Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Thoa thấy rất khó hiểu, xô đựng nước thừa chẳng hệ trọng như thế! Tính cô Thuần thật khó hiểu, nước phở khách bỏ đi còn bảo con Thoa nhặt rau, có xương xẩu gì cũng bỏ đi, phải thật sạch mới cho vào xô nhựa. Cả cái xô cũng rõ là khó chịu, đựng nước thừa mà cứ trắng tinh, sạch bóng. Có lần thắc mắc, Thoa bảo, cho lợn ăn cần gì phải sạch thế? Cô Thuần nghiêm giọng: Bảo làm thì cứ làm, lợn với heo gì vào đây.

Nói rồi cô Thuần cười như để trấn an con Thoa. Lợn con nên phải sạch, không bị xương vụn... cô Thuần nghiêng chiếc xô đổ hết nước phở qua chậu bẩn lớn đặt ở bên, cô đi rửa sạch chậu rồi sau đó nhóm lửa làm gì chẳng ai hay, cô khóa cửa bếp lục đục một mình, chập tối thì có tiếng mở cửa, cô Thuần nói chuyện với ai đấy rất vắn.

- Hôm nay gặp sự cố.
- Vâng, con cảm ơn cô nhiều...

Con Thoa hé mắt nhìn qua cửa sổ, con bé xách chiếc xô người dong dỏng cao, tóc quá lưng buộc gọn. Nó xách chiếc xô đi về cuối đường, đi được một đoạn lại đặt chiếc xô xuống nghỉ, lúc sau lại nhấc lên. Đêm hôm đó con Thoa thấy nước mắt cô Thuần chảy qua mang tai nhưng nó không tiện hỏi. Nó ngồi lặng im bóp chân, xoa tay cho cô Thuần. Cô hỏi Thoa, sau này làm gì? Thoa bảo, thì đi bê phở thuê, nếu cô còn thuê thì Thoa sẽ làm ở đây, nếu cô không thuê thì Thoa đi tìm một quán phở khác để tiếp tục bê phở.

Cô hỏi: Chỉ thế thôi ư?
- Chỉ thế, Thoa đáp.

Cô Thuần thở dài vuốt tóc Thoa. Con người, có người rất nhiều ước mơ hoài bão, có người không. Chỉ sống bằng ấy thời gian với công việc hiện tại, chẳng mơ ước gì. Hoặc hiện tại chính là giấc mơ của họ nên ngày nào họ cũng được nắm lấy tương lai của mình. Cô bảo với Thoa, khi cô chết đi, cô sẽ để quán phở này lại cho Thoa. Mảnh đất này thuê của người ở xa, giờ nghe họ ra nước ngoài, đến tiền thuê mặt bằng cô Thuần cũng chẳng làm sao thanh toán được cho họ, nên cô mở một tài khoản ngân hàng, cứ đến tháng gửi tiền vào đó với nội dung: tiền trả thuê mặt bằng quán phở.

Có lúc Thoa đi gửi tiền thay cô, cô dặn dò kỹ lưỡng, phải ghi đúng nội dung, còn bảo sau này nhớ nhắc cô xử lý chuyện tiền nong cho họ khi cô già yếu. Con người ta, khi sống phải sắp đặt mọi thứ gọn gàng, khi chết đi chẳng phải lo toan gì hết, cứ thế nhắm mắt, nhẹ lòng.

Mùa đông, Thoa thường dậy rất sớm nhóm lửa đun nước dùng. Cô Thuần bắt đầu dạy cho Thoa từ cách chuẩn bị nguyên liệu đến việc làm nước dùng thế nào cho ngon. Sở dĩ quán phở cô Thuần nằm trong hẻm nhưng vẫn đông khách là nhờ nước phở ngon, đến dân sành ăn ở phố cũng phải tấm tắc trước bát phở nước trong vắt trong vơ nhưng khi ăn mới cảm nhận được sự ngọt ngon của nó.

