Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Ôi! Sao mà giọng điệu cứ y như là để tự an ủi mình, cứ như là để thanh minh với người đời. Quả thật, trước đây khi mới nhập môn nó cũng đúng với nỗi lòng của chị. Còn bây giờ thì chị đã chấp nhận và cảm thấy quá đỗi bình thường đối với công việc quét rác này rồi! Đôi khi chị Tâm còn cảm thấy tự hào với nghề mình đang theo đuổi. Theo đó, nghề quét rác không những quét đi những rác rưởi, làm sạch đẹp môi trường, phong quang đường phố... mà còn quét đi những cặn bã của xã hội.

Nói như vậy chẳng biết có quá không vì trong quá trình quét rác, đôi khi chị nhặt được tiền, nhặt được đồ ai đó đánh rơi và cũng có khi là xác của một đứa trẻ sơ sinh bọc trong một lùi giẻ rách... Từ đấy, chị đã hiểu thêm nỗi trái khoáy của tình đời! Ôi thôi, thật là nhiều thứ chị đã nghiệm ra được từ cái nghề này.

Chị Tâm đến cơ quan vừa lúc vợ chồng Cường và Thúy đẩy xe ra khỏi cổng. Hai đứa quê tít tận trên rẻo cao Lâm Hà, thương yêu nhau từ lúc mới chân ướt chân ráo xuống đây. Chị Tâm là một trong số những người chứng kiến chuyện vui buồn của tụi nó.
- Hôm nay chị Tâm đến chậm mười lăm phút đó nghen! Chị bận công chuyện hả? - Thúy lên tiếng khi thoáng thấy bóng chị Tâm.
- Ừ! Có chút chuyện. Một cậu sinh viên đến, muốn thuê nhà nhưng chị đang suy nghĩ.
- Thì chị cho người ta thuê đi, có gì mà phải suy nghĩ! Người thuê trước trả nhà rồi mà.
- Mấy đứa biết đó, từ hồi nào tới giờ chị đâu có cho đàn ông con trai thuê.
- Nhưng chị chỉ có một cái gác, có ai thuê thì chị đồng ý đại cho rồi. Chuyện ai nấy làm, nhà ai nấy ở có ảnh hưởng gì tới ai đâu.
Cường cũng xen vào: Sinh viên em nghĩ tư cách cũng không đến nỗi! Chị cứ cho người ta thuê đi.

Chị Tâm ra chiều suy nghĩ: Cũng được! Nhưng phải coi cậu đó có quay trở lại không đã. Chị có bảo cậu ấy đi tìm thuê chỗ khác, chừng nào không được hãy quay lại rồi chị mới tính.
Thúy nói giọng quả quyết: Em chắc là người ta sẽ quay lại thôi! Có ai cho thuê rẻ như chị đâu. Đầy đủ điện, nước mà một tháng có chín trăm ngàn.

Cường đã mặc áo lao động và mang khẩu trang xong. Thúy cũng vội mang găng tay và xách cây chổi với tư thế sẵn sàng. Cường đẩy chiếc xe ra đường. Thúy tranh thủ chắt chai nước nhỏ từ chiếc máy lọc dùng chung cơ quan. Thúy vừa đậy nắp vừa nói với lại: Tụi em đi nghe chị!
- Ừ! Hai đứa đi đi!

Từ ngày được phân công làm tổ trưởng, những thành viên trong tổ của chị ai nấy tinh thần trách nhiệm với công việc đều được nâng lên. Chị Tâm cảm thấy niềm vui nho nhỏ len vào lòng. Vừa nhâm nhi ly trà, chị vừa suy nghĩ chuyện đời. Sự kính trọng hay xem thường phần lớn đều do tự bản thân mỗi người tạo ra. Không biết từ bao giờ chị Tâm lại hay có cái lối suy luận mang tính triết lý như vậy.

Thời gian rảnh rỗi khiến người ta dễ nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm trước những sự việc diễn ra trong cuộc sống. Và quan trọng nhất là những kinh nghiệm ấy lại được rút ra từ chính bản thân chị. Ai cũng mong muốn cho mình có một cuộc sống bình thường. Nhưng chị Tâm lại không nằm trong số ấy. Bởi, người yêu của chị đã thẳng thừng nói lời chia tay khi phát hiện thấy những dấu hiệu về bệnh phong ở chị.

