Truyện ngắn dự thi: Bán mặt trong lòng đất (phần 1)

Viên Nguyệt Ái |

Sau mấy ngày mưa bão dai dẳng, hôm nay bầu trời mới lộ ra sắc màu tươi sáng hơn, nhưng không khí trên con đường đô thị B lại kém trong lành dễ chịu, ngược lại có phần gây cảm giác e ngại cho người dân đang ở, hoặc lưu thông trên tuyến đường này. Xung quanh bị ảnh hưởng bởi mùi thum thủm bốc ra từ trong các hố ga, cống rãnh tù đọng rác thải và nước mưa, ướt át. Vừa sáng sớm, dân chúng đi qua đây không khỏi có người buột miệng than thở: Mưa với chả gió. Cống rãnh gì thối khiếp!

***
Sáng sớm, như thường lệ, ông Thân lại chuẩn bị rời khỏi nhà để đi làm. Trên người ông là bộ quần áo đồng phục lao động của công nhân thoát nước đã bạc phếch. Ngôi nhà lúc này chỉ có hai vợ chồng, bình lặng mà phảng phất sự thấu hiểu.

- Ông mang theo ấm nước tôi pha sẵn để cả đội uống giải khát. Khổ! Công việc cứ vất vả thế này sức nào kham cho nổi? - bà Cần xót chồng, miệng liên hồi than thở.

Mấy chục năm rồi, cái điệp khúc ấy bà nói mãi như ăn cơm bữa, song ông Thân luôn tươi cười gật đầu ra chiều nghe vào tai. Ông biết, bà cũng chỉ vì lo nghĩ cho ông, nói ra âu cũng để nhẹ nhõm lòng dạ mà thôi, dù không giải quyết được vấn đề gì nhưng lại là niềm an ủi với ông, là sự quan tâm ân cần của người vợ già dành cho mình.

Bà Cần lấy ông quả thua thiệt, ông nhủ vậy! Mang tiếng làm vợ của người móc cống, không phải chưa từng bị người đời chê cười dè bỉu. Ông thì quen với ánh nhìn kỳ thị của một số thành phần trong thiên hạ rồi, lắm khi họ thấy những người công nhân móc cống như ông là y như rằng lang lảng tránh xa, lén bịt mũi, ông chẳng còn thấy lạ lẫm gì nữa. Nhưng... ông thương bà, hẳn rằng bà sẽ không tránh khỏi nghe lời ra tiếng vào từ miệng người ta.

Cũng may bà là người cứng cỏi. Kể từ ngày nên nghĩa vợ chồng với ông, bà đều luôn thông cảm cho chồng, chẳng chê trên người ông hôi hám mùi cống rãnh. Vợ biết điều và bao dung đến nỗi có khi ông thấy hổ thẹn. Song, hơn tất thảy những điều đó, ông biết ơn cuộc đời này đã cho ông có duyên phận với bà. Mà cái duyên ấy cũng từ chuyện liên quan tới hố ga, ống cống mà ra.

Nhớ ngày ấy, ông hơn hai mươi tuổi, mới xin vào làm công nhân thoát nước chưa được một năm, kinh nghiệm ít ỏi, ấy vậy mà gặp ngay nhiệm vụ khó khăn trong mùa mưa.

Đó là một ngày ám ảnh cả đời với ông. Toàn đội mặt mũi xanh mét khi nghe có tiếng phụ nữ cầu cứu xé gan ruột. Đứa con trai bốn tuổi được Cần bế đi chợ. Trong lúc cô mải mua rau ở vỉa hè và đặt con xuống đất, thằng bé hiếu động chạy ra ngoài lề đường phố, chẳng hiểu nghịch ngợm thế nào đẩy được một phần nắp cống sứt sẹo chênh vênh ra, không may lọt cả người xuống.

Khoảnh khắc, tiếng khóc gọi mẹ vụn nát. Cần bấy giờ giật bắn, kinh hoàng lao ra hòng níu lấy con. Không thể kịp! Thằng bé mất hút. Dân chúng thét chói tai, xúm lại, hô hoán khi chứng kiến cảnh đó. Cần gào gọi, cầu cứu như muốn bật cả máu cổ họng.

Đội thoát nước đang rải rác kiểm tra cống ngầm trên tuyến đường ấy. Thanh niên Thân vốn lụi cụi cách đấy gần năm mươi mét, nghe thấy liền vọt đến với tốc độ nhanh chưa từng có, tức tốc nhấc hẳn nắp cống ra, trườn mình xuống, lách khéo hệt một con cá chạch len lỏi tìm kiếm đứa trẻ. Mấy công nhân khác cũng chia nhau hành động, dốc sức mò mẫm nạn nhân bé bỏng. Ơn giời! Đứa bé chưa bị dòng nước thải cuốn trôi ra xa, đang hoảng loạn chấp chới mắc mình trong ngổn ngang tạp vật, nhờ miếng ván gỗ mục bị kẹt ngang trong đó giữ lại.

