Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Trường hoàn thiện những “gạch đầu dòng” cho phương án thi công lắp đặt cánh van cửa xả lũ khi trời vừa hửng sáng. Cả đêm thức trắng, Trường tỉ mỉ tính toán rồi ghi chép từng con số vào cuốn sổ tay. Từ khi theo nghề cơ khí thì cây bút chì, cuốn sổ tay, chiếc máy tính luôn trong túi áo bảo hộ của anh. Trước đây, bố vẫn dặn "cẩn tắc vô áy náy" nên mỗi khi làm một công việc Trường thường cẩn thận khảo sát kĩ địa hình để đưa ra phương án tối ưu nhất.

Ông Công - bố của Trường từng được xí nghiệp tặng danh hiệu “bàn tay vàng” trong ngành xây dựng. Ông từng lắp đặt, căn chỉnh thiết bị của nhiều công trường nhiệt điện, thuỷ điện, xi măng... trên khắp cả nước. Thời gian ông ở công trường nhiều hơn ở nhà. Hồi Trường còn nhỏ, mỗi lần bố gửi thư về, Trường đọc thấy những địa chỉ khác nhau trên bì thư. Những vùng miền cùng những cái tên xa lạ: Sê San, Yaly, Pleikrong, Buôn Kuốp... Trường đọc thư cho cả nhà nghe mới biết đó là tên gọi những vùng ở Tây Nguyên. Nét chữ nghiêng ngả, giọng văn khô khan nhưng Trường vẫn mường tượng ra tiếng thác đổ bên những cánh rừng.

Một lần nghỉ hè, Trường được mẹ đưa vào công trường thăm bố. Bố ở cùng một chú người miền Trung trong căn phòng tập thể kê mấy chiếc phản làm chỗ ngủ. Dưới gầm phản, chiếc bếp ga mi ni, xoong, nồi, bát, đũa đặt trên mặt hòm đựng quần áo. Chiếc hòm là bếp cũng là chiếc bàn ăn cơm của bố và chú đồng nghiệp.

Dịp ấy, chú đồng nghiệp vừa chuyển đến công trình mới nên Trường ngủ ở chiếc phản ngay gần cửa sổ. Đêm về, Trường co quắp nhưng chiếc chăn ngắn mỏng chẳng thể bao bọc hết cơ thể trước những cơn gió lạnh miền rừng. Phía bên kia bố mẹ thủ thỉ nói chuyện với nhau. Trường nghe thấy tiếng thở dài của hai người. Cuối cùng, Trường cũng ru mình vào giấc ngủ bằng sự mệt mỏi của chuyến xe đường dài.

Trường bị đánh thức khi tiếng gõ kẻng bên ngoài dội về. Trường hé khung cửa sổ thấy vầng trăng soi sáng khoảng sân rộng ồn ào tiếng nói cười. Dưới ánh sáng của chiếc đèn cao áp, các anh công nhân đang ăn ngon lành gói xôi. Trên tay mọi người còn xách theo chiếc cặp lồng. Trường đoán đó là bữa ăn trưa nay của họ. Trường dõi theo những bóng người cho đến khi họ lên những chiếc xe rời khỏi sân xí nghiệp.

Một tiếng sau, những chiếc xe trở về thả những người công nhân quần áo bụi bặm xuống sân. Bố xoa bàn tay lên đầu Trường bảo rằng đó là những chuyến xe đưa người ca sáng đến và đón người ca đêm từ công trường về. Bố vừa nói với Trường vừa cài khuy chiếc áo bảo hộ. Bố đội chiếc mũ trắng loang lổ những vết xước rồi mở cửa đi ra khoảng sân chờ xe. Trường đi theo sau bố. Trường thấy trên những chiếc xe dán những bảng hiệu như những chiếc xe khách đường dài: đập tràn, hầm, cửa nhận nước, bãi gia công. Trên những bức tường bao quanh khu tập thể sơn những khẩu hiệu "Lao động là vinh quang", "Vinh quang thay những người xây dựng thuỷ điện"... Trường đọc những dòng chữ chợt nhớ đến nụ cười của chị công nhân khi bàn tay chị vô tình chạm vào dòng chữ "vinh quang".

Bữa cơm tối, bố nói chuyện với hai mẹ con Trường:

- Công trường có nhiều đội thi công các hạng mục công trình khác nhau. Mỗi đội chia thành nhiều tổ, mỗi tổ chia thành nhiều nhóm gia công lắp ghép các chi tiết khác nhau.