Chị đã rất buồn và nỗi buồn ấy cũng mau chóng trôi qua. Những người không hiểu cứ cho người yêu chị là kẻ bạc tình. Chị đã vội đính chính cho người ấy. Bởi nếu là ai khác cũng sẽ hành động như thế thôi. Gắn bó với một người mắc thứ bệnh trong tứ chứng nan y như chị, họ làm sao tìm kiếm được hạnh phúc? Bản thân cha mẹ đã vậy, rủi sinh con ra lại mang theo con vi trùng phong trong người thì biết sống ra sao?

Chị đã đau khổ rất nhiều! Nhưng chị cũng đã nhanh chóng nhận ra rằng: Buồn cũng chẳng lợi lộc gì, chỉ mang lại cho người thân và cả bản thân mình thêm nỗi đau mà thôi. Chi bằng hãy cố gắng vượt lên số phận. Hãy tự vạch kế hoạch cho bản thân sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Đầu tiên, chị đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn tường tận về bệnh phong. Rồi đăng ký xin điều trị ngoại trú và ghi chép kỹ lưỡng những hướng dẫn thuốc men điều trị tại nhà. Bước kế tiếp chị xin gia đình cho ra ở riêng để tự cách ly. Chị muốn tránh mặt mọi người, vì thế chị xin vào công trình đô thị làm nghề quét rác. Cái nghề mà đi ra khỏi nhà lúc mặt trời lặn và ra về lúc mặt trời chưa mọc.

Chị Tâm về đến nhà vào lúc sáu giờ sáng. Vừa mở cửa ra, chị giật mình khi thấy chàng sinh viên hôm qua đến thuê nhà đang nằm ngủ ngon lành trước hàng hiên nhà chị. Nghe tiếng động, cậu ta mở choàng mắt, lồm cồm ngồi dậy. Sau phút ngỡ ngàng, cậu nở nụ cười ngượng nghịu, đứng dậy phủi phủi quần áo và né sang một bên cho chị mở cửa.

Chị Tâm lên tiếng trước: Cậu đồng ý thuê nhà phải không? Chắc không ai cho thuê giá bèo như chỗ này chứ gì?

Cậu sinh viên trả lời, vẻ thành thật: Không phải chị ơi! Từ lúc bước ra khỏi nhà chị, em nào có đi đâu. Em ra đầu hẻm kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, sau đó quay trở lại thì chị đã đóng cửa đi mất dạng. Em ngồi đợi rồi nằm ngủ tại đây hồi nào không hay.
Chị Tâm ngạc nhiên: Cậu làm mồi cho muỗi từ tối tới giờ hay sao?
- Ngủ kiểu này hoài, quen mà chị! Em đi làm khuya, trở về thì ký túc xá đã đóng cửa, vì vậy em thuê nhà trọ ở cho tiện.
- Cậu làm thêm nghề gì?
- Trước làm bảo vệ nhà hàng, sau thì chạy bàn. Hiện tại em chạy xe Honda chở khách quen.

Chị Tâm nghĩ thầm: Hèn chi! Sinh viên mà thuê nhà ở một mình thì cũng là dân không thường chút nào.

Chị Tâm một chút do dự nhưng rồi nghe cách nói chuyện, chị cũng hơi yên tâm. Chị cẩn thận: Tôi nói thiệt với cậu, tôi sống độc thân lại đi làm suốt ngày nên mới cho thuê. Từ hồi nào tới giờ tôi cho nữ thuê không hà. Nhưng gần đây cũng có những cô không đàng hoàng: Dắt bạn bè đến nhậu nhẹt say xỉn rồi ca hát tới khuya, lối xóm phiền hà quá nên tôi không cho thuê nữa. Bây giờ thì tôi không kén chọn, miễn thuê ở đàng hoàng để tôi có thêm thu nhập là được.

- Em cũng không giấu gì chị, mấy đứa bạn em nó rủ hùn nhau mướn nhà ở chung cho nhẹ tiền. Nhưng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, em phải đi làm thất thường nên ở một mình cho tiện. Với lại em thấy chỗ này cũng yên tĩnh, thuận tiện cho việc học của em.

