Truyện ngắn dự thi: Vết thương

Xuân Quỳnh |

"Cho chừa tội ăn cắp, khổ thân sắp nhận thưởng tết rồi mà còn dại..."

Tôi dựng xe lách qua đám đông đang bàn tán cạnh cửa sổ phòng bảo vệ. Bên trong, bác bảo vệ đặt đôi giày màu hồng, tờ giấy A4, chiếc bút bi lên bàn bảo chị Lụa ký vào biên bản về hành vi trộm cắp tài sản công ty. Chị Lụa bật khóc kêu oan, bàn tay run rẩy, ngòi bút chưa đặt xuống nước mắt đã ướt nhoè trang giấy. Nhìn đôi vai gầy đang rung lên của chị tôi nghĩ đến trưa nay khi hai chị em từ nhà ăn trở về xưởng may. Chị chỉ vào đôi giày trong phòng trưng bày mẫu nói với tôi, "nhận tiền thưởng tết chị sẽ mua đôi giày như thế kia cho con bé út. Tối nào đi ngủ con bé cũng nhắc, mà chị còn bao nhiêu khoản phải lo!"

Chiếc máy may réo lên những tiếng lạch tạch khô khốc khiến hai chị nén nỗi lo âu tiếp tục công việc mưu sinh giữa buổi trưa.

Sáng nay đến làm, tôi nghe mọi người nói công ty đã buộc thôi việc và trừ một phần tiền lương của chị. Tôi cảm thấy trống vắng khi nhìn vào chiếc máy may chị từng làm việc. Từ ngày vào công ty hai chị em thân thiết với nhau như chị em ruột. Giờ thì tôi và chị chẳng còn là đồng nghiệp của nhau.

***

Chị đến với công ty cũng vất vả như cuộc đời của chị. Chị Lụa tất tưởi chạy đến khi buổi phỏng vấn tuyển công nhân sắp kết thúc. Chị vấp chân vào bậc thềm ngã xuống hành lang trước cửa phòng hành chính. Chị vội mở cửa khiến tay nắm cửa mắc vào kéo rách tà áo trắng chị mặc để lộ màu chiếc áo bay bên trong. Đôi ủng của chị in vết bùn vàng quạch xuống nền gạch hoa trắng khiến tôi nghĩ đến sân thóc vừa phơi buổi sớm, chẳng biết có về nhà cho kịp dọn thóc chạy cơn mưa.

Cả nhà chung nhau một chiếc xe máy. Những hôm đi trả hàng tôi đạp xe cả chục cây số thồ lỉnh kỉnh rổ rá. Buổi sáng, chồng đưa tôi đến phỏng vấn rồi mang xe đi làm. Nhiều khi trong bữa cơm anh bảo tôi "hay là mua thêm chiếc xe trả góp" nhưng lại chạm vào nét mặt không hài lòng của mẹ chồng tôi. Đôi mắt sắc lẹm của bà liếc nhìn khiến hai vợ chồng đắn đo suy tính cho khoản thu nhập eo hẹp.

Chị Lụa ra hiệu cho tôi lên xe khi thấy tôi vừa đi vừa thấp thểnh chạy trên đường. Ngồi sau xe chị, tôi gỡ những sợi rạ bám trên mái tóc chị. Cả quãng đường chị chỉ im lặng suy nghĩ điều gì đó. Lúc giúp tôi dọn thóc chị bắt đầu nói chuyện với tôi: "Chị vừa đi gặt thuê rồi mới đến công ty phỏng vấn. Lát nữa chị sẽ quay lại gặt cho xong vì đã ứng tiền của người ta đóng học cho con."

Chị dựng lại chiếc chang vào góc sân sau khi giúp tôi đổ thóc vào bao rồi vội trôi vào cơn mưa nặng hạt, chẳng kịp nghe lời mời vào nhà uống cốc nước của tôi. Công ty sắp xếp cho tôi và chị Lụa làm cùng công đoạn. Những ngày đầu học việc, tập đạp máy may, chân tay tôi mỏi nhừ. Tôi nhìn sang phía chị Lụa cảm thấy trên khuôn mặt chị chẳng có sự mệt mỏi, chị vừa đạp máy vừa gõ bàn tay xuống bàn lách tách như nhịp trống.