- Chi tiết, hạng mục nào là quan trọng nhất hả bố?

- Tất cả đều quan trọng. Từ xây dựng đến lắp ghép đều phải trở thành hợp thể thống nhất để tạo lên mối liên kết của công trình.

Ăn cơm xong, bố giở tờ bản vẽ thi công gióng chiếc bút chì theo từng nét vẽ rồi bấm máy tính ghi chép số liệu vào chiếc sổ tay.

Cầm tờ bản vẽ thi công của bố lên, Trường lật ngang xoay dọc, suy nghĩ mà không thể hình dung ra vật thể. Bố chỉ ngón tay vào tờ bản vẽ bảo nét đứt này là nét bị che khuất đi khi nhìn vào vật thể, đường có mũi tên hai đầu là đường gióng kích thước của vật thể... Đây là bản vẽ thể hiện những cánh van đóng mở điều tiết lượng nước của lòng hồ. Trong bản vẽ nhìn nó bé nhỏ còn thực tế sẽ to lớn và nặng hàng trăm tấn. Vài hôm nữa bố sẽ đưa hai mẹ con đến thăm công trường thi công.

Một sáng Trường theo bố đến công trường. Trường đứng trên mặt đập quan sát bố cầm cờ chỉ huy cho chiếc máy cẩu và đội thi công lắp đặt thiết bị. Những sợi cáp và những chiếc pa-lăng đã móc sẵn vào tấm van đợi lệnh. Bố thổi còi rồi giơ lá cờ lên trời, chiếc pu-li máy cẩu xoay vòng cuốn lại những vòng cáp nâng khối thiết bị rời khỏi mặt đất. Đến khoảng cách an toàn bố đưa ngang cánh tay vẫy lá cờ, chiếc máy cẩu reo lên tiếng chuông báo hiệu rồi chầm chậm di chuyển đưa cánh van vào vị trí lắp đặt. Bên dưới hố móng khe van, một nhóm thợ khác leo lên cánh van kéo xích pa-lăng. Tiếng búa gõ vào sắt thép lẫn trong tiếng người gọi nhau "hạ pa-lăng chút nữa, kích sang phải 5mm..."

Giờ nghỉ giải lao bố bảo Trường mang chai nước ngọt lên cho anh lái máy cẩu. Ngồi trên ca bin máy cẩu nhìn xuống dưới, Trường có cảm giác rờn rợn bởi độ cao. Ở quê Trường vẫn thường trèo cây hái cau giúp bà. Nhưng trên này cao gấp trăm lần cây cau cao nhất vườn.

Một lúc sau, Trường thấy bố lại phất lá cờ ra hiệu. Chiếc máy cẩu từ từ rung lắc di chuyển, móc cẩu tiếp tục nhấc khối sắt trụ thon dài khỏi mặt đất. Anh lái cẩu bảo đó là chiếc xi-lanh làm nhiệm vụ đóng mở cánh van của cửa xả cuối cùng. Khi cánh van khép lại phía thượng lưu sẽ trở thành lòng hồ rộng lớn. Nước ở lòng hồ sẽ được đường ống áp lực dẫn về làm quay tổ máy phát điện. Khi cánh van mở ra những thác nước sẽ ào ạt đổ. Lá cờ của bố lại phất lên báo hiệu đã hoàn thành công việc...

Cuối giờ làm, một chiếc xe ôtô đến công trường khi Trường đang nói chuyện cùng các cô chú công nhân. Bố bảo đó là xe của chỉ huy trưởng công trình. Người đàn ông bụng phệ đến bắt tay chúc mừng mọi người trong đội thi công. Trong câu nói nụ cười lẫn vào tiếng máy móc sắt thép, Trường nghe thấy thanh âm, thổ ngữ của mọi vùng miền trên đất nước. Trường cũng cảm thấy vui cùng niềm vui của những người thợ. Trường nghĩ "lớn lên nhất định sẽ theo nghề của bố để được đi đến nhiều nơi quen biết nhiều người."

Tối ấy, sau cuộc điện thoại, bố bảo mẹ thu xếp quần áo để sáng mai cả gia đình về quê chơi vài ngày. Bố vừa nhận được lệnh của cấp trên điều động đến một công trình mới còn nhiều khó khăn.

