Truyện ngắn: Cọng cỏ kiêu hãnh

Võ Thị Xuân Hà |

Tôi của ngày hôm qua, vụt sáng như sao băng, kiêu hãnh như cọng cỏ Tôi của hôm nay Gương mặt như bao diêm phong kín Những que diêm bé nhỏ khẽ khàng run (*)

Nàng Kiều Tho

Tại thị trấn Sam Ni sát biên giới Tây Nam nước Việt có một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ từ đời này sang đời khác phình to như một gò đất, là mộ Bà. Cỏ xanh mướt như lớp nhung phủ trên tấm lưng ong của một nữ thần. Không một thân cây nào có thể mọc trên mộ, nhưng xung quanh mộ đều là những cây cổ thụ, tạo nên vẻ kỳ bí và rực rỡ khi nắng lên hay khi mưa đổ xuống mù trời. Điều kỳ lạ là ngôi mộ này, theo lời kể của dân trong thị trấn, luôn bị những kẻ nào đó đào bới, rồi lại được ai đó lấp đầy. Nhưng những kẻ đào bới ngôi mộ này thường không được yên thân. Họ hoặc bị bệnh đỏ da hoặc bị ngủ mê loạn trí một thời gian, đến trước mộ cúng xin tha thật thành tâm, về nhà thì khỏi.

Con gái trong vùng muốn đẹp da, đến mộ từ khi mặt trời chưa lên, nghiêng những nhánh cỏ còn đẫm sương hứng sương vào cái chén đất, mang về đắp mặt chỉ một tuần là da mịn màng trắng nõn. Có bị thâm da nám mặt cũng cứ theo lòng thành dần dần mà khỏi. Những đôi yêu nhau gặp trắc trở thường về đây xin Bà phù hộ. Nhưng hình như những đôi có duyên thiên mới có thể biết được điều ấy mà tìm đến. Dân thị trấn không biết liệu sâu dưới tầng đất đen mủn kia có còn gì được gọi là thể cốt của mộ? Liệu có còn gì được chôn theo, ví như một kho báu, một bí ẩn đời đời kiếp kiếp không ai khai quật? Nhưng chắc chắn đó là ngôi mộ của một nhân vật mà người ta truyền tai nhau, từ đời này sang đời khác rằng Bà là một liệt nữ, là nữ tộc trong hoàng cung triều Nguyễn.

Không ai biết bà vì sao không nằm nơi thành quách ấm áp? Vì sao lại nằm lẻ loi nơi rừng sâu núi thẳm? Heo hút hẳn nhiên rồi, cách chục năm về trước, nơi đây là rừng đại ngàn. Thú rừng tha thẩn tìm kiếm thức ăn nơi bìa rừng, rồi chúng vượt lên đỉnh đèo Sam Sa nhìn ngắm ánh kim cương phát ra từ vách núi. Giờ đây thị trấn đã có hơn chục nóc nhà xây xi măng lợp ngói móc, thứ ngói đã thẫm lại theo thời gian, mòn nhẵn vì mưa và rắn đanh lại vì gió và nắng. Những ngôi nhà còn lại được dựng lên sơ sài hơn, mái lợp tôn xanh đỏ, tạo nên màu sắc như những chiếc váy úp ngược. Những nhà lợp ngói, thường lữ khách nhận ra ngay đó là cách xây nhà của dân phía bắc chạy vào từ nhiều đời trước.

Có thể tận đời chúa Nguyễn Hoàng. Còn những nhà lợp tôn, nhìn cũng biết nam kỳ chính hiệu. Dân thị trấn chủ yếu sống bằng việc bán nhì nhằng những thứ cho khách qua đường, nào mì tôm, trà ly bỏ đá đến gần đầy miệng ly, bánh nguội, đĩa kẹo nhuộm xanh đỏ tím vàng, mấy bao zet. Xe tải chở đến hạ xuống những bao tải rau xanh từ Đà Lạt về. Nhà nào cũng trưng biển rau sạch đảm bảo chất lượng. Thêm chữ rau đặc sản vùng biên đắt hàng như tôm tươi. Duy nhất có nhà Kiều Tho mở hàng hoa. Hoa từ Bảo Lộc chở về, giá cao ngất ngưởng, với vùng biên nắng ải mưa xối không đùa được. Nhưng cả thị trấn cần hoa cúng.