- Thôi cậu lên chỗ ở đi, rồi xem có cần gì không. Giường chiếu có sẵn, cậu khỏi lo. Chỉ thiếu có chiếc quạt, cần thì cứ việc mua. Tiền nhà riêng, còn cậu xài điện nước bao nhiêu, cứ coi theo đồng hồ mà trả tiền.

- Dạ được rồi chị! Để em lên xem rồi có gì em nói với chị sau.

- Chìa khóa của cậu đây. À mà cậu tên gì? Tôi tên Tâm, cậu cứ kêu tôi là chị Tâm quét rác là ai cũng biết. Cả hẻm chỉ có mình tôi làm nghề này.

- Em tên Khang, hồi nữa em đưa giấy chứng minh cho chị.
Thế là chị lại có người thuê nhà. Như vậy, đây là lần đầu tiên, ngôi nhà chị sẽ có một người khác phái ở chung, đó là Khang.

***
Khang là sinh viên Đại học Khoa văn năm thứ hai. Gia đình Khang ở Kiên Giang và rất kỳ vọng ở đứa con trai duy nhất trong một gia đình có bốn chị em gái. Chính vì thế mà dù nghèo khó nhưng gia đình vẫn cố gắng chắt chiu cho Khang được ăn học tới nơi, tới chốn.

Khang cũng rất có ý thức về điều này, nên ngoài số tiền của gia đình gửi lên hằng tháng, Khang phải tranh thủ làm thêm để trang trải cho những khoản chi tiêu khác như: Sách tham khảo, giáo trình, tài liệu nghiên cứu... Chưa kể đến khoản giao tiếp với bạn bè, quần áo, giày dép...

Qua tâm sự, chị Tâm hiểu thêm về Khang. Một con người có ý chí nhưng đồng thời lại sống nội tâm, hướng nội. Có lẽ đây là điểm yếu của Khang. Khang thường bị bạn bè lợi dụng. Có những lần trực đêm một mình, chị Tâm tự hỏi lòng: Tại sao mình lại có sự cảm mến đối với Khang? Chẳng lẽ đây là tình cảm giữa hai người khác giới? Không! Không phải vậy! Khang chỉ mới hai mươi hai tuổi. Còn chị đã xấp xỉ tuổi băm rồi. Chắc là chị đã quá bận tâm với dư luận.

Thời gian gần đây có những lời dị nghị của hàng xóm, cho rằng chị “cặp bồ” với một thanh niên đáng tuổi em mình. Mà họ nghĩ như vậy cũng phải. Từ lâu nay chủ trương của chị là không tiếp xúc với người khác phái. Huống chi, chị với Khang quá thân thiết với nhau. Khang chạy xe Honda ôm nên đôi khi chở chị đến cơ quan. Khang cũng loáng thoáng nghe thấy thế.

Khang lên tiếng với chị: “Chị đừng chú ý tới lời thiên hạ đàm tiếu. Hơi đâu mà để ý mấy cái chuyện đồn đại đó, chuyện ai nấy lo, nghĩ ngợi làm chi thêm mệt, thêm mất tự nhiên!”. Chị và Khang có nhiều điểm hợp nhau. Nhớ lần đầu chị nghe thấy đĩa nhạc Trịnh Công Sơn mà chị thích, vang lên trên gác, chị đã nghi ngờ Khang lén lấy của chị nghe mà không hỏi ý kiến chủ. Sau đó lại nghe thêm một đĩa khác cũng nằm trong số đĩa mà chị đang có.

Chị kiếm cớ lên gác hỏi thăm thì mới phát hiện, ngoài những đĩa đó ra, Khang còn có cả rổ nhạc mà chị chưa sưu tầm được. Hóa ra những điều chị biết về Khang còn quá ít. Khang đã cho ra đời một tập thơ trữ tình đầu tay và hiện tại đang tập thử sức trong lĩnh vực truyện ngắn. Chị mang một cảm giác hối hận khi Khang tặng cho một cuốn tiểu thuyết Quỳnh Dao - một trong những cuốn mà Khang mới mua.