Thân lập tức tiến tới chụp lấy tay đứa bé, không kịp suy xét đến an toàn của mình, cho tới khi nâng cháu nhỏ đã tím tái vì lạnh và sợ hãi mò về miệng cống, được đồng nghiệp cuống cuồng hỗ trợ đưa lên mặt đất thì mọi người vây quanh mới vỡ òa vui sướng, thở phào. Họ đã quá căng thẳng chờ ngóng công cuộc giải cứu ấy. Người mẹ trẻ gần như ngất xỉu vì sốc, thậm chí còn không thể đứng dậy. Chân tay cô bủn rủn, cứ thế dùng tư thế bò lồm cồm về phía con, ôm chầm lấy nó, khóc thảm thiết.

Thân chưa vội buông bé ra bởi tâm lý nạn nhân đang yếu ớt. Hình ảnh ba người một chỗ ôm nhau sau cơn hoạn nạn quá đỗi rung động lòng người. Đứa trẻ bê bết bẩn, ướt từ đầu xuống chân, cứng còng bấu chặt "cứu tinh" chẳng chịu rời dù chỉ một centimet. Khắp người Thân cũng thối rình, mồ hôi trộn lẫn chất thải, nước cống. Thanh niên tựa chuột lột chui ra trong hố rãnh ô uế nhưng lại sáng bừng. Các công nhân khác còn đang sục sạo trong lòng cống được báo tin vui cũng trồi lên, mình mẩy dầm dề, gương mặt lem luốc không che lấp nổi nụ cười mừng rỡ.

Dân chúng lúc này mới phát hiện ra thái dương của Thân đang chảy máu, có lẽ bị va quệt vào vật cứng. Họ chẳng hề chỉ trỏ việc nam nữ "người dưng nước lã" mà tiếp xúc gần gũi để ôm đứa trẻ trong tay thì lạ đời thế nào? Con trai của Cần sau đó được đưa đến bệnh viện, may mắn không có vấn đề nghiêm trọng.

Ngờ đâu những biến cố của số phận lại run rủi Thân và hai mẹ con Cần trở thành gia đình. Cô vốn có con ngoài giá thú. Người đàn ông trước đó của Cần chưa kịp cưới hỏi cô thì đã gặp tai nạn mất mạng, vì khát vọng làm giàu mà ra nông nỗi. Hắn trót dại nghe bạn xấu dụ dỗ buôn gỗ lậu, "một đi không trở về”. Cần sinh con, đơn thân nuôi đứa bé, nhưng cô có nhan sắc lại tốt nết nên vẫn được không ít đối tượng nhòm ngó. Cô chỉ ưng Thân - người thanh niên quanh năm vùi mình trong lòng cống.

Đến nay, họ đã gắn bó, nương tựa vào nhau hơn hai chục năm.

***
- Bà yên tâm! Tôi quen nghề quen nghiệp, chẳng thấy nhọc nhằn mấy đâu. Bà phải tươi tỉnh vào, mấy hôm nữa thằng cả cho vợ con về chơi - Thằng cả trong miệng ông chính là đứa bé rơi vào cống năm nào.

- Đúng, đúng! Ông nói tôi mới nhớ! Mà thằng út hình như có bạn gái rồi ông ạ! Tối qua, tôi thấy nó bảo: "Bố mẹ sắp có con dâu".

- Thế à bà? Cái thằng khỉ này không làm cho tôi bớt lo được. Nó chỉ cần bằng nửa phần thằng cả...

- Thôi ông, mỗi đứa mỗi nết. Thằng út cũng có cái tốt của nó. Ông xem, thằng cả cho nó "cái cần câu cơm", ấy thế mà sau hai năm nó đã tích góp mua được xe mới bằng tiền tự kiếm đấy, vợ chồng mình cũng chỉ hỗ trợ non nửa.

- Tôi với bà nai lưng lao động cả nửa đời, nuôi dưỡng con cái học hành, không để chúng đói khổ đã là cố hết sức rồi. Giờ nó đã trưởng thành, cũng phải biết tự lập. Nhưng tính thằng út... - ông khẽ lắc đầu, thở dài: Sĩ diện quá!

