Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Con đường quốc lộ 18 như một sợi chỉ chạy xuyên suốt Mông Dương kết nối các quả đồi, khe suối đã làm cho người ta quên đi Mông Dương là một thung lũng do dãy núi cánh cung Đông Triều chạy đến đây thì chợt ngưng lại tạo nên. Cả thị trấn nằm lọt thỏm trong một thung lũng và dưới lòng đất của thung lũng là những trầm tích thực vật bị chôn vùi qua hàng triệu năm đã dần biến đổi thành những vỉa than vào hàng tốt nhất thế giới.

Để tạo nên thị trấn Mông Dương này là nhờ than, nhiều thế hệ công nhân mỏ từ các miền quê, họ đã đến ở lại lập nghiệp, an cư ở đây gắn bó với mỏ, với than. Ở đây cái gì cũng gắn tới than. Từ các tầng cao trên vỉa, nơi có các máng than vằn vện trên sườn núi than bay xuống phố, phần lớn đọng lại trên các nóc nhà, ô cửa, cây cối, một số hòa với bụi than từ các xe vận tải than trong mỏ ra các cảng tập kết để đến nơi tiêu thụ, chúng kết hợp với gió tạo thành những vũ điệu riêng của bụi than mù mịt và thi nhau phủ lên mặt, lên người qua đường một lớp bụi màu đen đặc trưng.

Vào những tháng cao điểm của mùa than cả thị trấn đều như nhuốm màu đen của than. Nhà dì họ Nhàn là một căn phòng tập thể nằm một trong dãy nhà tập thể. Những dãy nhà tập thể này được mỏ xây dựng san sát trên một quả đồi thấp cho công nhân ở. Cả hai vợ chồng dì đều làm công nhân trong mỏ, chồng lái xe, vợ làm nhà đèn. Họ đi làm theo ca, mỗi ca tám tiếng và cứ hết tuần thì lại đổi ca, ví như tuần này đi làm ca ngày thì tuần sau đi làm ca đêm rồi sang ca chiều.

Nhiệm vụ của Nhàn trong lúc dì chú đi làm là trông nom thằng bé con của chú dì mới hơn một tuổi, đến bữa cho nó ăn thức ăn được dì nấu sẵn, uống sữa theo định lượng, cho đi ngủ, dọn dẹp, cơm nước. Những việc trên đối với Nhàn không thành vấn đề vì là chị cả trong gia đình nghèo đông con nên cô thạo việc lắm, cô lại là người yêu trẻ con đến nỗi thằng bé quấn hơi cô còn hơn mẹ khiến dì rất hài lòng! Cả gia đình đều vui, dì chú vui vì có người trông con thảnh thơi đi làm về tới nhà là nhà cửa sạch sẽ có cơm dẻo canh ngọt chờ sẵn, Nhàn cũng vui vì số tiền công được trả có thể đỡ đần cho bố mẹ và các em.

Thỉnh thoảng Nhàn cũng được dì chú cho đi picnic vào những dịp cuối tuần bên Vân Đồn, được đi tắm biển ở bãi Cháy, ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long, Bái Tử Long rồi được dì sắm sửa cho quần áo dày dép. Khi thằng bé con được hơn ba tuổi và cho đi nhà trẻ của mỏ, dì khuyên cô nên ở lại kiếm việc gì làm và nếu gặp duyên lấy một anh thợ mỏ định cư luôn chứ về quê kiếm được đồng tiền vất vả mà lại chân lấm tay bùn.

Đang là mùa đãi than suối, Nhàn cùng nhập cuộc với đám chị em bạn dì trong khu tập thể, người thì là vợ của thợ mỏ, người từ các vùng quê ra như cô. Sông Mông Dương được kiến tạo từ những dòng suối phía thượng nguồn nơi có các công trường khai thác mỏ rồi đổ ra vịnh Bái Tử Long. Vào mùa mưa than từ các khai trường khai thác trong mỏ, từ các bãi thải theo dòng chảy trôi xuống các suối và đổ ra sông Mông Dương, ra đến sông dòng chảy của nước chậm lại do lòng sông rộng và tương đối bằng phẳng nên than trôi thường lưu lại phần lớn dưới đáy sông và nghề đãi than suối ra đời.