Dạo này chị Tâm và Khang hay có những bữa tiệc nho nhỏ. Lý do đơn giản: Khi thì chị được khoản tiền thưởng nho nhỏ của cơ quan, khi thì Khang được khách trả tiền tháng. (Khách của Khang là những cô gái ở các quán nhậu có hát Karaoke, là gái nhảy ở nhà hàng cao cấp... nên trả tiền rất xộp).

Đây cũng là sở thích của chị và Khang. Khi có chuyện vui gì đó thì cứ một đĩa mồi, một vài chai bia, tự mình thưởng cho mình. Bây giờ có hai người hợp gu cụng ly với nhau, cùng tâm sự thì càng hay hơn. Nhất là cùng gõ chén đĩa hát những bài hát mà cả hai cùng yêu thích. Khi hai người có chung sự đồng điệu thì niềm vui như được nhân lên, có một cảm giác như là hạnh phúc, như được cảm thông, như là được thỏa mãn, như là một nửa của mình đã tìm về được với chính mình!

***
Suốt một tuần nay, Khang không về nhà trọ. Khang đi kiến tập ở quê nhà. Mặc dù chị Tâm đã biết trước nhưng chị vẫn thấy bất ngờ và thấy thiếu vắng một cái gì đó. Mọi khi vào cơ quan, chị hay nói chuyện, tâm sự với vợ chồng Cường và Thúy. Nhưng giờ đây chị không còn hứng thú với những câu chuyện về vợ chồng hay con cái của họ nữa.

Đang trò chuyện mà tâm trạng chị để ở đâu đâu. Đã đôi lần Thúy đeo theo hỏi nhỏ chị: Chị đừng nói với em là chị “cảm” thằng nhóc sinh viên đó rồi nghe?. Chị Tâm gạt phăng: Nói bậy bạ không hà! Đừng có khùng quá đi!

Rồi chị đánh trống lảng sang chuyện khác. Ngoài miệng nói vậy nhưng chị Tâm biết mình đang làm gì và đang nghĩ gì. Quả thật thời gian này chị nghĩ về Khang nhiều hơn. Chị nhớ từng lời nói, cử chỉ mà Khang đã quan tâm tới chị. Không biết đó là lời của đứa em trai hay là có ý gì khác không. Tóm lại, không biết Khang đang suy nghĩ gì nhưng sự quan tâm đó làm cho chị cảm thấy rất ấm lòng. Chị lại nhớ đến Khang!

***
Từ lúc Khang ở dưới quê lên đến nay, trông Khang trở nên khác: Xanh xao với hai hố mắt thâm quầng nhưng quần áo có vẻ sang trọng hơn. Khang tiếp xúc, nói năng với chị vẫn vậy nhưng đôi lúc nghe có gì xa xăm quá. Khang đến giảng đường vào ban ngày và vẫn đi làm thêm vào ban đêm. Khang đi về khuya hơn, có đôi khi đến sáng. Chị hỏi nguyên nhân. Khang trả lời bận công chuyện. Chị không hỏi thêm.

Có một chút thoáng buồn. Sau khi nghĩ lại chị thấy mình vô lý. Những khi soi gương, chị cố đóng vai mình là người ngoài cuộc để ngắm nhìn một gương mặt sần sùi trong gương. Gương mặt đó không đến nỗi ghê tởm nhưng không có sự bằng phẳng, mịn màng mà đáng ra nó phải có. Đưa tay sờ lên mặt, chính chị còn không cảm nhận được sự vuốt ve cần thiết. Ngoại trừ đó là bổn phận của đôi bàn tay phải có sự va chạm khi rửa mặt, lau mặt...

Chị thở dài mỗi khi nhìn mình trong gương. Buồn tủi mỗi khi tan ca về nhà một mình và cô đơn khi trong nhà vắng bóng Khang. Tâm trạng chị lúc này không được ổn. Chị trở nên hay gắt gỏng với đồng nghiệp. Tệ hại hơn là cơ thể chị lúc này hay lên cơn ngứa và đau nhức. Hình như chị đã bỏ quên những lần uống thuốc.