Những hôm sau quen với việc đạp máy chị thường ngó sang tổ may bên cạnh dõi theo đường may của những người công nhân cũ. Một hôm, chị Lụa hỏi chị tổ trưởng bao giờ sẽ chính thức được may trên sản phẩm. Thấy chị tổ trưởng gật đầu bảo từ mai có thể bắt đầu. Môi chị nở nụ cười, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Từ ngày tôi và chị quen nhau lần đầu tiên tôi thấy chị cười. Tôi biết chị rất mong chờ đến ngày được chính thức may trên sản phẩm. Vì khi đó mức thu nhập sẽ tăng lên.

Tôi từng nghe chị tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình. Chồng chị mất trong một vụ tai nạn lao động ở nhà máy xi măng. Một đêm, mọi người khênh chiếc quan tài từ chiếc ô tô xuống sân nhà chị. Người của nhà máy nói chồng chị bị tai nạn lao động khiến mẹ chồng chị ngất lịm. Bố chồng chị nén đau thương mở nắp quan tài cho cả gia đình nhìn mặt người thân lần cuối nhưng trong quan tài chỉ toàn đất trộn máu. Người đồng nghiệp nói với chị rằng anh nhà bị ngã vào guồng quay máy nghiền nên cơ thể đã hoà vào đất. Sau khi chôn cất đứa con trai duy nhất, mẹ chồng chị liệt nửa người vì cơn đột quỵ. Bố chồng chị bỏ mặc ruộng vườn, cả ngày bầu bạn với chai rượu. Đến đêm bố chồng chị điên dại khóc cười, ông ngửa cổ lên trời than vãn thánh thần chẳng che chở cho con trai ông thoát kiếp nạn dù hàng tháng ông vẫn cúng lễ.

Một người hàng xóm mách chị đi xem tử vi để rõ nguyên nhân những việc không may. Người hàng xóm dẫn chị đến một thầy bói khá trẻ tên Triều xem bói bằng trầu cau. Sau khi hạ cau trầu từ ban thờ xuống, thầy Triều phán: "Trước đây, đời cụ kỵ của bố chồng chị lấy đồ của đình chùa về nhà nên các ngài bắt con cháu để trả giá. Nếu không cúng lễ giải đại hạn các ngài sẽ bắt đi hết cả nhà". Chị Lụa lắp bắp không nói thành câu khi nghe thầy bảo toàn bộ chi phí cúng lễ là năm mươi triệu. Nhưng người hàng xóm trấn an, số tiền đó đáng là bao nếu đổi lại được sự bình an cho cả gia đình.

Chị vay mượn khắp nơi cũng gom góp đủ số tiền đưa thầy làm lễ giải đại hạn. Cả một ngày chị quỳ lạy, đội lễ nghe thầy cúng bái, dâng sớ, đốt hình nhân... nhưng mẹ chồng chị vẫn ra đi sau một cơn tai biến. Sau đám tang của mẹ chồng, chị tìm đến nhà thầy Triều nhưng cũng là ngày công an chụp lên tay thầy chiếc còng số tám. Người dân làng ấy nói thầy là mắt xích trong đường dây buôn bán người qua biên giới. Nạn nhân của thầy là những cô gái từng đến nhờ thầy hoá giải khổ cực hồng trần. Đám trẻ con làng ấy kéo đến ném đá vỡ tan cái loa trên nóc nhà thầy. Lũ trẻ vừa ném đá vừa chửi cái loa ngoài đọc kinh còn phát đủ thể loại nhạc khác như khoan vào tai óc dân làng.

Chị chia sẻ với tôi, vì ngày ấy nhiều tai hoạ giáng xuống gia đình nên chị mê muội tin theo điều mê tín. Bây giờ chị đang chắt chiu từng đồng để trả nợ. Nhận tháng lương đầu tiên, công nhân trong tổ may nói cười xoè đếm những đồng tiền xanh đỏ, họ liến thoắng rủ nhau góp tiền ra quán lẩu liên hoan. Còn chị lặng lẽ ngồi viết gì đó ra mảnh giấy. Hết giờ làm tôi đi ngang qua chỗ chị, ngó vào mảnh giấy thấy chị đang viết những khoản chi tiêu. Chị viết thêm mỗi dòng trên khuôn mặt chị lại xuất hiện thêm những vệt nhăn nhúm.