Nhàn cùng mọi người mang theo dụng cụ tỏa xuống sông mặc cho nước chảy xiết dâng lên đến ngực, tìm được vị trí thích hợp họ cắm cây kiềng sắt ba chân xuống lòng sông, đặt chiếc thúng lên rồi dầm mình, ngụp mặt xuống sát mặt nước luồn cái sàng tre giống loại sàng như sàng gạo ở quê nhưng được đan chắc chắn hơn và thưa nan hơn đưa sát đáy sông xúc cho đầy một hỗn hợp cát, sỏi, than rồi lợi dụng sức nước đãi giống như vẫn sàng gạo để loại tạp chất, than nhẹ hơn nổi lên trên, cát sỏi chìm xuống đáy sàng, tách cát sỏi đổ xuống lòng sông giữ lại than đã làm sạch đổ vào chiếc thúng đặt trên chiếc kiềng bên cạnh lúc trước, đây là loại than kíp lê nhỏ cỡ đầu ngón tay hoặc nhỏ hơn chất lượng rất tốt bán rất được giá.

Cứ khi nào đầy thúng thì lại hỗ trợ nhau đặt chiếc thúng đầy than đội lên đầu, mặc cho nước đọng trên thúng rỏ tong tong nước xuống mặt, xuống người, rẽ dòng nước xiết đội vào bờ đổ gọn thành từng đống, đống của người nào người đó đổ. Cứ một lát thì lại chuyển vị trí vì chỗ vừa đãi than trôi ít đi, những người khỏe hơn hoặc là đàn ông thì họ ra giữa dòng chảy nơi có nhiều than trôi đọng hơn đãi được nhiều hơn nhưng lại cần phải có sức khỏe tốt, biết bơi kẻo bị lũ cuốn trôi.

Cả buổi ngụp, xúc, đãi, đội rất nhọc nhằn lại ngâm nước đến bợt người đi, ướt như chuột, trên thì là nắng rát oi bức rất khó chịu như hun tái da tái thịt nhưng vì mưu sinh ai nấy đều cần mẫn tỉ mẩn với công việc. Vì chỉ sau những cơn mưa to ở thượng nguồn thì mới có than suối trôi nên phải tranh thủ đi đãi và cũng chỉ đãi được cùng lắm là bốn đến năm ngày thì hết than trôi. Muốn đãi tiếp lại phải chờ đến cơn mưa mới nên sau những cơn mưa dòng sông Mông Dương mênh mang bùn nước xiết vậy mà đen đặc những người đãi than.

Đổi lại những cực nhọc là niềm vui cuối buổi khi cầm những đồng tiền bán than xen lẫn tiếng cười đùa hẹn nhau mai đi tiếp. Nhàn rất vui, tuy vất vả nhưng cô có thể kiếm những đồng tiền tự mình làm ra, chỉ một cơn mưa cô có thể kiếm ra số tiền mà ở quê làm hàng tháng. Cô thấy yêu đời, yêu người, yêu đất mỏ Mông Dương, thấy mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, không còn là cô bé quê chất phác, rụt rè ngày xưa nữa. Có lẽ Nhàn hợp với nguồn nước và khí núi của núi rừng Mông Dương, chả thế mà mới ra có hơn một năm cô như lột xác, từ một cô bé nhà quê đen nhẻm còi cọc như một cây sậy cô vụt lớn trổ mã thành một thiếu nữ duyên dáng với gương mặt ưa nhìn, ngâm nước suối đen sì và đày nắng như thế mà nước da vẫn trắng nõn nà, bộ quần áo bảo hộ khoác lên người vẫn không giấu nổi cơ thể thanh xuân phập phồng và căng tràn sức sống.

Nhàn đã có nhiều người bạn mới, ngoài đám chị em bạn dì trong khu tập thể là mấy anh thợ mỏ đều còn rất trẻ trung, thật thà và vui tính. Cô thấy tương lai tươi sáng đang chờ mình phía trước. Nhưng rồi biến cố bất ngờ ập đến khiến cô không bao giờ ngờ tới.

Tối đó dì đi ca hai, thằng cu sang nhà người quen chơi chỉ có hai chú cháu ở nhà, vừa ăn cơm xong Nhàn chuẩn bị đi tắm chợt thấy có hơi thở hổn hển ai đó phả vào gáy, giật mình quay lại chú đã đứng sát ngay sau cô từ lúc nào, ánh mắt đỏ sọng như dán vào cơ thể Nhàn, chưa kịp định thần chú đã cầm tay Nhàn dúi vào mấy tờ tiền miệng thì thào: “Nhàn đẹp thật đấy, cho chú ngắm một chút rồi chú cho tiền”. Nhàn sửng sốt vô cùng, không tin lời nói vừa rồi lại phát ra từ người mà bấy lâu nay cô rất tôn trọng, cô hốt hoảng buông tay làm mấy tờ tiền rơi xuống sàn nhà tắm rồi tìm cách thoát ra ngoài.