Cô Thuần bảo với Thoa, làm việc đừng vội, nhất là việc nấu phở, nếu vội vàng là hỏng. Cô còn dặn thêm, sau này nhận quán, nhớ bỏ nước phở thừa như cách cô dặn. Sau khi nhặt rau, xương vụn nước phở được bỏ vào chậu sạch, cặn phở, xương và rau bỏ vào xô lớn. Từ sau con nhái nhảy vào xô, cô Thuần cẩn thận hơn, cô lấy lồng bàn úp lên chiếc xô rồi tủm tỉm cười, rất an lành.

Quán thường vãn khách vào lúc hai mươi mốt giờ, người ta bán phở sáng nhưng cô Thuần lại bán phở vào chiều tối. Bởi vậy buổi sáng khi chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy, Thoa thường ngồi hỏi chuyện cô Thuần. Trong vô số câu hỏi của Thoa, cô trả lời rất vắn tắt. Nên câu hỏi tiếp sau rất dễ đến tức thì. Thoa bộc bạch về chuyện hôm trước, khi Thoa thức dậy thấy thịt trong tủ lạnh không cánh mà bay.

- Nhà mình bị trộm cô à?, Thoa nói, cô Thuần giật mình.
- Khi nào?
- Hôm trước, đầu hôm cháu thấy trong tủ lạnh thịt nhiều, sáng mai không còn nữa...
- À, chẳng phải, cô dùng đấy!

Thoa nhíu mày nhớ chuyện hôm trước, chẳng lẽ cô Thuần lại thái thịt làm phở mới cho đàn lợn con. Ôi trời! Tại sao cô lại có thể làm như thế? Thoa chẳng hiểu nổi cô Thuần. Chợt hình ảnh con bé dong dỏng cao hay đến xách nước phở cứ in trong đầu Thoa, vừa khó hiểu lại vừa khó chịu. Rồi tới chuyện cô Thuần, chuyện đàn lợn con mà cô ưu ái đến khó tưởng, đôi lúc, Thoa chẳng muốn nghĩ, nhưng rảnh rang là nó cứ bắt nghĩ, mệt người.

Chồng và con trai cô Thuần từ nước ngoài về bảo mang cô đi. Cô Thuần chẳng có biểu hiện gì nhưng Thoa hết sức lo lắng. Nếu cô Thuần đi ra nước ngoài, Thoa sẽ bê phở ở đâu? Trước nói như thế nhưng để tìm một công việc ổn định ở thành phố chẳng dễ dàng gì, tìm được một người chủ như cô Thuần càng không dễ. Thoa đi theo sau lưng khi cô đi xuống bếp lấy trái cây. Thoa giật giật áo cô Thuần rồi khóc tức tưởi, cô Thuần quay lại thì Thoa ôm chầm lấy cô.

- Cô, con ích kỉ quá phải không? Nếu cô đi con chẳng biết phải làm thế nào. Họ là con trai và chồng của cô, nhưng cháu là trẻ mồ côi, cháu chẳng biết làm thế nào, cô là của cháu đúng không... Cô Thuần lặng im, Thoa vừa khóc vừa khẳng định, đúng rồi còn gì, chẳng lẽ cháu lại không bằng đàn lợn kia. Mà cô đi, cháu sẽ không cho con bé đó nước phở, xem đàn lợn ăn gì...

Cô Thuần cười, cô bảo cô sẽ đi, để Thoa là cô chủ quán phở. Thoa cảm thấy sự tuyệt vọng đến khá nhanh và muốn làm gì đấy để níu kéo cô Thuần, lần nữa Thoa bày chuyện nước phở thừa ra để nói.

- Nếu cô đi, người nọ sẽ không có nước phở sạch để nuôi lợn con...
- Cháu không làm được việc đó ư? Cháu ở đây đã ba năm rồi.
- Cháu sẽ không làm...

Đêm giông, Thoa cuộn chăn khóc. Ngoài phòng khách, cô Thuần đang ngồi uống nước với con trai và chồng của cô. Con trai cô dùng mọi thứ hấp dẫn để dụ cô Thuần ra nước ngoài sống cùng họ, chồng cô Thuần cũng vậy. Cô Thuần bảo, ừ được rồi để tính. Hết tuần nghỉ ngơi, con trai cô Thuần đi đặt vé để bay, cô bảo đừng đặt vé cô, cô ở lại...