Dạo này Facebook mở bung khắp mọi nhà, mạng này mạng nọ lan nhanh như nấm sau mưa, nên mấy cậu trai mới lớn cũng có nhu cầu mua hoa để tặng ai đó trong vùng, mấy cô cậu học trò không hái hoa dại tặng thầy cô nữa mà mua hẳn những bông hồng to đùng gói giấy bóng kính.

Tha thẩn bên ngôi mộ cổ là hai anh em nhà Kiều Tho. Ngày nào chúng cũng được giao cho một việc, đó là mang mấy bông hoa hồng đỏ sậm tươi ngăn ngắt cắm vào chiếc bình đất đặt trên cái bệ nhỏ trước mộ. Chúng đặt trên bệ thờ một đĩa nhỏ, khi vài cái kẹo, khi cặp bánh bột gạo còn nóng. Thằng anh rót nước cúng, châm hương, còn con em cắm hoa vào bình.

Chiều nào nàng Kiều Tho cũng đến ngồi bên mộ. Đến mức dân thị trấn đã quen với cảnh xa xa cái bóng nàng im lìm khắc vào chân đèo. Lúc đó là lúc hoa trong ngày đã bán hết. Nồi cơm của ba mẹ con đã sôi lục bục, thằng anh cúi rạp người ngắm nhìn lửa. Con bé em chạy ra chạy vào cửa bếp, tay cầm mấy nhánh cây khô tiếp lửa cho anh.

Dân thị trấn thì thào vào tai với tất cả những người đặt chân lên đất này lãng du vài ngày hay chỉ dừng xe gọi một ly trà đá, rằng nàng Kiều Tho là bông hoa độc, sẽ dúi chết bất kể ai nếu cả gan động vào tấm thân đẹp kỳ ảo ấy. Nhưng có mấy bà già, sau khi bảo nàng là bông hoa độc, thì thở dài mà tiết lộ thêm: Nàng ấy là hậu duệ của Bà Chúa Mở Nước. Ngôi mộ Bà Chúa Mở Nước nằm ở bên chân đèo Sam Sa kia. Cỏ trên mộ không biết là giống cỏ gì mà chưa bao giờ héo úa, giống như loài cỏ thần thánh, rất xanh và mượt. Nàng Kiều Tho cũng không biết đã được sinh ra như thế nào. Nhưng chắc rằng nàng ấy là con cháu hậu duệ đời thứ bao nhiêu của Bà Chúa Mở Nước, nếu không sao cứ bám lấy ngôi mộ ấy nấm đất ấy mà nương bóng (mà nàng ấy hình như cố tình không muốn biết?). Nếu không, sao dám làm “cái việc ấy” ngay trên cỏ, bên trên cả sườn ngôi mộ không ai dám giẫm chân phạm thượng chốn ấy. Mà vì sao mộ của Bà Chúa Mở Nước lại nằm nơi đèo heo hút rừng cô liêu biên giới sầu thảm này, chỉ có Bà Chúa Mở Nước mới biết...

Ngoài mộ, nàng Kiều Tho duỗi đôi chân lên cỏ, mặc những lời đồn thổi. Dân thị trấn thì thào vào tai nhau hết năm này sang năm khác, rằng nàng Kiều Tho vốn dĩ mỗi lần duỗi đôi chân lên cỏ là sau đó vài tháng bụng lùm lùm chọc vào mắt các bà các cô trong vùng. Duỗi chân lên cỏ là cách nàng sinh ra những đứa trẻ mà chúng không biết vì sao mình được sinh ra. Nàng cũng còn không biết. Mưa xuân ẩm ướt làm ai nấy bứt rứt khó chịu, nhưng là cái khó chịu của cơn thèm muốn sinh sôi như cỏ. Nơi này. Trên mộ. Cỏ xanh mướt như tấm sa kim xanh.

Người đàn ông từ trong bóng chiều chạng vạng bước ra, không nói không rằng đẩy nàng Kiều Tho ngã ngửa bên mộ. Ngôi mộ nhìn từ dưới chân đèo Sam Sa nhìn lên chỉ thấy một màu xanh như miếng thạch lựu. Ngôi mộ che chắn cho những đứa trẻ được sinh ra theo cách phóng khoáng nhất, hăm hở và cuồng dại nhất. Dưới sâu trong lòng đất, ngôi mộ như giãn nở mãn nguyện, rên rỉ tách đôi, rồi co lại để chuẩn bị một sức mạnh phun trào...

