Truyện ngắn dự thi: Vệt sáng cuối đường

LAO ĐỘNG |

Cứ đến ngày hôm nay là mẹ lại dậy thật sớm, xuống bếp nhóm lửa, vo gạo nấu một nồi cơm nếp, rồi vừa ngồi đun vừa hờ khóc. Mẹ khóc nhưng nước mắt không chảy ra một giọt nào, có lẽ nước mắt cũng đã cạn. Chỉ thấy gương mặt mẹ hằn sâu thêm những vết nhăn như những vết nứt của ruộng mạ mùa khô hạn. Mẹ vừa khóc vừa hờ, mẹ hờ những lời kể lể không bao giờ vơi. Năm nào cũng vậy, vẫn những lời ấy, không thay đổi.

Chị không thể nằm thêm, dù còn buồn ngủ đến rã rời, nhưng đã thành thói quen, chị lẹ làng tuột khỏi tay thằng Tít, cột tóc ra giếng rửa mặt cho tỉnh táo rồi cũng xuống bếp sửa soạn làm mâm cơm cúng dù trời còn chưa sáng. Gọi là mâm cơm cúng giỗ nhưng chỉ có một nồi cơm nếp và một đĩa thịt rang. Dứt khoát không được thêm thứ gì khác.

Đó là bữa ăn cuối cùng mà Thuấn đi đến nơi làm việc, cách nhà những bảy, tám chục cây số. Hôm đó cũng vào sáng sớm, chị cũng muốn làm một bữa ăn tươi thật xôm xả để tiễn Thuấn lên đường nhưng do nhà cũng chả còn gì mà chị thì bận quá, nên chị chỉ chạy vội ra chợ mua được vài lạng thịt ba chỉ về rang mặn để Thuấn ăn sáng, rồi theo xe của công ty lên bản Cài. Bữa cơm sáng chia tay hôm ấy, đơn giản mà cả nhà ăn rất ngon miệng. Có lẽ là do Thuấn rất hào hứng với công việc sắp tới của mình, nên vừa ăn vừa cười nói rôm rả. Ăn xong, mẹ bảo gói hết chỗ cơm nếp và thịt rang còn lại vào lá chuối cho Thuấn mang đi. Chị gàn: Việc ăn uống có công ty lo cả không sợ đói đâu. Thuấn cũng ngần ngại nhưng mẹ vẫn dứt khoát bắt Thuấn phải cầm: Ăn đâu, còn đâu cho anh em trong đội cùng ăn.

Mẹ nhớ cái ngày hôm ấy hơn bất cứ nỗi nhớ nào trong đời, ngay cả bây giờ mẹ quên gì thì quên nhưng đúng vào ngày Thuấn khăn gói lên đường là mẹ nhớ như in, nhớ cả ngày dương lẫn ngày âm, cả hình ảnh Thuấn bước đi ra đến cổng còn quay lại vẫy tay chào mẹ ra sao. Vậy nên hôm nay đâu phải ngày giỗ Thuấn, cũng không phải ngày người ta tìm được Thuấn đã gần như rữa nát trong một hốc đá ven con suối ở bản Cài. Nhưng ý mẹ là ý trời, chị không thể cãi lại mẹ, và cũng không có quyền cãi. Bởi theo như mẹ nghĩ chính chị là người đã đẩy Thuấn vào chỗ chết. Cũng như vì chị mà Thứ - anh trai Thuấn mới phải ra đi. “Cái đồ đàn bà sát chồng, cái đồ quỷ tha ma bắt, cái đồ yêu tinh yêu quái hút máu ăn người. Mày là con quỷ cái hãm hại đàn ông, mày khôn hồn thì cuốn xéo khỏi nhà tao ngay, không thì còn một mụn đàn ông trong nhà này cũng phải mất mạng vì mày…”. Lúc đầu chị cũng điên ruột, định bế con ra đi thật, nhưng bà giằng lấy cu Tít, dứt khoát không cho chị mang nó đi đâu. Với lại lúc đó nhìn vẻ mặt mẹ, chị hiểu rằng không thể bỏ mẹ mà ra đi được. Nỗi đau quá lớn đã khiến bà trở nên ngây ngây, dài dại. Chị mà dứt áo ra đi thì mẹ chỉ có ngồi hờ khóc đến kiệt sức mà thôi.

Chị ở lại, biết chắc sẽ phải chấp nhận cơn oán hận của mẹ, phải nhẫn nhịn chịu đựng nỗi đau của mẹ trút xuống bất kỳ lúc nào. Nhiều lần chị định xin bà gửi con về bên ngoại để chị yên tâm đi làm, nhưng bà vằn mắt nhìn chị như cái nhìn của con thú cùng đường, thế là chị lại thôi.