***

Trường và hai người đồng nghiệp co ro vì lạnh bên cạnh cái xác của Thức trên bốn chiếc phản gỗ xếp cạnh nhau. Khói hương quẩn quanh trong sự tù túng bởi tiếng gió bên ngoài thúc vào, cơn mưa trên đầu dội xuống, tiếng óc ách của dòng nước chảy qua dưới chân. Mấy nén hương vừa thắp đã tắt lịm. Trường đã gọi điện về công ty báo cáo tình hình. Sóng nước mênh mông chưa có dấu hiệu rút nên đội cứu hộ sẽ rất khó khăn để xác định và tiếp cận vị trí. Trường thở dài vì thương Thức chết rồi mà vẫn chịu cảnh mưa lạnh. Những tấm chăn mỏng của anh em trong phòng đã cuốn lên xác nó cùng những manh chiếu đơn ghép lại, nhưng chẳng thể che hết mưa giông đang quất lên xác nó như đòn roi.

Công trình nhỏ nên Trường vừa làm thợ vừa là người chỉ huy cho công trình. Trường thường vượt trăm cây số đường rừng về chi nhánh ngoài thành phố lĩnh lương, mua vật tư, thức ăn cho đội thợ thi công. Có lần, Trường suýt lao xuống vực sâu bởi trời mưa đường trơn. Sáng hôm trước, Thức vừa san sẻ cho Trường nửa gói mì tôm rồi hai anh em ra công trường làm việc. Buổi trưa mây đen đột ngột kéo về tối bầu trời, Trường cố hàn nốt mối ghép ống để chạy cơn mưa bỗng giật mình bởi tiếng nổ. Dưới chân cột điện, ngọn lửa từ chiếc tủ điện đang cháy sang cơ thể Thức. Trường và mấy anh em chạy đến hất cát dập lửa và làm biện pháp sơ cứu lay gọi nhưng tim Thức đã ngừng đập. Hôm ấy, mấy anh em nén đau thương bế Thức đưa về lán trong cơn mưa xối xả dội xuống.

Thức là em út trong mái lán tập thể nên nó vẫn nhún nhường nhận việc nội trợ cho mấy anh em. Buổi tối ăn cơm cùng nhau, Thức vẫn liếng thoắng kể vể những mùa lũ ở quê khiến những mùa nông vụ chẳng thể an yên. Nó vẫn ước sẽ có một đập thuỷ lợi được xây dựng trên quê hương để người dân không phải gánh gồng nỗi vất vả mỗi mùa bão lũ. Một lần, mấy anh em ăn mừng vì một hạng mục công trình vừa hoàn thiện, Thức nói với cả phòng: “Sau này, nếu có công trình ở quê em, em sẽ về làm việc góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương.” Trong men rượu, Thức kể về mối tình đầu với người con gái mang tên một dòng sông khiến Trường cũng day dứt với mối tình đầu ở quê. Trường thường làm việc ở những vùng miền thông tin liên lạc còn khó khăn nên người con gái ấy đã nhận lời làm vợ một chàng trai ngoài phố huyện. Người con gái trong mối tình đầu của Thức khiến Trường nhớ về những người bạn từng quen trên miền công trường.

***

Một buổi trưa, miền công trường chỉ còn tiếng muông thú mệt mỏi từ rừng vọng về. Trường khẽ mở cửa ra ngoài bể nước. Chiều qua, khu tập thể mất nước, Trường ra bể nước tắm nên quen một thằng cùng chạc tuổi. Thằng bạn mới quen bảo sẽ cho Trường "lên rừng xuống suối" khám phá cảm giác sống với cao nguyên. Trường biết tên thằng cao gầy đen đúa khi nghe đứa con gái đi cùng tên là Di Linh gọi nó là Sê San. Thằng Sê San giải thích rằng tên bố mẹ đặt cho những đứa trẻ ở đây thường gắn với ký ức của những dòng sông hoặc một miền công trường bố mẹ chúng nó quen nhau. Trên miền công trường này cũng có nhiều đứa trẻ nhưng hôm nay bọn nó bị bố mẹ nhốt ở nhà vì trời nắng to.

Trường và hai đứa bạn mới quen ngược dốc đi về phía cánh rừng. Thằng San hái đầy túi bóng những quả trâm chín. Nó bốc một nắm quả trâm đặt vào bàn tay Trường. Lần đầu tiên Trường cảm nhận vị ngọt chát tan trong khoé miệng của thứ quả lạ. San mấp máy bờ môi tím bởi những quả trâm rủ cả nhóm đi tắm suối.