Câu chuyện của người đàn ông bí ẩn

Năm đó ta vì nàng ấy mà bỏ hết mọi thứ đã sắp đặt sẵn cho thân thế.

Ta là cháu nội của vị cận thần tin cẩn nhất của Chúa Cả. Nàng ấy là con gái Chúa Trưởng, nghĩa là cháu nội của Chúa Cả.

Chúng ta đã có lễ đính ước. Những đêm trăng thượng tuần treo trước cổng kinh thành, chúng ta ngồi thuyền cùng các vị hoàng thân quốc thích, cùng thưởng rượu đọc thơ, thắp nến thả hoa. Ta và nàng ấy chỉ dám nhìn nhau trong tâm tưởng. Nàng được dạy dỗ nâng niu như viên bảo ngọc. Ta ngắm nàng ấy dưới ánh trăng thanh, trên dòng sông lung linh dát bạc, thoáng nghĩ tới những hoạch định cao cả cho non sông mà ta và nàng ấy hẹn ước cùng nhau thực hiện.

Ta mãi không bao giờ quên cái ngày định mệnh đó. Khi cả vương triều tưng bừng đón rước đức Vua Chân La. Cánh đàn ông trai tráng được đưa vào nội cung lo việc khách.

Nàng ấy hỏi ta:

“Ngài ấy có bộ râu đáng sợ lắm phải không thưa chàng?”.

Ta cả cười:

“Vén bộ râu ấy ra thì cũng là một đấng trượng phu”.

Nàng buông một câu:

“Ta không hình dung ra đấng trượng phu nào ngoài chàng”.

Đức Vua Chân La sở hữu một vương triều bấy giờ vẫn còn nhiều vùng hoang sơ. Nhưng vương triều của đức Vua khá giàu có, với cung điện dát vàng, với tầng tầng lớp lớp những vòm cung bí ẩn. Hoàng hậu Chân La bấy giờ là người nước Chăm Sạ, do chuyện hữu hảo mà được gả về. Nước da hoàng hậu ngăm đen, nhưng đôi con mắt sắc như dao. Hoàng phi được rước từ vùng thảo nguyên với những bầy cừu thuần chủng. Hoàng phi đẹp như dải mây ngũ sắc, bà ấy ngủ trên nệm lông cừu đã quen. Nghe nói mỗi lần muốn sang với Hoàng phi là đức Vua Chân La phải chất những tấm lông cừu lên cỗ xe bốn bánh đưa sang Chăm Sạ làm quà cho nhà vợ.

Một hôm nàng ấy được vời vào gặp Chúa Trưởng.

Thực ra Chúa Trưởng đã tính toán hết từ trước. Người sắp đặt những đội quân bí mật, giấu thân phận thật khéo cho họ, trang bị mọi thứ để họ từ giã người thân, đến sinh sống ở những nơi núi cao rừng thẳm xứ người. Tất cả đều phải vật lộn tự thân với những gì diễn ra trong cuộc trường chinh lặng lẽ. Sau này ta cũng vậy. Bất kể nơi đâu mà sứ mệnh của nàng phải đến là ta bằng mọi cách cũng phải có mặt để bảo vệ và chở che. Ta, kể từ khi nàng được vời vào gặp cha mình, coi như đã quyết định giã từ cuộc sống gia đình điền viên, trở thành người có duyên phận linh thiêng với Bà Chúa Mở Nước.

Và rồi nàng ấy được Chúa Trưởng gả sang Chân La, làm bà Hoàng phi thứ hai. So với nàng, Hoàng hậu và Hoàng phi Chân La chỉ như hai con bồ câu đẹp bên cạnh phượng hoàng.

Sau này trái tim đức Vua Chân La luôn ở bên nàng, dâng hiến, tận tụy, cưng chiều. Ngài ấy quả đúng là bậc trượng phu. Cùng với tháng năm, nàng được đưa lên bậc thang cao nhất, làm Hoàng hậu xứ Chân La, một vị Hoàng hậu tuyệt sắc tài đức vẹn toàn. Sau này nàng trở thành Thái hậu, một tay cùng vua con và các con trai khác lo toan cho triều đình Chân La. Ta thì làm bạn với hoàng hôn bên chân kinh thành, thầm ngắm bóng nàng.

