Truyện ngắn dự thi: Những đóa hoa khô

Vũ Thị Huyền Trang |

Chủ nhật, xóm trọ buồn quá. Vài cặp vợ chồng đã đèo nhau về quê thăm bố mẹ già, con nhỏ. Những người chưa có gia đình thì chui tọt vào phòng, đóng kín cửa ngủ cho đã đời, bù lại cả tuần đi làm không có thời gian ngẩng mặt. Vài gã đàn ông sau khi chui ra khỏi phòng liền ới nhau ra quán nước chè ngay đầu ngõ. Liên nguýt chồng:

- Liệu hồn. Lại ra đó mà đề đóm.

- Chỉ được cái ăn nói linh tinh. Lấy đâu ra tiền mà đề đóm. Anh em cả tuần làm việc vất vả cũng phải để cho người ta giao lưu tí chứ.

- Em còn lạ gì mấy người. Con sắp vào năm học mới rồi đấy, đủ thứ cần mua sắm chi tiêu. Bà vừa đi viện về cũng cần có thêm tiền thuốc thang, tẩm bổ. Anh làm gì thì làm, phải nghĩ đến mẹ già con thơ.

- Em nói nhiều thế, đau hết cả đầu.

Vài tấm lưng trần bóng nhẫy đi lướt qua mặt Liên. Một trong số đó cất giọng ngân nga khàn đặc:

- Con gì ăn lắm nói nhiều, nhanh già lâu chết miệng kêu tiền tiền?

- Con vợ! Cả lũ đàn ông đồng thanh đáp rồi cười ha hả.

Liên ngồi trước cửa phòng thò tay vào với cuốn sổ chi tiêu để trên bàn, mở ra xem. Những đậu, mắm, thịt, gạo chi chít trên cuốn sổ. Vài cái gạch đầu dòng ghi riêng bằng bút đỏ là những khoản tiền tấm món dành gửi về quê trang trải. Cuối tháng trong túi áo công nhân chỉ còn vài đồng lẻ, nhiều hôm không biết phải xoay xở thế nào. Dạo này công ty ít việc, có tuần chỉ làm ba buổi. Chẳng riêng gì công ty của chị mà cả khu công nghiệp đều gặp khó khăn. Sau đại dịch, mọi thứ vẫn chưa kịp ổn định lại. Đơn hàng không có, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng. Khó khăn là thế mà chồng chị còn chẳng chịu chỉn chu mà làm ăn. Cứ đi làm thì thôi về đến nhà là tụ tập bài bạc, đề đóm. Giờ việc ít, càng nhàn cư vi bất thiện. Liên càng nghĩ càng thấy rầu lòng. Bỗng tiếng xe máy đỗ xịch ngay bên cạnh, Vy vừa thả bịch đồ xuống sân vừa than:

- Khiếp thật. Đi chợ thời buổi lạm phát cứ như mất cắp chị ạ. Cầm nửa triệu bạc mà mua sắm chẳng đâu với đâu, cái gì cũng tăng giá. Ngày xưa mua hai nghìn hành lá, giờ phải năm nghìn. Chưa nói đến gạo, thịt, rau củ quả. Cứ thế này thì chết.

- Sắp năm học mới rồi. Chị lo quá.

- Ừm, lớn lo lớn, bé lo bé. Con nhà em thì sữa bỉm, thuốc thang. Tháng vừa rồi ốm đôi lần mà đi tong nửa tháng lương chị ạ.

Hai người đàn bà buông tiếng thở dài nhìn ra bãi đất trống trước nhà. Ở đó cỏ đã mọc um tùm, sau vài cơn mưa ngập nước đám rau muống thi nhau vươn dài leo lên tận sân xóm trọ. Mấy năm trước bà chủ định xây thêm phòng trọ ở đó nhưng sau dịch bệnh mọi thứ vẫn bỏ không. Xóm trọ hơn chục phòng được xây đấu lưng vào nhau cho công nhân của khu công nghiệp cảng thuê. Phòng nhỏ, nóng nhưng được cái mấy năm chưa tăng giá nên mọi người gắn bó lâu dài. Những chiếc xe container chạy ầm ầm cảm tưởng như rung cả tường nhà, thường khiến Liên lên cơn chóng mặt. Chị chống cằm ngó đăm đăm vào đống rác thải ngoài cổng xóm trọ. Nhìn vào đó người ta có thể thấy được đời sống của những người công nhân. Toàn vỏ mì tôm đủ loại, vỏ sữa, vài mẩu bánh mì mốc meo ruồi muỗi không thèm đậu. Xóm trọ cứ thêm một đứa trẻ con là nhiều thêm vỏ thuốc ngoài bãi rác. Hết thuốc bệnh đến thuốc bổ. Hết bịch to đến bịch nhỏ. Tuyệt nhiên người ta không bao giờ nhìn thấy trong đống rác của xóm công nhân có bông hoa nào. Ngay cả sau những ngày lễ tình nhân, ngày mồng tám tháng ba, hai mươi tháng mười. Người ta chỉ thấy vỏ lon bia và đầu thuốc lá...