Dạo này đoạn đường chị nhận duy tu, cách xa nhà những vài chục cây số, không thể sáng đi tối về được, cùng lắm thì cũng phải ba bốn ngày mới về một lần, rồi lại vội vã ra đi. Mọi việc chị nhờ bên hàng xóm thỉnh thoảng sang giúp hai bà cháu. Mấy lần bà hàng xóm cho chị biết: Bà ấy lúc chị đi vắng tỉnh ra phết, biết ra vườn cuốc đất tưới rau, cho lợn gà ăn, chăm thằng Tít đến đầu đến đũa lắm. Chị nghe vậy cũng mừng, nên dần dà cũng yên tâm nhận làm thêm giờ và lắm khi mãi cuối tuần mới hối hả phóng xe về nhà, tranh thủ mua một lô thực phẩm cho bà cháu ăn cả tuần.

Chiều hôm qua lúc chị vội vàng về để làm giỗ Thuấn, Tâm đã dúi vào tay chị tờ 500 ngàn bảo: Chị cầm về thắp giúp tôi nén hương cho Thuấn. Chị nhất định không cầm, bảo: Cậu làm gì có tiền mà bày vẽ. Tôi sống một mình không phải nuôi ai, chị còn nặng gánh, cho tôi đỡ một vai, nói rồi Tâm túm lấy bàn tay chị đặt tờ tiền vào lòng bàn tay, rồi còn bảo: Trời sắp tối rồi, đường xa chị đi một mình thế này nguy hiểm lắm. Hay tôi đưa chị về nhá. Không, chị la lên như phải bỏng. Suýt nữa thì buột miệng: Đưa về có mà… bà ấy giết tôi.

Không hiểu sao những ngày gần đây, mẹ đã chuyển kênh chửi chị, bà chuyển sang chửi bóng chửi gió. Chị chỉ biết im lặng, mà có cãi, có thanh minh thì chỉ càng đổ thêm dầu vào cái đầu đang bốc hỏa của mẹ mà thôi, vì chị là gái góa, lại có chút nhan sắc, có không thèm đàn ông thì đàn ông cũng thèm chị. Ngày trước anh Thứ chồng chị cũng chỉ vì chết mê chết mệt chị mà nhất định không chịu chuyển sang đội khác làm có lương cao hơn mà cứ bám lấy đội sửa chữa đường này để khỏi phải xa chị. Đội sửa chữa duy tu đường ăn lương khoán, vừa vất vả nặng nhọc lại lương thấp, một ngày công nhiều lắm chỉ trăm rưởi đến hai trăm là cùng mà suốt ngày bận rộn không giờ giấc, cứ có sự cố mặt đường ở đâu là phải có mặt ngay, mà mặt đường thì luôn có sự cố bởi các phương tiện đi lại như rang lạc, không bong tróc sạt lở mới là lạ. Mùa mưa thì đường dễ lở loét, vì nước mưa xói mòn, chưa kể những vụ sạt lở phải làm ngày làm đêm để giải phóng mặt đường. Còn mùa hè thì thôi rồi, “nắng trên đầu và nhựa nóng dưới chân”, là câu ca mà dân làm đường luôn phải tâm niệm.

Chị theo nghề này cũng là không còn lựa chọn nào khác. Bố mẹ chị đều là nông dân, nhưng ở một làng quê chật chội, ruộng nương cũng cạn kiệt vì các dự án này nọ, lúc đầu người ta đến thuyết phục nông dân nhượng ruộng thì nghe có vẻ khả quan lắm, nào là sẽ xây một khu công nghiệp, con cháu các gia đình sẽ được vào làm công nhân, lương cao gấp mấy lần làm nông nghiệp, nào là xây khu nghỉ dưỡng sinh thái, sau này các dịch vụ mở ra nông dân sẽ tha hồ mà hái ra tiền. Song, rốt cục, chờ mãi, chờ mãi cũng chỉ thấy những thửa ruộng bị  băm vằm, đổ đất kè đá, chia lô và cứ phơi mặt tơ hơ dưới bầu trời mưa nắng đã hàng chục năm nay.

