Theo giáo sư Đoàn Thị Nhu, phó giáo sư Phạm Duy Mai và phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Đỗ Trung Đàm trong cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2006), lúa tẻ có vị ngọt, tính mát bình, có tác dụng bổ khí huyết. Lúa tẻ lâu năm thì có vị chua, hơi mặn, tính ấm, giúp ích khí, mạnh tì, thông huyết mạch và giúp cho tiêu hóa. Hạt gạo tẻ ăn hằng ngày cung cấp nguồn dinh dưỡng cho sự sống và được dùng làm thuốc giải phiền nhiệt trong trường hợp sốt cao, ra nhiều mồ hôi, háo khát. Gạo tẻ sao, sắc uống thay nước trong trường hợp nôn mửa, tiêu chảy, háo khát do mất nước hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần nhịn ăn, nhịn bú tạm thời.

Trong đông y, gạo nếp thường được dùng để chữa suy nhược cơ thể, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng...

Trong sách “Nam dược thần hiệu”, Tuệ Tĩnh liệt kê dược tính của một số loại gạo:

Cánh mễ: Gạo tẻ, mùi thơm ngon, tính mát bình, dưỡng vệ điều vinh, đại bổ cho cơ thể, nhờ đó làm nguồn sống. Một tên gọi là cương mễ, trong trắng ngon thơm, gạo hiến cho nhà vua dùng gọi là ngự mễ.

Đạo mễ: Gạo nếp, một tên gọi là nhu mễ, một tên gọi là dư mễ, vị ngọt, tính ấm, thơm mềm, dẻo, bổ, trung ích thận, trị đi tiểu ra chất nhờn (đái dưỡng chấp: cao lâm), trị các chứng ẩu thổ đau bụng, tì vị hư yếu.

Trần thương mễ: Gạo lâu năm, chua hơi mặn, tính ấm, không độc, ích khí mạnh tì, thông huyết mạch, trừ phiền, chữa đi lị và đau bụng.

Ông cũng ghi những bài thuốc chữa bệnh từ gạo rang như “Kinh trị nôn ói không dứt”, “Kinh trị chứng nôn ọe, sớm ăn chiều mửa, chiều ăn sớm mửa, mửa liên miên”; “Kinh trị tất cả các chứng tích tụ”; “Kinh trị chảy máu cam không ngớt”; “Kinh trị hoắc loạn thổ tả, phiền khát sắp chết”; “Kinh trị bệnh khát ở tam tiêu (thượng tiêu: phổi, trung tiêu: dạ dày, hạ tiêu: thận); “Kinh trị chứng đau mắt có màng mộng và chứng thong manh không trông thấy gì”; “Kinh trị chứng cấm khẩu lị, không ăn được”...

Khi nhà nhân loại học Basso hỏi một người Mỹ bản địa gốc bộ tộc Apache: “Trí khôn là gì?”, câu trả lời là “Trí khôn nằm ở các nơi chốn”. Đối với người Apache, tên chỉ các nơi chốn có những câu chuyện liên quan với chúng đã được dùng để dạy cho những người khác và để truyền đạt hành vi đúng đắn. Thật vậy, địa danh không chỉ là những cái tên thuần túy mà là những cảm thức về nơi chốn. Như Edward Relph (1997) trong cuốn sách “10 Geographic Ideas That Changed the World” (Mười ý tưởng địa lý làm thay đổi thế giới) khẳng định “Cảm thức về nơi chốn là kỹ năng có thể học được và có vai trò quan trọng với việc nhận thức về môi trường; con người sử dụng kỹ năng này để nắm bắt thế giới đang diễn ra như thế nào và sẽ thay đổi ra sao”. Các nhà địa danh học đánh giá rất cao di sản địa danh, như là sự nhận diện quốc gia, biểu tượng quốc gia.

Từ bến Gạo Rang mộc mạc, ta bóc gỡ được bao lớp trầm tích lý thú.

đỗ quang tuấn hoàng
TIN LIÊN QUAN

Lợi ích sức khỏe của việc bỏ thịt hoàn toàn hoặc giảm tiêu thụ thịt

Hải Minh (Theo Bold Sky) |

Chế độ ăn từ thịt được cho là giàu protein và các chất dinh dưỡng khác, nhưng cùng với đó là những tác động tiêu cực nhất định.

7 thực phẩm tự nhiên thay thế đường giảm tác hại sức khỏe

BẠCH CÚC (THEO BOLDSKY) |

Đường là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nhưng bạn không thể tránh nó hoàn toàn. Vì thế, bạn nên thay thế nó bằng một số thực phẩm tự nhiên hạn gây hại sức khỏe.

5 lợi ích của lá mãng cầu xiêm đối với sức khỏe

THANH NGỌC (THEO BOLDSKY) |

Theo Boldsky, lá mãng cầu xiêm chứa nhiều vitamin và các hợp chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ điều trị ung thư, kiểm soát viêm và cải thiện sức khỏe răng miệng.

Đi bộ tại nhà và những lợi ích cho sức khỏe

BẠCH CÚC (THEO PREVENTION) |

Đi bộ được xem là cách hiệu quả để duy trì sức khỏe, thể trạng, tinh thần cho con người.

Lợi ích sức khỏe của lòng đỏ trứng mà ít người biết đến

PHỐ HOÀI (THEO NDTV.COM) |

Lòng đỏ trứng chứa hàm lượng cholesterol cao, tuy nhiên chúng cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng và có lợi cho sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích của lòng đỏ trứng mang lại khi tiêu thụ điều độ.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Lợi ích sức khỏe của việc bỏ thịt hoàn toàn hoặc giảm tiêu thụ thịt

Hải Minh (Theo Bold Sky) |

Chế độ ăn từ thịt được cho là giàu protein và các chất dinh dưỡng khác, nhưng cùng với đó là những tác động tiêu cực nhất định.

7 thực phẩm tự nhiên thay thế đường giảm tác hại sức khỏe

BẠCH CÚC (THEO BOLDSKY) |

Đường là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nhưng bạn không thể tránh nó hoàn toàn. Vì thế, bạn nên thay thế nó bằng một số thực phẩm tự nhiên hạn gây hại sức khỏe.

5 lợi ích của lá mãng cầu xiêm đối với sức khỏe

THANH NGỌC (THEO BOLDSKY) |

Theo Boldsky, lá mãng cầu xiêm chứa nhiều vitamin và các hợp chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ điều trị ung thư, kiểm soát viêm và cải thiện sức khỏe răng miệng.

Đi bộ tại nhà và những lợi ích cho sức khỏe

BẠCH CÚC (THEO PREVENTION) |

Đi bộ được xem là cách hiệu quả để duy trì sức khỏe, thể trạng, tinh thần cho con người.

Lợi ích sức khỏe của lòng đỏ trứng mà ít người biết đến

PHỐ HOÀI (THEO NDTV.COM) |

Lòng đỏ trứng chứa hàm lượng cholesterol cao, tuy nhiên chúng cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng và có lợi cho sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích của lòng đỏ trứng mang lại khi tiêu thụ điều độ.