Phần thưởng lớn nhất của ba năm Thoa bê phở không phải là tiền mà quyết định ở lại của cô Thuần. Thoa biết, cô Thuần quyết định ở lại quán phở không phải vì Thoa, cũng chẳng phải vì chồng và con trai. Cô bảo, nếu cô đi, cô đã đi từ trẻ. Qua bên ấy điều kiện sống chắc tốt hơn rất nhiều ở đây. Bằng chứng là chồng cô hơn cô đến mười tuổi nhưng ông ấy trẻ hơn cô rất nhiều. Cô còn bảo, ở đây nhiều việc làm, cô thích làm việc, với lại nhiều người cần đến cô.

Con người ai chẳng muốn sung túc, ai cũng muốn mình đỡ nhọc nhằn, nhưng nếu nhọc nhằn lao động để cưu mang người nghèo khó thì cũng đáng để sống. Kể cả trách nhiệm với khách hàng, những người đã ăn phở ở đây.

Thoa nghĩ, có khi nào cô Thuần ngộ nhận không? Khách hàng ăn phở không có gì đặc biệt, họ dùng phở, trả tiền, chỉ thế! Hay là “người” mà cô nói là đám lợn của cô gái dong dỏng cao kia. Có hôm rỗi, Thoa rủ cô Thuần đi thăm trại lợn, Cô Thuần nhíu mày rồi cười.

- Lớn, họ xuất chuồng rồi, mỗi con đi một hướng, còn lại ít lợn con thôi, lúc đông đủ rồi đi.
- Họ nuôi lợn cảnh à cô?
- Sao?
- Thì cô chắt nước phở thận trọng thế!

Cô Thuần lại cười, nụ cười đôn hậu của người đàn bà ngoài tám mươi nhưng không hề ngưng nghỉ. Sau ngày rời nhà máy chế biến thực phẩm với vai trò là một công nhân, cô nhận sổ hưu rồi đầu tư tiền mở quán phở. Cô Thuần chăm chỉ làm việc. Khuya, đau chân cô ngồi ở ghế xoa dầu. Lúc rửa xong bát Thoa mới vào bóp chân cho cô. Những lúc như thế cô thường nhìn ra phố, cô bảo với Thoa.

Phố càng sang thì người nghèo càng đổ về nhiều để kiếm sống, có nhiều trẻ mồ côi, có những đứa trẻ mồ côi bởi tinh thần khi rời bỏ gia đình. Người lớn mồ côi thì nhiều, bởi bố mẹ họ không còn nữa, nên dù muốn dù không thực tế họ cũng mồ côi. Cô ước sao mình còn bố mẹ, để bưng cho họ một bát phở vậy thôi, chỉ vậy thôi...

Thoa lặng im, Thoa xin lỗi cô Thuần, Thoa còn bố mẹ, nhưng hai người họ đã ly hôn, không ai nhận nuôi Thoa mặc dù Thoa chỉ mới tròn mười ba tuổi. Cô Thuần bảo cô biết, vì khi nói dối Thoa chẳng nhìn thẳng mặt cô. Cô còn bảo Thoa, nếu có cơ hội thì báo đáp mẹ cha, đó là người cho mình ra cuộc đời này, đừng trách họ, ai cũng muốn được người khác yêu thương chứ không muốn người ta thù ghét.
Mùa đông trôi qua thật chậm, khi những cơn mưa sáng bắt nguồn từ cuối dãy cây và buổi chiều nó lại dạt về từ dãy phố cách quán phở chừng 2km. Cô Thuần ốm mấy ngày, Thoa thay cô Thuần làm bếp, tiếp những ngày sau thấy Thoa quá tất bật nên cô Thuần bảo Thoa gọi thêm người làm.