Chị học hết phổ thông, không có năng lực để thi đại học, cũng chẳng có tiền để đi học một cái  nghề, may dịp ấy có một đội làm đường đến làng chị tuyển công nhân, chị đành theo cái nghề bán mặt cho đường bán lưng cho nắng này, đổi sức lao động lấy bát cơm là chính. Làm được vài năm, chị cũng có kinh nghiệm làm đường thế là chị xin tuyển vào một công ty nhà nước, có mức lương ổn định hơn, còn công việc thì cũng vẫn thế. Anh theo đuổi chị không dễ, vì lúc đầu chị không muốn lấy một người chồng cũng công nhân làm đường như chị, chị muốn tìm một người chồng có nghề nghiệp đàng hoàng hơn, đảm bảo cuộc sống cho gia đình hơn, nhưng chị cứ chờ mãi, chờ mãi, nhưng nào có  gặp được ai. Suốt ngày bịt mặt kín mít lăn lộn bụi khói ngoài đường thì còn ai biết đến làn da trắng ngần, đôi má lúm đồng tiền duyên dáng của chị nữa chứ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy anh em trong đội, mà hầu hết đều đã có gia đình. Anh là người duy nhất chưa vợ ở đội chị và cũng đã ngót nghét bốn mươi, chưa hề một mảnh tình vắt vai. Cũng như chị, anh có đi được đến đâu mà tán ai. Vậy thì đó là duyên trời rồi. Họ cưới nhau, đám cưới chỉ toàn công nhân cầu đường, không quần là áo lượt, chỉ là chiếc áo sơ mi trên chiếc quần còn dính bụi đất, nhưng họ ăn uống cười nói hồ hởi mừng cho hai người tìm được hạnh phúc ngay trên công trường.

Khi chị vác cái bụng sắp đến ngày sinh, đành phải ở nhà. Anh bảo: Cứ ở nhà dưỡng thai cho an toàn, anh sẽ làm thay phần việc của em. Thế là anh làm từ sáng sớm đến tối mịt, ngày nào cũng thế. Người ta bảo hôm ấy trời nắng to lắm, nhiệt độ trên mặt đường lên tới 42 độ C, anh vào nghỉ ăn trưa xong, rồi vắt chiếc khăn mặt ướt ra gốc cây mắc võng nằm vì trong lán nóng như lò rang, đến khi người ta gọi dậy đi làm thì anh vẫn không nhúc nhích, người ta vội vàng đưa anh đi cấp cứu nhưng anh không tỉnh dậy được nữa. Anh đi nhẹ nhàng như đang ngủ. Chị đã ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần và cu Tít phải ra đời sớm hơn 1 tháng. Thôi cũng may là mẹ tròn con vuông, ai cũng lo là chị không qua nổi đận ấy. Thằng Tít mãi mãi không biết mặt cha, nhưng ít ra nó cũng là người đàn ông thay vào chỗ thiếu hụt trong gia đình chị.

Thuấn lúc đó vừa đỗ vào lớp 10 trường công của huyện, nên mẹ cũng nguôi ngoai bớt nỗi mất mát người con trai cả. Thuấn học giỏi, là niềm tự hào của cả nhà. Thuấn hay mơ ước được trở thành kỹ sư cầu đường, thường bảo: Bố và anh đã từng là công nhân cầu đường rồi thì em cũng theo nghề, nhưng em sẽ là kỹ sư, em sẽ tìm ra những sáng kiến để giảm bớt nặng nhọc cho những người công nhân cầu đường.

Nhưng khi Thuấn trúng tuyển vào khoa đường bộ Trường Đại học Giao thông vận tải rồi thì Thuấn lại ngồi thừ ra, chị hỏi, Thuấn bảo: Có khi em không đi học đâu chị ạ. Sao vậy?. Làm gì có tiền mà đi học chị. Ừ nhỉ, chị cũng chợt nhớ ra. Lương của chị mấy năm nuôi mấy mẹ con bà cháu và đứa em còn chưa đủ nữa là, làm gì còn đồng tiết kiệm nào mà cho em tựu trường chứ nói gì đến ăn học mấy năm. À hay thế này, em cứ xin nhà trường bảo lưu kết quả đại học một năm đi, một năm chị xin cho em vào làm hợp đồng ở công ty chị. Tiền lương em cứ giữ lấy gửi tiết kiệm mà đi học. Thuấn cũng đồng ý với phương án ấy của chị.

Nhưng mẹ thì giãy nảy lên: Nó đỗ đại học mà bây lại bảo nó đi làm công nhân là sao. Cứ để nó đi. Tao theo lên Hà nội làm ô sin, hay đi bán gì đấy, kiếm tiền nuôi nó ăn học. Bây gửi con cho bà ngoại mà đi làm. Tao không cấm. Mẹ ơi. Không phải là không cho em nó đi đại học, mà chỉ là tạm hoãn thôi, em nó đi làm một năm, có đủ tiền đi học cũng chưa muộn. Mẹ cũng đã hơn 60 tuổi rồi, lên Hà Nội đi làm vất vả lắm không ai người ta thuê đâu. Thuấn cũng an ủi mẹ: Con đi làm vừa có tiền tiết kiệm để ăn học vừa có thêm kiến thức thực tế, biết đâu lại bổ ích cho quá trình học  tập ấy chứ. Thế là mẹ xuôi xuôi, nhưng mà cứ xuýt xoa: Con người ta đỗ đại học thì ngả trâu ăn mừng, còn nhà mình thì buồn như đưa đám. Mà làm ngoài công trường vất vả lắm, không biết sức nó có kham nổi không. Nhà này đã có dớp rồi, bố chúng mày hồi về hưu cũng đổ bệnh phổi, bác sĩ bảo tại suốt ngày hít phải khói bụi và hóa chất độc hại ở công trường đấy. Nhựa đường mà đun nóng, hít phải khói ấy thì có mà phổi trâu cũng rữa chứ nói gì đến người. Tự dưng chị cũng thấy rờn rợn, ừ không biết có phải nhà có dớp không mà cả hai bố con chồng chị đều ra đi vì nghề nghiệp. Nhưng Thuấn là sức trẻ, với lại chị sẽ xin cho Thuấn vào đội cầu.