***

Tôi và anh từ hai tỉnh miền núi xuống Hà Nội mưu sinh. Tôi giúp việc trong quán cơm của người bác họ. Những buổi trưa đội thợ từ toà chung cư đang xây dựng đến quán ăn trong bộ quần áo dính xi cát. Họ chưa kịp ăn hết thức ăn trong khay cơm, gã chủ thầu đã nhắc "nghỉ ngơi một lúc rồi trở lại công trường làm việc cho kịp tiến độ thi công". Một lúc của gã là khi đội thợ uống hết cốc nước. Mọi người cố níu lại chút thời gian nghỉ ngơi bằng chiếc vòi nước trước sân. Họ rửa ráy, gội đầu cho những mệt mỏi tiêu tan nhưng vết bẩn xi cát vẫn bám dính trên làn da họ. Chỉ đến khi tối mịt, họ trở lại quán ăn cơm trong bộ quần áo có phần tươm tất hơn bộ quần áo bảo hộ ban trưa. Bữa cơm tối có phần thư thả nên họ có thời gian nhắc đến gia đình công việc. Họ nói về chiếc vận thăng bị hỏng khiến mấy ngày nay đội thợ phải mang vác vật liệu lên tận tầng mười. Họ hỏi nhau địa chỉ của bưu điện gần nhất nơi có thể gửi những đồng lương thấm mồ hôi về cho gia đình...

Sau bữa cơm tối, anh thường ở lại giúp tôi dọn dẹp. Quen anh tôi quên đi cảm giác cô đơn lạc lõng của đứa con gái nông thôn giữa thị thành. Sau vài tháng quen nhau anh hỏi cưới tôi cũng khô khan như lúc anh tỏ tình.

Chiếc xe hoa đưa tôi về làm dâu nơi bản làng dưới chân những ngọn núi đá vôi. Khi xe đi qua khoảng đất đang được san lấp anh bảo nơi đó chuẩn bị xây dựng nhà máy may giày. Trước đây, người dân quê anh thường đến những thành phố lớn mưu sinh. Tôi nghĩ đâu chỉ có quê anh. Ngày trước, chị họ tôi là con cầu tự còn vào tận miền nam làm công nhân may, chị lập gia đình rồi định cư luôn trong miền nam. Giờ đây nhà máy - khu công nghiệp xây dựng trên những miền quê, người dân cũng bớt đi phần nào khổ cực trong cảnh mưu sinh xa nhà nhưng ruộng đất lại hằn lên những vết thương công nghiệp.

Nhìn những thửa ruộng bị chiếc máy xúc đào xới tôi bỗng nhớ về tuổi thơ bên những vụ mùa ngào ngạt hương lúa chín. Những hôm quạt thóc đến tận đêm khuya, mẹ vẫn bảo mai sau tôi lấy chồng gần để chăm sóc khi cha mẹ già yếu. Giờ thì, tôi chẳng thể hoàn thành tâm nguyện của mẹ trong duyên phận của bước chân mưu sinh.

Thấm thoát ba năm tôi về làm dâu xứ núi. Những hôm dỗ con ăn ngoài sân, tôi thường bị chú ý theo hướng chỉ tay của thằng bé. Trên đỉnh núi đá vôi, vài người đàn ông bám vào sợi dây thừng ghì chiếc máy, khoan lỗ, nhồi mìn vào núi. Mẹ chồng nhìn lên vách núi rồi lại nhìn tôi thở dài. Bà nói với tôi "xin vào công ty mà làm nhìn chồng vất vả nguy hiểm thế kia phải biết thương nó chứ!" Tôi lặng im bởi từ ngày hai vợ chồng từ Hà Nội về quê. Chồng tôi đã xin vào làm công nhân trong mỏ đá còn tôi vẫn ở nhà bận rộn với trăm thứ việc không tên. Tôi nhận mây tre về nhà đan đến tận đêm khuya nhưng những đồng tiền tích góp lại hết nhẵn sau mỗi lần con ốm.

Những bận đi làm giúp người làng về, trong bữa cơm, mẹ chồng tôi thường nói về những gia đình trong xóm chuẩn bị đào móng xây nhà bằng tiền gửi về của con cháu đi xuất khẩu lao động. Bà bảo, nhà này xóm dưới nhà kia xóm trên có thằng con trai bằng tuổi chồng tôi mà giỏi giang. "Chẳng như con trai nhà này lấy phải con vợ ăn bám thì bao giờ mới xây nổi cái nhà."