Thoa gọi bừa con nhỏ ăn xin trên phố, bảo nó làm việc được trả công. Nó nhanh nhảu nhận lời. Nó như Thoa ngày trước, đi vất vưởng lúc đói thì đứng trước quán cô Thuần. Khi vãn khách cô gọi vào cho ăn và bảo ở luôn đấy. Con bé làm việc siêng năng, riêng cách bỏ nước phở thừa nó không đồng ý với cách làm của Thoa. Nó bảo rằng lợn ăn cần gì phải sạch như thế, sạch rồi họ cũng thịt thôi. Thoa bảo lợn cảnh thì nó quay sang vặn vẹo.

- Lợn cảnh thì lợn cảnh, nước phở như thế người ăn còn được.
- Tóm lại là em có làm không? Thoa gắt giọng. Cô Thuần gọi con bé giúp việc đến, bảo nó lấy ghế ngồi rồi cô chậm rãi.
- Việc bỏ nước phở theo cách ấy là ý của cô, cháu thấy có gì khó khăn không?
- Vâng, không khó khăn ạ!
- Thế sao không làm?
- Nhưng làm thế để làm gì?
- Nhưng không làm thế để làm gì?
- Cô lạ thật đấy, thôi để cháu làm là được.

Những ngày sau đó con bé tách nước phở theo ý Thoa. Nó còn rình mò người đến lấy nước phở, nó còn đi theo người đấy rồi trở về nhà rất khuya. Thoa hỏi, nó chỉ lặng im. Bảo sau rồi kể. Lần đó nó tỉ mẩn nhặt rau từ nước phở, nhặt xương, bỏ nước phở cặn còn rành rọt hơn cả Thoa.

Cô Thuần ốm nặng, cô không chịu đi viện. Cô hỏi Thoa đủ mười tám tuổi chưa. Thoa đưa căn cước công dân cho cô Thuần xem rồi cô bảo gọi giúp cho cô mấy người. Cô làm thủ tục sang quán, cô ủy quyền cho Thoa xử lý số tiền cô gửi trong ngân hàng để trả tiền mặt bằng cho chủ đất. Số ít tiền còn lại cô cho Thoa và đứa bé mới vào làm.

Mọi người ngạc nhiên khi từng đó thời gian bán phở, quán đông khách, con trai và chồng cô ở nước ngoài còn gửi tiền về nhưng số tiền tiết kiệm của cô Thuần rất ít ỏi. Biết sự tò mò đó nhưng cô chẳng nói. Cũng chẳng để làm gì, đấy là việc riêng của cô. Người ta hay muốn biết những thứ chẳng để làm gì ngoài thỏa mãn nhu cầu tò mò của họ.

Cô dặn Thoa, giọng khá nhọc nhằn. Cô biết là cô ích kỷ khi bảo cháu phải sống theo ý cô. Nhưng nếu cháu cũng ích kỷ giống cô thì cô không còn lo lắng gì nữa. Nhớ để nước phở và chăm cho đàn lợn con, khi họ thiếu thì bù tiền cho họ bằng khả năng của mình...

Cơn gió bên ngoài tạt mạnh, cánh cửa xô đập tả tơi, cô Thuần lặng im, Thoa cũng lặng im, chỉ có tiếng thét của con bé đau đến xé lòng. Chị Thoa, chẳng phải lợn cảnh đâu, không phải lợn cảnh, đó là những đứa trẻ mồ côi sống dưới chân cầu...
Con đường nhỏ, đèn vàng quạch, bóng con bé dong dỏng cao mờ mờ trong sương, nó đứng chơ vơ, chiếc xô rớt trên nền cỏ mần trầu, nó lặng im rồi khóc.