Dịp ấy công ty chị trúng gói thầu xây dựng một chiếc cầu trên bản Cài. Bản Cài nằm trên một ngọn núi thuộc huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh. Con đường độc đạo nối cư dân bản Cài với cộng đồng của huyện phải đi qua một con suối rộng và sâu, nhưng quanh năm nước chỉ đến đầu gối, trẻ con người lớn đều dễ dàng lội qua, hoặc bước trên những tảng đá nằm dày đặc trong lòng suối, nước luôn trong văn vắt, là điểm vip của khối nghệ sĩ nhiếp ảnh thường xuyên đến đây. Thế nhưng vào mùa lũ thì nó trở nên hung dữ vô cùng. Nước trên nguồn đổ về như thác, đỏ ngầu cuồn cuộn, cuốn phăng phăng những cành cây gãy đổ. Vậy là cả bản Cài chỉ còn cách ai ở nhà nào thì ở yên nhà ấy, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cần thiết lắm mới có người bám đu dây bằng một đoạn cáp mà người ta bắc ngang suối để dùng khi mùa lũ đến, nhưng nhìn cũng đủ hãi, nhìn người đu dây qua con suối đang cuồn cuộn chảy trông chẳng khác nào những con khỉ đang đu qua đầm cá sấu. Thực ra chỉ những người lớn khỏe mạnh có việc cần lắm mới phải qua suối bằng cách như thế, chứ đàn bà con trẻ thì chỉ việc ngồi nhà chờ có gì ăn nấy, không có thì nhịn, bao giờ con suối cạn mới đi đâu thì đi. Học sinh đang học cũng phải nghỉ. Con chữ cứ trôi tuồn tuột như đất đá rơi theo dòng lũ. Lãnh đạo thôn bản cũng mấy lần đề xuất với xã, xã lại đề xuất với huyện, huyện lại xin với tỉnh để xin kinh phí làm một cây cầu cho bản Cài khỏi bị cô lập vào mùa nước lũ. Nhưng rồi chờ mãi cái quy trình ấy, cho đến khi lớp trẻ cũng đã trở thành thanh niên, người trung niên cũng đã thành người già mà cây cầu vẫn chưa hiện hình trên con suối. Suối ở bản Cài mãi vẫn chỉ là một cảnh đẹp cho các nhà nhiếp ảnh.

Nhưng rồi các nhà báo đến, rồi trung ương biết, thế là bản Cài được phê duyệt xây dựng một cây cầu. Công ty cầu đường của chị trúng thầu nhận xây dựng. Hết khảo sát rồi thiết kế, cuối cùng thì đội thi công cũng lên đường bao gồm những thanh niên trẻ khỏe vì đường lên bản Cài cũng không dễ dàng gì. Thế là Thuấn đi, Thuấn vui lắm vì bảo: Làm ở đội cầu lương cao hơn hẳn đội sửa chữa đường chị ạ. Mọi chi phí ăn ở lại do các nhà hảo tâm tài trợ, bọn em không phải lo gì, trên rừng cũng không có gì phải tiêu pha, vậy là toàn bộ tiền lương em gửi tiết kiệm hết, chỉ một hai năm là em đủ tiền đi học đại học.

