Truyện ngắn dự thi: Chim di

Hoàng Anh Linh |

Nhà có vài ba công đất, làm mãi không đủ ăn. Những đứa con ông Thản lần lượt bỏ lên thành phố. Nhiều bữa nhìn căn nhà trống không hiu quạnh, ông Thản ngồi thừ người nhìn ra cánh đồng mía khô xơ xác, cứ lặng im suy tính, không biết nghĩ gì.

Ông tên Thản. Người anh của ông tên Thanh. Lúc sinh ra ông bà nội đặt tên hai anh em là Thanh, Thản thầm mong hai thằng cháu sau này có cuộc sống yên ổn. Năm hai mươi tuổi, chán cảnh quê nghèo, ông Thanh trốn theo người ta đi làm kinh tế mới, đi biệt tích hẳn hai mươi mấy năm quay về xây cái nhà to sụ nhất vùng. Ông Thản thì trái ngược. Cái nhà mái ngói ở quê tuy đủ chỗ ăn chỗ ngủ nhưng cả đời làm nông dân nên túi chẳng có tiền. Chẳng có tiền thì cũng bằng không. Vợ mất sớm, nhiều lần ông Thản phải qua nhà anh mình vay mấy đồng bạc cho ba đứa nhỏ đi học. Mà nước cứ xô chỗ trũng, các con ông cũng mang cái gen chẳng giỏi giang gì. Đứa siêng năng nhất là con gái út cũng chỉ đến lớp chín là bỏ học.

Hai anh em Thanh, Thản đến khi đầu hai thứ tóc lại xem nhau như người dưng nước lã. Ông Thản cứ vay rồi trả, vay đi vay lại đến hơn chục lần thì ông Thanh nổi cáu. Ông Thanh quăng cọc tiền lạnh lẽo lên bàn, lạnh nhạt bảo: “Chú mang về mà lo cho các cháu. Đừng đến hoài, bận lắm!”. Ông Thanh và vợ lạnh lùng đi lướt qua, leo lên con ô tô bóng loáng rời đi mất. Ông Thản ngồi sững sờ, chợt hiểu rồi tần ngần lặng lẽ bỏ về. Xấp tiền mới cứng còn nguyên trên bàn. Ông không lấy. Ông lặng lẽ về nhìn mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, bất giác nhớ cái mùi nằng nặng hăng hắc của tiền. Còn gần tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch mía. Nghe đâu năm nay mưa nhiều nên mía rẻ như cho không. Chẳng biết nói cùng ai nỗi lòng mình. Ông Thản tự giận mình, đấm thùm thụp vào cây cột nhà đến mức đỏ nhức cả tay.

Thằng anh cả năm nay mới vừa mười chín tuổi. Mấy năm nay nó vẫn phụ ông Thản làm nông, gieo trồng, cuốc đất. Nó nghe phong phanh người ta kể chuyện tiền nong và thái độ của ông Thanh với cha mình, nó giận dữ đứng giữa cánh đồng chém loạn xạ vào những bụi mía rậm rạp suốt một buổi chiều. Hèn chi bấy lâu nay không thấy cha nó lui đến nhà ông Thanh chơi nữa. Đêm đó, nó tắm rửa kỳ cọ suốt một tiếng đồng hồ. Móng tay móng chân của nó cũng đã sớm đóng phèn cáu vàng, nó lấy chanh chà mãi không trắng nổi. Cha nó lúc nào cũng chân lấm tay bùn hèn gì mới có cớ cho người ta khinh. Vậy mà trước đây cha nó kể cho nó nghe rằng ông Thanh lúc nhỏ thương ông lắm. Nó xối nước ào ào như muốn xối đi hết nỗi uất ức. Sáng hôm sau nó cuốn quần áo trèo lên xe đò đi mất. Lúc ông Thản thức dậy, nó đã đi rồi.

Nó bỏ đi rồi, chẳng còn ai phụ thu hoạch mía. Thuê nhân công thì đắt, bán mía xong trả tiền nhân công chắc chẳng còn mấy đồng không đủ ăn cho đến mùa tới. Thằng con trai giữa và đứa con gái út phải cùng ông thu hoạch. Hai đứa nó đầu óc đơn giản nhưng có cái siêng để bù lại. Mấy công mía chặt hoài không hết. Ba cha con mất bốn năm ngày mới đem được hết mía lên vệ đường. Xe thồ của nhà máy tới, ông và chúng nó cùng đi theo đo lượng đường. Ông buồn buồn ngồi nhìn cái máy điện tử hiện ra số 6. Mía mùa mưa không ngọt vì vậy giá rẻ như cho. Cầm sấp tiền ít ỏi, ông Thản chỉ dám ghé vào quán ven đường mua cho hai đứa hai phần cơm có thịt. Còn ông cố nuốt dĩa cơm trứng chiên rẻ nhất, khô không khốc. Ông vừa nhai trệu trạo vừa nghĩ về những ngày sắp tới.