Giữa lúc hai người đang giằng co thì cửa nhà bật mở, dì hôm ấy lại đi làm về sớm, gã đàn ông bỉ ổi thấy thế vội tru tréo: “Con này nó ăn cắp tiền của anh, anh bắt được quả tang vậy mà nó còn chối” khiến Nhàn uất nghẹn không thốt được lên lời chỉ ú ớ là cháu bị oan. Vừa đi làm về mệt lại thấy vật chứng tang chứng rành rành, cô cháu gái khóc lóc cãi ra chiều oan ức, người dì ba máu sáu cơn tuôn ra những lời mắng chửi thậm tệ nhất, thấy cháu gái sao hư đốn quá, mới nứt mắt ra đã đua đòi, có thói ăn cắp, nhà nghèo đã đưa ra đây nuôi cho thắm lông đỏ da mà giờ thành ra như vậy? Yêu cầu nhận lỗi và xin lỗi rồi sẽ cho qua mà cứ lỳ ra? Mày lỳ mà được với tao sao? Lỳ này? Lỳ này, cứ mỗi lần lỳ này là một lần quần áo của Nhàn bị tung ra ngoài sân, sau cùng là chiếc ba lô nát mà hôm từ quê ra đất mỏ mẹ chuẩn bị cho cô.

Cảnh nhà tập thể cấp bốn, phòng nọ sát vách phòng kia bằng một bức tường mỏng cùng chung nhau cái sân rộng, một nhà to tiếng cả dãy đều biết, mọi người trong khu tập thể xúm ra xem, chỉ trỏ bàn tán. Cú sốc đầu đời khiến cô gái trẻ chỉ biết khóc, không dám thanh minh sự thật, nhục nhã ê chề Nhàn ôm bọc quần áo cố bước nhanh tránh ánh mắt săm soi của mọi người hướng ra đường quốc lộ. Lần theo con dốc của quả đồi với những bước chân vô định, cùng nỗi uất ức và tổn thương sâu sắc Nhàn cũng ra được khu vực bến xe. Cô ngồi nhờ quán ăn đêm ven đường suy tính. Với bản tính của dì chắc bố mẹ, một số họ hàng trong quê thế nào cũng biết chuyện, về quê bây giờ liệu có sống yên ổn không? Mà đi đâu bây giờ hay ra Móng Cái chỗ người quen? Lớ xớ có khi bị lừa bán đi Trung Quốc? Thật sự Nhàn chưa biết đi đâu về đâu?

Phố mỏ về đêm vẫn tấp nập người xe qua lại sao không có con đường nào cho cô đi? Nhàn thấy mông lung vô định, thậm chí đã có lúc nghĩ quẩn không thiết sống! Đúng lúc ấy thì Toàn xuất hiện. Toàn là thợ lò trong mỏ, hôm ấy đi ca hai rẽ vào quán ăn đêm thấy một cô gái trẻ ngồi ủ rũ vô hồn trong góc quán, Toàn đã hỏi han rồi khuyên cô đi đâu để sáng mai, còn bây giờ đêm hôm con gái đi đâu không tiện. Cứ về phòng tập thể của anh ngủ cùng với em gái anh, em gái anh cũng trạc tuổi cô, cũng từ quê ra đây làm. Chị chủ quán cũng nói thêm vào và đảm bảo cho Nhàn, Toàn là người tốt có gì mai cứ ra đây chị chịu trách nhiệm. Nhìn dáng vẻ tử tế cùng gương mặt dễ mến thế là Nhàn theo Toàn về nhà anh.

Một thời gian sau họ nên vợ nên chồng. Nhàn yêu chồng lắm, ai cũng bảo Nhàn yêu chồng quá, chiều chồng quá mà ở đời cái gì quá cũng không tốt nhất là đàn ông chiều quá thì lại sinh hư, sinh tật. Nhàn chỉ cười, Nhàn biết mọi người có khi nói đùa, có khi thật nhưng kệ, vì đối với Nhàn ngoài yêu, chiều chồng cô còn coi chồng như ân nhân cùng sự hàm ơn. Không yêu, không hàm ơn sao được? Khi mà Nhàn đương bơ vơ giữa đời, tưởng như sắp chết chìm giữa dòng đời thì Toàn đã kéo tay Nhàn lên, che chở cho Nhàn và đối xử rất tốt với Nhàn, cho Nhàn một gia đình hạnh phúc cùng những đứa con ngoan, đời Nhàn mới có được như ngày hôm nay. Ngay cả hai đứa em trai cô cũng một tay Toàn cho đi học nghề, xin việc vào làm thợ mỏ, rồi lập nghiệp tại đất mỏ giờ gia đình vợ con đề huề.