Lời của mẹ khiến đêm ấy hai vợ chồng trằn trọc nhìn lên mái nhà dột nát từ đời ông nội chồng tôi để lại. Hai vợ chồng tôi vẫn mơ ước về căn nhà nhiều tầng lợp mái Thái. Chẳng biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới góp đủ tiền xây một căn nhà để mẹ chồng tôi tự hào với dân làng. Ngày trước chúng tôi chán cảnh hết tháng chủ trọ đến phòng đòi tiền nên dắt nhau về quê. Giờ thì mái nhà quê hương cũng chẳng yên bình khi sự bạc bẽo của đồng tiền đang chiếm lấp lòng người.

Ở làng chỉ còn gia đình tôi cấy lúa vì nghèo. Mấy vụ mùa người dân quê chồng tôi không canh tác bởi họ nghe tin nơi đây có dự án quy hoặch xây dựng nhà máy - khu công nghiệp. Bây giờ người dân quê chẳng còn bận tâm đến sự nắng mưa của trời. Hàng ngày, họ tụ tập ở quán bia dưới gốc đa đầu làng, họ hỏi nhau mỗi tháng con cháu gửi về bao nhiêu tiền. Họ quan tâm, chờ đợi khoản tiền sẽ được đền bù cho những thửa ruộng không mùa vụ.

Biết tin tôi đi phỏng vấn, trước khi về ngoại ăn giỗ, mẹ chồng tôi dậy sớm đồ xôi đậu đỏ bảo tôi ăn cho suôn sẻ may mắn, đi làm công nhân có tiền còn xây nhà.

***

Những chiếc quạt trần phả sự nóng bức từ mái tôn xuống xưởng may. Tôi mệt mỏi nhìn sang phía chị Lụa. Chị vẫn cặm cụi kéo những miếng da lướt qua mũi kim. Từ ngày làm việc chính thức chưa bao giờ sản phẩm bị ùn trên bàn may của chị, sản lượng chị làm ra luôn đứng đầu tổ may. Tôi gọi chị định hỏi về chỗ mua hạt giống rau cải. Nhưng giật mình bởi giọng chua ngoa của Hiền - ả tổ trưởng mới được bổ nhiệm:

- Nói chuyện gì mà lắm thế hàng lại ùn bây giờ. Cả ngày đi vệ sinh đến mấy lần giờ lại còn nhiều chuyện. Lo làm đi không thì liệu hồn đấy.

Tôi nhẫn nhịn nuốt những uất nghẹn vào lòng. Chị tổ trưởng cũ vừa nghỉ đẻ nên ả được quản đốc nâng đỡ lên thay. Chị Lụa được bổ nhiệm làm tổ phó. Mọi người trong tổ may bảo nhau nếu xét công bằng thì chị Lụa là người xứng đáng nhất. Chị may đẹp và nhanh hơn Hiền. Nhưng Hiền là nhân tình của gã quản đốc xa gia đình nên được nâng đỡ.

Nhiều lần đi làm về tôi thấy hai người rẽ vào nhà nghỉ. Tôi lắc đầu tự hỏi ả có suy nghĩ về cảnh chồng đợi vợ, con đợi mẹ trong bữa cơm tối. Bất giác câu nói của Lệ làm tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ.

- Chị Hiền ơi! Con em ốm chị cho phép em về sớm không phải tăng ca.

- Hôm nào mày cũng xin về sớm, tháng này thiếu sản lượng ai chịu. Ở lại mà làm.

- Chị không cho em về sớm em viết đơn xin nghỉ luôn.

- Mày có giỏi thì nghỉ đi.

Lệ bước đến vo mảnh giấy ném vào mặt ả rồi bước ra khỏi xưởng may. Ả chạy theo giằng tóc kéo Lệ ngã xuống nền gạch hoa. Lệ túm vạt áo giật mạnh khiến ả ngã chúi đầu xuống gầm chiếc máy may, sợi dây chuyền vàng trên cổ ả đứt đôi văng xuống nền mặt dây lồng hai chữ cái đầu tiên của tên ả và gã quản đốc. Cả xưởng may nhốn nháo trong sự giận dữ của hai người đàn bà. Từ ngày Hiền lên làm tổ trưởng cứ vài hôm tổ may lại có người thêm người nghỉ bởi không chịu nổi sự ngoa ngoắt của ả. Ả thường cào xé người khác bằng thứ ngôn từ khiến người khác tổn thương. Sau lần đánh nhau, Hiền bị công ty cảnh cáo nhưng bàn tay của gã quản đốc vẫn âm thầm giúp đỡ ả.