Vậy mà Thuấn ơi, sao em không cố chờ để đến ngày em thực hiện được ước mơ của em, của cha và của anh trai, em ra đi vội vã khi tuổi đời còn chưa đến hai mươi. Nghe người ta kể, hôm đó lũ về sớm hơn dự tính, thường trên rừng thỉnh thoảng có đợt lũ về đột ngột mà không hề thấy có giọt mưa nào. Thời tiết vẫn đỏng đảnh thế, mà trên rừng còn đỏng đảnh hơn, không biết thế nào mà lần. Chỉ tại em cố lội xuống để đẩy một khúc cây to đang mắc vào móng cầu mới dựng, em sợ cây gỗ thúc sập móng, tiếc công anh em thợ đã mấy ngày làm vất vả. Em đã buộc dây bảo hộ rồi nhưng vì nước xiết quá đã làm đứt dây, lôi tuột em đi theo dòng nước xiết, tất cả đành bất lực trước cơn hung hãn của dòng lũ, mãi 10 ngày sau, người ta mới tìm được em. Không ai dám báo cho mẹ, mẹ cứ giục chị lên thăm em. Mẹ mua đủ thứ để chờ ngày chị đi để gửi cho em, chị biết ở trên đó em cũng không đến nỗi thiếu thốn gì, nhưng chắc là buồn và nhớ nhà lắm, mà lúc nào em cũng phấn khởi kể cho chị bao nhiêu là chuyện, nào là ở đây khung cảnh rừng núi đẹp lắm, nào là bà con trong bản thường mang nào măng, nào hoa quả gà vịt ra cho anh em trong đội ăn. Có cả một cô gái tình nguyện ra nấu cơm giúp cho anh em trong đội. Đêm ngủ trong lán tuy hơi lạnh nhưng anh em nằm sát bên nhau nên vẫn ấm áp. Em biết được nhiều kiến thức về xây dựng cầu của các anh kỹ sư, sau này vào học chắc em sẽ có nhiều điều bổ ích.

Hôm nay chị cùng tổ công đoàn của công ty lên bản Cài để đưa Thuấn về, theo đúng lời hứa của công đoàn công ty là khi nào sang cát cho Thuấn công ty sẽ lo chu đáo mồ yên mả đẹp cho Thuấn tại nghĩa trang quê nhà. Hồi đó vì tìm thấy Thuấn trong tình trạng hình hài không nguyên vẹn, nên công ty quyết định để Thuấn yên nghỉ tại bản Cài ngay cạnh cây cầu. Đó cũng là nguyện vọng của anh em công nhân trong đội không muốn xa Thuấn và ngay cả bà con bản Cài cũng muốn được hàng ngày hương khói cho Thuấn.

Không biết ở đó Thuấn có buồn không, có nhớ nhà không, Thuấn có trách chị không. Cho mãi đến hôm nay, chị vẫn không tài nào xua tan được nỗi áy náy. Mẹ đã chửi chị thậm tệ vì cái tội không cho em về gần mẹ. Chị thật có lỗi với em với mẹ nhiều lắm.

Suốt trên đường đi chị cứ mải nghĩ ngợi mà không biết xe đã đến gần bản Cài. Bây giờ con đường đã được rải đá đầm bê tông đến tận chân cầu. Ba năm qua chị cũng chỉ lên thăm Thuấn được hai lần, mà mỗi lần đi là một lần trầy trật vất vả vì nhiều đoạn đường rất khó đi. Chị thường tự đi xe máy cho chủ động mà có đoạn phải nhờ dân bản địa đèo mới qua nổi. Em vẫn nằm kia một mình giữa mênh mông rừng núi, nhưng quanh khu mộ em, ai đã trồng những cây hoa rừng, tạo nên một vườn hoa đẹp, lại có cả những cây thân gỗ bóng đã tỏa xùm xòa, chắc họ sợ em bị nắng, và lần nào cũng vậy, chị luôn thấy có một bó hoa rừng còn tươi để ngay chân bia như thể để em ngắm hoa thì phải. Tấm bia luôn sạch bóng như được ai lau chùi nên gương mặt em trông vẫn tươi tắn với nụ cười hồn hậu.

Cũng lạ, những người thợ cầu đã rời đi lâu rồi, xung quanh cầu không có một nhà dân nào, tất cả đều vắng lặng, vì không phải lúc nào cũng có người qua lại, thế mà lần nào chị lên đây thăm em cũng thấy có một bó hoa còn tươi nguyên. Ai nhỉ, chẳng lẽ lại là của các em học sinh hàng ngày qua cầu đi học?. Thấy bảo trưởng thôn bản Cài đã lấy tấm gương của em để giáo dục học sinh ở bản về gương lao động hy sinh của người công nhân làm cầu, dạy dỗ các em phải ghi nhớ công lao của những người thợ cầu đã bất chấp nguy hiểm để đem lại niềm hạnh phúc đi lại cho người dân, đem lại cuộc sống ấm no và con chữ cho các em đến trường.

Lãnh đạo công đoàn công ty và đại diện thôn bản đã làm xong thủ tục để đưa hài cốt Thuấn về với đất quê nhà. Tối đó chị phải ngủ lại trong căn nhà của trưởng bản để sáng sớm mai bốc mộ Thuấn. Bỗng chị thấy một cô gái từ chiều tới giờ cứ loanh quanh ở nhà trưởng bản, bảo để nấu cơm giúp trưởng bản tiếp đoàn khách, nhưng thỉnh thoảng chị bắt gặp cô ta cứ liếc trộm chị, và hình như không chú tâm vào công việc lắm nên cứ bị vợ trưởng bản mắng suốt. Ăn chiều xong, chị quyết tâm làm quen với cô gái xem cô ta muốn gì mà cứ để ý đến chị hoài thế.