Bây giờ đất nước phát triển công ăn việc làm có nhiều sự lựa chọn trong các khu công nghiệp chứ ngày xưa được vào làm thợ mỏ là niềm ước ao của nhiều người lắm. Mới đó mà Nhàn đã ra đất mỏ hơn hai mươi mùa than. Ngồi trên xe ôtô chở công nhân từ mỏ về, Toàn khoan khoái ngắm nhìn phố mỏ. Phố mỏ Mông Dương hiện là một phường của thành phố Cẩm Phả giờ đây sầm uất, khang trang sạch sẽ hơn xưa rất nhiều, nhiều nhà cao tầng, nhiều con đường mới được mở ra phá vỡ thế độc đạo, màu xanh đang dần trở lại trên các sườn đồi mà trước kia loang lổ bùn đất do các mỏ đổ thải và nạn than thổ phỉ.

Nhìn hệ thống băng tải hiện đại vắt mình qua sông Mông Dương để tải than từ mỏ ra các cảng tiêu thụ, rồi lại nhìn xuống dòng Mông Dương bao đời nay vẫn chảy ra biển, vẫn đen ngòm bùn đất mỗi khi mùa mưa lũ về nhưng giờ không còn than trôi nữa do các mỏ đã quản lý tốt hơn, Toàn lại nhớ về mùa than trôi năm nào nhờ nó mà anh đã “nhặt” được người vợ thương yêu của mình.

Bữa cơm chiều đã được Nhàn chuẩn bị gồm mực tươi xào cần tỏi, canh ngao mồng tơi, đĩa tôm sú hấp sả, cá Thu kho. Chỉ có hai vợ chồng ăn cơm vì các con đều đi học đại học xa nhà. Vừa nhìn thấy chai rượu Ba Kích để bên mâm cơm Toàn trêu vợ:

- Hôm nay vợ lại cho mình uống rượu Ba Kích, chắc lại có ý gì đây...

- Thôi đi, già rồi mà cứ nghĩ đen tối - Nhàn đỏ mặt lườm yêu trong khi đang bóc vỏ tôm giúp chồng - thấy chồng lò bễ vất vả thỉnh thoảng uống tí rượu thuốc cho nó giãn gân cốt.

Toàn vẫn cười rổn rảng trêu vợ nhưng rồi anh chợt im lặng, gương mặt trở nên đăm chiêu:

- Vợ này hôm nay anh Quyết quản đốc phân xưởng đào lò xây dựng cơ bản gặp anh có nói là bên ấy đang cần một tổ trưởng và có mời anh về bên đó, nếu đồng ý anh ấy sẽ nói với phòng tổ chức đánh quyết định chuyển về bên công trường đó. Ý vợ thế nào?

Nhàn trìu mến ngắm nhìn gương mặt sạm đen rắn rỏi khỏe mạnh của chồng, vòm ngực rộng nở nang, đôi bàn tay chai sần thô ráp đầy những vết xước của than cứa vào lâu ngày tạo thành những vệt sẹo xanh đen ngang dọc. Cô nhỏ nhẹ:

- Cái này tùy chồng quyết định, chồng thấy cái gì hợp lý, thoải mái thì làm.

- Thực ra lò cơ bản anh cũng làm nhiều năm trước rồi, bây giờ công nghệ đào chống lò đã hiện đại hơn trước rất nhiều, có cái là mình đang quen lò chợ, quen với công nghệ mới được đào tạo và đã có kinh nghiệm, từ chỗ chống lò bằng gỗ, cũi lợn cũng bằng gỗ, rồi đến cột chống sắt thủy lực đơn, tiếp đó là giàn chống thủy lực rất chắc chắn và an toàn và bây giờ công nghệ hiện đại là máy khấu than cái gì anh cũng trải qua hết.

Anh mà đi thế nào tay quản đốc trẻ cũng tiếc lắm, bọn trẻ bây giờ được ăn học có trình độ cao nhưng kinh nghiệm so với thợ bậc cao như các anh còn thiếu lắm, chả thế mà anh đã mấy lần gạt phăng đi những chỉ đạo của quản đốc, hắn cứng họng tức lắm nhưng sau hiểu ra lại rất quý anh.

Nhàn biết nói như vậy là Toàn đã có quyết định của mình. Hai hôm sau khi đi làm về Toàn báo tin cho vợ là đã có quyết định chuyển sang công trường mới, chủ nhật tới này đi học an toàn. Nhàn hiểu lò chợ là lò trực tiếp khai thác ra than, còn lò cơ bản là lò để tạo ra diện sản xuất cho lò chợ, làm việc trong lò cơ bản thường vất vả hơn lò chợ.

