Truyện ngắn dự thi: Bán mặt trong lòng đất (phần 2)

Viên Nguyệt Ái |

(...tiếp theo và hết)

- Làm sao đây? Phải làm sao hả anh? Trong ví đều là giấy tờ tùy thân của em, còn cả thẻ ATM nữa, cái gì quan trọng cũng ở trong đó hết - Tuyết đỏ bừng đôi mắt, sợ hãi đến run rẩy - Không biết rơi ở chỗ nào nữa? Mà sao lại rơi được chứ! Em cẩn thận lắm... - cô gần như bật khóc khi phát hiện ra chiếc ví cầm tay của mình bị rơi lúc nào không biết.

- Bình tĩnh! Chúng ta đi tìm dọc đường xem sao. Em đừng quá lo lắng... - Tuấn bối rối. Anh không giỏi an ủi người khác, chỉ biết dùng mấy lời sáo rỗng vốn chẳng có bao nhiêu tác dụng xoa dịu đối phương.

Tuyết thút thít. Cô cắn môi cố dằn lại tiếng nức nở. Song, nước mắt vẫn chảy dài. Đúng là xui xẻo. Ngày hẹn hò đầu tiên, chưa kịp tận hưởng hạnh phúc đã gặp trục trặc, hại cô với Tuấn đành quay xe.

Tuấn điều khiển Honda SH chạy chậm, chở Tuyết vòng lại tuyến đường khi nãy đã đi qua. Tuyết tập trung nhìn khắp các ngóc ngách, vẫn không thấy ví của mình, cứ sụt sịt mãi. Tính cô đỏng đảnh, bình thường thì có vẻ "chơi trội" lắm, nhưng lúc này Tuấn mới biết thì ra cô nàng yếu đuối và dễ khóc đến vậy! Anh nghĩ, tự dưng thấy buồn cười. Đúng là "yêu ai yêu cả đường đi lối về". Anh chẳng hề cho là phiền, còn sẵn sàng hiểu tâm lý hiện tại của cô.

***
Sau nửa giờ ông Thân cùng đồng nghiệp đẩy nhanh tiến độ công việc, cống ngầm hiện tại đã được khơi thông. Chiều, họ sẽ tiếp tục "chiến đấu" với các nhiệm vụ kế tiếp.

- Anh em! Lui về miệng cống được rồi, chúng ta tạm nghỉ - Tiếng hô của người đội trưởng xuyên qua không gian chật chội, truyền đến tai các thành viên đang lao động miệt mài trong môi trường ô nhiễm khắc nghiệt. Ai nấy cùng thấy nhẹ nhõm, vẻ mặt giãn ra. Có thể lên lại mặt đường hít thở tí không khí trong lành, vệ sinh rửa ráy chân tay, dùng cơm trưa, đúng là sống lại cả con người. Nhậm một đường hỗ trợ ông Thân quay trở ra.

Ông chậm rì trèo lên thang, được đồng nghiệp trên mặt đất đưa tay kéo một cách tử tế. Vừa mới nhấc mình khỏi miệng cống thì ánh mắt ông chạm phải chủ nhân của chiếc xe tay ga.
Tuấn và Tuyết đang lúc đi tới đây. Anh bất ngờ trông thấy ông Thân nhếch nhác "kinh khủng", ngay cả gương mặt cũng bẩn đến nỗi khiến anh choáng váng. Tuấn vẫn biết bố nặng nợ với công cuộc "ăn cơm dương gian, làm việc trong lòng đất" thì không thể sạch sẽ được, nhưng... đây là lần đầu tận mắt chứng kiến hình ảnh của bố sau khi móc cống.

- Mau, anh đi rửa chân, xem có bị thương không?

Câu giục của Nhậm lọt vào tai khiến Tuấn vội liếc xuống chân ông Thân, nhưng chỉ thấy bẩn.

Ông luôn tránh để con cái không thấy mình bẩn thỉu thế này. Giờ thì... phải làm sao đây? Nó sẽ thất vọng, càng thành kiến với nghề của bố. Cái thằng... sĩ diện đến nỗi chẳng dám để bố đi họp phụ huynh cơ mà! Nó sợ bố lộ ra bộ mặt của "công nhân cống rãnh". Ông không trách Tuấn, ngặt nỗi... lòng đau.