Lâu lắm mới thấy thằng anh cả gọi về, bảo đã xin được việc làm công nhân cơ khí trên thành phố. Mỗi tháng, nó gửi về cho ông vài ba triệu để dằn túi. Thi thoảng nó báo tin về, nó vẫn bảo rằng nó ổn. Lúc còn ở đây, nó gầy nhẳng, lúc nào cũng dang nắng nôi nên đen đúa như cục than. Ông Thản chưa bao giờ lên thành phố, không biết nó sống sao. Trên đó cái gì cũng mắc không biết nó ở đâu, nó có tiền ăn không. Lúc đi trong túi nó cũng chẳng biết có bao nhiêu tiền. Từ nhỏ nó đã ra dáng một thằng con trai biết lắng lo, chịu đựng. Những ngày không làm ruộng, nó đi chài cá, đặt trúm bắt lươn đem ra chợ bán. Nó tự kiếm tiền tích cóp từng chút một. Bây giờ nó làm cơ khí, cả ngày chỉ ngồi một chỗ trong xưởng đeo kính hàn xì. Ăn ở công ty lo. Ông gục gặc đầu, tạm yên tâm một chút nhưng cũng chẳng biết hình dung thế nào.

Thằng con trai giữa cũng giống tính anh. Thấy nhà ngặt quá, nó cũng lang thang đây đó làm mướn kiếm tiền. Ai thuê gì nó cũng làm. Nó không trầm tính như thằng anh mà sôi nổi và hoạt bát. Có được bao nhiêu tiền, nó đưa cho ông tất cả, chẳng bao giờ thấy nó ở nhà. Đùng một cái, ông phải lên xã bảo lãnh nó về khi nó cùng đám thanh niên xấu trong làng đi ăn trộm sắt thép ở một công trình. Ông Thanh cũng biết chuyện. Ngày ông Thản lên chở nó về, đi ngang nhà ông Thanh, ông Thanh đứng ở cửa với theo gọi mãi. Ông Thản làm như câm điếc cứ cắm cúi đạp xe. Về nhà không biết nghĩ gì, ông cầm roi trút giận lên thằng con một trận. Không câm lặng như thằng anh, nó vừa ăn miếng trả miếng vừa trách cha không hiểu mình. Ông Thản buông cái roi trong tay, loay hoay như vừa làm chuyện gì lầm lỗi. Sau đêm đó, cũng như thằng anh, nó cuốn gói đi biệt tăm biệt tích khỏi cái quê nghèo.

Lên thành phố, mãi đến tháng sau nó mới liên lạc về. Nó bảo đã xin được việc làm trong một khu công nghệ cao. Công việc của nó là lắp ráp vi mạch điện tử, bảo hiểm, chế độ cũng ổn. Chỗ nó ở là một khu ký túc xá của công nhân. Ở xa chỗ làm nhưng được cái có xe đưa rước. Không biết công việc nó có vất vả không nhưng hình như nó đã quên chuyện cũ.  Ông Thản nghe nó nói cũng gật gù. Thôi kệ, mảnh đất nghèo không giữ được mãi chân chúng nó. Chúng nó còn trai tráng, ra đời bay nhảy lo cho tương lai. Miễn là chúng nó có công ăn việc làm đàng hoàng và không hư hỏng. Cả đời ông Thản cứ ôm mảnh đất già nua làm mãi cũng không đủ ăn lấy gì lo cho con cái. Nhìn những vết đất nứt bạc màu, trên đầu trời nắng chang chang, ông Thản cứ đứng mông lung bất động. Con bé gái gọi ông về ăn cơm. Nó sợ ông say nắng, bẻ một tàu lá chuối che chắn cho ông Thản suốt một đoạn đồng.