Mùa mưa. Cứ tầm bốn, năm giờ chiều là cơn giông ập đến. Có hôm mưa dai dẳng cho đến tận đêm. Chớp nhoáng nhoàng, sấm uỳnh uỳnh cộng thêm tiếng xe container chạy ngoài đường khiến mọi thứ ầm ĩ đến khó chịu. Mấy chị em Liên tan ca, nhìn ngoài trời mưa bão mà ngán ngẩm. Liên bảo:

- Hay là chờ một lúc nữa ngớt mưa thì về?

- Nhưng biết bao giờ mới tạnh. Con em có khi đang thức đợi mẹ về. Mà tự nhiên em thấy nóng ruột quá.

- Không sao đâu. Ở nhà đã có bố nó.

Nói xong câu đó chính Liên cũng cảm thấy bất an. “Mưa ở xứ này biết bao giờ mới tạnh. Em phải về đây”, Vy nói vậy trước khi phóng xe ra ngoài trời. Suốt đoạn đường chạy dọc bến cảng gió biển thổi rin rít bên tai. Đã có lúc tưởng như gió quật ngã cả người lẫn xe. Mưa xối vào mắt, cay xè, loạng choạng không nhìn thấy đường đi. “Chết rồi” Liên tự nhủ khi xung quanh không một bóng nhà để trú tạm. Cả đoạn đường dài là bãi container và kho bãi hàng hóa. Bóng Vy vẫn loạng choạng phía trước, Liên cố gắng bám theo. Chị chợt nhớ tới lời mẹ dặn, bất cứ lúc nào cảm thấy nguy hiểm và sợ hãi thì hãy niệm Phật. “Nam Mô A Di Đà Phật”. Miệng Liên niệm liên hồi, nước mưa mằn mặn trên môi. Cuối cùng xóm trọ cũng hiện ra trước mắt. “Thêm một chút nữa thôi”, Liên tự nhủ. Cho đến khi xe chui tọt vào cổng xóm trọ Liên mới biết là mình còn sống. Chưa kịp hoàn hồn thì tiếng trẻ con gào khóc lẫn trong tiếng mưa gió khiến Liên chột dạ. “Con ơi! Mẹ đây”- Vy đã kịp mở chốt cửa lao nhanh vào phòng. Thằng bé ngã nhào xuống đất tự bao giờ, đang bò lồm ngồm gào khóc vì sợ hãi. Trán nó nổi một cục sưng vù. Xung quanh thằng bé mớ dây điện nhì nhằng nối với dàn máy tính vẫn đang bật bài hát ru. Vy lao đến ôm con khóc nghẹn. Liên vỗ về Vy, nước mắt cũng ứa ra. Lao ra khỏi phòng Vy, Liên tức giận đập cửa từng phòng trong xóm trọ. Căn phòng cuối cùng dãy nhà phía sau bật mở. Bảy gã đàn ông đang chúi đầu vào bộ bài giật mình ngoảnh ra nhìn. Liên không nhớ mình gào lên những gì. Chị không nghe thấy tiếng của chính mình vì tiếng mưa dội rào rào trên mái tôn, tiếng sấm chớp ầm ầm. Đám đàn ông tản ra ai về phòng ấy.

Bữa cơm chiều hôm đó khó nuốt hơn hẳn mọi khi. Bởi lúc nãy thôi đã không ai trong số họ lôi được Vy ở lại. Trời còn chưa ngớt mưa, cũng tối muộn rồi, không biết ra bến xe có còn chuyến nào về quê Vy không nữa. Tự nhiên Liên ân hận vì vừa nãy không cùng lên taxi theo mẹ con Vy. Nhỡ mà con bé nghĩ quẩn làm điều gì dại dột thì sao...