Cô tôn trọng quyết định của chồng. Ngày mới lấy nhau thì Nhàn vẫn mùa mưa đi đãi than suối, mùa khô thì đi mót than trong các bãi đổ thải, rồi khi than suối hết thì cô xin đi làm tạp vụ ở cây xăng tư nhân... cứ có việc gì phù hợp Nhàn đều kham cả để có thu nhập đỡ đần cùng chồng nuôi các con ăn học. Những năm trước mỏ thanh lý nhà tập thể sau đó gia đình cô mua thêm được gian bên cạnh sửa sang lại cho tươm tất, rồi tận dụng mảnh đất trống đầu hồi nhà Nhàn quây lại trồng rau, nuôi ngan gà nên mỗi khi có việc anh em, bạn bè thường thích tụ tập tại gia đình cô vì rộng rãi và được ăn đồ sạch.

Chiều chủ nhật Nhàn mổ gà làm mâm cơm thắp hương cầu sức khỏe bình an cho gia đình và công việc của chồng trên cương vị mới an toàn hiệu quả, bảo vợ chồng Tâm em gái Toàn, gia đình hai em trai Nhàn đến ăn uống, lát sẽ mời thêm anh Hán hàng xóm là bạn thợ của Toàn ở công trường cũ sang uống rượu cho vui. Nhàn cũng rất vui, vui như lần đầu tiên Nhàn nhận những đồng tiền bán than suối trôi, kể cũng lạ bao năm qua đã có rất nhiều niềm vui đến với Nhàn như niềm vui làm vợ, làm mẹ, rồi khi con cái báo tin đỗ đại học, vậy mà sao Nhàn lại cứ hay nhớ đến cái niềm vui thủa ban đầu sơ khai ấy.

Đang vào những tháng cuối năm cao điểm của mùa than. Công trường của Toàn ngoài hai gương lò cơ bản dọc vỉa đi trong than bên cánh Đông còn thêm một gương lò xuyên vỉa đi trong đá bên cánh Tây. Hôm nay Toàn cùng tổ thợ gồm 8 anh em làm việc tại một đường lò dọc vỉa bên cánh Đông, trước khi vào ca quản đốc Quyết đã dặn dò kỹ khu vực đường lò này bên kỹ thuật và địa chất họ báo sẽ gặp phải đoạn vỉa cuộn và khá dày, địa chất không ổn định nên phải cẩn thận.

Trên cửa lò gặp xe tời song loan thì mạnh ai nấy đi nhưng khi xuống đến ruộng mỏ âm so với mặt bằng hàng trăm mét, qua ga trung tâm vào đến đường ngã ba nối giữ lò xuyên vỉa và dọc vỉa thì anh em các công trường phải đợi nhau cùng đi cho an toàn, bởi những đoạn lò này hẹp hơn, ẩm ướt hơn, tối hơn mặc dù vẫn có đèn chiếu sáng của tuyến băng tải và đường sắt dọc theo đường lò, rồi nhiều lò giao cắt nhau.

Lúc này những chiếc đèn mỏ đeo bên người cùng bóng đèn được gắn lên mũ bảo hộ phát huy hết công suất chiếu thẳng vào những hốc tối hai bên hông lò và chập chờn theo những bước sáng trên nền lò cứ loang loáng từng toán thợ tiến vào lò. Đến vị trí để vật tư, vật liệu của công trường, Toàn phân công bốn người gồm hai cặp thợ phụ ở lại để vận chuyển vì chống sắt, vật liệu vào gương lò, hai cặp còn lại theo Toàn cầm máy khoan, mũi khoan, choòng, búa vào gương lò. Gương lò là điểm tận cùng của đường lò đang đào có tiết diện theo hình vòm cung của các vì chống, khu vực này là đường lò độc đạo mặc dù vẫn có quạt thông gió riêng vù vù thổi nhưng không khí vẫn oi nồng bí bách rất khó chịu.

Bóng tối đen đặc bao trùm xung quanh, cảm giác bóng tối hòa tan luôn họ nếu không có những luồng sáng của đèn mỏ mà những luồng sáng đó đôi khi cũng bị nuốt chửng bởi bóng tối ở độ sâu âm hàng trăm mét trong lòng đất đậm đặc tưởng như có thể lấy tay mà xắn ra được. Ánh đèn chiếu vào gương lò gặp những tảng than kíp lê phản chiếu lại nhoang nhoáng. Giở tờ giấy nhỏ đút trong túi áo xem lại hộ chiếu khoan nổ mìn, Toàn đánh dấu những chỗ cần khoan lên gương lò và anh em cặp thợ bắt đầu đấu nối lắp mũi khoan dạng hình xoắn ốc dài hàng mét vào khoan máy và tiến hành khoan, cứ hai người nâng giữ khoan và ấn mạnh để cho mũi khoan cắm sâu vào gương lò.

