"Sốt ruột" được đón khách quốc tế
Khách sạn Royal (khách sạn 4 sao) nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) là một trong những khách sạn hạng sang nằm ngay phố đi bộ nên luôn được nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Tuy nhiên, từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay, khách sạn này hầu như "bế quan tỏa cảng" bởi không có khách quốc tế đến lưu trú.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc khách sạn Royal cho biết, thời điểm trước đại dịch, lượng khách quốc tế đến lưu trú tại khách sạn luôn đạt hơn 90% tổng lượng khách đến lưu trú. Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch đến nay, khách sạn này chủ yếu phục vụ đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Khi nghe được thông tin ngành du lịch sẽ mở cửa đón khách quốc tế vào cuối tháng 3 tới đây, khách sạn đã sửa sang để chuẩn bị đón lượng khách quốc tế quay lại. Từ lãnh đạo đến nhân viên của khách sạn này đang rất mong chờ ngày du khách quốc tế quay lại như thời điểm trước lúc đại dịch xảy ra.
Tương tự, đại diện khách sạn Rarase Sài Gòn cho biết, do vị trí nằm ngay trung tâm quận 1, nên khách hàng chủ yếu của khách sạn là khách đến từ Châu Âu. Từ khi đại dịch xảy ra, khách sạn đã đóng cửa hoàn toàn trong gần 2 năm qua vì không có khách.
Tuy nhiên, khách sạn đang cải tạo, sửa sang để chuẩn bị hoạt động trở lại dự kiến vào cuối tháng 3 tới đây, trùng với thời gian ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế trở lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Quản lý một khách sạn 5 sao trên đường Đồng Khởi (quận 1) cho biết, chỉ khi nào khách quốc tế quay lại thì khách sạn mới có doanh thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Bởi thời gian qua, không đón được khách quốc tế nên lượng khách đến khách sạn chủ yếu là khách nội địa với doanh thu rất thấp không đủ để bù chi.
"Khách sạn 5 sao nên chi phí cho bảo trì, bảo dưỡng rất lớn, trong khi gần 2 năm qua khách sạn chỉ đón một lượng nhỏ khách nội địa nên doanh thu không đủ bù chi. Do vậy, khách sạn đã cho phần lớn nhân viên tạm nghỉ việc, chỉ giữ lại một số ít nhân viên. Khi có thông tin sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ cuối tháng 3, ban giám đốc khách sạn vừa ra thông báo kêu gọi các nhân viên tạm nghỉ trước đây quay lại làm việc từ ngày 14.2" - quản lý khách sạn này cho hay.
Kỳ vọng nhiều nhưng nỗi lo vẫn còn
Ông Nguyễn Hữu Năng Phương - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, Khách sạn Majestic - cho biết, lượng khách quốc tế đến khách sạn thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 luôn chiếm hơn 90%. Do vậy, khách sạn luôn mong chờ được đón khách quốc tế quay lại càng sớm càng tốt, bởi đây được xem là "nguồn sống" của khách sạn. Mong chờ là thế, nhưng khách sạn cũng không dám đặt kỳ vọng sẽ có lượng khách quốc tế đến lưu trú từ tháng 4, là thời điểm ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế.
"Chúng ta mở cửa, thì đồng nghĩa là các nước có khách quốc tế đến với nước ta cũng phải mở cửa cho người dân họ đi du lịch. Khách sạn Majestic xưa nay đón lượng lớn khách đến từ Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc chưa mở cửa cho dân họ đi du lịch thì cũng như không. Do vậy, tinh thần chung của khách sạn là chuẩn bị đón khách quốc tế, nhưng cũng tập trung vào nguồn khách nội địa vẫn được xem là chủ lực trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2022" - ông Phương nói.
Ông Đỗ Văn Thức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đất Việt - cho biết, khi mở cửa đón khách quốc tế quay lại thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều hưởng lợi lớn.
Theo ông Thức, việc mở cửa đón khách quốc tế, sẽ tạo ra tâm lý khách hàng về dịch bệnh đã ổn, đã kiểm soát để không quá lo lắng và cân nhắc có nên đi tour hay không. Mặt khác, khi mở cửa khách đón quốc tế vào, khách Việt Nam cũng tự tin đi du lịch nước ngoài hơn dẫn đến các tour đều có lượng khách đăng ký tăng, đồng nghĩa các khách sạn cũng được lấp đầy công suất phòng hơn.
"Các đường bay quốc tế mở, đồng nghĩa khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên và tour Việt Nam đi nước ngoài cũng sẽ mở lại. Khách quốc tế vào, mở ra cơ hội cho các điểm nghỉ dưỡng tham quan, giải trí, các cơ sở lưu trú tự tin hơn, tránh việc mở cửa hoạt động mà sợ bù lỗ, vì khách nội địa không đủ doanh thu lợi nhuận để duy trì hoạt động. Việc mở cửa làm ngành du lịch nhộn nhịp, đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm trong ngành này cũng sẽ sôi động theo" - ông Thức phân tích.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, thành phố là trung tâm thương mại, giao thương quốc tế và là đầu tàu kinh tế, du lịch lớn nhất của cả nước. Vì vậy, việc được mở cửa đón khách quốc tế trở lại sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Sở Du lịch TPHCM cam kết đồng hành cùng các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú để có nhiều sản phẩm tốt nhất phục vụ khách quốc tế.
Ông Hòa cho rằng, những kết quả đạt được của ngành du lịch thành phố trong thời gian qua sẽ tạo hành lang an toàn cho việc đón khách du lịch quốc tế quay trở lại. Sở Du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang nâng cấp các sản phẩm, để khi du khách quốc tế quay lại sẽ cảm thấy hấp dẫn hơn, nhất là những du khách chi tiêu cao.