Trời tạnh mưa, như thường lệ mọi người ra cửa phòng ngồi. Mấy gã đàn ông ra bộ bàn ghế đá ngoài sân ngồi pha trà. Thúc - chồng Vy thở dài bảo:

- Tại mưa to quá, con khóc mà em không nghe thấy.

- Thôi đừng có đổ tại trời. Con còn bé bỏng như thế, nó phải được ẵm bồng, nâng niu, nựng nịu. Mưa bão, sấm chớp đến người lớn còn sợ mà em bỏ con ở một mình. Vy nó quá thiệt thòi vì ông bà nội, ngoại hai bên mất sớm không có ai đỡ đần. Em là chồng, là cha mà không biết thương lấy vợ con mình. Lần này Vy nó đòi ly hôn bọn chị cũng chẳng khuyên can. Nếu nhìn thấy cái dáng siêu vẹo của vợ mình đi giữa trời bão gió để về nhà với con, em mới thấy xót thương chăng? Liên nói mà nước mắt ứa ra. Mấy chị em phụ nữ khác mặt rầu rĩ, góp lời.

- Còn mấy anh nữa. Đi làm bạc mặt được mấy đồng lương công nhân rồi nướng vào đề đóm, bài bạc. Cầm những đồng tiền sát phạt nhau ăn có thấy ngon miệng hay không? Đó là tiền sữa của lũ trẻ con. Tiền thuốc của bố mẹ già. Đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người vợ như em. Mấy năm nay em còn chưa dám mua bộ quần áo mới nào. Chưa từng biết ra quán gội đầu. Ra chợ mua cái cặp tóc còn cầm lên đặt xuống.

- Các anh cứ thế thì xác định tan cửa nát nhà. Chẳng ai chịu đựng được mãi, rồi cũng như cái Vy ôm con mà đi. Đời công nhân đã vất vả lắm rồi mà không biết thương nhau...

- Thằng nhỏ ngã sưng đầu không biết có sao không các chị? Em gọi mãi mà Vy không nghe máy.

- Bây giờ chú mới thấy xót thấy sợ à?

- Chắc mai em phải về quê sớm xem mẹ con nó thế nào.

Ấm trà đã cạn. Từng ấy con người ngồi im lặng, không ai nói với ai câu gì nữa. Ngoài đường đã thưa vắng dần người. Gió thổi vào từ biển mặn chát vành môi. Tiếng điện thoại của ai đó reo vang:

- Cái Vy gọi à?

- Không! Nhà máy gặp sự cố, sếp gọi vào tăng cường cùng anh em. Suốt đêm chẳng biết có xong không? Mấy lần trước cũng trắng đêm rồi.

- Sao dạo này công ty anh hay gặp sự cố thế nhỉ?

- Trước đốt than. Nhưng để tiết kiệm các sếp mua vỏ điều về trộn đốt cùng. Nhưng đốt thế lớp sôi trong lò không ổn định nên mới hay sự cố. Mệt lắm, cứ đốt vỏ điều thế này khéo anh xin nghỉ việc. Nhìn người ngợm xem lúc nào cũng đen thui. Lắm hôm chui từ lò ra cảm tưởng như cơ thể mình bị vắt cạn nước rồi.

- Thôi cố gắng anh ạ. Sau dịch bệnh nhà máy khó khăn nên mới xoay xở đủ đường để anh em công nhân mình có việc làm, thế là tốt rồi.

- Ừ, thì biết làm sao...

***

Một hôm, lúc mọi người trong xóm trọ đang chuẩn bị cơm chiều thì bà chủ dẫn theo một người đến thuê phòng. Đó là một cậu thanh niên trẻ măng, trông sáng sủa, cao ráo, tính tình có vẻ cởi mở, dễ gần gặp ai cũng tươi cười chào hỏi. Căn phòng trọ cuối dãy bị bỏ không từ sau dịch. Khi cánh cửa mở ra mùi ẩm mốc xộc thẳng ra ngoài. Bản lề cánh cửa bung vài mảng vôi trắng hếu. Trên tường còn dán mấy bức ảnh trẻ con cười tươi như hoa. Đôi vợ chồng thuê trọ cũ khăn gói về quê trong đợt dịch, chắc nghĩ sẽ quay trở lại nên vẫn còn vài món đồ đạc trong phòng. Ngay cả những bức ảnh gia đình cũng còn để lại nguyên vị trí. Cô chủ không lỡ dọn đi, cứ để phòng chờ đợi mãi. Lúc cô định với tay gỡ mấy bức ảnh con nít xuống, cậu thanh niên ngăn lại:

- Cứ để đấy cô ạ. Trẻ con cười là đáng yêu nhất.

