Truyện ngắn: Máu và tuyết

tống ngọc hân |

Mày để vợ mới cưới ở nhà không sợ à? Lời nói của lão Lìn như gió thổi qua mặt, Pú không để ý. Nhưng gió thổi ba lần, Pú thấy lạnh.

Biết Pú đón vợ xuống bãi vàng, bọn cửu vạn, ngót ba chục thằng, kéo đến xem. Pú hãnh diện lắm. Lão Lìn lắc đầu nguầy nguậy. Không được rồi. Không được rồi. Sao không được. Lão Lìn bảo, vợ mày đẹp quá. Pú từ chỗ hãnh diện, tự hào, chuyển sang lo lắng. Mà để vợ ở nhà, thực lòng, Pú chưa bao giờ yên tâm cả. Pú xin nghỉ một ngày. Hai vợ chồng đi chặt cây về làm một cái lều riêng.

Lão Lìn nói, ngày xưa suối Nậm Pung rất đẹp. Xưa là từ bao giờ Pú không biết, chứ lúc đặt chân đến, đã thấy con suối trốc trác, nham nhở và ngàu đục thế này. Hội đào vàng thuê ở đây, mỗi thằng một phương, mỗi thằng một họ, mỗi thằng một tính. Chẳng thằng nào nhường nhịn thằng nào. Chẳng thằng nào tin tưởng thằng nào.

Tất cả chỉ phục tùng Kha. Kha là ông chủ khá trẻ, tuổi ngoài ba mươi. Đối lập với đám cửu vạn lam lũ, Kha lúc nào cũng bảnh bao, thuốc thơm, giày bóng nhoáng và đi ôtô đắt tiền. Đồ ăn, thức uống của Kha là do nhà hàng ngoài thị trấn mang vào hằng ngày.

Kha không ăn cùng thợ bao giờ. Vào những đợt truy quét, các đội quân khác phải giải tán, kéo máy móc đi thì quân của Kha vẫn ung dung làm. Lão Lìn bảo, trong lòng đất, dưới suối, đầy vàng bạc và thứ quý giá nhưng không phải kẻ nào cũng có thể đào lên mà bán lấy tiền.

Pú làm ở Nậm Pung đã hơn một năm, chưa uống với ông chủ Kha chén rượu nào. Đột nhiên lão Lìn thì thào: “Hôm nay ông chủ ăn cơm với thợ đấy”. Pú giật mình. Trước, để Mẩy chơi không, suốt ngày giặt rũ, thêu thùa cũng chán, Pú xin Kha cho Mẩy đi làm. Kha bảo đàn bà chân yếu tay mềm không nên làm việc nặng.

Thấy Pú ỉu xìu, Kha bảo để Mẩy nấu cơm cho đội của Pú. Pú mừng quá. Có mười hai thằng thợ, mà cao lương mĩ vị gì cho cam. Một bát canh rau và nồi thức ăn kho mặn thôi mà. Pú thấy vợ vui hẳn. Giờ, ông chủ lại muốn ăn cơm do Mẩy nấu là sao?

Kha không ngồi lên sạp nứa, chỗ vừa để ngủ, vừa để ăn, vừa để sâm sít những hôm mưa gió của thợ. Kha ngồi trên cái ghế nhựa mang từ lán chỉ huy sang. Cái ghế đặt cạnh nồi cơm. Trước đây, lão Lìn già cả được về trước một tiếng nấu cơm. Sống ăn sống, chín ăn chín, mặn ăn mặn, nhạt ăn nhạt, cấm đứa nào kêu ca. Lão cũng quật quật từ mờ đất dưới máng nước, đến nhợt nhạt cả chân tay rồi.

Từ khi Mẩy nấu, cơm dẻo, canh ngon. Mẩy ngồi bên này. Kha ngồi bên kia. Cách nhau một cái nồi cơm, hơi bay nghi ngút. Má Mẩy ửng đỏ. Kha tươi tỉnh, hào hứng rót rượu mời anh em. Không phải là thứ rượu ngô cháy cổ lão Lìn mang từ Bắc Hà xuống. Cũng chẳng phải là thứ rượu thóc xanh lét của thằng Hẩu đem từ Mường Khương ra. Rượu của ông chủ. Rượu có cái tên Tây dài ngoẵng. Sao những làng bản ở xứ họ lại có những cái tên khó nhớ đến vậy.