Những ngày cuối năm, trước cổng nhà máy bày bán đủ loại mặt hàng như một phiên chợ thu nhỏ. Tôi chợt thấy trên sạp hàng đôi giày màu hồng. Tôi nghĩ là hàng nhái nhưng đôi giày nguyên bản từng chi tiết kiểu dáng, chất liệu, màu chỉ, đường may... như những đôi giày trong công ty sản xuất. Tôi ngước nhìn khi nghe giọng người phụ nữ hỏi chủ sạp hàng giá chiếc giày. Tôi nhận ra chị Lý chủ tịch công đoàn công ty. Đôi mắt chị cũng đang nhìn chiếc giày bằng sự hoài nghi. Sau khi trao đổi với chị. Tôi kể cho chị Lý nghe về hoàn cảnh gia đình chị Lụa và hôm bác bảo vệ tìm được đôi giày trong chiếc túi xách của chị Lụa.

Một sáng, tôi thấy chị Lý xuống xưởng may gọi Hiền ra cửa rồi nói với ả điều gì đó. Tôi thấy chị Lý nói chuyện rất nhã nhặn còn Hiền khoanh tay trước ngực mặt vênh váo đôi co bằng sự kiêu ngạo. Đến khi chị Lý mở chiếc điện thoại cho Hiền xem, ả bật khóc nhanh chóng thay đổi từ sự kiêu ngạo sang thái độ hối lỗi.

Chị Lý lại gần chiếc máy may của tôi chị bảo, hôm nay cho phép tôi nghỉ việc mà vẫn được chấm công để đưa chị đến thăm nhà chị Lụa. Chiếc xe máy chồm lên khi vấp phải những viên đá trên đèo dốc quanh co bên bờ vực sâu. Tôi nói với chị Lý trong tiếng gió reo, con đường đi làm vất vả nguy hiểm nhưng chưa hôm nào chị Lụa nghỉ việc, những ngày mưa gió chị Lụa vẫn đi làm, những hôm tăng ca chị không bao giờ xin về sớm. Hai chị em vừa đi vừa hỏi đường cuối cùng cũng tìm thấy căn nhà sát chân núi. Nhìn căn nhà xập xệ, vách tường tróc lở phía trước, ước mơ về một căn nhà cao tầng lợp mái Thái đã không còn thôi thúc cháy bỏng trong tôi.

Chị Ly đặt túi quà lên bàn rồi nói để giải thích cho sự ngạc nhiên của chị Lụa:

- Trước tiên mình thay mặt lãnh đạo công ty chân thành xin lỗi vì đã kết tội oan cho Lụa khi chưa điều tra làm rõ nguyên nhân. Từ hôm hoài nghi về đôi giày bán ngoài cổng mình đã xem lại hình ảnh của những chiếc camera an ninh. Một chiếc camera đã ghi lại nhiều lần Hiền vào phòng trưng bày mẫu rồi xách chiếc túi bóng đen đựng vật gì đó ra ngoài. Mình đã gặp riêng người bán giày để tìm hiểu mọi chuyện. Anh ấy nói đến người con gái hay ra ngoài uống nước cùng quản đốc xưởng may. Cho đến khi một bạn đã nghỉ việc nhắn tin cho mình nói rằng nhìn thấy Hiền nén bỏ đôi giày vào túi xách của bạn. Mình chắc chắn suy đoán của mình là chính xác. Sáng nay, Hiền đã bị ban giám đốc sa thải. Ngày mai mời bạn trở lại công ty làm việc. Mình tin bạn sẽ là một người tổ trưởng gương mẫu, toàn năng, nhiệt huyết với công việc, công bằng với những người lao động...

Chị Lụa nghẹn ngào mãi mới nói thành lời:

- Hôm ấy con ốm em vội về nên không kiểm tra lại chiếc túi. Trọng lượng của đôi giày quá nhẹ để em chú ý. Từ ngày em vào làm việc, các bác bảo vệ có bao giờ khám túi công nhân đâu. Hôm ấy nhiều người mà bác ấy chỉ khám chiếc túi của em. Đến khi bác bảo vệ tìm thấy đôi giày em đã nói bị oan nhưng bác ấy nói "chả lẽ đôi giày có cánh bay vào túi cô". Em biết mình bị hại nhưng đành im lặng vì không có cách nào giải thích.