Tuấn thẫn thờ nhìn người đàn ông trước mắt, đôi chân anh dường như chết lặng. Tuyết không hiểu chuyện gì xảy ra, cũng theo ánh mắt người yêu mà quan sát "ông" công nhân thoát nước đô thị vừa mới trồi lên, toàn thân ông dơ bẩn rác bùn và ướt dính dầu mỡ dưới cống, hôi thối.

- Sao vậy? Anh biết ông ấy hả?

- À, không! Đi thôi!

Tuấn cố gắng lảng tránh nhìn thẳng vào người bố nhem nhuốc. Trông anh có phần chột dạ và căng thẳng, vội vã quay bước. Bóng lưng rộng rãi của thanh niên vốn nên thoải mái toát lên sự tự tin, năng nổ của sức trẻ, thế nhưng giây phút này bỗng chốc như muốn sụp xuống, rệu rã xen lẫn đôi phần bất đắc dĩ leo lại lên xe tay ga.

- Anh Thân! Anh... sao lại chảy nước mắt thế? Có phải mắt bị sao không? Hay chân...

- Không, không! - ông Thân nhắm tịt hai mắt, những nếp nhăn chen chúc nhau.

- Ấy, bọn trẻ bây giờ sao thế? Không phải xã hội hiện đại thì tư tưởng thanh niên cũng trở nên cởi mở rồi sao? Xem tụi nó nhìn anh em mình bằng cái vẻ mặt gì kìa! - Nhậm làu bàu.

Đồng nghiệp của ông Thân hầu như chưa người nào từng gặp Tuấn. Họ chỉ biết mặt con trai cả của ông trong mấy lần anh chủ động mang cho bố bữa cơm nhà nấu.

Ông Thân thất thểu ra chỗ thùng nước được đội chuẩn bị sẵn, vệ sinh cá nhân một lượt, xem gan bàn chân.

- Có vấn đề gì không anh? - Nhậm ngó xem.

- Yên tâm! Anh thạo lắm, chị dâu chú từng dạy cơ bản để anh xử lý vết thương kiểu này.

Nói vậy, nhưng ông cứ ngồi nghệt ra, hồn vía đâu mất? Một khoảng lặng bao trùm lên tâm tư...

***
- Bố!

Ông Thân hoảng hốt giật mình, ngẩng đầu dậy. Chỉ chưa đầy mười phút, sao thằng út vốn đã bỏ đi lại bỗng hiện ra? Tuấn đang ở trước mắt ông, vẻ mặt bình tĩnh như đã chấp nhận sự thật, thậm chí đôi mắt anh có hơi đỏ xen lẫn đau xót.

- Để con xem...

Ông Thân chưa kịp phản ứng, Tuấn đã ngồi xổm xuống, lóng ngóng lấy oxy già và băng gạc mới mua ở hiệu thuốc, cẩn thận rửa vết thương cho bố. Chỗ bị vật nhọn đâm vào không nghiêm trọng, chỉ mơ hồ lộ chút dấu vết, nhưng vẫn khiến lòng Tuấn quặn thắt. Anh hèn nhát, suýt vì bộ mặt hão mà quay lưng với người bố kính yêu của mình, thật đáng giận. Tuấn tự trách. Cũng may... anh đã không chạy trốn, không phạm phải tội lỗi kia. Thì ra... thẳng thắn đối diện với công việc của bố, chân thật sống là chính mình lại dễ chịu hơn Tuấn tưởng.

Anh đã nói với Tuyết về thân phận của người đàn ông mà cô mở miệng ra là "chê" ấy. Cô nàng kinh ngạc, còn chất vấn Tuấn vì sao chưa bao giờ nói cho cô biết "bố anh là công nhân móc cống?".

"Vì anh hiểu em sẽ có phản ứng như thế này đấy!" - Tuấn cười, như trút được gánh nặng. "Nhưng nói ra cũng tốt. Anh không thể vì bất cứ điều gì mà từ chối người thân của mình. Em... có muốn cùng anh trở lại...". Tuyết im lặng cả phút đồng hồ trước câu hỏi của Tuấn, quay mặt vẻ khó xử. Anh nhấc chân, đi vào hiệu thuốc. Tới lúc bước ra, đối phương đã không ở đó nữa...

Phát hiện ra thằng út trầm mặc, ông Thân đột nhiên hỏi:

- Sao con lại loanh quanh ở đây?