Tiếng máy khoan lẫn tiếng mũi khoan cắt vào gương lò soèn soẹt chói tai, rồi bụi than theo các đường xoắn ốc trên mũi khoan đùn ra bay mù mịt và bắt đầu dính trên các khuôn mặt, trên các lưng áo đã đẫm mồ hôi. Toàn đỡ lấy tay khoan của Lếnh là tay phụ mới vào làm chưa đầy năm, kêu Lếnh ra kéo dây khoan đang bị xoắn trên nền lò rồi cùng với bạn thợ Hội khoan những mũi trên nóc gương. Lếnh gỡ dây khoan xong ra đứng sau Toàn và Hội nâng dây khoan lên cho nhẹ khoan thầm cảm kích tổ trưởng Toàn, vì Lếnh thấp sẽ rất nhọc khi khoan những mũi khoan trên cao.

Bên cạnh cặp thợ Giới và Hưng đang khoan những mũi khoan cuối. Hội ngồi phụ bóc từng thỏi mìn hình trụ bọc cẩn thận trong các túi nilon trong lúc Toàn đấu kíp nổ rồi dùng gậy chuyên dụng đút từng quả vào các lỗ vừa khoan theo hộ chiếu, các anh em khác đã thu dọn máy khoan cùng các phụ kiện ra khu vực an toàn để chuẩn bị bắn mìn. Toàn rải dây mìn đến vị trí an toàn đấu vào máy bắn, tuýt còi ba lần báo hiệu rồi nhấn nút, một tiếng nổ ầm... ục vang lên rung chuyển đoạn lò, nồng nặc khói mìn tuôn ra.

Chờ cho khói và bụi tan Toàn vào kiểm tra thấy an toàn mới vẫy đèn cho anh em vào gương, thêm cả nhóm vận chuyển vì chống lúc trước tất cả ai vào việc của người đó. Trước hết Toàn chỉ đạo anh em treo xà sắt vào khoảng trống do mìn nổ tạo ra từ các thanh đỡ được gối vào những vì trước, tiếp đó người điều khiển máy xúc lật tải than ra băng tải, người xúc vét than, người đào lỗ đặt chân cột chống để khẩn trương dựng vì chống lò. Ai cũng hiểu chỉ khi cho vì chống lên lắp ráp thành khuôn của đường lò rồi thì mới an toàn và yên tâm hoàn thiện các công việc khác.

Mỗi vì chống sắt nặng hàng tạ, to cỡ bắp đùi có dạng hình vòm chữ U gồm hai cột và một xà hình cong bán nguyệt được tháo rời ra cho dễ vận chuyển khi cần có thể lắp ráp lại với nhau bằng các gông và ốc vít. Khi chống lên thì cho ra đường lò hình vòm cung chịu lực rất chắc chắn, vì nọ cách vì kia 70cm và được liên kết với nhau bằng những xà sắt, khoảng trống nóc lò giữa hai vì chống là các thanh bê tông xếp liền nhau được chèn chặt vào nóc lò, hai bên hông lò thì được chèn bằng những tấm lưới sắt.

Đến trưa cả nhóm của Toàn đã hoàn thiện được hai vì lò, ai nấy đều đã thấm mệt ngồi nghỉ ăn giữa ca do cậu bên tổ phục vụ vừa mang tới gồm bánh mì nóng hổi và sữa. Toàn lia đèn nhìn anh em ăn uống ngon lành, người nào cũng mặt đen kịt bụi than chỉ hai con mắt thao láo và hàm răng trắng hếu:

- Mùa A Lếnh đã quen việc chưa? - Hội hỏi.

- Em chẳng biết nữa nhưng thấy ổn mà! - Lếnh tiếp - Quê em ở Hà Giang, nhà em nghèo lắm, xuống đây đi làm tuy vất vả nhưng đồng lương ổn định lại có bảo hiểm, có các đoàn thể, em đã tiết kiệm tiền gửi về cho bố mua được con ngựa thồ trên nương rồi, bố bảo khi nào mua được trâu sẽ đi hỏi vợ cho em. Cả nhóm cười ồ lên. Toàn trêu:

- Cứ chăm chỉ làm, rồi chú gả con gái cho không cần trâu đâu? Con gái chú xinh lắm!