Ta được Nhà Chúa giao cho nhiệm vụ bảo vệ nàng, và bằng mọi cách mở đất dần về phương Nam cùng nàng. Cuộc chiến đấu trí đấu lực để mở đất ngày ấy diễn ra đầy tai ương bất trắc nhưng thật quả cảm. Chúng ta rải người khắp mọi nẻo. Người của ta chiếm dần những rẻo đất mảnh rừng, xua lũ cọp beo phải co về sống nơi dành cho chúng. Bà Chúa Mở Nước đương đầu với bao âm mưu nơi ánh sáng hoàng cung xứ người, dần chiếm vị thế độc tôn, lên ngôi hoàng hậu.

Nàng ấy là làn hương là ánh sáng. Khi nàng không vui vẻ nơi kinh thành, ta thật lo lắng. Nhưng ta lo là thừa. Bao nhiêu đội quân hùng mạnh nhất, bao nhiêu mưu toan sắp đặt, bao nhiêu máu và nước mắt có thể đong đếm cũng không sánh nổi trí tuệ và sự thản nhiên hy sinh đến dường ấy. Ta đã mất nàng từ khi nàng chưa được sinh ra. Tuy vậy ta bằng lòng đi mãi theo nàng, suốt cuộc đời ta, suốt vạn vạn kiếp. Bởi sứ mệnh của nàng, cái sứ mệnh được Chúa Nguyễn trao để đặt chân lên ngàn vạn đất đai, mở rộng bờ cõi nước Nam.

Nàng ấy, ngươi có hiểu không, là mặt đất bầu trời của ta. Nàng ấy chính là Bà Chúa Mở Nước.

Khi nghe tin nàng từ giã cõi đời, ta phi ngựa về kinh thành Chân La, nhờ những tay lính lệ thân tín lấy cắp tấm áo nhung đỏ, tấm áo khoác dành cho đám cưới mà nàng không bao giờ mặc cho Vua Chân La ngắm. Nàng chỉ mặc tấm áo ấy mỗi khi chúng ta gặp nhau, dù chỉ là trong đêm tối, dù ta chỉ nghe nàng buông những câu ngắn gọn của mệnh lệnh. Ta muốn ôm nàng trong tay mình. Nhưng nàng là Hoàng hậu xứ Chân La. Nàng thà đi vào chùa ẩn náu khi đức Vua mất hơn là để ta ôm nàng trong tay.

Ta chôn tấm áo ấy xuống nơi đoàn đưa dâu đã dừng lại để nàng quay về kinh thành quê hương bái biệt. Cũng là nơi mà sau đó ít lâu, hai ta đã gặp lại nhau. Nấm mộ của Nàng và của Ta. Là mốc giới mà chúng ta thầm hứa với nhau, sẽ là mốc giới bờ cõi.

Sở dĩ cho mãi mãi về sau câu chuyện hy sinh tình riêng để dấn thân mở nước của Nàng không mấy ai biết đến, là bởi vì Nàng đã dặn lại, rằng cuộc đời Nàng đã vì Tổ quốc quê hương mình, nhưng lại có tội với chồng với con, những vị vua của đất nước Chân La xa xưa... Nên Nàng đã không cho dựng tượng đài bia đá không ngợi ca không ghi công trong lịch sử.

Vậy thì ta hà cớ gì mà cứ kể mãi câu chuyện bi thương của mình?

Cọng cỏ

Hôm đó đoàn chúng tôi đến được thị trấn bằng chiếc xe tải nhỏ vào đúng giờ ngọ. Theo gợi ý và lời dặn dò kỹ lưỡng của Đông Hải, một vị chức sắc và cũng là nhà khảo cổ có tiếng của Viện Khảo cổ, tôi sắp đầy đủ đồ cúng ra cái túi vải. Tôi nghĩ rằng Bà Chúa Mở Nước thực ra là một người đoan trang nền nã, không xa hoa không phô diễn. Một liệt nữ của nước Việt. Không bia mộ tượng đài. Và còn bao nhiêu con người thủa đó đã cùng Bà mở bờ cõi chạy dài về phía Nam. Có thể nào mai sau con cháu không biết đến sự hi sinh thầm lặng của tiên tổ?

