Nhọc nhằn nghề nướng cá thuê

Nguyễn Hồng Quân - nguyenhongquannghean@gmail.com |

Không kể nắng hay mưa, một ngày làm việc của những người phụ nữ chuyên nướng cá thuê ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) được bắt đầu từ rất sớm và kết thúc vào tối mịt. Cuộc sống của họ gắn liền với con cá, lò bếp than và cả mùi tanh của cá biển.

Nghề đội nắng chan mưa

Về Diễn Vạn vào một ngày chớm thu, nhưng cái nắng ở xứ này vẫn dội thẳng xuống đầu những người phụ nữ làm nghề nướng cá thuê vốn dĩ đã vất vả, lam lũ. Vừa đến đầu xã, mùi cá nướng đã thơm nhức mũi, khiến những ai ghé qua đều muốn được thưởng thức. Ở 9 xã ven biển của huyện Diễn Châu, hầu như xã nào cũng có nghề nướng cá, song nổi tiếng nhất vẫn là Diễn Vạn, vốn nức tiếng có cá nướng ngon và tươi sạch. Để có miếng cá ngon đem đi mọi miền, những người phụ nữ nướng cá thuê phải quần quật bốn mùa không kể nắng mưa.

Thấy khách đến, chị Hoàng Thị Tâm (40 tuổi, ở xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn) đang làm trong một lò nướng dừng tay chia sẻ: “Nghề nướng cá thuê vất vả lắm, nó đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì, nếu không làm được thì bỏ nghề sớm. Tôi theo nghề này hơn 10 năm, từng ấy thời gian nếm bao vị mặn của giọt mồ hôi đôi lúc lẫn cả nước mắt. Sáng sớm tinh mơ, tôi phải dậy sửa soạn, vội ăn bát cơm nguội, sau đó sang lò xếp cá, rửa cá rồi phơi cho ráo nước, thường thì giai đoạn này từ 6h sáng đến 9h trưa, sau đó, bắt tay vào nướng cá. Đến khoảng 18h - 19h tối, công việc mới xong xuôi. Khổ nhất là mùa hè vừa oi bức, nhiệt độ ngoài trời đôi khi lên tới 40 độ C nhưng chị em chúng tôi vẫn ngồi bên bếp than để nướng hàng tấn cá. Nhiều lúc nướng cá xong, mắt hoa không nhìn nổi thứ gì. Riêng chuyện bị bỏng ở tay, chân, do than lửa thì diễn ra hàng ngày, bị bỏng xong rồi lại tự khỏi thôi mà…”.

Đến mùa mưa, chị em lại khổ vì vừa nướng cá vừa hứng mưa, dột khắp nơi song vẫn phải cố gắng làm kịp tiến độ để cá khỏi ươn. Một ngày từ sáng đến tối, các chị được chủ lò trả từ 100.000 - 150.000 đồng, cũng tạm đủ chi tiêu cho gia đình. “Nhà nghèo quá, chồng phụ hồ lương ba đồng ba cọc, con cái cũng phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ, sống ở xứ này chúng nó đã quen như thế rồi”, chị Tâm nói.

Người làm công đã vất vả, chủ lò cũng chẳng sung sướng gì. Anh Hoàng Văn Tuấn - chủ một lò cá nướng - cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi nướng khoảng 1 tấn cá, thuê khoảng chục công nhân. Nếu nướng xong hàng bán hết thì lãi ròng khoảng 500.000 đồng/ngày. Hàng bán không được chịu lỗ, nghề này cũng bấp bênh lắm, nếu không có thương hiệu hoặc khách quen thì không tồn tại được”. Theo anh Tuấn, cá nướng phải tươi, ngon, khô ráo để vận chuyển đi xa. “Nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng ngẫm lại ngoài nghề này không còn nghề nào để làm nữa, đất chật người đông, ruộng đồng lại không có, đành phải chấp nhận. Hàng ngày, tôi và các chủ lò phải thức dậy từ lúc 2 - 3h sáng đi đến các bến cá dọc bãi biển ở các huyện để gom hàng”, anh Tuấn nói.

Đặc sản xuất khẩu

Xã Diễn Vạn có khoảng hơn 35 nhà làm nghề nướng cá, tập trung chủ yếu tại các xóm Yên Đồng, Trung Phú, Trung Hậu và Đồng Én. Nghề này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoàng Minh Long - Bí thư Đảng ủy xã - cho biết: “Trung bình mỗi ngày, địa phương xuất đi khoảng hơn 30 tấn cá các loại, thị trường chủ yếu là các huyện ở Nghệ An và một số tỉnh ở Lào. Người Diễn Châu chúng tôi buôn bán ở Lào nhiều lắm, chính vì vậy mỗi lần về quê là các thương lái lại mua hàng tạ cá nướng đem sang Lào để bán, ngoài cá nướng ra họ còn đưa đặc sản biển…”.

Theo các thương lái, người Lào ưa chuộng món cá nướng ở đây, họ ăn một lần cứ khen ngon mãi. Tuy nghề này vất vả nhưng nhờ buôn bán thuận lợi nên có nhiều chủ lò giàu lên từ cá nướng, cuộc sống của người dân cũng được phần nâng cao. Trăn trở lớn nhất của Diễn Vạn là chưa có địa điểm để quy hoạch làng nghề cá nướng và chưa xây dựng được thương hiệu. Các chủ lò hiện tại chỉ tận dụng khoảng đất trống trước nhà hoặc ven sông để mở lò, nhiều lúc gây ảnh hưởng tới môi trường. Bà Hồ Thị Tâm - chủ một lò cá nướng - cho biết: “Chủ lò nào cũng muốn bán cá sang Lào vì được giá hơn so với bán trong tỉnh. Trở ngại nhất là chưa có sự quy hoạch làng nghề hiện đại, vì vậy chúng tôi thiếu đất làm, thiếu khoa học kĩ thuật, không nướng cá theo hệ thống công nghiệp được mà phải làm bằng tay, do đó tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra”.

Nguyễn Hồng Quân - nguyenhongquannghean@gmail.com
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.