Lõi tên lửa vũ trụ Trường Chinh 5B của Trung Quốc có thể đi vào lớp khí quyển dày đặc phía trên Thái Bình Dương vào ngày 9.5, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos chia sẻ với TASS hôm 7.5.
"Theo các tính toán được thực hiện vào ngày 7.5, phần lõi có thể đi vào bầu khí quyển trên Thái Bình Dương trong đêm ngày 9.5 theo giờ Mátxcơva" - Roscosmos thông tin.
Cơ quan vũ trụ Nga cho biết thêm, mảnh tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát hiện đang dần dần mất độ cao một cách ổn định, với điểm xa Trái đất nhất của mảnh tên lửa là 267 km và điểm gần nhất là 156 km.
Tên lửa vũ trụ Trường Chinh 5B được phóng đi từ bãi phóng Văn Xương hôm 29.4 để đưa mô-đun lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào không gian. Phần lõi tên lửa này đang trong quá trình tái nhập Trái đất không kiểm soát. Khối lượng khô của phần lõi tên lửa Trung Quốc là khoảng 18 tấn, theo TASS.
Trung tâm phân tích và thông tin chính của Nga thuộc Hệ thống tự động cảnh báo các tình huống nguy hiểm trong không gian vũ trụ gần Trái đất đang thu thập và xử lý thông tin về quỹ đạo của tên lửa Trung Quốc. Trước đó, Rocsosmos khẳng định, mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho Nga.
Trong diễn biến liên quan tới tên lửa Trung Quốc, tuần qua, Gianluca Masi, nhà điều hành Dự án Kính thiên văn Trực tuyến (Virtual Telescope Project), đã chụp được từ Italia một bức ảnh phơi sáng 0,5 giây về tên lửa đang di chuyển bằng kính thiên văn robot Paramount 17 inch "Elena", Fox News đưa tin.
Dù lõi tên lửa Trung Quốc có khả năng bị vỡ ra và bốc cháy trong bầu khí quyển tầng trên nhưng Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang tích cực theo dõi quỹ đạo của vật thể này.
Hôm 7.5, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, giới chức Trung Quốc sẽ công bố thông tin về việc mảnh tên lửa tái nhập Trái đất một cách "kịp thời".
Người phát ngôn khẳng định, Trung Quốc "rất chú trọng đến việc tái nhập tầng trên của tên lửa vào bầu khí quyển".
"Theo như tôi hiểu, loại tên lửa này áp dụng thiết kế kỹ thuật đặc biệt, và phần lớn các thiết bị sẽ bị đốt cháy và phá hủy trong quá trình tái nhập, khả năng gây hại cho các hoạt động hàng không và mặt đất là rất thấp" - ông Uông Văn Bân nêu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Theo Fox News, tháng 5.2020, mảnh vỡ từ một tên lửa Trường Chinh 5B khác của Trung Quốc từng rơi xuống ít nhất 2 ngôi làng dọc theo Bờ Biển Ngà ở Châu Phi.