Những tiếng cười nói rộn rã một góc lò. Sau bữa ăn giữa ca nhóm tiếp tục đào thêm hai vì lò nữa, đã về cuối ca mệt rã rời nhưng ai nấy đều nhanh chóng hoàn tất các công việc của mình để mau lên khuôn cho vì chống cuối. Toàn căn chuẩn lại vị trí chân cột rồi nhích ra cho Lếnh đào, phía lỗ cột bên kia anh em cũng đã đào xong, Giới đang kiểm tra cột chuẩn bị cùng anh em đặt vào hố, thấy tự dưng nóng bí gió và khó thở Toàn liếc đèn về phía ống thông gió thấy bị rách te tua do tác động của nổ mìn, định bước ra buộc vá lại, bất chợt Toàn nghe thấy có tiếng động lạ trên nóc lò rồi thấy mấy vì chống xê dịch chiếc xà treo đang oằn ra chịu lực của lớp đất đá đang chuẩn bị tụt xuống, Toàn thất thanh:

- Tất cả chạy mau, nóc lò chuẩn bị tụt!

Cả nhóm thợ hốt hoảng bật chạy khỏi vùng nguy hiểm sau tiếng hét của Toàn. Toàn quay lại phía gương giật mình thôi chết còn Lếnh, có lẽ Lếnh đang mải cúi sát xuống nền lò moi lỗ chân cột không nghe thấy tiếng hét của Toàn. Không màng nguy hiểm Toàn lao vào gương hét đến lạc cả giọng, lúc này Lếnh mới nhận thấy có sự nguy hiểm khi thấy đất đá đang bắt đầu trút xuống lả tả từ nóc lò nguy cơ chắn lối thoát ra ngoài, Lếnh hoảng sợ vọt vùng dậy nhưng cuống quá vấp ngã thì vừa lúc Lếnh gặp bàn tay Toàn đỡ lấy lôi tuột ra ngoài, vừa kéo Lếnh, Toàn vừa tránh đất đá đang rơi tự do rào rào khi chiếc xà treo đã hết tác dụng, bất chợt một hòn đá to rơi trúng vai Toàn làm anh khựng lại, oằn mình vì đau đớn, rồi như có sự cộng hưởng than, đá từ nóc lò thi nhau trút xuống chỗ anh đứng khiến Toàn choáng váng xây xẩm mặt mày, bụi than cuốn lên mù mịt làm mất phương hướng anh chỉ kịp đẩy Lếnh ra phía ngoài đúng lúc Hội và Hưng ứng cứu kéo được Lếnh ra khỏi chỗ nguy hiểm thì đống đất đá lẫn than đã vùi kín lấy Toàn, cố hết sức Toàn chỉ kịp kêu:

- Cứu với! Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Tiếng kêu nhỏ dần và mất hút bởi âm thanh của hỗn hợp than, đá đang trút xuống ầm ầm từ nóc lò, tràn ra lấp kín cả một khoảng đường lò.

Nhàn bủn rủn chân tay khi hay tin chồng bị tai nạn lò đang cấp cứu tại trung tâm y tế. Cô chỉ kịp vơ vội chút quần áo tư trang rồi lên xe của anh Phó giám đốc sản xuất đang chờ sẵn ra trung tâm y tế, trên xe có anh Chủ tịch Công đoàn mỏ cùng chị Trưởng ban nữ công, mọi người đều động viên Nhàn cứ yên tâm, bình tĩnh để còn làm chỗ dựa cho chồng con còn mọi việc sẽ có mỏ và mọi người giúp đỡ.

Ra đến trung tâm y tế chân Nhàn như muốn khuỵu xuống khi thấy đám người như đang chờ cô và mọi người trên xe, chả có lẽ chồng cô đã... Đám phụ nữ trong đó có Tâm và hai cô em dâu vội dìu Nhàn vào nghế ngồi và giải thích Toàn vẫn đang cấp cứu trong phòng mổ nhưng do cần tiếp nhiều máu nên anh Quyết quản đốc đã huy động một số anh em trong công trường ra tiếp máu, rồi lại thêm anh quản đốc trẻ bên công trường lò chợ cũng huy động nữa thành ra đông người, sau có Nhã em trai cô, chồng Tâm và một số anh em nữa phù hợp nhóm máu cũng đang trong phòng lấy máu.

Mất nhiều máu thế kia ư? Chắc anh ấy đau lắm, Nhàn sụt sùi khóc, đúng lúc ấy mấy nhân viên y tế cầm những bịch máu đi như chạy về phía phòng cấp cứu ngang qua chỗ các cô, khiến Nhàn choáng quá, cô ngất đi.