Tên rượu Pú không nhớ, nhưng vị rượu thì Pú nhớ. Nó rất nặng, rất đậm đà, nhưng lại êm. Trong lúc ngây ngất với thứ men mới lạ và sang trọng ấy, Pú trộm thấy mắt ông chủ Kha nhìn vợ mình rất khác. Không phải cái nhìn trần trụi thèm muốn của mấy thằng cửu vạn xa vợ. Không phải cái nhìn dò xét, cân đong của lão Lìn già đã hết tuổi ái ân. Càng không phải là cái nhìn ăn sống nuốt tươi của gã kỹ sư phân kim trên nhà máy quặng, bạn của Kha. Pú không biết diễn tả thế nào về cái nhìn ấy. Chỉ biết nó êm ái lắm, dễ làm người ta say lắm, hệt như thứ rượu trong cái chai thủy tinh đẹp đẽ kia mà Pú đã trót uống rồi.

Giờ thì Pú mới hiểu cái “không được rồi” của lão Lìn. Ông chủ Kha vốn là người sòng phẳng, thưởng phạt phân minh. Từ lúc Mẩy về đây, thưởng tăng thêm còn phạt thì hi hữu. Chủ thì dễ dãi, thân mật hơn, còn quân thì bớt ẩu đả, văng tục. Bọn chúng còn bảo: “Vợ mày cứ ở đây đến cuối năm cho anh em nhờ”. Pú ức lắm, vặc lại: “Sao chúng mày không đưa vợ lên?”. Một thằng người Kinh khịt khịt mũi: “Vợ tao là cháu nội bà Thị Nở, đưa lên đây, có khéo nước Nậm Pung chảy ngược lại không đãi được vàng thì bỏ mẹ”. Có thằng cười rung cả sạp. Có thằng chẳng hiểu gì, ngơ ngác. Pú cũng ngơ ngác.

Từ bữa cơm đó, Pú hay vặn vẹo Mẩy. Gội đầu ít thôi, con gì ỉa lên đầu mà mấy ngày lại gội? Sao mà tắm nhiều thế hả? Thêu khăn để làm gì? Hoặc, củi còn đầy ra đấy, đã đun hết đâu mà khuân về cho lắm, thích lên rừng à? Thích chỗ vắng người à? Có lần Pú còn vô lý. Không cần cô phải nấu cơm dẻo thế để làm gì?

Đêm, thấy Mẩy trằn trọc, Pú hỏi: “Cái bụng mày có ai nhóm lửa rồi phải không?”. Mẩy không cãi Pú bao giờ. Mẩy lam lũ nhưng trời cho cô nước da trắng hồng, mịn màng mà bọn con gái nhà giàu ăn trắng mặc trơn phải ghen tỵ. Mẩy có hàm răng sáng bóng. Mỗi khi cô vui, nắng ở đâu cứ tràn vào lấp lánh nụ cười. Mẩy có đôi mắt nâu ấm áp và hiền dịu. Mỗi khi Pú nhìn vào mắt vợ thì không còn cơn cớ gì để hằn học, giận dữ nữa.

Hồi chưa lấy Pú, đám bạn Mẩy bảo rằng thằng Pú ghen sợ lắm. Bố Mẩy gạt đi. Có yêu mới ghen chứ. Kể từ khi làm vợ Pú, Mẩy như con cá mắc cạn. Theo chân chị gái chồng, Mẩy lên phố bán hàng. Nhiều lần Pú đón đường đánh Mẩy, khách mà bênh vực, Pú đánh cả khách. Nhiều khi Mẩy muốn về nhà mẹ. Nhưng nhà mẹ không phải là nơi Mẩy có thể thích là về được. Không ai chào đón những đứa con gái đã lấy chồng mà còn quay về nhà mẹ.

Con Mắn, bạn Mẩy, bị chồng đánh, đuổi về nhà mẹ. Về nhà mẹ thì chị dâu, em dâu hắt hủi. Mắn ăn lá ngón chết. Người nhà làm ma cho Mắn qua quýt. Ông thầy cúng vung dao, đốt đuốc, đuổi hồn ma đi càng xa càng tốt, để đừng bao giờ quay trở về quấy quả mà hại chết gia súc, gia cầm. Vợ chồng đứa em trai khiêng Mắn ra khoảng nương xấu nhất, xa nhất, chôn xuống cái hố nông chừng ba gang tay.

Thi thể Mắn cũng không có nổi cái hòm gỗ dù là gỗ xấu, mà bó trong những mảnh dát nứa non, vừa thấy nắng đã quắt lại. Cái chết của Mắn khiến Mẩy sợ. Về nhà mẹ thì sẽ chết như thế. Thà để Pú đánh. Hết cơn ghen là Pú thôi. Đi bán hàng, Pú ghen với khách. Đi rừng, Pú ghen với người đi rừng. Kèm theo cơn ghen là trận đòn giống như đòn thù. Ghen là yêu à? Nhiều đứa con gái Dao được hưởng cái tình yêu như thế chứ không riêng Mẩy.