Hoàng Hải Lâm
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt Mặc nưa (phần 2)

Tống Phước Bảo |

Thiệt chọn trở về giữa cặp mắt rười rượi buồn của tía má. Chẳng ai buộc nổi gió trời. Tía nói vậy rồi cột mớ đồ nào là khung vẽ nào là ba lô thêm nhiều thứ nữa cho chuyến về miệt chín nhánh của thằng con bắt đầu biết thả cánh diều tương lai bay đi. Bay cao hay diều đứt dây thì chưa biết. Chỉ biết má lật đật chạy ra tận cổng dắm dúi một cái bao nhỏ cho Thiệt. Mắt má sưng mọng, có lẽ đêm qua tiếng cầu kinh của má lẫn vào tiếng nấc.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt Mặc nưa (phần 1)

Tống Phước Bảo |

Thiệt hộc tốc chạy về khi vừa nghe dứt cú điện thoại của thằng Bình bát. Tháng sáu phủ nắng khắp miệt đồng bưng. Nắng nảy lên những tán lá xanh rì. Nắng trổ những trái non biêng biếc quanh mấy cành cụt. Nắng hong khô mấy cây hàng vừa da. Nắng nung người dân tay đen lấm tấm mồ hôi. Chỉ vậy thôi, nắng không thể bắt lửa để cháy vườn Mặc nưa. Thiệt tin con nắng xứ này cũng mang lòng phù sam, sao nỡ đốt thứ thảo thơm đã cho người lục tỉnh vang danh trăm năm qua. Thiệt cứ chạy. Chạy trối chết dọc trên bờ đê. Chạy băng qua mấy cánh ruộng. Chạy về phía lửa. Phía Mặc nưa đang mùa cho trái.

Bắt quả tang 2 công ty in lậu hơn 15 tấn sách, lịch bloc ở TPHCM

HỮU CHÁNH |

Hai công ty tại TPHCM tổ chức in lậu hơn 15.000 ấn phẩm gồm sách và lịch bloc năm 2024, với khối lượng hơn 15 tấn vừa bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Interactive: Giải phóng thủ đô 10.10.1954 - Mốc son lịch sử

VŨ LINH |

Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường đấu tranh, bền bỉ lao động, sáng tạo, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10.10.1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Thắng Nepal 5-0, tuyển futsal Việt Nam sớm giành vé dự giải châu Á

Thanh Vũ |

Chiến thắng 5-0 trước Nepal chiều 9.10 giúp đội tuyển futsal Việt Nam sớm giành vé dự vòng chung kết giải futsal châu Á 2024.

Xuất hiện ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm tại Hà Nội

Vĩnh Hoàng |

Hà Nội - Trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2023 là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Dự báo diễn biến tiếp theo của bão số 4 Koinu

AN AN |

Cơ quan khí tượng của Việt Nam cho biết bão số 4 Koinu tiếp tục di chuyển chậm và giảm cấp nhanh trong những giờ vừa qua. Trong 12 giờ tới bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt Mặc nưa (phần 2)

Tống Phước Bảo |

Thiệt chọn trở về giữa cặp mắt rười rượi buồn của tía má. Chẳng ai buộc nổi gió trời. Tía nói vậy rồi cột mớ đồ nào là khung vẽ nào là ba lô thêm nhiều thứ nữa cho chuyến về miệt chín nhánh của thằng con bắt đầu biết thả cánh diều tương lai bay đi. Bay cao hay diều đứt dây thì chưa biết. Chỉ biết má lật đật chạy ra tận cổng dắm dúi một cái bao nhỏ cho Thiệt. Mắt má sưng mọng, có lẽ đêm qua tiếng cầu kinh của má lẫn vào tiếng nấc.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt Mặc nưa (phần 1)

Tống Phước Bảo |

Thiệt hộc tốc chạy về khi vừa nghe dứt cú điện thoại của thằng Bình bát. Tháng sáu phủ nắng khắp miệt đồng bưng. Nắng nảy lên những tán lá xanh rì. Nắng trổ những trái non biêng biếc quanh mấy cành cụt. Nắng hong khô mấy cây hàng vừa da. Nắng nung người dân tay đen lấm tấm mồ hôi. Chỉ vậy thôi, nắng không thể bắt lửa để cháy vườn Mặc nưa. Thiệt tin con nắng xứ này cũng mang lòng phù sam, sao nỡ đốt thứ thảo thơm đã cho người lục tỉnh vang danh trăm năm qua. Thiệt cứ chạy. Chạy trối chết dọc trên bờ đê. Chạy băng qua mấy cánh ruộng. Chạy về phía lửa. Phía Mặc nưa đang mùa cho trái.