Những giọt nước mắt của ba chị em rơi xuống chiếc bàn mặt kính. Dưới tấm kính rạn nứt gài những bức ảnh gia đình chị Lụa. Tôi tìm thấy tấm ảnh chụp chị Lụa thời trẻ. Trong tấm ảnh chị khoác mũ áo cử nhân cầm tấm bằng đỏ, tươi cười trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm. Mấy năm quen nhau nhưng chị chưa bao giờ nói với tôi về tấm bằng cử nhân của chị. Tôi nghĩ, phải chăng chị đã chôn vùi ước mơ từ những vết thương cuộc đời!

Xuân Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Vị mặn quê hương

CHUNG THANH HUY |

Thắm bước chậm rãi dọc theo bờ biển, mặc cho từng lớp sóng trắng xóa như đang tinh nghịch, nô đùa dưới chân cô. Những ngày cuối năm biển lặng yên một màu xanh biếc đến tận chân trời. Mùi nước mắm quen thuộc dậy lên thơm lừng theo từng cơn gió. Lúc còn nhỏ Thắm đã nghe bà nội kể rằng từ xa xưa người dân ở đây đi biển về cá không dùng hết nên đem muối để ăn dần. Nhờ đó mà có được những giọt nước mắm Nam Ô đượm mùi thơm cùng vị ngọt tự nhiên từ cá.

Truyện ngắn dự thi: Máy già

Hoàng Hải Lâm |

Phố Xanh là khu phố của người già. Hầu hết những người sống ở đây đều tám mươi tuổi, số ít trong họ đã trên bảy mươi. Họ đến đây theo diện dịch vụ “kí gửi người”. Đó là từ dùng của cụ Lê. Cụ tám mươi ba tuổi, mắt vẫn còn tinh và tai nghe rất rõ. Cụ Lê thường giúp đỡ những người ở phố Xanh. Và nhiều người ở đây cũng giúp đỡ nhau. Họ muốn chứng minh cho mọi người thấy mình không phải là người vô dụng. Tuổi già làm việc của tuổi già. Cụ Lê làm rất nhiều việc, từ đun nước, pha chè, vệ sinh bàn ghế. Nhất là việc giặt giũ. Trong điều kiện nhà chung có tất tật dịch vụ thì cụ Lê vẫn giặt đồ. Cụ còn đưa luôn cái máy giặt từ nhà đến phố Xanh, đó là điều kiện chấp nhận kí gửi của cụ.

Truyện ngắn dự thi: Sông cạn

Nguyễn Thị Thanh |

Sau khi dặn dò con gái cột chắc chiếc ghe vào gốc cây, ông Bình lầm lũi đi lên chiếc chòi dành cho hai ba con ông. Má cái Hạ, vợ ông đã bỏ ba con mà đi vào một ngày mưa tràn bờ bãi. Hôm ấy bà một mình chạy ghe đi chợ thế rồi bà đi mãi không về. Đến khi tìm được bà thì ông đã không thể nào nhận ra khuôn mặt vợ mình. Cũng may nhờ vào quần áo, và cũng có thể nhờ vào linh cảm của người chồng ông mới có thể nhận ra bà. Lúc đó Hạ chỉ mới tám tuổi, nghĩ thương con gái sớm mồ côi mẹ, ông Bình ở vậy nuôi con. Cũng chẳng phải không có người thương cảm nhưng ông lại sợ người ta không thương con mình. “Mấy đời bánh đúc có xương...”. Đời ông bây giờ chỉ mong con gái có người nào tử tế thì lấy chồng cho ông đỡ tủi, cũng là hoàn thành lời tự hứa của ông với vợ. Nghĩ đến vợ con tim ông lại đau nhói.

Bên trong phòng đông lạnh trứng cho chị em

TRÀ MY - HÀ QUYÊN |

Đông lạnh trứng hay trữ trứng đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều chị em phụ nữ. Việc trữ trứng được xem là bảo hiểm sinh học với sức khỏe sinh sản. Dưới đây là quy trình đông lạnh trứng được thực hiện tại các cơ sở y tế.