Nhiều lần, nhiều mùa, nhiều năm trôi. Ông Thản thấy khổ quá. Mảnh đất xa xôi nắng gió chỉ biết trồng mía ,mùa nào thắt lưng buộc bụng lắm mới dư dôi ra được vài đồng. Một vài người bạn rủ rê ông Thản lên thành phố đi làm bảo vệ kiếm chút tiền, vừa trang trải cuộc sống vừa ở gần con cái. Chứ nhìn cái thực tại này, chua chát quá. Mấy bữa ông gấp gọn xấp đồ, định lên thành phố thăm hai thằng con nhưng suy đi tính lại vẫn ở nhà. Tự nhiên cái kẻ suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ông cảm thấy sợ thành phố. Kỳ lạ thiệt, ông đã lên đó bao giờ đâu. Đôi lần ra tỉnh, thấy nhà lớn, người xe qua lại đông quá, cũng thấy ngần ngại. Con bé hỏi ông ngại gì, ông trả lời rằng ông cũng không biết. Tự dưng thấy ngại vậy thôi. Con bé tủm tỉm cười như nó hiểu trong lòng ông nghĩ gì. Mấy nay, nó cũng xin vào làm trong một công ty nông sản cách nhà bảy tám cây số. Công việc hàng ngày của nó là phân loại và đóng gói trái cây rau củ. Đồng lương ít ỏi chẳng được là bao nhưng coi như cũng tạm ổn.

Rồi bất ngờ thằng con cả bị tai nạn lao động. Khi vận hành máy móc, một sai lầm trong khâu lắp đặt đã khiến chiếc máy quay đột ngột nghiền nát cẳng chân bên phải của nó. Ông Thản nghe tin báo về cả người bủn rủn. Không kịp ăn cơm, ông vội vàng quơ đại ít quần áo bắt xe lên thành phố. Trên đoạn đường gần hai trăm cây số, ông Thản cứ loay hoay nhấp nhổm. Ông cứ giục tài xế chạy nhanh chạy nhanh. Nhớ tới thằng con đáng thương mắt ông cay lên đỏ thẫm. Lòng ông quặn lại, đôi bàn tay chai phèn vàng xỉn cứ bấu vào nhau nhấp nhổm không biết phải làm gì. Trong túi ông chỉ có ít tiền, không biết lên tới chỗ có đủ trả tiền viện phí không. Không biết thằng nhỏ bây giờ ra sao... Con bé lo cho cha mình, cứ cách một tiếng nó lại gọi hỏi xem ông đã đến đâu rồi. Cho đến khi chiếc xe vào bến, ông Thản lao xuống nhanh như một luồng ánh sáng, leo vội lên xe ôm chạy hướng về bệnh viện.

Chân phải của thằng con trai cả đã bị cưa cụt đến đầu gối. Nó nằm thiêm thiếp, cơn đau và thuốc mê khiến nó vẫn chưa tỉnh lại. Sau khi thức dậy không biết tâm trạng nó sẽ như thế nào. Ông Thản lo. Trong đêm ở bệnh viện đầy mùi ê-te nồng nặc sộc lên mũi, ông Thản ngồi gục đầu như một bức tượng đau khổ, bất lực mệt nhoài. Đôi chân là quan trọng của đời người. Ông sợ khi nó tỉnh dậy nó sẽ không chấp nhận được hiện thực. Từ nhỏ tới lớn nó chưa có ngày nào được sung sướng. Nó còn trẻ, còn tương lai. Vậy mà... Ông buồn rười rượi nhìn đôi chân mình bám đầy cái phèn vàng vàng cáu bẩn. Cơn mệt mỏi rã rời khiến ông thiếp đi. Khi thằng con trai cả tỉnh dậy, điều nó thấy đầu tiên là hình bóng người cha già xác xơ đang ngồi dựa đầu thành giường. Nó cũng phát hiện chân phải của mình chỉ còn một nửa. Nó không thể không tin rằng từ nay nó trở thành người tàn phế. Nó cố nén cơn đau vật vã về tinh thần và thể xác. Nếu không có ông Thản ở đây, có lẽ nó đã khóc tu tu như một đứa trẻ.