Lão Lìn thật tinh ý, lão bảo: “Con Mẩy có mang thì phải”. Pú gật. Đàn bà con gái Dao, chả ai khi mang thai lại phải kiêng cữ như cái cách nói của lão Lìn cả. Người Dao khác người Mông. Lão Lìn khăng khăng, như nhau cả thôi. Mà cái kiêng kỵ nhất là rơi nước mắt. Tính ra trong hai tháng nó chửa, Pú làm nó khóc đến hai chục lần rồi. Thì thôi, không nói nữa. Pú thôi cái mồm nhưng lại cậy đến cái mắt. Đôi mắt dài nhỏ, một mí, núp dưới tán lông mày xanh um, rậm rì. Mắt ấy mà lườm xéo, Mẩy run bần bật.

Có lúc Pú đá chơi cái thúng. Đá từ chỗ nọ sang chỗ kia rồi lại đá vào chỗ cũ. Có lúc Pú kéo cây củi đang cháy dở trong bếp ra, soi lên mặt Mẩy. Mẩy nhắm mắt lại. Nước mắt rơi. Nước mắt rơi trong tay áo hay rơi vào chỗ vắng vẻ thì được, chứ rơi mà để người khác nhìn thấy là ăn đòn. Pú cấm Mẩy làm việc gì, nói câu gì để người khác thương hại. Nhà Lý Ôn Pú giàu nhất nhì ở bản nhưng Lý Ôn Pú là con ngựa bất kham nên mới rời bản đi làm ăn xa thế này. Pú đi chỉ vì ông Tẩn, bố Pú nói rằng: “Thằng đàn ông chỉ ăn cơm nương nhà mình, uống rượu bếp nhà mình, không khôn được”.

Ở bãi vàng, Pú là thằng ăn chơi nhất đám cửu vạn. Pú hay ứng lương đi thị trấn chơi, ăn uống cho thỏa, sắm này sắm nọ. Kể cả việc vung tiền nếm thử mùi da thịt đàn bà tứ xứ, xem nó có khác gì da thịt con gái Dao không?

Từ khi đón vợ xuống đây, Pú để thời gian canh vợ. Pú có những tưởng tượng rất quái đản. Rằng Mẩy sinh ra một thằng con trai có gương mặt giống ông chủ như đúc. Giống từ khuôn mặt vuông vức, đến hàng râu quai nón, đến cái nốt ruồi to đùng ngay dưới cằm mà lão Lìn bảo đó là nốt ruồi vinh hoa phú quý. Pú còn chuẩn bị sẵn những hình phạt cho Mẩy nếu cô sinh ra thằng bé như thế. Phải phạt như thế này mới bõ...

Thấm thoắt cũng đã cạn ngày, cạn tháng. Đội quân đào vàng tạm thời trả lại sự bình yên cho dòng suối Nậm Pung để về nhà ăn tết. Mẩy cũng đã chửa sang tháng thứ sáu. Trong tiệc liên hoan chia tay, Pú lại uống với Kha mấy chén rượu. Và đây cũng là lần cuối cùng Pú cho Kha nhìn vợ mình bằng ánh mắt ngọt ngào, ấm áp, pha chút thương cảm như thế. Pú kéo tay Mẩy đi như chạy khỏi thung lũng Nậm Pung. Mẩy biết, vợ chồng cô sẽ không bao giờ trở lại con suối này, bãi vàng này nữa. Lý Ôn Pú là người nghĩ gì làm nấy, bất di bất dịch.

*

Pú ngồi trên phiến đá to đùng hình người đàn ông, trên lối vào bản Thạch Hầu. Một gã chăn dê bảo, nhà Chư còn xa mới tới. Pú hỏi gã ta: “Tại sao bản Mông này lại có tên Thạch Hầu?”. Gã kia cười: Thạch Hầu là con khỉ đá. Con khỉ mà mày đang ngồi trên đùi nó đấy. Gần một trăm năm trước, một người đàn ông họ Hầu mỗi tuần một lần cùng vợ mang nấm quý và thuốc lên bán cho quan “phắng ký” trên phố. Một lần, người đàn ông ốm không đi được nên để vợ đi một mình. Sau này, khi vợ sinh ra một đứa trẻ mắt xanh, tóc vàng, da trắng như tuyết thì anh kia ghen.