- Con... bạn của con làm rơi ví. Con và cô ấy đang tìm.

Hai bố con đứng dậy. Sánh vai. Nhậm cũng ở bên cạnh, xuýt xoa khen ông có phúc, con trai sáng sủa quá! Nghe vậy, vỗ vai Tuấn cái bộp, bảo:

- Mất ví hả? Khéo mưa thêm trận nữa là bọn chú sẽ nhặt được nó ở trong lòng cống đấy! Trước kia, lúc nạo vét, đội chú từng nhặt được ví của dân bị trôi xuống cống. Thế là hoàn trả "vật về với chủ".

Tuấn ngạc nhiên xen lẫn chút nghi ngờ. Ông Thân gật đầu xác nhận. Nhậm nửa đùa nửa thật:

- Nhặt được của thì còn có cái để khoe mẽ, chứ nhặt toàn rác với bùn quả thật hãi hùng lắm! À, nhặt được cả rắn để quàng cổ nữa.

Tuấn suýt phì cười. Tâm trạng phiền muộn vì bị bạn gái quay lưng và nỗi chua xót bởi thương bố bỗng dịu xuống. Chưa khi nào anh thấy cảm phục những con người này như bây giờ! Những con người mà anh từng ngộ nhận rằng, "chẳng khác gì ở dưới đáy xã hội" lại chân chất thế, cũng bản lĩnh thế! Tuấn chợt vui vẻ hơn.

- Anh bạn trẻ biết không? Trong đội, có cậu chàng đang độ "khỏe như bò húc" nhưng không dám hẹn hò vì sợ người ta ngửi ra “mùi cống” đấy. Nghề của mình nên mình tận tụy thôi, chứ ai muốn suốt ngày này tháng nọ dầm trong xú uế đâu? Chỉ mong người dân có ý thức hơn về việc xả rác, thế là tụi chú biết ơn lắm rồi!

Tuổi của Nhậm đã gần đầu bốn, sức bền là thế mà đôi lúc cũng phải chạnh lòng, nghĩ. Những lần đang cật lực lao động dưới cống, dân bên trên vẫn vô tư hất rác và trút xô nước rửa bát trong hàng quán xuống ngay đầu công nhân... Đúng là "khóc không ra nước mắt".

Chăm chú nghe đồng nghiệp của bố bộc bạch, Tuấn chưa hé nửa lời. Anh biết bây giờ mình chỉ cần nghiêm túc tiếp nhận câu chuyện tưởng chừng là chú Nhậm tiện miệng kể này. Nhưng một điều mới mẻ, tràn ngập ấm áp tựa đang phá kén chui ra, hóa thành tinh linh ánh sáng lượn vòng quanh những con người cần lao bền bỉ kia, yêu quý họ, không bịt mũi khi đến gần bên họ. Tuấn chợt thấy tâm hồn nhẹ bẫng. Bàn tay anh tự nhiên rất muốn được chạm vào bộ quần áo công nhân không sạch sẽ của bố...

"Ting... ting... ting...". Liên tiếp 3 âm báo tin nhắn gửi đến máy điện thoại của Tuấn. Anh mở ra xem. Ngỡ ngàng, mờ mịt rồi lại chợt sửng sốt nhìn mấy tấm hình, là ảnh hai bố con anh cùng chú Nhậm vừa được chụp lại. Tuấn thoáng hẫng nhịp tim khi thấy tên của đối phương.

"Nếu lúc này em đi đến chỗ của ba người, anh có ngại không?! Em xin lỗi, chỉ là... Em thấy không có gì để phải giấu anh cả. Người đang đứng bên trái của anh là anh trai lớn nhà em ạ! Em mang cho anh ấy chút đồ...".

Không hiểu sao Tuấn thấy lồng ngực đập rộn ràng rồi lại thắt chặt như muốn chạy trốn. Nhưng... khi anh vừa theo bản năng mà nhìn về phía trước không xa, hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, bình dị nhưng ăn mặc rất đỗi hài hòa đang do dự không dám tiến lên kia đã in vào trong đáy mắt. Dương tình cờ xuất hiện thôi, mà lúc này lại như một mối liên kết đặc biệt khiến Tuấn xúc động. Anh mỉm cười, cúi đầu bấm phím điện thoại:

- "Được chứ! Chào Dương!".