Chúng tôi đã đến bên ngôi mộ cổ. Dù dưới đất kia là gì đi nữa thì đây chính là nơi linh thiêng hồn phách của một mối tình đã mãi mãi khắc ghi trong lòng đất trời quê hương.

Hương đã ngát. Những cọng cỏ run run như đón mừng.

Chúng tôi cùng lắng nghe vị sư già tụng trong ánh sáng huyền diệu.

“Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát...”.

Tiếng tụng của sư già vang lên trong thinh không lặng gió.

Câu chuyện về Bà Chúa Mở Nước được kể lại như sau:

“Trong thời kỳ gây dựng xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã từng mở rộng lãnh thổ nước ta về Nam. Đó là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Đồng Nai, ta quen gọi gộp chung là Đồng bằng Nam Bộ, tức là vựa lúa to lớn nhất của Việt Nam bây giờ. Chính Đồng bằng Nam Bộ này đã làm điều hòa, đã giảm thiểu tình trạng đói kém cho toàn nước ta trong những năm gặp thiên tai hạn hán. Nếu không có Đồng bằng Nam Bộ, vào những năm mất mùa, không biết dân ta sẽ khốn đốn tới mức nào? Chết chóc tới mức nào? Nhờ ai mà ta có vựa lúa vĩ đại đó? Tất nhiên là công lao của các chúa Nguyễn. Nhưng giả như cuộc Nam tiến đó "thiếu" sự đóng góp công sức cả một đời mình của một người đàn bà, người đàn bà duy nhất đương thời có đủ khả năng làm tiên phong mở lối, cũng là người trong dòng họ Nguyễn, liệu các chúa Nguyễn có làm nên chuyện được không?

Tại sao các sử gia triều Nguyễn lại làm ngơ không nhắc đến, hoặc có nhắc đến thì cũng nhắc một cách chiếu lệ, hững hờ đối với người đàn bà đóng góp công đầu trong cuộc Nam tiến vĩ đại này? Người đó là ai? Chính là Công nữ Ngọc Vạn!”(**).

Còn người luôn ở gần bảo vệ Bà là ai? Sử sách ghi đó chính là An Quốc hầu Trần Đình Huy.

Trên đỉnh đèo Sam Sa, hình như nàng Kiều Tho đang hát:

Tôi của ngày hôm qua, vụt sáng như sao băng, kiêu hãnh như cọng cỏ...

Đêm 20.2.2017

 

(*) Thơ của tác giả

(**) Theo tiểu thuyết “Nàng Công nữ Ngọc Vạn” của Ngô Viết Trọng: “Xưa, thái hậu Ngọc Vạn và An Quốc hầu Trần Đình Huy thương mến nhau, đã làm đám hỏi. Nhưng rồi vua Chân Lạp lại cầu hôn thái hậu, vì quyền lợi của đất nước, hai người phải hy sinh mối tình cao đẹp ấy. Về sau, ông Đình Huy lập được công lớn, được phong tước An Quốc hầu”.

Võ Thị Xuân Hà
TIN LIÊN QUAN

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội ế ẩm, không còn tình trạng thổi giá cao

ANH HUY |

Những năm trước đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội luôn được quan tâm, thậm chí rất sôi động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đất đấu giá đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

Cầu thủ Thái Lan và Indonesia ẩu đả tại SEA Games nhận án phạt nặng

MINH PHONG |

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra án phạt dành cho tập thể và cá nhân của đội U22 Thái Lan và U22 Indonesia trong vụ xô xát ẩu đả tại chung kết SEA Games 32.

Đêm diễn trên sân Mỹ Đình là show cuối cùng của Blackpink trước khi tan rã?

DƯƠNG HƯƠNG |

Trước thông tin Lisa, Jennie chưa ký gia hạn hợp đồng với YG, Blackpink có nguy cơ tan rã. Nhiều khán giả thắc mắc, liệu đêm diễn ở sân vận động Mỹ Đình cuối tháng 7 có phải show cuối cùng của nhóm?