Công an khởi tố kẻ đánh học sinh nhập viện ở Quảng Ngãi

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Ông Phan Thượng Mỹ vừa bị công an khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng. Ông Mỹ - công nhân của điện lực huyện Tư Nghĩa - đã đánh một học sinh lớp 9 của Trường THCS thị trấn La Hà, khiến em này phải nhập viện cấp cứu.

Bánh mì Phượng đóng cửa chỉ sau 1 ngày mở bán "thăm dò, thử nghiệm"

Hoàng Bin |

Không chỉ mở bán “thăm dò” trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, cơ sở bánh mì Phượng 2, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam còn bị nhiều khách hàng khởi kiện liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trước đó.

30 phút lập chốt, CSGT Hà Nội phát hiện 3 xe khách vi phạm trên đường

Tô Thế |

Ngay sau lễ ra quân sáng nay (18.12), Công an TP Hà Nội đã thực hiện ngay các chuyên đề chống ùn tắc cuối năm như xử lý xe cồng kềnh, xe khách dừng đỗ, các vi phạm trực tiếp liên quan đến an toàn giao thông…

Mẹ cô bé nhặt ve chai "bom hàng" sắp xuất viện, con gái vẫn chưa dám nghĩ tới ước mơ sau này

Hoài Luân |

Sau nhiều ngày được chữa trị, sức khỏe mẹ cô bé nhặt ve chai "bom hàng" đã ổn định, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Truyện ngắn dự thi: Vị mặn quê hương

CHUNG THANH HUY |

Thắm bước chậm rãi dọc theo bờ biển, mặc cho từng lớp sóng trắng xóa như đang tinh nghịch, nô đùa dưới chân cô. Những ngày cuối năm biển lặng yên một màu xanh biếc đến tận chân trời. Mùi nước mắm quen thuộc dậy lên thơm lừng theo từng cơn gió. Lúc còn nhỏ Thắm đã nghe bà nội kể rằng từ xa xưa người dân ở đây đi biển về cá không dùng hết nên đem muối để ăn dần. Nhờ đó mà có được những giọt nước mắm Nam Ô đượm mùi thơm cùng vị ngọt tự nhiên từ cá.

Truyện ngắn dự thi: Máy già

Hoàng Hải Lâm |

Phố Xanh là khu phố của người già. Hầu hết những người sống ở đây đều tám mươi tuổi, số ít trong họ đã trên bảy mươi. Họ đến đây theo diện dịch vụ “kí gửi người”. Đó là từ dùng của cụ Lê. Cụ tám mươi ba tuổi, mắt vẫn còn tinh và tai nghe rất rõ. Cụ Lê thường giúp đỡ những người ở phố Xanh. Và nhiều người ở đây cũng giúp đỡ nhau. Họ muốn chứng minh cho mọi người thấy mình không phải là người vô dụng. Tuổi già làm việc của tuổi già. Cụ Lê làm rất nhiều việc, từ đun nước, pha chè, vệ sinh bàn ghế. Nhất là việc giặt giũ. Trong điều kiện nhà chung có tất tật dịch vụ thì cụ Lê vẫn giặt đồ. Cụ còn đưa luôn cái máy giặt từ nhà đến phố Xanh, đó là điều kiện chấp nhận kí gửi của cụ.

Truyện ngắn dự thi: Sông cạn

Nguyễn Thị Thanh |

Sau khi dặn dò con gái cột chắc chiếc ghe vào gốc cây, ông Bình lầm lũi đi lên chiếc chòi dành cho hai ba con ông. Má cái Hạ, vợ ông đã bỏ ba con mà đi vào một ngày mưa tràn bờ bãi. Hôm ấy bà một mình chạy ghe đi chợ thế rồi bà đi mãi không về. Đến khi tìm được bà thì ông đã không thể nào nhận ra khuôn mặt vợ mình. Cũng may nhờ vào quần áo, và cũng có thể nhờ vào linh cảm của người chồng ông mới có thể nhận ra bà. Lúc đó Hạ chỉ mới tám tuổi, nghĩ thương con gái sớm mồ côi mẹ, ông Bình ở vậy nuôi con. Cũng chẳng phải không có người thương cảm nhưng ông lại sợ người ta không thương con mình. “Mấy đời bánh đúc có xương...”. Đời ông bây giờ chỉ mong con gái có người nào tử tế thì lấy chồng cho ông đỡ tủi, cũng là hoàn thành lời tự hứa của ông với vợ. Nghĩ đến vợ con tim ông lại đau nhói.