Cậu ta nhìn quanh thấy đâu dó bóng dáng một đứa trẻ tinh nghịch trên những hình vẽ nguệch ngoạc trên tường. Trên bông hoa gặp bằng giấy màu xanh, đỏ. Trên vài thông điệp yêu thương ghi nắn nót trong cuốn sổ con con. Cô chủ bảo mọi người:

- Thằng bé tên Trung, quê ở Yên Bái, làm công nhân nhà máy phân lân. Em nó ít tuổi, nên có gì các anh chị bảo ban, giúp đỡ em nó nhé.

- Cô khỏi lo. Cùng cảnh xa quê phải thương nhau chứ.

Từ hồi Trung về ở, xóm trọ vui hẳn lên. Thằng nhỏ thích chơi đàn guitar nên tối đến thường trải chiếu ra ngoài sân đàn ca hát hò. Cuối tuần mấy anh chị em rủ nhau nấu nướng chung, ai có gì góp nấy. Có khi chỉ là nồi lẩu ấm cúng cũng đủ để mọi người vui vẻ, gắn kết với nhau hơn. Trung là người hoạt bát, lại có tay nghề sửa chữa điện tử điện lạnh nên ngoài giờ làm ở nhà máy cậu bàn với anh em tính chuyện kiếm thêm tiền. Mỗi người mỗi việc, ai giỏi cái gì phát huy cái đó. Bên ngoài xóm trọ có thêm tấm biển nhận sửa chữa, điện nước, điện lạnh. Người lo đăng tin quảng cáo trên các trang tin của khu công nghiệp. Người lo kiếm đơn hàng ở các nhà xưởng, công trình. Công việc làm thêm bận rộn dần kéo cánh người đàn ông trong xóm trọ khỏi bộ bài và những trò đỏ đen, may rủi.

Bọn trẻ con thích mê chú Trung. Gì chứ mấy trò chơi dân gian là chú Trung biết tuốt. Vặt lá mít ngoài vườn làm thành con ghé ọ. Cầm viên phấn vẽ ô quan ở giữa sân, nhặt thêm vài nắm sỏi cũng đủ để mấy đứa nhỏ rời mắt khỏi màn hình điện thoại, ti vi. Ống phốc, con quay, diều giấy toàn là chú Trung làm. Mấy chị em trong xóm bảo nhau nhất định phải tìm cô nào thật xinh, thật ngoan mới chịu “gả” chú Trung đi lấy vợ.

Phố cảng sau mùa mưa dài lại đến những ngày nắng chang chang. Chui ra khỏi nhà máy, công xưởng là mồ hôi đầm đìa lưng áo. “Khổ tận cam lai” qua những ngày khó khăn vất vả nhiều công ty đã làm ăn khởi sắc. Đời sống của anh chị em công nhân cũng vì thế mà tốt lên. Trước kia từng có những ngày chị em Liên sợ phải trở về nhà. Sợ đối mặt với cơm, áo, gạo tiền và ông chồng lúc nào cũng đàn đúm rượu chè, bài bạc. Sợ không khí ngột ngạt hiện trên khuôn mặt những người đàn bà khắc khổ, quanh năm chiu chắt, vá víu. Nhưng giờ thì khác, hôm nào không tăng ca là mấy chị em Liên đều gắng trở về thật nhanh. Để tạt qua chợ mua ít đồ tươi ngon nấu cho chồng con ăn. Mấy ông chồng có khi bận việc ở nhà máy, rồi lại việc làm thêm bên ngoài đến tối muộn mới về. Đâu đó tiếng giục chồng tắm nhanh cho mát còn ăn cơm. Tiếng người chồng nói “có mấy trăm tiền công sửa điều hòa anh để trong túi áo. Em cầm mai mua cho con bộ quần áo mới”. Tiếng vợ chồng bàn với nhau: “Tháng tới lĩnh lương phải cho con đi học thêm Tiếng Anh ở trung tâm. Thời buổi này phải có ngoại ngữ mai này mới dễ phát triển được”. Những âm thanh thường nhật ấy vang lên cùng tiếng bát đũa lao xao cho một mâm cơm chiều đầm ấm...