Vì sự cố không mong muốn, thằng con trai cả cũng có được ít tiền nhờ bảo hiểm và một phần của ông ty vỗ về an ủi. Toàn bộ viện phí cũng là phía công ty chi trả. Ngày nó theo ông Thản trở về quê, nó chống nạng đi bước thấp bước cao khập khiễng. Nó cứ thỉnh thoảng ngoái lại nhìn về phía sau lưng là thành phố. Nó mới hai mươi sáu. Nó vẫn còn ở độ tuổi thanh xuân trẻ khỏe. Bảy năm trước, nó đến đây với bao nhiêu khát vọng. Bây giờ rời đi, trong tay nó chỉ có ít tiền. Cay đắng thay đó lại là đồng tiền đổi cho cái chân tật nguyền. Mà tiền thì biết bao nhiêu là đủ. Thứ đang chờ nó ở quê là cánh đồng hoang vắng, là cái nghèo vẫn luôn thường trực. Thằng con trai giữa cũng đến tiễn anh. Nó dúi vào tay ông Thản ít tiền bảo cha về lo việc nhà. Nó vẫn gầy nhưng trắng hơn hồi đó, cũng có vẻ hiểu chuyện hơn. Nó ra tiễn hai người một cách vội vàng rồi phải về để làm tiếp ca đêm. Nó đứng buồn buồn nhìn mãi theo xe. Bóng nó chìm khuất sau những tòa nhà cao tầng. Đoạn đường hôm ấy sao dài quá. Thằng con trai cả chỉ ngồi nhìn ra cửa xe không nói với ông Thản một câu nào.

Về nhà, thằng con trai cả lại càng trầm tính hơn. Nó không bao giờ chịu ngồi im một chỗ dù vết thương của nó vẫn chưa lành. Không cam tâm, nó lãnh lục bình khô về đan thành giỏ. Mỗi giỏ được 25 ngàn. Một ngày nó đan hai giỏ là hết mất thời gian. Nó buồn lắm nhưng biết làm gì hơn. Khi chân đã lành, nó cũng theo ông ra đồng, ngồi lê lết cặm cụi phụ ông bó mía. Nhưng cái chân khiếm khuyết cản trở rất nhiều thứ. Nó chưa làm quen được. Nó dần trở nên cọc cằn nóng nảy. Ông Thản chỉ biết im lặng chứ chẳng biết phải khuyên nó cái gì. Nhiều lần con bé gái an ủi anh mình. Nó bảo anh cứ dưỡng cho khỏe lại, mọi chuyện trong nhà cứ để em lo. Thằng anh nghe xong vừa thương vừa tự trách mình, nó không cáu bẳn nữa mà im ỉm như chiếc bóng trong nhà.

Một ngày có mấy cán bộ từ đâu xuống tới quê ông Thản. Nghe nói họ trên huyện xuống, vận động người dân chuyển đổi sang loại cây trồng kinh tế cao. Trong số họ có có cả kỹ sư và những nhà khoa học. Thì ra huyện đã mạnh dạn quy hoạch lại vùng sản xuất, tập trung các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng và tạo đầu ra cho nông sản. Nghe bảo một doanh nghiệp lớn sẽ bao tiêu đầu ra và hỗ trợ người dân mua được nguồn cây giống chất lượng. Và cũng nghe bảo sau này lại còn xuất khẩu đi nước ngoài nữa. Con bé gái nghe xong cũng khuyên ông là đúng. Nó làm trong công ty nông sản, cũng biết chút ít về tình hình trồng trọt đó đây. Nó bảo rằng thời nay người ta làm nhà nông cũng như làm kinh tế, phải thay đổi xoành xoạch chứ không thể bảo thủ làm theo cách truyền thống mãi. Cha trồng mía đường bao nhiêu năm nghèo vẫn hoàn nghèo. Ông nằm gác tay lên trán, lo nghĩ đến mức tim đánh trống thình thịch. Mảnh đất chuyên canh mía đường heo hút này thật sự trở mình được sao, ông không dám nghĩ. Ông chỉ mơ được giống y những gì mà những kỹ sư đã nói. Cả một đời nghèo khó, ông Thản chỉ mong sau này trồng được cây gì đó hợp đất, được giá có chút tiền dư dành dụm dưỡng già, để không làm khổ mấy đứa con. Nhưng tiền đâu để mua cây giống. Ông nghe nói công ty của họ có hỗ trợ cây giống và trả chậm trong ba năm. Nhưng lỡ có gì ông biết lấy đâu ra mà trả. Từ sau ngày ở nhà ông Thanh, ông Thản không bao giờ muốn nợ nần ai nữa. Thằng con cả bây giờ đã như thế, con gái út thì luôn vất vả gánh gồng. Ông nghĩ lan man rồi nhớ đến thằng con trai giữa đang xa xứ. Từ ngày thằng anh gặp tai nạn, nó hùng hục tăng ca để kiếm thêm chút tiền gửi về nhà. Đêm vội vã trôi. Những tia nắng sớm mai hắt qua hiên nhà thành muôn hình vạn trạng. Cuộc sống đâu bao giờ ở yên một chỗ mà vẫn luôn biến đổi liên hồi.