Ông Thân không giấu được ánh mắt hiền từ sâu đau đáu, tràn ngập tình thương yêu của người cha khi dõi theo con trai. Thì ra cuộc đời vẫn luôn dành cho mỗi người một số cơ hội để bứt phá những giới hạn. Với ông cũng vậy, với con trai của ông cũng thế! Bàn tay xù xì còn ám mùi đặc trưng của nghề móc cống hơi nâng lên đặt nhẹ vào mái đầu thằng út, xoa khẽ. Lâu lắm rồi ông không dám gần gũi Tuấn bằng cử chỉ như vậy. Nhưng hôm nay, ông âm thầm tin rằng từ giờ trở đi... nghề nghiệp không còn là nỗi tủi hổ của ông khi đối diện với con cái nữa. Ông nhìn con. "Thằng bé" đang nói với cô gái kia: "Ừ, giới thiệu với Dương, đây là bố của anh!".

Dương cười tươi chào ông. Nhậm vẫn còn đang bất ngờ khi biết em gái mình với Tuấn quen nhau. Nắng lấp lóa. Những người công nhân trong đội của ông Thân đang ngồi trên vỉa hè, gọi với nhau chuẩn bị ăn cơm trưa. Ai biết được, những giọt mồ hôi rơi cũng khiến người công nhân trở nên lấp lánh hơn...

 
Viên Nguyệt Ái
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Bán mặt trong lòng đất (phần 1)

Viên Nguyệt Ái |

Sau mấy ngày mưa bão dai dẳng, hôm nay bầu trời mới lộ ra sắc màu tươi sáng hơn, nhưng không khí trên con đường đô thị B lại kém trong lành dễ chịu, ngược lại có phần gây cảm giác e ngại cho người dân đang ở, hoặc lưu thông trên tuyến đường này. Xung quanh bị ảnh hưởng bởi mùi thum thủm bốc ra từ trong các hố ga, cống rãnh tù đọng rác thải và nước mưa, ướt át. Vừa sáng sớm, dân chúng đi qua đây không khỏi có người buột miệng than thở: Mưa với chả gió. Cống rãnh gì thối khiếp!

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Thị trường chứng khoán giữ đà tăng điểm với thanh khoản phục hồi

Gia Miêu |

Thị trường chứng khoán tăng điểm với biên độ lớn đi kèm với thanh khoản bùng nổ là một tín hiệu xác nhận xu hướng tăng điểm khá rõ nét.

Cao đẳng Công nghiệp Huế thu tiền trái quy định của hàng nghìn học sinh

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thừa nhận, trường này thu tiền học phí trái quy định của hơn 1.400 học sinh trong nhiều năm liền.

Kỳ vọng chương trình phúc lợi dài hạn cho đoàn viên, người lao động

Nam Dương |

Nhiều cán bộ CĐ đã gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 sau thành công của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Ngăn ngừa sự cố tràn dầu vụ tàu nước ngoài trôi dạt vào đảo Cù Lao Chàm

Hoàng Bin |

Cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống sự cố tràn dầu tại khu vực tàu nước ngoài có trọng tải gần 14.000 tấn, bị trôi dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An).

Vợ chồng cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ phủ nhận xây nhà trái phép trên núi

Hoài Luân |

Liên quan đến vụ cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định xây nhà trên núi "để sống ẩn dật" gây xôn xao dư luận, mới đây, lãnh đạo UBND phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) cho biết, vợ chồng vị này đã không thừa nhận vi phạm, dù trước đó đã bị xử phạt, cưỡng chế.

Truyện ngắn dự thi: Bán mặt trong lòng đất (phần 1)

Viên Nguyệt Ái |

Sau mấy ngày mưa bão dai dẳng, hôm nay bầu trời mới lộ ra sắc màu tươi sáng hơn, nhưng không khí trên con đường đô thị B lại kém trong lành dễ chịu, ngược lại có phần gây cảm giác e ngại cho người dân đang ở, hoặc lưu thông trên tuyến đường này. Xung quanh bị ảnh hưởng bởi mùi thum thủm bốc ra từ trong các hố ga, cống rãnh tù đọng rác thải và nước mưa, ướt át. Vừa sáng sớm, dân chúng đi qua đây không khỏi có người buột miệng than thở: Mưa với chả gió. Cống rãnh gì thối khiếp!

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.