Bà Cần cười, vỗ về bờ vai đã bị năm tháng bào mòn của ông, an ủi:
- Con cái có phúc phần của con cái. Ông vì chúng mà vất vả nhiều như vậy, nó có sĩ diện đến mấy cũng vẫn biết thương ông đấy thôi. Chẳng phải tuần trước nó vừa đưa ông đi kiểm tra sức khỏe định kỳ à?

Ông Thân hồn hậu gật đầu, nhìn qua giờ giấc trên chiếc điện thoại "quả táo" mà con trai cả tặng. Họ làm bố con đã hai mấy năm. Anh đối với bố lễ độ, hiếu thảo. Đúng là trời ban điều tốt lành.
- Thôi, tôi đi làm, bà nhé!
- Vâng! Ông đi thong thả!

***
Tầm mười rưỡi trưa, khí hậu bắt đầu có chút oi oi, nắng lên, mặt đường dần khô ráo lại. Tuấn chở bạn gái trên chiếc xe tay ga mới coong, tâm trạng của chàng thanh niên đôi mươi hôm nay thật phấn khởi, nụ cười xán lạn thường trực trên môi từ lúc mới tỉnh giấc đến giờ vẫn chưa biến mất. Chẳng là cô gái khiến anh cất công theo đuổi mấy tháng nay cuối cùng cũng xiêu lòng với Tuấn, nhận lời tỏ tình anh trao vào tối hôm qua. Mà trước đó ba ngày, Tuấn thuận lợi “rinh” được "con xe" Honda SH bấy lâu mình mơ tưởng. Đúng là "song hỷ lâm môn".

Từ lúc được bạn trai đến đón và đặt mình ngồi lên xe, cô bạn gái ra chiều vui vẻ vô cùng, vòng tay ôm eo anh, dựa vào lưng đối phương tận hưởng sự lãng mạn của cuộc tình chớm nở. Đặc biệt là khi được trải nghiệm cảm giác ngồi trên chiếc xe xịn của người yêu, rất "Yomost". Làn gió thổi phất phơ mái tóc màu hạt dẻ cùng lớp áo cánh dơi mỏng tang trên vai cô dập dìu bay bay. Giọng thiếu nữ vờn quanh thính giác Tuấn.

- Cái Dương nó cứ bảo em với anh không hợp. Anh xem, kiểu gì khi biết chúng mình thành đôi nó cũng ghen tỵ phát khiếp. Ai bảo nó thầm thích anh cơ!

- Gì cơ? Sao? Dương thích anh hả!? Không thể nào!

Một người con gái hiền dịu và nội tâm như Dương thì nên ưng đối tượng nào đó mẫu mực, tử tế chứ! Anh ấy à, là loại đàn ông phóng khoáng, sôi nổi, còn hơi... hư. Nghĩ vậy, Tuấn phủ nhận ngay lập tức cái khả năng kia.

- Anh với cô ấy chắc chắn không hợp! - Thanh niên nâng cao giọng hơn bình thường để Tuyết nghe rõ.

- Nó thích anh đấy! Nhưng anh là của em. Không được... Ối, sao chỗ này mùi kinh thế!?

- Do dân xả rác bừa bãi cả thôi. Cống rãnh ứ đọng sau mưa, bốc mùi là phải!

- Bọn thông cống làm ăn kiểu gì không biết? Chậm chạp quá!

Tuấn chợt im lặng. Thoáng chốc, mọi nỗi hân hoan trong anh như bị dội một thau nước đá, lạnh lẽo. Ánh sáng trong đôi mắt thanh niên tưởng chừng cũng bị cái lạnh ấy xông cho co lại. Tuyết nhăn mày bịt mũi, vẫn càu nhàu quở trách những người công nhân môi trường chậm trễ lao động.

Rõ ràng vừa rồi, đôi trai gái vừa lướt qua đoạn đường có đội công nhân của Công ty Thoát nước Đô thị B đang cặm cụi làm việc: phụ trách xe bồn, trực tiếp chui cống, sẵn sàng kéo bùn đất, giám sát kỹ thuật... chẳng có ai dám lề mề. Tay chân họ thoăn thoắt, toàn thân lấm lem nhem nhuốc. Nắp cống đã sớm bị cậy ra, những xô bùn đất liên tục được chuyển từ trong lòng cống lên trên mặt đất rồi mang đi tập kết ở nơi quy định. Trông họ nhễ nhại do đặc thù nghề mình chuyên trách. Cực nhọc quá thể!