Trong cơn cuồng ghen đã đem đứa trẻ vứt xuống suối cho chết. Người mẹ trẻ đau đớn quá đã bỏ vào rừng và không trở về. Anh chồng vào rừng tìm vợ cả năm ròng không thấy thì cũng không về nữa. Vì phải leo trèo, đu người lên cây để hái quả ăn nên bộ dạng anh ta chẳng còn giống người. Trong một trận cháy rừng, anh ta chạy về bản. Dân bản bảo anh ta là một con vượn. Họ nói, rất nhiều gái đẹp vùng này bị quan “phắng ký” bắt về hầu hạ.

Có bao nhiêu đứa trẻ mắt xanh, tóc vàng ra đời, nhưng chưa có ai lại ác với những đứa trẻ vô tội như thế cả. Anh ta thấm thía nỗi cô độc khi bị dân bản hắt hủi nên bỏ ra tảng đá đầu bản ngồi ngóng vào rừng. Đêm ấy tuyết rơi trắng cả một vùng. Tuyết rơi ba ngày ba đêm. Anh ta chết cóng hóa thành con khỉ đá. Người dân vùng này gọi luôn là bản Thạch Hầu. Thạch Hầu còn có nghĩa là người họ Hầu hóa đá.

Nghe gã chăn dê kể xong thì Pú bỏ ý định tìm đến nhà Chư để xin con về. Thì ra, từ xưa đến giờ vẫn thế. Đàn bà con gái xinh đẹp bao giờ cũng là giống dễ đổ đốn hư hỏng. Chồng sờ sờ ra đấy vẫn ngủ với giai. Đưa nó về bãi vàng thì nó đẻ ra thằng nốt ruồi, chứ để nó đi bán hàng thì giờ nó đẻ ra đứa mắt xanh là cái chắc.

Pú vẫn nhớ như in. Hôm Mẩy sinh con. Không như những người đàn bà khác nằm để sinh con. Mẩy đứng. Còn bà đỡ lom khom ở dưới. Những người bố trẻ khác thường thì đầy tháng con mới dám bế. Đằng này, vừa được ba hôm, Pú đã sấn sổ chui vào buồng đòi xem mặt thằng bé. Trời đất, tay chân Pú đã rụng rời. Cái khuôn mặt kia, cái nốt ruồi trên cằm kia là của Kha. Pú không nhớ lúc say đã làm gì. Khi tỉnh, Pú thấy mặt vợ bầm dập, mũi và mồm sưng vều, rỉ máu. Thằng bé vừa khóc vừa giật mình thon thót.

Một hôm, tỉnh giấc rượu, thấy Mẩy bầm dập, ngơ ngác một mình trong xó giường. Pú hỏi: “Nó đâu rồi?”. Mẩy khẽ mở miệng: “Cho rồi?”. Cho ai? Mẩy không nói. Lúc ấy Mẩy nói, có lẽ Pú đã đi tìm và ném thằng bé xuống suối như cái gã họ Hầu kia.

Thấy Pú về không. Mẩy không dám hỏi. Bụng mừng mừng. Mẩy giống như cái cây trồng trong vườn nhà Pú. Đẽo, vạc, bẻ cành, tuốt lá. Cây không chết, cũng không tự đi đâu được. Chỉ khi nào người chán, người rổ lên mới chết. Pú chưa chán Mẩy. Cô lại có mang. Cô sẽ sinh cho nhà họ Lý đứa bé khác.

Đủ tháng, đủ ngày, Mẩy sinh một thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm. Cũng như lần trước, được ba hôm, Pú đòi xem mặt con. Lạ chưa, vẫn cái nốt ruồi đen nhánh của thằng Kha trên cằm thằng bé. Ông Tẩn nghe Pú nói thế thì vác chài ra suối. Mùa này suối cạn khô, có gì mà chài. Mẹ Pú thì ra chuồng, dắt trâu đi. Trâu no rồi vẫn đi. Em trai Pú lại càng không dám can anh trai. Không chừng lại mắc tội dan díu với chị dâu. Em dâu thì vội vàng cõng con đi đâu đó. Chẳng ai dám bênh Mẩy cả. Pú là ông vua con ở nhà này. Pú muốn mưa thì mưa, muốn nắng thì nắng. Mẩy ôm thằng bé đỏ hỏn, run cầm cập chờ cơn cuồng ghen của chồng.

Mặt Mẩy hằn rõ giấu giày của Pú. Mẩy rên rỉ: “Ông trời ơi, con có làm gì sai trái đâu”. Pú cười nhạt: “Tao hỏi mày, tại sao cả hai đứa lại có cái nốt ruồi của thằng Kha? Nhà này không ai chấp nhận cái nỗi nhục cha gà con vịt. Tao cũng không chấp nhận. Cái bụng mày chưa quên nó chứ gì. Tao sẽ cho mày biết cách phải quên như thế nào”. Pú lại giơ chân lên...