Đúng như dự đoán, cô ta đã chủ động gặp chị khi chị nhìn thẳng vào cô gái và gật đầu như khích lệ. Khi chỉ có hai chị em đứng trên cây cầu, cô gái đã nắm lấy bàn tay chị với giọng da diết cầu cứu: Chị ơi, chị có thể mang anh ấy đi nhưng để lại tấm bia cho em được không. Để làm gì hả em. Em... em muốn để ngôi mộ anh ấy ở đó, để hàng ngày em vẫn được cùng anh trò chuyện. Ôi, té ra điều chị luôn thắc mắc là đây rồi, bó hoa tươi luôn nằm dưới chân bia là đây. Bỗng chị nắm chặt lấy tay cô gái, nói như người hụt hơi vì hồi hộp...: Em, em có phải là người yêu của Thuấn không, em nói thật đi, chị rất mong... Cô gái khe khẽ gật đầu, miệng cười e thẹn. Cũng mới thôi chị ạ, chúng em mới chỉ... Anh ấy chỉ hứa, làm cầu xong anh ấy sẽ đưa em về gặp mẹ và chị. Thế mà... cô gái bỗng nấc lên nghẹn ngào. Không hiểu sao chị bỗng hỏi hối hả: Em với Thuấn có để lại gì cho nhau không?, để gì ạ, là là... là có với nhau một đứa con ấy, có không?. Chị hỏi mà thấy tim mình đập rộn lên vì hồi hộp chỉ mong cô gái gật đầu thì chị có thể nhảy lên ôm chầm lấy cô mà sung sướng. Mẹ chị sẽ hết bệnh, nhà chị sẽ lại đủ số đàn ông trong nhà. Nhưng cô gái nhè nhẹ lắc đầu. Chúng em mới chỉ ngồi bên nhau nói chuyện thôi chị ạ, nhiều lúc em cũng muốn trao cho anh ấy tất cả khi chỉ có hai đứa ở bên nhau trong rừng, nhưng... anh Thuấn là một người trai tốt. Trời ơi, tiếc thế, chị bỗng thốt lên thật vô thức. Giá như, giá như, nếu không thì mẹ chị đã có thêm đứa cháu 3 tuổi rồi.

Thế bây giờ em ở nhà làm gì, sao không đi học hay làm một cái nghề gì đó. Em chưa học hết phổ thông chị ạ. Vì bản em con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì. Em ở nhà trồng cây ăn quả rồi đến vụ đi bán thôi. Mấy năm nay bố mẹ em cứ bắt em lấy chồng nhưng em chưa chịu. Vậy em có muốn thóat ly gia đình đi làm xa không?. Nếu có được làm ở đâu có tiền để giúp gia đình thì em cũng muốn đi. Vậy thì em về công ty chị làm nghề cầu đường nhé. Vâng nếu chị xin cho em được đi làm thì tốt quá, em cũng thích cái nghề này, vì đó là công việc mà anh Thuấn đã làm.

Mọi việc cho Thuấn xong xuôi, chị đưa mẹ ra gặp Thuấn ở nghĩa trang của xã, Thuấn được nằm cùng với những người đã hy sinh vì nước vì dân xưa nay của xã. Mẹ cũng đã nguôi ngoai không gào khóc nữa, mẹ được gần Thuấn rồi, thỉnh thoảng mẹ có thể ra chơi với Thuấn, mẹ nói với chị như vậy.