Đấy là Tuấn mới chỉ nhìn lướt qua thôi mà còn thấy được những con người đó vất vả nhường nào! Huống chi... Mọi lời anh định thốt ra bỗng như nghẹn lại, tự nhiên không muốn trao đổi thêm với Tuyết điều gì vào lúc này. Liệu trong đội công nhân thoát nước kia... đang có bố của anh hay không?

Dưới lòng cống sâu mấy mét và dài hun hút, đen ngòm, hơi nóng hầm hập xen lẫn mùi xú uế nồng nặc đến ngộp thở. Ánh đèn pin soi vào không đủ sáng, nhưng "quen tay hay việc", ông Thân cùng mấy đồng nghiệp vẫn dò dẫm thông cống không ngơi nghỉ, thậm chí có lúc họ phải ì oạp "bơi" trong đống rác thải lềnh phềnh, dòng nước cống sền sệt bẩn tưởi.

Một tiếng kêu rên đột ngột vừa dứt, giọng hỏi dồn dập vang vọng.
- Anh Thân! Anh Thân! Có chuyện gì vậy?

- Chú Nhậm! Tôi... hình như giẫm phải thứ gì đó. Giúp tôi một chút! - ông Thân hơi lảo đảo vì phản xạ có điều kiện, gượng đứng vững giữa dòng nước thải đặc quánh ngập tới ngực. Cơn đau tuy không quá rõ rệt vẫn khiến ông hít thở nặng nề do lòng cống bốc mùi hôi thối khó tả.

Nhậm vốn đang hì hục nạo vét rác thải ứ đọng, chuyển ra từng xẻng bùn, nghe vậy vội thả dụng cụ xuống, khó nhọc rẽ nước lội ngược trở lại đỡ lấy ông.

- Có sao không anh? Quay về, phải xem vết thương đã - Đầy rẫy nguy hiểm có thể phát sinh trong cống: đụng rắn rết, vật cứng, sắc, nhọn...? - Nhậm rùng mình.

Không sao! Kịp nhấc chân - vừa nói, ông vừa xoay xở tháo ủng, soi đèn pin, nhìn - Mảnh sứ nhỏ chú ạ! Theo kinh nghiệm của anh thì chưa xuyên vào thịt, không đáng ngại - ông có thâm niên trong nghề, ít nhiều cũng đủ bản lĩnh trước sự cố - May mà không phải kim tiêm. Trụ thêm chút nữa, cũng sắp xong việc rồi!

Nhậm không đành lòng. Ông Thân so với anh lớn hơn hàng tá tuổi, sức vóc cũng chẳng lực lưỡng gì cho cam, gương mặt đầy vết nhăn, giờ lại thêm vẻ chịu đựng thật khiến người ta xót thay!

- Có phải lần đầu chúng ta bị thương ở trong lòng cống đâu? Chú đừng lo, tin anh! Giờ mình không nhanh chóng nạo vét cho xong thì rắc rối lắm, chẳng biết mưa lại ập xuống lúc nào, anh em đều thêm vất vả.

Dù trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng cũng không thể đảm bảo an toàn cho họ, ủng nhựa hay găng tay cao su vẫn bị vật sắc nhọn đâm qua, điều này Nhậm cũng hiểu. Chính anh đã từng nếm trải việc bị lưỡi dao gọt hoa quả do dân vô ý làm rơi, lẫn trong rác rưởi rồi cứa vào lòng bàn tay anh, vễ vãi máu.

- Cố lên anh, sắp xong rồi! - Nhậm buông đôi tay đang dìu ông Thân, gật đầu.

Sau những ngày lũ, dòng nước đen ngòm trong cống thường có dấu hiệu dâng, đặc biệt là có thời điểm các loại rác thải tắc nghẽn, không xử lý kịp sẽ ngập đường và tiềm ẩn đủ loại bất lợi, nguy hiểm. Tuy đã có tuổi, nhưng một ngày phải ngâm mình cả tám đến mười tiếng đối với ông Thân vẫn là chuyện không thể tránh.

Dòng nước như cố tình cản trở những người công nhân tận tụy, quấn riết lấy đôi chân tựa những xúc tu bạch tuộc khổng lồ thít lại khiến họ khó nhúc nhích, di chuyển. Chân trái ông Thân hơi khập khiễng, đôi lúc có cảm giác nhói cả vào tim. Tuy ông quyết định tiếp tục công việc, song khó làm ngơ sự bất tiện ở bàn chân.

"Mình có đang liều mạng quá không?". Nhưng ông và anh em phải "chạy nước rút". Họ đã ngâm mình từ sáng đến tầm này cũng qua mấy tiếng đồng hồ rồi, vài chục mét cống ngập ngụa túi ni lông, thức ăn thừa, xác động vật, mảnh vỡ thủy tinh, chai lọ, vải vụn, bùn... đủ các loại rác thải được dọn sạch, chỉ còn một đoạn ngắn nữa.