Bác sĩ đã lên tiếng nhắc nhở chị, chú ý điều trị đúng theo phác đồ mới có hiệu quả. Lại mấy ngày liên tiếp Khang không ngủ nhà. Chị Tâm đâm ra giận. Nghĩ cũng lạ: Mắc mớ gì chủ nhà lại đi giận khách thuê nhà. Chị Tâm đâm ra giận chính mình. Hôm nay Khang ở nhà. Chị Tâm thì không đến cơ quan. Buổi trưa, hai chị em có một bữa cơm đạm bạc: Hột vịt dằm nước mắm và rau cải luộc. Bù lại, buổi tối chị và Khang có một buổi tiệc thịnh soạn. Tiếng khui nắp bia lốp bốp làm tăng sự sinh động, cho dù bữa tiệc chỉ có hai người.

Không hiểu sao mọi việc lại dễ dàng trở nên bình thường. Chị và Khang cùng nối lại những đề tài vui vẻ. Cả hai đã uống hơn chục lon bia Heineken. Chị không nhớ là mình đã ngã vào người Khang từ lúc nào. Trong mơ màng chị chợt nhớ đến cái cảm giác của mười mấy năm về trước, khi mà chị đã ở nhà người yêu trong một đêm chỉ có hai người! Sáng hôm sau thức dậy. Cả hai đều ngượng ngùng. Khang lên tiếng xin lỗi làm cho chị cảm thấy xấu hổ thêm. Nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng nhanh chóng qua đi. Đổi lại là một cảm giác gần gũi và thân mật hơn.

Không biết Khang nghĩ sao? Khang có cùng tâm trạng với chị không? Nhưng riêng chị thì nghĩ vậy! Chị cảm giác như được chia sẻ... được thông cảm... và quan trọng nhất là chị không bị người khác phái ghê tởm. Chị bắt đầu chú ý vào hình thức nhiều hơn mỗi khi ra ngoài, cả khi đến cơ quan và kể cả khi đi quét rác! Khang cũng vậy! Rất trẻ trung và đầy sức quyến rũ. Quần áo giày dép luôn thay đổi. Có lúc chị hỏi mát mẻ: Khang lúc này trúng mánh hả? Sắm đồ mới hoài vậy! Không biết Khang có nhận ra thái độ của chị không nhưng trả lời, vẻ thật thà: Của mấy cô tiếp viên nhà hàng tặng em đó chị ơi! Em đâu có thời gian mà mua sắm ba cái thứ này.

Chị tin lời Khang. Quả thật Khang không có thời gian. Ngoài giờ học chính thức, cậu ta đến thư viện đọc thêm tài liệu. Tối thì đi chạy xe thêm. Nghe nói Khang mua xe trả góp nên phải tranh thủ làm thêm một cách tích cực. Vậy mà khi nghe chị nói có ý định đi đâu, Khang đều đòi đưa chị đi cho bằng được. Khang có đặc biệt tốt với chị không? Hay là đối với ai cũng vậy? Nhiều lần chị chứng kiến Khang vét hết những đồng xu trong túi cho những người già, người cơ nhỡ, còn bản thân lại mang bụng đói về nhà. Hình như Khang hay được các cô gái quan tâm mua quần áo cho, bởi vì đồ dùng của Khang cứ gom đi cho người khác.

Trong thời buổi này chị Tâm hiếm thấy tuổi trẻ mà có lòng từ tâm như Khang. Đúng là con người đa cảm! Do quá bận bịu với công việc mà Khang đã không phát hiện ra sự thay đổi ở chị. Còn đám nữ ở cơ quan thì để ý từng ly từng tý. Cái Thúy là người phát hiện ra trước tiên: Chị Tâm đeo đôi bông tai này phù hợp với chị lắm đó. Nhìn nó vừa sang lại vừa làm gương mặt chị sáng ra.

Giọng cái Lan lanh lảnh từ xa: Trời ơi! Chị Tâm mà tưởng ai. Duỗi tóc ra nhìn trẻ đến mấy tuổi!

Hai Ngà lớn tuổi nhất Tổ cũng phụ họa theo: Tâm à! Bay chịu khó sửa soạn đi một chút, chứ không thì thấy nó già nua lắm! Bình thường phụ nữ tụi mình lúc nào cũng mau già hơn đàn ông. Nếu mình chú ý vào hình thức, mình sẽ có sự tự tin hơn, nhất là trong giao tiếp.