Nhàn thấy mình mặc bộ áo dài trắng sánh bước cùng Toàn tông sờ tông đi dọc theo đường tàu vào mỏ, hai bên là những vạt rừng lau đương thi nhau bung xõa những bông lau trắng muốt, rừng lau phất phơ trên các sườn đồi rồi tràn xuống phủ trắng thung lũng, tràn ra cả hai bên đường đung đưa trong nắng mời gọi như dắt hai người bước vào cõi tiên.

Toàn bất ngờ trao cho Nhàn một bó bông lau lớn phủ kín khuôn ngực cô, cô vui sướng hít hà đón nhận thì bất chợt Toàn hôn nhanh vào má cô rồi bỏ chạy. Nhàn khúc khích đuổi theo nhưng Toàn chạy nhanh lắm cô không thể nào đuổi kịp, qua cây cầu nối đôi bờ dòng suối bồng bềnh lau trắng rồi thoắt cái họ đã đến khu máng ga rót than, từng suối than tuôn chảy từ băng tải xuống đống than hình chiếc nón khổng lồ, hai người cứ chạy vờn quanh đống than.

Mỗi khi Nhàn gần đuổi kịp thì Toàn lại trêu lấy than tung vào người làm cô phải đưa bó bông lau ra đỡ, bụi than lẫn bông lau quyện bay mù trời, khi những cơn gió xua bụi tan đi thì Nhàn không thấy Toàn đâu nữa cô hoảng sợ đi tìm, bắt đầu khóc và gọi. Lúc này không phải một mình cô nữa mà nhiều đồng nghiệp, anh em bạn thợ cùng tìm giúp cô rồi tất cả đều nhìn thấy Toàn đi trên chiếc cầu sắt chứa băng tải than vắt qua suối sang bờ bên kia, Nhàn gọi to: “Chồng ơi quay lại, em ở đây mà”, mọi người cùng gọi, Toàn đã nghe thấy và dừng lại nhìn ra vợ cùng bó hoa lau đang vẫy rối rít, anh như bừng tỉnh chạy như bay về phía Nhàn.

Đến đó thì Nhàn tỉnh, tiếng chị Trưởng ban nữ công:

- May quá em tỉnh rồi, làm chị và mọi người hết hồn, mà vợ chồng em cứ như có thần giao cách cảm. Các bác sĩ cho biết ca mổ đã thành công tốt đẹp họ vừa thông báo anh ấy đã tỉnh cũng là lúc em tỉnh, lát nữa em có thể vào thăm chồng được rồi.

Nhàn ngồi bật dậy, chao ôi toàn là những gương mặt thân thương ruột thịt của cô, các cán bộ mỏ, Công đoàn mỏ, Công đoàn phân xưởng, các nhân viên y tế cùng anh em bạn thợ của chồng đang nhìn cô với ánh mắt trìu mến thân thương, động viên chia sẻ. Chứa chan bao nhiêu là ân tình không thể kể hết. Nhàn òa khóc nức nở. Cô muốn sang thăm chồng ngay, bước nhanh về phía phòng hậu phẫu sau cấp cứu nơi có ánh đèn sáng nhất phía cuối hành lang, Nhàn thầm thì: “Chồng yêu ơi! Em đến ngay với anh đây”.

Nguyễn Thanh Bình
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Cả Công ty BHS lẫn công ty mẹ BKAV đều trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội

Ngọc Thiện |

Ngoài nợ lương người lao động, Công ty Cổ phần điện tử BHS còn nằm trong danh sách chậm đóng bảo hiểm cho lao động.

Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Đức mở rộng chỉ sau 29 phút

HOÀNG HUÊ |

Tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh giành quyền vào tứ kết nội dung đơn nữ giải cầu lông Đức mở rộng sau chiến thắng trước tay vợt người Mỹ Lauren Lam.

Bắt 2 đối tượng móc túi tại điểm chờ xe buýt ở Hà Nội

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Hai đối tượng có hành vi móc túi của người dân tại điểm chờ xe buýt vừa bị lực lượng chức năng tóm gọn.

Đầu tư 350.000 tỉ đồng để chấn hưng văn hóa vẫn là con số ít

Chí Long |

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ về con số 350.000 tỉ đồng mà Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa ra cho hoạt động chấn hưng văn hóa.

Nữ diễn viên bật khóc vì áp lực đóng "Mai" doanh thu 495 tỉ đồng của Trấn Thành

Anh Trang |

Nổi tiếng là người khó tính, nên những yêu cầu về diễn xuất của Trấn Thành đối với diễn viên khiến họ chịu nhiều áp lực.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...