- Tiếp tục! Tiếp tục đi! Cố vét thêm vài mẻ - ông lấy lại tinh thần, cơn khó chịu đã bị lấn át bởi trách nhiệm thôi thúc.

Hai người đồng nghiệp khác ở phía trước khẩn trương chuyển mấy xô bùn lẫn rác đến miệng cống để cộng sự phía trên kéo lên. Ông Thân và Nhậm lại chuyên chú dùng xẻng xúc bùn, nạo vét cống. Tiếng va chạm của dụng cụ thọc xuống lòng đất tạo nên những âm thanh đặc trưng, hỗn loạn, vội vã.

Xe cộ trên đường nườm nượp qua lại, những tràng còi phát ra từ phương tiện giao thông và tạp âm của đô thị hầu như không ngớt. Người dân xuôi ngược là thế nhưng chẳng ai quan tâm đến những gì đang diễn ra dưới lòng cống mà họ luôn ghê tởm, chê bai là "thối khiếp" kia...

(còn nữa...)

 
Viên Nguyệt Ái
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

PODCAST - Truyện ngắn dự thi: Mai làm lại

Cát Tường - Vũ Linh |

Truyện ngắn dự thi: Mai nhỏ bé lọt thỏm giữa đám đông, chen không lại. Đi trễ sẽ mất cơ hội chọn đồ ăn. Nhưng ngó qua nhìn lại, cơm ở nhà máy nuốt trầy cổ họng chớ có chi ngon mà tranh nhau. Cơm nấu từ gạo dỏm, bữa khê bữa nhão. Thịt gà bở rệt, cá kho nhạt thếch, thịt xào toàn mỡ, chén canh lõng bõng vài cọng rau, thêm trái chuối hơi thâm vỏ hoặc lát dưa hấu bé xíu.
Truyện ngắn tham dự Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của tác giả Ny An.

Ông Biden tuyên bố bất ngờ về tái tranh cử nếu không có ông Trump

Ngọc Vân |

Tổng thống Joe Biden nói ông không chắc sẽ tái tranh cử nếu cựu Tổng thống Donald Trump không tham gia cuộc đua.

Trắng đêm thi công cầu vượt đường sắt trăm tỉ đầu tiên của Thái Nguyên

Lam Thanh |

Cầu vượt đường sắt đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 158 tỉ đồng. Hiện tại, đơn vị thi công đang chạy đua tiến độ để kịp hoàn thành dự án vào đầu năm 2024.

Hàng ngàn mét vuông diện tích kinh doanh ở khu tái định cư Đồng Tàu bị bỏ không

Anh Vũ |

Hà Nội - Hàng loạt ki-ốt bán hàng tại tầng 1 khu chung cư tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang bị bỏ không, gây lãng phí và xuống cấp.

Có 500 triệu gửi SCB, Agribank, hay MB hưởng lãi suất cao kì hạn 7 tháng?

Minh Huy |

Lãi suất tiết kiệm kì hạn 7 tháng dao động quanh ngưỡng 4,3% - 5,6%. Nếu có 500 triệu, bạn có thể tham khảo biểu lãi suất các ngân hàng dưới đây.

Mùa vụ tôm hùm bông tiền tỉ ế ẩm ở Khánh Hòa

Hữu Long |

Người nuôi tôm hùm bông tại Khánh Hòa đang đối diện với nguy cơ thua lỗ nặng do thị trường nhập khẩu Trung Quốc thay đổi quy định. Đây chính là hậu quả của việc phát triển tôm hùm tự phát, ồ ạt, thiếu liên kết bền vững.

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

PODCAST - Truyện ngắn dự thi: Mai làm lại

Cát Tường - Vũ Linh |

Truyện ngắn dự thi: Mai nhỏ bé lọt thỏm giữa đám đông, chen không lại. Đi trễ sẽ mất cơ hội chọn đồ ăn. Nhưng ngó qua nhìn lại, cơm ở nhà máy nuốt trầy cổ họng chớ có chi ngon mà tranh nhau. Cơm nấu từ gạo dỏm, bữa khê bữa nhão. Thịt gà bở rệt, cá kho nhạt thếch, thịt xào toàn mỡ, chén canh lõng bõng vài cọng rau, thêm trái chuối hơi thâm vỏ hoặc lát dưa hấu bé xíu.
Truyện ngắn tham dự Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của tác giả Ny An.