Cũng đã gần tuần nay chị không về nhà, việc của Thuấn xong xuôi, mẹ cũng hình như đỡ bệnh, mẹ không chửi chị nữa, con cũng lớn rồi, đã tự đi học được rồi, nên chị yên tâm ở lại công trường làm thêm giờ. Chị nhận thêm đoạn đường mới để duy tu, tối đến ăn vội bát cơm là chị lên giường ngủ như chết luôn. Căn lán chỉ có mấy chị em, cũng đều có gia đình, đều xa nhà. Nhiều khi chị cũng cảm thấy buồn, thấy nhớ con và tủi phận vợ góa con côi, nhưng mỗi lần chợt ngẩng lên nhìn về phía cuối con đường vẫn chỉ thấy có mịt mù khói bụi, không có một vệt sáng nào để chị hy vọng. Tâm vẫn lặng lẽ giúp chị như đã hứa là đỡ cho chị một vai. Hôm nào chị làm tăng ca, Tâm cũng xin làm tăng ca để giúp đỡ chị. Lắm hôm Tâm còn rủ chị ra hàng cháo gà bên đường ăn thêm bữa tối, chị không đi nhưng  Tâm nói: chị không đi tôi cũng không đi, mà tôi thì đang đói. Thế là đành phải chiều Tâm, lâu dần cũng thành quen. Có người trong đội còn trêu Tâm: Gái một con trông mòn con mắt đấy. Trai tân mà ở với gái góa là sướng bằng tiên. Tâm chỉ cười nhưng con mắt thì sáng rỡ lên. Song, chị vẫn tự răn mình, không nên, Tâm kém chị những ba tuổi. Với lại như mẹ chị vẫn nhiếc móc là tướng sát chồng, chẳng biết có đúng thế không mà đàn ông cứ thân thiết với chị đều yểu mệnh cả. Có lần chị đã bóng gió rằng số chị vất vả không muốn ai phải khổ lây. Nhưng Tâm bảo: Tôi con nhà nghèo được ai thương là quý lắm rồi, không dám chọn lựa. Nói vậy nhưng ai cũng thừa biết Tâm mê cái lúm đồng tiền của chị, còn Tâm thừa hiểu không dễ mà tìm được một bông hoa thắm sắc đượm hương trong cái nơi rặt đất đá này.

Đang làm việc thêm giờ bỗng một chị trong tổ bảo chị về lán ngay, có mẹ đang chờ. Ô, lại có chuyện gì nữa đây, sao mẹ bỗng dưng lặn lội đến thăm chị thế này?. Chị hớt hải chạy về lán trại, thì thấy hai bà cháu đang tươi cười trò chuyện với mấy chị trong lán. Có chuyện gì mà mẹ lại lên tận đây thế, hai bà cháu đi bằng gì. Tao bắt xe ôm chứ đi bằng gì, thằng Tít nó muốn đến chỗ mẹ nó xem mẹ nó làm việc thôi. Cái thằng mới nứt mắt ra đã thích theo nghề, cha tiên sư cái nòi nhà đập đá vá đường. Sân nhà có mấy chỗ lở đất, thế là nó đi kiếm đá sỏi về đổ vào rồi lấy đất đắp lên, rồi cứ đập đập cho phẳng, trông cũng đẹp ra phết.

Chị ôm cu Tít vào lòng bảo: Thôi con đừng mơ ước cái nghề này làm gì, vất vả lắm. Ứ, con thích, mẹ cho con lên đây ở với mẹ để con giúp mẹ. Thôi đi ông tướng có mà quấy tôi thì có. Cả lán cùng cười vang. Bỗng mẹ nhìn quanh rồi như chờ ai ở phía ngoài đường và thì thầm vào tai chị: Nghe các chị ấy bảo có cái cậu gì, cũng hiền lành tốt bụng lắm, hay giúp con đúng không. Chiều nay nghỉ sớm, bảo cậu ấy về đây ăn cơm. Mẹ mang con gà với ít rau lên đây này, làm bữa cơm thân mật mời cả tổ cùng ăn nhé. Chị ngớ người như muốn khụy xuống, không phải vì cảm động bởi mẹ đã không còn ghen bóng ghen gió nữa mà vì cái tiếng con đã lâu lắm rồi chị không được nghe.

NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo. Hoặc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh.

LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Nắng qua kẽ lá

LAO ĐỘNG |

- Cháu bé bị tim bẩm sinh rồi, chị không nên giữ lại cháu nữa. Tốt nhất gia đình xác định không thể sinh bé này được nhé!

Tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Chị ôm bụng bầu năm tháng, ngã quỵ ngay trước sảnh. Lần thứ ba chị nghe tin dữ về đứa con của mình. Năm tháng, bụng đã rất to, đứa trẻ cũng đã cứng cáp nhiều. Chị cứ ngỡ lần này, mọi việc sẽ êm xuôi, hai vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón thiên thần đầu lòng. Nhưng ông trời, có lẽ đã không thương chị, không cho đứa trẻ được chào đời trong ngôi nhà ấy. Chị không thể khóc được nữa, hai đầu gối rung lên bần bật.

Truyện ngắn dự thi: Nghiệp đá

Quốc Việt |

Trong ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, lối đi dẫn vào núi Ông Trịnh có hai người đang sống. Một ông già tuổi đã hơn bảy mươi, gương mặt khắc khổ và một cậu con trai mới ngoài ba mươi cũng già trước tuổi. Người đi ngang qua vẫn thường nhìn thấy ông già ngồi trước nhà, lầm bầm nói chuyện với con chó đang nằm vẫy đuôi bên cạnh.