Thằng con trai cả cũng nghe ngóng được chuyện đó. Mấy ngày liên tiếp nó trở nên thẫn thờ như đang nghĩ gì ghê lắm. Mặc kệ cái chân khập khiễng, nó cứ đi ra đi vào. Nhìn thấy ông Thản thở dài trong đêm, nó nhắm mắt lại nhưng không ngủ. Trong đầu le lói lên những suy nghĩ khác thường. Ông Thản không dám liều, nhưng nó thì liều. Có chuyện gì sợ hơn những chuyện nó từng trải qua. Nó tự quyết định và có câu trả lời cho riêng mình.

Sáng hôm sau thằng con trai cả mở tủ lấy ra xấp tiền. Đó là số tiền năm ngoái nó cầm về từ thành phố, là số tiền mấy năm nó dành dụm và bao gồm cả tiền bảo hiểm mà người ta đã chi trả khi nó mất đi nửa chân bên phải. Nó nói :

- Cha cứ lấy thích làm gì thì làm!

Thì ra nó biết ông Thản đang nghĩ ngợi về cái chuyện bỏ mía đường chuyển sang trồng khóm theo lời vận động của đoàn kỹ sư hôm nọ. Đó là giống khóm MD2 năng suất cao. Nếu tuân theo quy trình trồng trọt để cho ra quả khóm sạch thì doanh nghiệp sẽ bao tiêu đầu ra và xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Nghe cũng có lý lắm. Ông Thản cứ cầm tiền lên rồi đặt xuống. Một phần vì sợ, một phần vì thương thằng con. Những đồng tiền ấy đánh đổi bằng sự bất hạnh của nó. Thằng con cả đoán được tâm ý của ông Thản. Nó gay gắt chê ông cù lần. Nỗi lo sợ cứ luôn quẩn quanh ông suốt cả đời, bởi vậy mới nghèo. Thằng con giữa cũng gọi điện về ủng hộ và nói sẽ gửi cho ông thêm một ít tiền làm vốn. Ông run run định từ chối nhưng thằng con cả trừng mắt nổi đóa nhìn ông bắt buộc ông phải nhận. Ông Thản lật đật bỏ xấp tiền vào túi, rồi quơ cái nón cũ mèm tất tả đi ra ngoài.

Ngày chiếc xe tải chở cây khóm giống chạy tới trước ruộng. Người ta đứng chờ đông lắm. Không chỉ ông Thản, tất cả những người dân ở vùng quê xa vắng đều một lần muốn liều lĩnh để thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Cũng ngày đó, trong sự hân hoan chờ đợi của ông Thản, ông Thanh cũng có mặt. Ông Thanh đột nhiên kéo ông Thản lại một góc, ngỏ ý muốn để ông Thản trồng trọt luôn lên mấy công đất ngày xưa là phần của ông Thanh bỏ hoang mấy chục năm nay ông không thèm ngó tới. “Chú cứ trồng thoải mái, khi nào các con tôi cần lấy đất, tôi sẽ báo trước. Tôi thấy lần này có hi vọng lắm. Chuyện cũ bỏ qua tôi với chú cũng già rồi... ”. Ông Thanh vỗ vỗ bàn tay múp míp của mình vào đôi vai gầy xương của ông Thản. Ông Thản sững sờ không thể tin vào tai mình. Chỉ vì một câu nói đó, hai ông Thanh, Thản như trở lại mấy chục năm về trước. Thằng con trai cả ngồi quắc mắt nhìn. Nó luôn có thành kiến với ông Thanh nhưng bây giờ ông Thanh lại nhiệt tình động viên cha nó. Ôi thì cuộc đời, ai biết được.

Vụ đó, ông Thản và thằng con cả tập trung trồng khóm không dám sai sót một khâu nào từ hệ thống tưới tiêu, bón phân hữu cơ và theo dõi sự phát triển của cây khóm. Mỗi ngày, hai cha con đứng nhìn cánh đồng mênh mông kéo dài bát ngát, những trái khóm dần trồi khỏi đất rồi tròn trĩnh lớn lên xanh tốt từng ngày. Mùa thu hoạch, ông Thản vỡ òa khi mấy công đất lồi lõm bấy lâu lại thu được gần 30 tấn khóm. Đạt chuẩn Vietgap, công ty thu mua với mức giá hơn năm ngàn đồng/kg. Những trái khóm khi về nhà máy sẽ được chọn lọc đóng hộp rồi bay sang tận trời Âu. Hai cha con đứng nhìn theo đoàn xe chở khóm dần trôi xa. Ông Thản mừng ứa nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, trừ tiền cây giống, tưới tiêu, phân bón, ông Thản mới có được nhiều tiền như thế. Ông cứ đếm đi đếm lại mãi khiến thằng con cả cũng thấy bực mình. Đêm khuya nó thức dậy mấy lần vẫn thấy ông Thản ngồi ngơ ngẩn với cái cục tiền.