Một buổi chiều cuối tuần, ráng đỏ hoàng hôn buông xuống thành phố biển. Lúc cả xóm đang tắm giặt, nấu nướng thì có tiếng xe taxi dừng ở cổng. Liên dừng nhặt rau ngẩng mặt lên ngỡ ngàng thấy bóng dáng phụ nữ thân quen đang bế theo đứa nhỏ bước xuống xe. “Vy đấy à?”, tiếng reo của Liên khiến những cái đầu thò ra khắp các cửa phòng. “Thúc ơi! Vợ con em xuống kìa”. Thúc chạy ra ngoài, trên tay vẫn còn cầm đôi đũa đang xào nấu dở. Lưng trần lấm tấm mồ hôi, Thúc lao ra ôm lấy vợ con mình. “Hai mẹ con xuống sao không nói để anh đón. Để bố bế Thóc xem có lớn không nào? Thóc có nhớ bố không?”. Tay bế con, tay xách đồ, Thúc như quên hết mọi thứ xung quanh. Mấy chị em chạy lại nắm níu lấy Vy. Người khen “về quê trắng trẻo, xinh hơn hẳn”. Người nói “Thúc dạo này khác xưa rồi, chỉn chu làm ăn lắm”. Người giục “đi đường xa chắc mệt, vào nhà tắm giặt nghỉ ngơi cứ để bố con nó ôm ấp lấy nhau cho đỡ nhớ”.

Vy tắm gội xong cảm giác dễ chịu quá. Cũng đã gần bốn tháng kể từ ngày ôm con rời xóm trọ. Bốn tháng đủ để vợ chồng nhìn lại, xem có còn cần nhau nữa hay không. Cũng đủ để vì nhau mà cố gắng sửa sang lại bản thân. Hôm nay trở lại xóm trọ lòng Vy nhẹ nhõm quá chừng. Lúc đứng ngoài sân lau cho khô tóc, Vy chợt nhìn thấy những bông hoa hồng khô vứt ngoài bãi rác trước cửa xóm trọ. Vy ngạc nhiên hỏi chị Liên:

- Ủa! Xóm mình giờ còn có người thích cắm hoa nữa sao?

- À! Hoa ngày phụ nữ Việt Nam của các ông chồng đó? Ai bảo em vắng mặt, lần sau nhận bù nha!

- Mà sao tự nhiên mấy ông ấy lại trở nên lãng mạn vậy?

- Là tại em không chịu cập nhật tình hình đấy. Xóm có cậu Trung mới về, biết quan tâm đến mọi người lắm. Nghe cậu ấy “chỉnh đốn” mấy ông mới chịu sửa sai đấy.

Xe rác đỗ xịch trước ngay cửa xóm. Chẳng mấy chốc những bông hồng khô đã được hót đi. Nhưng nó đọng lại trong kí ức của Vy một thứ gì mới lạ và lấp lánh. Ngay cả lúc ngồi ăn bữa cơm sum họp cùng chồng, những bông hoa ấy cứ hồi sinh tươi thắm, bung từng cánh mỏng, thoang thoảng tỏa hương trong suy nghĩ của Vy...

Vũ Thị Huyền Trang
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Chim di

Hoàng Anh Linh |

Nhà có vài ba công đất, làm mãi không đủ ăn. Những đứa con ông Thản lần lượt bỏ lên thành phố. Nhiều bữa nhìn căn nhà trống không hiu quạnh, ông Thản ngồi thừ người nhìn ra cánh đồng mía khô xơ xác, cứ lặng im suy tính, không biết nghĩ gì.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng:

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Truyện ngắn dự thi: Chim di

Hoàng Anh Linh |

Nhà có vài ba công đất, làm mãi không đủ ăn. Những đứa con ông Thản lần lượt bỏ lên thành phố. Nhiều bữa nhìn căn nhà trống không hiu quạnh, ông Thản ngồi thừ người nhìn ra cánh đồng mía khô xơ xác, cứ lặng im suy tính, không biết nghĩ gì.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng: