Giải bài toán trung chuyển khách
Sau hơn 2 năm vận hành, TPHCM đã di dời hơn 100 tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thanh) qua bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, hiện mỗi ngày bến xe này chỉ có khoảng 170 chuyến xe xuất bến với khoảng 2.000 khách.
Trong khi đó, có khoảng 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới ra ngoài chạy "xe dù" hoặc dời sang các bến xe khác.
Theo TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, điều này cho thấy vị trí bến mới chưa thuận tiện với khách cũng như nhà xe. Hiện bến có một số tuyến buýt kết nối, song chưa giải quyết nhu cầu thực tế cho khách ra vào.
Ông Cương cho rằng, hành khách bao nhiêu năm đã quen với bến xe cũ trong nội thành, nơi có nhiều phương tiện kết nối. Xe buýt từ khắp nơi đều chạy về bến.
Trong khi bến xe mới vừa xa, vừa chưa có nhiều tiện ích kết nối nên người dân sẽ e ngại. Khi người dân e ngại thì doanh nghiệp sẽ bỏ bến ra ngoài đón khách.
“Do đó, cần tổ chức nhiều tuyến phương tiện công cộng đưa khách từ bến xe cũ, khu vực nội thành tới bến xe mới. Đây có thể là tuyến xe buýt mới hoặc những phương tiện công cộng cỡ nhỏ, đa dạng chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân” – ông Cương nói.

Ngoài đẩy mạnh kết nối, việc xử lý "xe dù, bến cóc" cần được xử lý dứt điểm, tạo điều kiện cho xe vào bến Miền Đông mới hoạt động ổn định.
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM có tới 76 điểm đón trả khách sai quy định. Dọc các tuyến đường ra bến xe Miền Đông mới như bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh, đường Điện Biên Phủ đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (Bình Thạnh), quốc lộ 1 từ cầu vượt Bình Phước đến khu du lịch Suối Tiên, nhiều cây xăng dọc quốc lộ 13 (Thành phố Thủ Đức),… “xe dù, bến cóc” hoạt động rầm rộ, "hớt" khách của các nhà xe trong bến.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thiếu sót của bến xe mới hiện nay là một hệ sinh thái để mang lại tiện ích cho hành khách. Trong đó, cần phát triển dịch vụ thương mại, chỗ ăn uống, nghỉ ngơi cho hành khách... trong hoặc dọc bên ngoài bến xe Miền Đông mới.
Xử lý nghiêm "xe dù, bến cóc"
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, bến xe Miền Đông mới là một đầu mối giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông, kết nối với các dự án giao thông lớn như metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), xa lộ Hà Nội, các tuyến đường Vành đai, cao tốc kết nối đi các tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay, hạ tầng giao thông ở đây chưa có sự đồng bộ như định hướng và quy hoạch ban đầu nên khi dời qua bến xe Miền Đông mới, nhiều tuyến xe bị giảm số chuyến, vắng khách.

Để người dân đi lại được thuận tiện hơn, lãnh đạo Sở GTVT cho biết sẽ tăng thêm các tuyến xe buýt vào bến xe. Theo đó, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 2 tuyến và năm 2023 sẽ có thêm 3 tuyến xe buýt kết nối vào bến xe Miền Đông mới.
Bên cạnh đó, tuyến metro số 1 dự kiến hoàn thành cuối năm sau, kết nối đến bến xe Miền Đông mới giúp khu vực này thành đầu mối giao thông với nhiều loại hình vận tải hành khách cỡ lớn, trung chuyển khách đi liên tỉnh và ra vào trung tâm thành phố.
Cũng theo ông Trần Quang Lâm, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị đơn vị quản lý Bến xe Miền Đông mới tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm để hoàn thiện dự án như các dịch vụ, tiện ích để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong đó, đầu tư nơi nghỉ ngơi cho hành khách và tài xế để tăng tiện ích cho bến xe, thu hút người dân. Song song đó, Sở cũng đã đề xuất bến giảm bớt lệ phí, có chính sách hỗ trợ nhằm thu hút nhà xe vào bến.
Về tình trạng "xe dù, bến cóc", lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã lập phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6-22h hằng ngày (trừ trường hợp đưa đón công nhân, học sinh, khách du lịch). Sở GTVT đang hoàn chỉnh thủ tục trình UBND TPHCM trong tháng 11 để kịp triển khai trước Tết Nguyên đán 2023.
Ngoài ra, Sở GTVT sẽ điều chỉnh, bổ sung vị trí lắp đặt camera giám sát tại những đoạn đường thường xuyên có xe đón trả khách sai quy định để xử phạt qua hình ảnh.
Sở GTVT TPHCM cũng sẽ phối hợp với sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan rút giấy phép các trường hợp xe khách liên tỉnh hoạt động theo hợp đồng hoặc du lịch nhưng chạy như xe tuyến cố định, đón trả khách sai quy định.