Dòng nước suối trong veo mang theo lá khô, hoa rừng len qua những phiến đá hoà vào dòng Sêrêpôk. Thằng San mài thứ quả màu đen tròn trịa như chiếc bánh quy lên tảng đá rồi áp vào tay khiến Di Linh nhúng vội tay suống suối, tay kia cấu thằng San một cái. San lại mài lên tảng đá áp vào tay khiến Trường cũng nhúng vội tay xuống nước bởi sự bỏng rát. San đặt vào bàn tay Trường bảo tặng mày làm kỷ niệm không biết tên là gì nên gọi là “quả nóng”.

Trên đường về nhà, Trường với tay định ngắt một bông hoa dại nhưng chợt giật mình khi nghe thấy tiếng sột soạt trong vòm lá khô. Trường reo lên "con thằn lằn màu đỏ đẹp quá". Con vật thấy động rời vòm lá khô bỏ chạy. Thằng San cằn nhằn "con kỳ nhông đó" rồi đuổi theo. Di Linh lặng lẽ đi bên cạnh Trường. Bất giác Di Linh đưa thứ quả hình dáng như quả cầu cho Trường. Giọng của Di Linh nói nhỏ nhẹ pha lẫn giọng nói của người miền Bắc và miền Trung. "Tặng Trường nè, quả chò nâu đó, tung lên nó sẽ xoay tròn như cuộc sống có những đổi thay. Nhưng nhìn nó nhẹ nhàng tiếp đất sẽ thấy cuộc sống bình yên." Vài hôm sau, Di Linh mời Trường đến nhà dự buổi chia tay. Di Linh sắp theo bố mẹ chuyển đến miền công trường mới.

Đôi mắt của những người bạn đỏ hoe khiến Trường cũng buồn theo. Trường chợt nhớ lúc San đèo Trường ra phố huyện mua quà tặng Di Linh. San nói với Trường bằng giọng buồn như sắp khóc: “Những đứa trẻ trên miền công trường này thường tổ chức những buổi chia ly thay cho những dịp sinh nhật”.

Đêm ấy, nằm bên khung cửa sổ Trường ngước nhìn những vì sao trên trời nghĩ đến cái nắm tay của Di Linh. Lúc nhận quà bàn tay Di Linh cố tình giữ lại trên bàn tay Trường như muốn nhắn nhủ điều gì đó. Đất trời rộng lớn có khi nào những đứa trẻ sẽ gặp lại nhau trên một miền công trường mới? Trường sẽ gặp được lại Di Linh? Có lẽ vì câu hỏi đó mà Trường đã chọn theo nghề của bố dù biết cuộc sống nay đây mai đó sẽ nhiều vất vả. Nhìn thằng Thức nằm lạnh lẽo Trường vừa thương vừa nhớ đôi tay run rẩy khi nó học lái máy xúc. Chiếc máy xúc ngoài việc đào xới còn kiêm luôn cả việc cẩu kéo thiết bị cho đội thi công của Trường. Giờ chỉ còn chiếc máy xúc là vững ý chí trong cơn mưa bão.

Ngoài trời vọng đến tiếng loa của đội cứu hộ thông báo có nhiều ghềnh đá nên chiếc ca nô không thể đến gần hơn. Trường cùng đồng nghiệp khênh Thức dò dẫm theo dòng nước đến chiếc máy xúc. Trường hạ gầu máy xúc ra hiệu cho anh em ngồi vào gầu rồi lái chiếc máy xúc lao về phía chiếc ca nô trong tiếng mưa ràn rạt gõ vào ca bin. Hai chiếc bánh xích xé dòng nước lao đi, ống khói phun lên màu đen đặc. Chiếc xe đột ngột chết máy khi cách đội cứu hộ một quãng xa. Trường khởi động lại máy nhưng chiếc máy xúc chẳng thể di chuyển. Anh gạt cần điều khiển vươn hết sải tay cần về phía đội cứu hộ rồi hạ gầu sát mặt nước. Trường mặc áo phao và buộc sợi dây thừng đội cứu hộ vừa quăng đến vào người rồi bơi đến dìu từng người bơi về phía đội cứu hộ. Nước bắt đầu tràn vào khi chỉ còn cái xác của Thức nằm lạnh lẽo trên gầu máy xúc. Trường nhoài người vớt một thân cây khô. Anh cởi sợi dây thừng buộc chặt cái xác với thân cây rồi bám vào thân cây bơi về phía đầu dây đang được níu giữ bằng sức kéo của đội cứu hộ. Đưa được anh em lên ca nô Trường ngất lịm vì kiệt sức.