Nghe những lời bàn tán, góp ý, chị Tâm thấy cũng có lý, vì đó chính là điều mà chị quan tâm để phần nào giấu bớt đi những vết tích của căn bệnh. Đồng thời chị cũng cảm nhận được sự quan tâm thật tình hay là ác ý ẩn sau những câu nói kia. Hay chỉ vì là có tật chị phải giật mình? Hễ ai đề cập đến tuổi tác, chị lại nghĩ ngay đến Khang. Dù rằng tình yêu không có ranh giới nhưng cái hố sâu ngăn cách giữa chị và Khang là rất lớn. Đó chính là căn bệnh nan y của chị.

Chị không thể có được một thân thể mịn màng như người bình thường. Mỗi khi tắm, chị hay dùng bọt xà phòng để che bớt khiếm khuyết làn da trên cơ thể mình. Chị lại băn khoăn khi hình dung sự tiếp nhận của Khang đối với thân thể chị trong cái đêm không quên đó... và rồi tự ti mặc cảm. Không mặc cảm sao được khi mà những khách đi xe của Khang toàn là những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Cho dù không trang điểm thì họ cũng hơn hẳn chị ở thân hình hấp dẫn, huống hồ son phấn còn làm tăng vẻ yêu kiều ở họ.

Bản thân chị khi gặp những cô gái ấy còn muốn ngắm nhìn mãi, nói chi là cánh đàn ông. Mà đã như vậy thì chị có lý do gì để phiền muộn khi thấy những cô gái đẹp kia ôm eo Khang, ngồi trên xe giống tình nhân hơn là khách hàng kia chứ! Rất nhiều lần chị tự nhủ lòng mình hãy cố quên, hãy nhìn lại mình, hãy vui vẻ mà bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với công việc của mình. Nhưng sao khó quá! Phải chi chị đừng phá lệ, đừng cho Khang thuê nhà thì đâu đến nỗi? Thế rồi mọi băn khoăn day dứt của chị Tâm dường như vô nghĩa, bởi vì Khang không còn thuê nhà của chị nữa.

Khang đến và đi như một giấc mơ thoáng qua đời chị. Chị không có lý do gì để giữ Khang lại. Nói cho cùng thì chị và Khang chỉ là mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê nhà. Có chăng sau này ra đường tình cờ gặp nhau, chỉ có thể chào nhau, mời nhau vào quán uống một ly cà phê mà thôi.

Hôm Khang dọn nhà đi, chị đã khóc một cách ngon lành. Khang cười chọc chị: Không biết ai đa sầu đa cảm hơn ai? Khang nói do phải đến nhà để chăm sóc cho một người bạn bị bệnh nên trả nhà để người khác thuê. Khang chỉ lấy đi những vật dụng cần thiết, còn lại thì gửi ở chỗ chị, khi nào rảnh rỗi sẽ đến dọn sau. Hay có khi Khang sẽ lại thuê để ở nữa cũng không chừng. Thế rồi đâu lại vào đấy, chị dần dần trở lại cuộc sống vốn dĩ chẳng có gì là ồn ào náo nhiệt. Thỉnh thoảng, chị bắt gặp một dáng người hao hao giống Khang thì một cảm giác nao lòng dâng ngập tràn tâm hồn chị.

Bỗng dưng chị muốn gặp lại Khang. Nhưng chị không đủ can đảm đến trường. Chị hy vọng Khang có chút thần giao cách cảm để Khang đến nhà chị hôm nay. Khang còn để lại một số đồ dùng cá nhân mà! Đang định đi, chợt ngoài cửa có tiếng xe máy, chị Tâm đi ra cửa thấy Thúy đang hấp tấp dựng xe. Vẻ hớt hải lộ trên khuôn mặt: Chị hay tin gì chưa? Khang của chị mới chết hồi tối này!