Truyện ngắn dự thi: Dòng máu người thợ vùng than

TIẾN LUẬN |

Tốt nghiệp khoá học nghề cơ khí, Tâm được phân công về vùng mỏ. Nơi Tâm đến nhận việc là một nhà máy cơ khí chuyên sửa chữa các loại xe vận tải phục vụ cho thợ mỏ làm than. Ở đây không có máy móc thiết bị hiện đại sản xuất theo dây chuyền công nghệ khép kín, chuyên môn hoá cao mà là một nhà máy sản xuất đơn lẻ, vừa chế tạo, vừa phục hồi với những máy công cụ đã cũ kĩ rơ mòn. Hôm ông quản đốc dẫn Tâm vào xưởng đi qua các máy phay, mài, bào, xọc rồi dừng lại bên chiếc máy tiện 1K62 giới thiệu với ông Thạnh tổ trưởng tổ tiện ba:

Giám đốc trung tâm dạy lái xe ở Hải Phòng chiếm đoạt 22 tỉ đồng của học viên

Mai Chi |

Chiều tối 13.7, Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ việc bắt giám đốc và nhân viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Tin 20h: Thời điểm người dân được nhận mức lương truy lĩnh tháng 7 và 8

Linh Trang - Vũ Linh |

Tin 20h: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu xử lý vụ việc của Công ty Hưng Thịnh; Lương thấp, nhiều công nhân tằn tiện sống qua ngày; Lương hưu tháng 9 sẽ truy lĩnh tháng 7 và tháng 8; Vụ sạt lở biệt thự làm 2 người chết ở Đà Lạt: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can;...

Nợ vay vượt 18 tỉ USD, EVN ngốn hơn 39 tỉ đồng/ngày để trả lãi

Đức Mạnh |

Năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD. Điều đáng chú ý là trong số 324.265 tỉ đồng nợ vay tài chính, tập đoàn này hoàn toàn không vay từ ngân hàng.

Tài chính thông minh: Cơ hội để mắc ung thư vẫn có thể mua bảo hiểm

Nhóm PV |

Khi đã mắc các căn bệnh hiểm nghèo thì 99% sẽ không thể tham gia được bảo hiểm. Tuy nhiên trong số Tài chính thông minh hôm nay, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ một số trường hợp mà công ty bảo hiểm có thể xem xét đánh giá quyết định thực hiện việc bảo vệ.

Đề nghị kỷ luật 2 nguyên Bí thư Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến và Mai Văn Ninh

Vương Trần |

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và nhiều cá nhân có liên quan.

Truyện ngắn dự thi: Nắng qua kẽ lá

LAO ĐỘNG |

- Cháu bé bị tim bẩm sinh rồi, chị không nên giữ lại cháu nữa. Tốt nhất gia đình xác định không thể sinh bé này được nhé!

Tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Chị ôm bụng bầu năm tháng, ngã quỵ ngay trước sảnh. Lần thứ ba chị nghe tin dữ về đứa con của mình. Năm tháng, bụng đã rất to, đứa trẻ cũng đã cứng cáp nhiều. Chị cứ ngỡ lần này, mọi việc sẽ êm xuôi, hai vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón thiên thần đầu lòng. Nhưng ông trời, có lẽ đã không thương chị, không cho đứa trẻ được chào đời trong ngôi nhà ấy. Chị không thể khóc được nữa, hai đầu gối rung lên bần bật.

Truyện ngắn dự thi: Nghiệp đá

Quốc Việt |

Trong ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, lối đi dẫn vào núi Ông Trịnh có hai người đang sống. Một ông già tuổi đã hơn bảy mươi, gương mặt khắc khổ và một cậu con trai mới ngoài ba mươi cũng già trước tuổi. Người đi ngang qua vẫn thường nhìn thấy ông già ngồi trước nhà, lầm bầm nói chuyện với con chó đang nằm vẫy đuôi bên cạnh.

Truyện ngắn dự thi: Dòng máu người thợ vùng than

TIẾN LUẬN |

Tốt nghiệp khoá học nghề cơ khí, Tâm được phân công về vùng mỏ. Nơi Tâm đến nhận việc là một nhà máy cơ khí chuyên sửa chữa các loại xe vận tải phục vụ cho thợ mỏ làm than. Ở đây không có máy móc thiết bị hiện đại sản xuất theo dây chuyền công nghệ khép kín, chuyên môn hoá cao mà là một nhà máy sản xuất đơn lẻ, vừa chế tạo, vừa phục hồi với những máy công cụ đã cũ kĩ rơ mòn. Hôm ông quản đốc dẫn Tâm vào xưởng đi qua các máy phay, mài, bào, xọc rồi dừng lại bên chiếc máy tiện 1K62 giới thiệu với ông Thạnh tổ trưởng tổ tiện ba: