Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Cuối cùng thì mọi thủ tục cũng đã xong. Đón Huê ở lối ra là Đoàn, một người đàn ông đứng tuổi khá điển trai. Chẳng hiểu sao ngay từ cái nhìn đầu tiên, Huê đã rất có cảm tình với anh ta. Có lẽ trực giác mách bảo cô rằng đây là một người đàn ông tử tế. Trên chuyến bay còn có vài người nữa cũng cùng về nơi làm việc với Huê.

Trên đường, Đoàn vừa lái xe vừa kể khá nhiều chuyện cho mọi người bớt cảm giác lo lắng và sốt ruột. Anh thuộc lớp người “thế hệ cũ”, sống ở Moscow cũng ngót hai mươi năm, đi Nga xuất khẩu lao động theo tiêu chuẩn con em cán bộ chính sách từ năm 1988, khi mà Liên bang Xô viết còn chưa sụp đổ. Hết hạn hợp đồng, anh không về nước mà xin ở lại đăng ký một lớp Đại học tự túc, nhưng việc học chỉ là cái cớ để được ở lại hợp pháp.

Đoàn dồn tất cả vốn liếng dành dụm được của mấy năm lao động để mở một sạp hàng kinh doanh quần áo ở chợ Vòm, rồi lấy vợ (chị cũng là dân xuất khẩu lao động), cùng hùn vốn làm ăn, sinh con đẻ cái... và anh chị gắn bó với nước Nga như một quê hương thứ hai từ bấy đến giờ. Cộng đồng người Việt sinh sống, buôn bán và làm việc ở quanh khu vực chợ Vòm rất đông. Họ có thể nói tiếng Nga như gió nhưng chủ yếu là thứ “tiếng Nga bồi”. Mỗi khi có công việc phải giao tiếp với nhà chức trách, đến cơ quan công quyền hay đơn giản là đi khám bệnh thì họ phải cần đến những phiên dịch được học hành ít nhiều qua trường lớp như Đoàn. Đó chính là lý do anh được chủ xưởng may nơi Huê sẽ đến làm việc nhờ đi đón cô cùng mọi người ở sân bay.

Mở chiếc điện thoại màn hình gập nhỏ xíu ra để chỉnh lại theo giờ bản xứ, Huê ngạc nhiên hỏi:

- Anh ơi! Sao 9 giờ tối rồi mà trời vẫn sáng như ban ngày vậy ạ?

- Mùa hè ở đây là vậy em ạ! Có những đêm chỉ lờ nhờ như một buổi chiều dài không có chút bóng tối nào. Người ta gọi đó là “những đêm trắng”.

Huê thấy ngạc nhiên và thú vị khi lần đầu tiên biết đến điều này. Cô mỉm cười nhắm mắt lại và hình dung về cuộc sống sắp tới với những gam màu tươi sáng. Đoàn đã ngừng kể chuyện, anh vặn to cái nút chỉnh âm của máy nghe nhạc, bài hát “Chiều Matxcơva” vang lên thánh thót.

***
Xưởng may nơi Huê đến làm việc là một “xưởng đen”, tức là một xưởng không có giấy phép. Nó thường được lập ở các dãy nhà cũ nát, các tầng hầm của chợ, hay thậm chí ở các dãy chuồng trại chăn nuôi gia súc cũ. Xưởng của cô là một khu gara ôtô bỏ hoang. Gọi là “xưởng” thực ra chỉ là một cái khung nhà được “cải biên” từ những container cũ. Trong đó, một nửa gian nhà đặt khoảng hai chục cái máy bao gồm máy may một kim và máy vắt sổ. Nửa nhà bên kia vừa kê bàn cắt, bàn là vừa là chỗ ăn, ngủ của gần hai chục công nhân cả nam lẫn nữ.

Huê lắc đầu ngán ngẩm, thực sự cô không thể hình dung nổi cuộc sống ở “trời Tây” lại như thế. “Hỗn độn, tạm bợ, bẩn thỉu và nhếch nhác” là tất cả những từ ngữ cô có thể dùng để diễn tả lúc này. Cái viễn cảnh huy hoàng mà người môi giới xuất khẩu lao động vẽ ra phút chốc sụp đổ hoàn toàn. Nghĩ đến khoản tiền chủ xưởng tạm ứng để làm thủ tục sang đây mà Huê thấy lo lắng không yên. Không biết tình hình này thì cô làm có trả nợ nổi không?

Những đêm đầu tiên ở xưởng, Huê rất khó ngủ. Không hẳn là do trái múi giờ, điều ấy thì chỉ vài bữa là quen. Điều làm cô khó thích nghi nhất đó là “đêm trắng”. Cô không thể đi ngủ khi trời xung quanh vẫn sáng như ban ngày, nếu có chợp mắt được thì giấc ngủ cũng không sâu, cứ chập chờn vài mươi phút là lại tỉnh giấc. Phần nữa, nỗi nhớ chồng con thường trực trong lòng Huê.

Mặc dù chồng Huê là một người đàn ông tốt tính và khá chu đáo nhưng việc chăm con vốn không phải là thiên chức của đàn ông. Huê đã phải đấu tranh rất nhiều trước khi bỏ con lại cho anh để ra đi như thế này. Cô coi đó là một sự hy sinh của cả ba người: của cô, của chồng và của cả con bé nữa. Vậy mà sự hy sinh đó đánh đổi được điều gì đây?

***
Hồi đó nhà Huê rất nghèo. Cha làm phụ hồ công việc phập phù bữa có bữa không. Mẹ cô bán rau ngoài chợ thu nhập cũng chỉ đủ ăn và nuôi Huê đi học, chả để ra được chút nào. Một người đàn bà bán rau mà xinh đẹp quá đôi khi cũng là một mối họa. “Đẹp vậy mà đi bán rau, uổng quá!” hay “Đẹp như em thì phải làm vợ đại gia mới xứng”... Những lời đùa cợt vô tâm như vậy cứ lọt vào tai người đàn bà lầm than mang nhiều ảo tưởng...

Vào một buổi sáng khi Huê thức dậy thì mẹ đã ra đi. Bà nội nhìn cô chua chát: “Con mẹ mày nó bỏ nhà theo trai rồi”. Còn cha cô thì ngồi lặng câm bên bàn nước, rót rượu uống ừng ực. Cha nghiện rượu cũng bắt đầu từ dạo đó. Khi cha mất, người vẫn còn nồng nặc hơi men. Người ta phát hiện ông nằm chết tự bao giờ dưới một rãnh nước bên rìa phố. Huê thành một đứa trẻ mồ côi khi mới mười tuổi. Còn hai bà cháu nương tựa vào nhau, Huê lớn khôn nhờ cả vào cái quán nước nhỏ xíu ngoài đầu ngõ của bà.

Học xong cấp ba, Huê không thi Đại học mà xin đi làm ở một công ty may gần nhà. Vài năm sau, cô lấy chồng. Chồng cô là trai quê, lên thị xã làm thuê cho một xưởng mộc chuyên đóng các đồ gỗ gia dụng. Cưới xong, anh ở rể nhà Huê, năm sau cô sinh con. Cả nhà quấn túm bên nhau cũng có thể gọi là hạnh phúc.

***
Thời gian trôi thật chậm trên xứ sở Bạch Dương. Huê đã quen dần với “đêm trắng” mùa hạ, quen với đêm dài và băng tuyết mùa đông, đã sống qua mùa thu vàng lung linh lãng mạn đẹp say lòng người. Và hơn hết là cô đã trả xong món nợ với chủ xưởng, bắt đầu có chút ít gửi về nhà. Nhưng có một điều cô không thể quen đó là thứ âm thanh phát ra hằng đêm phía sau tấm vách ngăn.

Cái “ngăn hạnh phúc” đó là của một đôi nhân ngãi đều đã có vợ có chồng ở Việt Nam nhưng hai mảnh cô đơn gặp nhau chốn này... Thứ tiếng động ấy nó cào xé vào nỗi cô đơn của Huê, nó khơi dậy những khao khát chết người mà cô đang cố gắng kìm nén. Đã không ít lần lòng cô ngả nghiêng. Nhưng rồi cô đã vượt qua được nhờ có chị Mai. Mỗi lúc trong suy nghĩ của cô có điều khác lạ, bằng một cách nào đó, chị Mai nhận ra và bóng gió đưa ra lời cảnh báo.

Không hiểu sao Huê luôn thấy sợ chị như sợ một bà mẹ chồng nghiêm khắc. Sợ mà vẫn thấy quý mến. Chị Mai là một người đàn bà kỳ lạ, ít nói và sống khép kín không mở lòng với ai. Huê chẳng bao giờ thấy chị gọi điện hay viết thư gì cho người thân cả. Nguồn chia sẻ duy nhất của chị là một cuốn nhật ký thi thoảng thấy chị lụi cụi ngồi viết bên cái bóng đèn quả nhót bé xíu. Có lần Huê tò mò ngó vào xem thì bị chị trừng mắt nổi quạu lên làm cô không bao giờ dám nữa.

Nghe mọi người nói chị từng bị chết hụt một lần khi xưởng may dưới tầng hầm chợ bị cháy. Người ta đưa chị vào bệnh viện trong tình trạng mặt mũi bị bỏng nặng và thân dưới đầm đìa máu tươi. Chị ra viện với một dung nhan tàn tạ và đứa con trong bụng thì đã mất. Người đàn ông của chị cũng rời đi sau đó không bao lâu.

Tuy nhiên Huê vẫn cảm nhận được ở con người chị là một trái tim hiền lương và sống rất có tình cảm. Chị đặc biệt quan tâm và quý mến Huê. Ngay từ khi cô mới đến chị đã chủ động sắp xếp chỗ ăn ngủ cho cô ngay bên cạnh chị. Hay những khi cô đau ốm hoặc gặp chuyện gì ấm ức chị thường lặng lẽ chăm sóc rất tận tình.

***
Nhà Đoàn đột nhiên gặp chuyện. Mấy ngày hôm nay anh quay như chong chóng, mệt mỏi rã rời mà không dám nghỉ ngơi. Đúng hơn là không thể nghỉ ngơi. Hàng quần áo nhà anh đang vào vụ “tít” thì vợ anh được phát hiện có một khối u lớn trong tử cung, tuy chỉ là u lành nhưng vẫn cần phải phẫu thuật. Cùng lúc con trai anh đang học năm cuối đại học, trên đường về nhà thì bị một nhóm “đầu trọc” xông vào tấn công (tổ chức “đầu trọc” có thể hiểu nôm na là những phần tử theo chủ nghĩa phát xít cực đoan, chúng kỳ thị sắc tộc, màu da, thường vô cớ tấn công và giết chết những người nước ngoài sinh sống tại Nga, nhất là những người châu Á).

Đúng là họa vô đơn chí. Bây giờ chính là lúc Đoàn cần đến một người giúp việc, và anh nghĩ đến Huê. Gọi khẩn cấp cho chủ xưởng của cô, anh đề xuất xin người và ngay lập tức được đáp ứng. Huê ngỡ ngàng bước vào căn hộ chung cư ba buồng rộng rãi và tiện nghi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi sang đây cô được đến một nơi như vậy. Mọi thứ xung quanh đẹp đẽ, ngăn nắp và thơm tho thể hiện chủ nhân là những người chỉn chu, kỹ tính đồng thời rất có khiếu thẩm mỹ.

Huê đồng ý sang đây làm giúp việc vì cô nhớ đến cái cảm tình ban đầu với Đoàn. Hai anh em đã ít nhiều có quen biết mỗi khi anh qua lại xưởng nhập hàng hay cô được chủ giao cho việc gì đó phải đi ra chợ. Đoàn chỉ cho Huê sắp xếp tư trang rồi dặn dò cô những việc phải làm. Giữa mùa đông hơn mười độ âm mà căn phòng ấm sực bởi hệ thống sưởi nước nóng bao quanh khắp căn hộ. Huê đã thay bộ đồ nhẹ nhàng mặc trong nhà, cô nhìn theo bóng người đàn ông đang bước đi vội vã mà lòng chợt dâng lên một nỗi thương cảm.

***
Từ ngày đến làm ở nhà Đoàn, cuộc sống của Huê dễ chịu hơn rất nhiều. Vợ con anh đã ra viện và trở về với nhịp sống bình thường nhưng họ vẫn giữ Huê ở lại vì đã quen với sự hiện diện của cô. Hơn nữa, cô cũng là người chăm chỉ và biết việc nên chiếm được cảm tình của mọi người. Một ngày mới của Huê bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng. Cô phải dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn cho vợ chồng Đoàn mang đi làm.

Sau khi họ ra khỏi nhà, cô dọn dẹp một chút rồi gọi cô bé mười tuổi dậy, chuẩn bị bữa sáng hai cô cháu cùng ăn rồi Huê đưa bé đến lớp. Cậu con trai lớn của gia đình sống ở ký túc xá trường Đại học, cuối tuần mới về nhà. Trời mùa đông 9 giờ mới sáng rõ mà 4 giờ chiều đã tối sầm. Cậu không dám đi lại nhiều vì sợ lại bị bọn xấu tấn công như lần trước.

Huê sắp trải qua hai mùa đông ở nước Nga rồi. Mùa đông đầu tiên khi còn ở xưởng đối với cô đó là một nỗi kinh hoàng. Có những ngày tuyết rơi trắng xoá hết cả, quang cảnh xung quanh nhuốm một màu thê lương. Cô cùng tốp thợ ngồi co ro trong xưởng bật máy sưởi không dám thò mặt ra ngoài. Những lúc đó cô nghĩ không biết mình có sống nổi qua mùa đông khủng khiếp này không?!

Năm nay Huê ở một nơi hoàn toàn khác. Đứng trong nhà nhìn ra cửa sổ phía sau vườn, cô thấy mặt đất phủ kín tuyết trắng như bông. Những cây thông phản chiếu ánh nắng rực rỡ long lanh như những ngọn tháp trong truyện thần tiên. Cảnh tượng mùa đông đẹp đến mê hoặc lòng người.

Vào một buổi sáng như thường lệ, Huê đang dọn dẹp nhà cửa thì Đoàn trở về nhà. Anh mang theo cả làn hơi lạnh từ bên ngoài phả vào phòng. Khuôn mặt anh ửng đỏ như phát cước và có vẻ mệt mỏi. Huê hỏi thì anh nói đưa chị ra chợ xong thấy đau đầu nên về nghỉ ngơi. Buổi chiều chị sẽ tự bắt taxi về.

Huê nghĩ chắc anh bị cảm nên đi nấu một nồi cháo múc cho anh ăn để còn uống thuốc. Một lúc lâu sau cô vào phòng để dọn bát đĩa thì thấy anh đã ngủ say. Chẳng hiểu sao cô đứng nán lại giây lát để ngắm nhìn anh ngủ. Khuôn mặt vuông rất nam tính với vầng trán rộng rịn đầy những giọt mồ hôi. Có lẽ thuốc giải cảm đã ngấm.

Cô rón rén lấy khăn thấm nhẹ lên trán anh thì Đoàn bất ngờ mở mắt ra. Hai ánh nhìn chạm nhau như có một ma lực nào đó khiến Huê run rẩy. Cô bối rối đánh rơi chiếc khăn và cúi xuống định nhặt thì Đoàn nắm lấy tay cô. Toàn thân Huê lại run lên lần nữa trong khi Đoàn đang từ từ kéo cô lại gần. Chẳng hiểu lúc đó Đoàn nghĩ gì hay anh đang mê sảng trong cơn sốt. Chẳng hiểu lúc đó Huê nghĩ gì hay chỉ là cảm xúc xác thịt tức thời trỗi dậy sau gần hai năm kìm nén?

Chỉ biết khi hai khuôn mặt vừa sáp đến gần nhau là mọi thứ rào cản đạo lý phút chốc bay biến mất. Đoàn ghì chặt lấy Huê, nhẹ nhàng lần cởi từng nút áo... Ranh giới giữa sự đoan chính và sa ngã thực sự chỉ cách nhau một sợi chỉ mành. Căn phòng nhập nhòa tranh tối tranh sáng, phía bên ngoài kia tuyết đã phủ dày lên những khung cửa sổ.

***
A lô! Huê à! Cô đến ngay bệnh viện X nhé có người cần gặp! - Tiếng chị chủ xưởng may gấp gáp trong điện thoại. Sau một tiếng đồng hồ thì Huê có mặt. Chị chủ xưởng đang đứng chờ ở hành lang bệnh viện, nhìn thấy Huê thì ra hiệu cho cô ngồi xuống băng ghế, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng:

- Em phải bình tĩnh nhé! Chị cho em xem thứ này! - Nói rồi chị rút từ trong túi xách ra một cuốn sổ bìa đen - đây là cuốn nhật ký của chị Mai, em đọc rồi sẽ hiểu.

“Ngày... tháng... năm... Mình nhận ra ngay khi nó vừa đến, mặc dù đã xa nhau lâu đến thế. Vẫn đôi mắt đen ướt to tròn ấy, vẫn cái lúm đồng tiền xoáy sâu bên má trái và nhất là cái vết sẹo cong hình con tôm nơi khuỷu tay của nó. Đấy là dấu vết của lần nó bị thủy đậu hồi 5 tuổi”.

“Ngày... tháng... năm... Mình muốn ôm nó vào lòng biết bao nhưng rồi lại không dám. Nó sẽ không bao giờ tha thứ cho một người mẹ như mình. Phải! Mình có tội rất lớn, nhưng chưa bao giờ mình thôi thương nhớ nó. Mình đã đánh đổi cả nhân phẩm với mong muốn sẽ đem về cho nó một cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn. Nhưng mình đã tính sai rồi. Con đường đánh đổi thân xác để lấy tiền bạc không bao giờ là con đường đúng cả. Khi mình nhận ra điều đó thì đã quá muộn. Mình không thể trở về, đúng hơn là không dám trở về”.

“Ngày... tháng... năm... Mình biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, mình cảm thấy mệt mỏi quá rồi! Chỉ mong được nó tha thứ, vậy là quá đủ...”.

Huê đầm đìa nước mắt, khóc không thành lời. Cô không thể tin được chị Mai lại là người mẹ khốn khổ của cô. Thảo nào ngay phút đầu gặp chị, cô đã có cảm giác thân thương gần gũi lắm! Thảo nào chị lại quan tâm và yêu thương cô đến vậy...

“Chị Mai ơi! Mẹ ơi!...”. Chị Mai nằm đó, thiêm thiếp ngủ trên chiếc giường phủ drap trắng toát. Chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối rồi. Do lạnh, do bụi vải ô nhiễm ở xưởng may, do hệ miễn dịch cơ thể suy giảm nghiêm trọng sau sang chấn... hay do số trời định đoạt? Chỉ biết chị đang nằm kia, trên giường bệnh, người gầy đét, khuôn mặt đầy những vết sẹo bỏng và những dấu thời gian nhăn nhúm.

Không thể tìm nổi một nét xinh đẹp nào của người đàn bà năm xưa trong tấm ảnh đen trắng mà Huê thường lôi ra ngắm nghía. Bao nhiêu là cảm xúc xáo trộn trong lòng Huê. Người đàn bà nằm kia, rất thân thương nhưng cũng vô cùng xa lạ đối với cô. Bà ấy là mẹ nhưng lại bỏ ra đi từ khi cô còn nhỏ xíu.

Cuối cùng thì Huê cũng bật lên được một câu nghẹn ngào: Mẹ ơi! Con... đây...

Chị Mai khẽ khàng mở mắt ra, hơi thở vô cùng nặng nhọc nhưng đôi mắt đẹp còn lại duy nhất trên khuôn mặt ánh lên một tia hạnh phúc. Chị nắm chặt bàn tay Huê thều thào nói: “Con tha thứ cho... mẹ chứ?”.

Ứa nước mắt, cô khẽ gật đầu.

“Mẹ không còn sống được bao lâu nữa. Sau khi mẹ chết con hãy gặp cô chủ xưởng. Mẹ nhờ... cô ấy giữ giùm số tiền mẹ tích cóp chừng... ấy năm. Mẹ cho... con - chị Mai lại nói tiếp giọng ngắt quãng - tuy không nhiều nhưng hy vọng... sẽ... bù đắp... phần nào... Con hãy về Việt Nam đi, về mà vun đắp cho gia đình nhỏ của con. Đó mới chính là điều quan trọng nhất...”.
“Không mẹ ơi! - Huê gào lên nức nở - Mẹ phải sống để trở về với con!”.

***
Lại một buổi chiều hè, trên đường ra sân bay Moscow. Đoàn lái xe đi tiễn Huê, con đường ra sân bay hôm nay rất đông nên tắc kéo dài, đôi lúc xe như dừng hẳn lại. Hai người ngồi yên lặng không biết nói gì. Thi thoảng có một chiếc xe lao vút qua trên phần đường ưu tiên hú còi inh ỏi.

- Anh về đi! Chở em đến đây là được rồi! Về đi không muộn! - “Đêm trắng” mà em, lo gì muộn! Cho anh ôm em lần cuối được không?

Huê gật đầu. Đây là lần thứ hai họ ôm nhau kể cả cái lần sa ngã đáng xấu hổ ấy. Bởi ngay sau đó, Huê đã tìm lý do để rời đi. Cô không muốn Đoàn trở nên khó xử trong chính căn nhà của anh, càng không thể diễn kịch trước mặt vợ con anh mà coi như không có chuyện gì xảy ra được.

Đoàn ôm cô, cái ôm dài và ấm áp như của một người anh không còn mảy may một chút rung động của thể xác. Huê buông tay, khẽ đẩy Đoàn ra rồi nói trong nước mắt:

- Anh về đi! Em phải vào làm thủ tục check-in đây! Mà em nghe tin tức nói hình như chợ Vòm sắp đóng cửa, không biết thực hư thế nào?

- Anh cũng không chắc lắm, nhưng không sao đâu, nước nổi thì bèo nổi. Em vào đi, tạm biệt!

Huê kéo vali quay đi, trong lòng ngổn ngang bao nhiêu cảm xúc. Chưa đến mười giờ đồng hồ bay nữa là cô sẽ về đến nhà, được gặp lại bà nội, gặp lại chồng và con gái bé bỏng. Có lẽ đó mới chính là nơi thích hợp nhất dành cho cô. Huê sẽ bỏ lại nơi này tất cả những kỷ niệm vui buồn, cả những rung động với Đoàn mà cô không thể phân định được đấy là tình yêu hay chỉ là một lần trượt ngã.

Hành lý của Huê rất nhẹ nhàng chẳng có gì nhiều ngoài vài bộ quần áo, ít chocolate và vài con búp bê gỗ về làm quà. Thứ “nặng” nhất cô mang theo đó là hũ tro cốt của mẹ. Lòng Huê thấy mênh mang buồn, mẹ cô với mong ước đổi đời đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc gia đình bé nhỏ để cuối cùng trở về chỉ còn là nắm tro tàn. Còn Huê, nhớ lại quãng thời gian vừa trải qua, ấn tượng đọng lại trong cô chỉ còn lại là những “đêm trắng”. Một thứ đêm mà bóng tối chỉ lướt qua, nhẹ nhàng không dấu vết.

Cao Nga
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng xe máy trong hẻm nhỏ

Vũ Trường Anh |

“Những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Việc cần làm là chọn cách thức để vượt qua” - L.O.Baird

Biển số ngũ quý 4 siêu khủng sẽ có trong phiên đấu giá biển số ngày 15.1

Hải Danh |

Đấu giá biển số: Trong ngày 15.1, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) sẽ tổ chức đấu giá 7.000 biển số trong 10 khung giờ. Trong phiên đấu giá lần này, xuất hiện hàng loạt biển số siêu khủng như: 14A-861.88; 30L-111.19; 38A-598.88; 60K-444.44;...

Hiện trường vụ cháy khiến 4 người thiệt mạng ở phố cổ Hà Nội

Tô Thế |

Vụ cháy sáng nay (15.1) trên phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến 4 nạn nhân tử vong. Hiện trường vụ hỏa hoan đã được phong tỏa phục vụ công tác điều tra.

Truy tố người mẫu Ngọc Trinh tội Gây rối trật tự công cộng

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 15.11, Viện KSND TPHCM đã ban hành cáo trạng, truy tố Trần Thị Ngọc Trinh (35 tuổi, người mẫu, diễn viên, quê Trà Vinh) và Trần Xuân Đông (37 tuổi, ngụ Quận 7, TPHCM) về tội "Gây rối trật tự công cộng". Riêng bị can Trần Xuân Đông bị truy tố thêm tội 'Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức'.

Con đường tử thần ở Hà Nội sắp được chi gần 3.400 tỉ đồng mở rộng

HỮU CHÁNH |

Đường 70 đoạn qua quận Nam Từ Liêm thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông sẽ được Hà Nội chi gần 3.400 tỉ đồng mở rộng trong giai đoạn 2022 - 2027.

Áp dụng cách tiêu tiền không hoang phí của các tỉ phú trong thời buổi suy thoái kinh tế

Anh Trang |

Trong thời buổi suy thoái kinh tế hay gần hơn là dịp giáp Tết, việc sử dụng tài chính không hoang phí luôn được cân nhắc. Và thói quen tiêu dùng của các tỉ phú là bài học được nhiều người lĩnh ngộ.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng xe máy trong hẻm nhỏ

Vũ Trường Anh |

“Những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Việc cần làm là chọn cách thức để vượt qua” - L.O.Baird