Tiếng bước chân hối hả đến gần cửa. Mẩy đưa mắt ra ngoài cầu cứu. Thì ra là mẹ chồng Mẩy đã quay về. Bà với Mẩy, với em dâu Mẩy thì có khác gì nhau trong cái nhà này?

Người mẹ nhu nhược tiến lại gần Pú. Lại gần thằng con ngỗ nghịch và ích kỷ. Nó ích kỷ từ khi là đứa trẻ lên ba. Đồ chơi của nó, không đứa trẻ nào dám chạm vào. Những bài hát mà nó thích, không đứa trẻ nào dám hát trước mặt nó, kể cả các em. Lớn lên một chút, những dao, những cuốc, thứ gì của nó, không ai dám dùng, kể cả bố mẹ. Nó đi chăn trâu, cỏ chỗ nào tốt nhất cũng là của nó. Bây giờ, mỗi lần nhìn con dâu bị nó hành hạ oan uổng, lòng bà đau lắm. Lần đầu tiên bà đánh con. Một cái tát thật mạnh. Giọng bà sền sệt nước mắt:

- Mày nghe đây. Cái bụng mày quá hẹp hòi. Nó không đủ chỗ cho một cái nốt ruồi, thì sao mày có thể làm chồng, làm cha? Ngày xưa, Lý Pú Tẩn cũng nhỏ nhen như mày thì làm sao mày được làm người? Làm sao mày lại có thể mang họ Lý? Ta xấu hổ vì mày.

*

Ông Tẩn bảo, mấy mươi năm lại có một lần tuyết rơi dày đến thế. Người ta đi tìm trâu bị vùi, chết trong tuyết. Họ Lý đi tìm người. Đã hết một ngày dài đằng đẵng. Tuyết vẫn tới tấp rơi xuống không dừng. Cả nhà về, suýt xoa bên lửa. Mẩy vẫn đứng ở cửa. “Con dâu, vào nhà đi, ốm mất thôi”. “Chưa thấy Pú, con chưa vào nhà được”. Mẩy quàng thêm một cái khăn và chạy ra ngoài trời. Lần này Mẩy đi xa hơn. Ra tận khúc suối ngày trước, nơi Pú ngỏ lời với cô.

Cả một dòng suối trắng xóa những băng tuyết. Trên mỏm đá to nhất, ai đó đã khéo nặn tuyết thành dáng một người đàn ông đang ngồi ủ rũ. Mẩy cất tiếng gọi. Không ai trả lời cô. Toàn thân Mẩy cũng trắng phau phau vì tuyết. Mẩy khẽ bò lên tảng đá, dùng hai bàn tay cào tuyết. Những đầu ngón tay Mẩy sưng vù, tứa máu. Nếu đêm nay Pú không về, cô là người có tội, con cô cũng có tội. Người mẹ vừa sinh con được mấy ngày quỳ trên tuyết và cào bới điên cuồng.

Cũng lúc ấy, trong một quán rượu nhỏ phố huyện. “Anh gì ơi, dậy thôi, dậy em dọn hàng đóng cửa, lạnh quá”. Gọi mãi, người khách say mèm mới chệnh choạng đứng lên. Anh ta vỗ ngực lè nhè: “Tao là Lý Ôn Pú chứ không phải là “gì” nhá. Mà không. Bây giờ tao cũng không còn là Lý Ôn Pú nữa rồi”.

tống ngọc hân
TIN LIÊN QUAN

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội ế ẩm, không còn tình trạng thổi giá cao

ANH HUY |

Những năm trước đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội luôn được quan tâm, thậm chí rất sôi động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đất đấu giá đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

Cầu thủ Thái Lan và Indonesia ẩu đả tại SEA Games nhận án phạt nặng

MINH PHONG |

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra án phạt dành cho tập thể và cá nhân của đội U22 Thái Lan và U22 Indonesia trong vụ xô xát ẩu đả tại chung kết SEA Games 32.

Đêm diễn trên sân Mỹ Đình là show cuối cùng của Blackpink trước khi tan rã?

DƯƠNG HƯƠNG |

Trước thông tin Lisa, Jennie chưa ký gia hạn hợp đồng với YG, Blackpink có nguy cơ tan rã. Nhiều khán giả thắc mắc, liệu đêm diễn ở sân vận động Mỹ Đình cuối tháng 7 có phải show cuối cùng của nhóm?