Từ đó, mảnh đất lúc nào cũng được phủ xanh ngời ngời. Thằng con cả cũng đang tìm hiểu và áp dụng  kỹ thuật nuôi lươn trong bể không bùn. Nó hào hứng lắm. Đứa con gái nay cũng đã lớn, nó vừa khoe được tăng lương và đang được cân nhắc lên làm thủ kho chế biến nông sản. Còn thằng con trai giữa, nó cũng gọi báo tin vui rằng nó đã được lên chức tổ trưởng sản xuất. Nó sẽ đảm nhận vận hành quy trình sản xuất, ổn định hàng hóa, xử lý sự cố và phân công công việc cho công nhân bình thường. Nhiệm vụ nhiều hơn trước nhưng nó quyết tâm lắm. Nó không còn là thằng nhỏ nghịch ngợm của ngày nào mà là một anh công nhân chăm chỉ được trọng dụng. Nó bảo cuối tháng nó sẽ về, sẽ chiêm ngưỡng cánh đồng bất tận nay đã thay hình đổi dạng. Ông Thản xúc động ngồi nghe nó nói. Những đứa con của ông năm ấy thực sự đã trưởng thành rồi.

Những đàn chim sắp thành hình vòng cung bay lẩn vào những đám mây trên bầu trời. Cuộc đời những đứa con và cả ông Thản như những cánh chim di, bay không ngừng nghỉ hướng đến những nơi đầy tương lai trú ngụ. Ông Thản cười xòa hạnh phúc. Thì ra cũng có một ngày, ông được thanh thản như cái tên của mình.

Hoàng Anh Linh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng:

Truyện ngắn dự thi: Vệt sáng cuối đường

LAO ĐỘNG |

Cứ đến ngày hôm nay là mẹ lại dậy thật sớm, xuống bếp nhóm lửa, vo gạo nấu một nồi cơm nếp, rồi vừa ngồi đun vừa hờ khóc. Mẹ khóc nhưng nước mắt không chảy ra một giọt nào, có lẽ nước mắt cũng đã cạn. Chỉ thấy gương mặt mẹ hằn sâu thêm những vết nhăn như những vết nứt của ruộng mạ mùa khô hạn. Mẹ vừa khóc vừa hờ, mẹ hờ những lời kể lể không bao giờ vơi. Năm nào cũng vậy, vẫn những lời ấy, không thay đổi.

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Truyện ngắn dự thi: Xóm công nhân

lao động |

- Cầm nắm tiền của mày đi chỗ khác, con tao không cần những đồng tiền dơ bẩn này.

Vừa nói, hắn vừa cầm xấp tiền, tháo dây thun và quăng vèo xuống sông. Những tờ tiền nhẹ hều, theo gió bay lả tả xuống con sông trước nhà. Mặt sông đang phẳng lặng, nhưng cứ thế từ từ trôi. Chị đứng trên bờ, nước mắt giàn giụa. Chị muốn ào xuống sông, vơ vét những tờ tiền còn trôi nổi, nhưng ngặt nỗi chị không biết bơi. Xuống tới đó kiểu gì chị cũng chết trôi trước khi lấy lại được tiền. Bất lực, chị đứng gào trong vô vọng:

Truyện ngắn dự thi: Vệt sáng cuối đường

LAO ĐỘNG |

Cứ đến ngày hôm nay là mẹ lại dậy thật sớm, xuống bếp nhóm lửa, vo gạo nấu một nồi cơm nếp, rồi vừa ngồi đun vừa hờ khóc. Mẹ khóc nhưng nước mắt không chảy ra một giọt nào, có lẽ nước mắt cũng đã cạn. Chỉ thấy gương mặt mẹ hằn sâu thêm những vết nhăn như những vết nứt của ruộng mạ mùa khô hạn. Mẹ vừa khóc vừa hờ, mẹ hờ những lời kể lể không bao giờ vơi. Năm nào cũng vậy, vẫn những lời ấy, không thay đổi.