***

Chiếc thuyền du lịch đưa đoàn cán bộ nhà máy cùng nhà thầu ngược dòng sông thăm quan lòng hồ thủy điện. Bốn mươi tuổi, Trường là người đội trưởng trẻ nhất nhưng cũng là gã độc thân già nhất công trình. Trên chiếc thuyền đang chênh chao với sóng, cô gái đối diện tháo bỏ chiếc khẩu trang khiến Trường nhận ra khuôn mặt quen cùng đôi mắt đen tròn như dáng hình của quả chò nâu xoay vần. Trường nghe thấy tiếng những con sóng vỗ vào sườn núi dịu dàng như nhịp đập trái tim...

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo. Hoặc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh.

 
KIỀU XUÂN QUỲNH
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng:

Truyện ngắn dự thi: Nắng qua kẽ lá

LAO ĐỘNG |

- Cháu bé bị tim bẩm sinh rồi, chị không nên giữ lại cháu nữa. Tốt nhất gia đình xác định không thể sinh bé này được nhé!

Tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Chị ôm bụng bầu năm tháng, ngã quỵ ngay trước sảnh. Lần thứ ba chị nghe tin dữ về đứa con của mình. Năm tháng, bụng đã rất to, đứa trẻ cũng đã cứng cáp nhiều. Chị cứ ngỡ lần này, mọi việc sẽ êm xuôi, hai vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón thiên thần đầu lòng. Nhưng ông trời, có lẽ đã không thương chị, không cho đứa trẻ được chào đời trong ngôi nhà ấy. Chị không thể khóc được nữa, hai đầu gối rung lên bần bật.

Truyện ngắn dự thi: Nghiệp đá

Quốc Việt |

Trong ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, lối đi dẫn vào núi Ông Trịnh có hai người đang sống. Một ông già tuổi đã hơn bảy mươi, gương mặt khắc khổ và một cậu con trai mới ngoài ba mươi cũng già trước tuổi. Người đi ngang qua vẫn thường nhìn thấy ông già ngồi trước nhà, lầm bầm nói chuyện với con chó đang nằm vẫy đuôi bên cạnh.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Khởi công gói thầu 2.630 tỉ đồng thi công 2 tuyến giao thông sân bay Long Thành

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Gói thầu 6.12 có giá trị hợp đồng hơn 2.630 tỉ đồng thi công hai tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành là tuyến số 1 và tuyến số 2 đã chính thức được khởi công sáng ngày 14.7 tại xã Long Phước, huyện Long Thành, dự kiến thời gian thi công là 885 ngày.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng:

Truyện ngắn dự thi: Nắng qua kẽ lá

LAO ĐỘNG |

- Cháu bé bị tim bẩm sinh rồi, chị không nên giữ lại cháu nữa. Tốt nhất gia đình xác định không thể sinh bé này được nhé!

Tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Chị ôm bụng bầu năm tháng, ngã quỵ ngay trước sảnh. Lần thứ ba chị nghe tin dữ về đứa con của mình. Năm tháng, bụng đã rất to, đứa trẻ cũng đã cứng cáp nhiều. Chị cứ ngỡ lần này, mọi việc sẽ êm xuôi, hai vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón thiên thần đầu lòng. Nhưng ông trời, có lẽ đã không thương chị, không cho đứa trẻ được chào đời trong ngôi nhà ấy. Chị không thể khóc được nữa, hai đầu gối rung lên bần bật.

Truyện ngắn dự thi: Nghiệp đá

Quốc Việt |

Trong ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, lối đi dẫn vào núi Ông Trịnh có hai người đang sống. Một ông già tuổi đã hơn bảy mươi, gương mặt khắc khổ và một cậu con trai mới ngoài ba mươi cũng già trước tuổi. Người đi ngang qua vẫn thường nhìn thấy ông già ngồi trước nhà, lầm bầm nói chuyện với con chó đang nằm vẫy đuôi bên cạnh.