Thúy nhìn chị bằng ánh mắt vừa quan tâm vừa thăm dò. Quả thật tin này đến với chị quá bất ngờ. Tại sao Khang lại ra đi đột ngột như vậy? Liệu có sự nhầm lẫn gì không? Không lẽ cả trường chỉ có một Khang thôi sao? Như hiểu được sự băn khoăn trong chị, Thúy giải thích tiếp: Hồi sáng nay có một nhóm sinh viên bàn tán về cái chết của Khang. Em có hỏi thăm coi thực hư ra sao, tụi nó nói tay Khang này từng thuê nhà của chị Tâm quét rác. Như vậy còn nhầm lẫn sao được?

Bây giờ thì chị không cầm được nước mắt. Đối với chị Khang là một thanh niên tốt, tốt nhất trong những thanh niên mà chị biết, kể cả mấy người anh ruột của chị cũng chưa hề ghé thăm chị lấy một lần từ khi chị ra ở riêng cho đến nay. Thúy chỉ ghé cho chị hay rồi đi liền. Chị Tâm đi vào nhà và ngã ngay xuống giường. Chị òa khóc như chưa bao giờ được khóc. Có một mất mát trong chị.

Sau khi vơi cơn xúc động, chị chạy vội lên gác. Đồ đạc của Khang vẫn còn để đó. Trên bàn có một lá thư ghi tên chị, chị vội mở nhanh ra xem. Đúng là nét chữ của Khang: Chị Tâm kính mến! Em đến thuê nhà chị là có chủ ý. Em muốn đền ơn cho chị! Chắc chị ngạc nhiên lắm, không biết là chuyện gì phải không? Chị có nhớ đã từng chôn cất cho một đứa trẻ sơ sinh mà chị lượm trong đống rác không? Đó chính là con nuôi của em! Mẹ của nó là người yêu em. Cô ấy đã chết vào tháng trước rồi. Chết vì mắc căn bệnh thế kỷ. Cô ấy là bạn cùng quê với em. Gia đình cô ấy rất nghèo và cô ấy không muốn sống trong cảnh bần hàn ấy nên mới bỏ nhà lên thành phố để mong đổi đời.

Cô ấy đã nhanh chóng tìm cho mình một chỗ dựa, đó là một người đàn ông góa vợ. Nhưng không bao lâu thì cô ấy bị bỏ rơi với một bào thai. Còn ông ta lại có một cô gái khác. Em đề nghị được chăm sóc cô ấy và nhận đứa trẻ làm con nuôi. Em rất mừng vì có được cơ hội gần gũi và chăm sóc người mà mình hằng yêu mến. Rồi bỗng dưng cô ấy chuyển chỗ ở như không muốn làm phiền em. Em đã bỏ công tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy tăm hơi đâu cả.

Tình cờ khi tham gia công tác xã hội ở Trung tâm phục hồi nhân phẩm thành phố, em đã gặp lại cô ấy. Em đã biết mọi việc: Cô ấy và cả đứa trẻ đều nhiễm bệnh. Đứa trẻ - con nuôi của em cũng đã chết trong một đêm cô ấy lang thang ngoài đường. Cô ấy đã bỏ xác đứa trẻ ở một đống rác. Những ngày cuối đời, nguyện vọng của cô ấy là muốn biết đứa con xấu số có được ai chôn cất không. Và em đã lần tìm ra chị.

Em hỏi thăm và biết đứa trẻ được chị chôn cất tử tế ở sau nhà. Em rất cảm động trước nghĩa cử cao đẹp ấy. Em đã nguyện với lòng là sẽ làm bất cứ việc gì để đền đáp công ơn của chị. Gần gũi, tiếp xúc với chị, em đã nhìn thấy trái tim cô đơn nhưng cháy bỏng tình người ẩn sau vẻ lạnh lùng, lãnh đạm của chị. Tiếc là em phát hiện ra căn bệnh nan y của mình quá muộn! Em bị hở van tim. Nếu phát hiện sớm có lẽ em sẽ làm nhiều việc hơn cho chị. Vì sợ cái chết không biết lúc nào sẽ đến với em nên em quyết định ra đi, để tránh phiền phức cho chị. Những đĩa nhạc, những quyển sách mà em đã cố tìm hiểu về sở thích của chị. Em mong chị hãy nhận lấy.

Cuối cùng em rất mong chị hãy hết lòng với nghề. Mặc dù trên thực tế chưa hẳn đã có người coi trọng. Nhưng đó chính là cái nghề làm cho thế gian này thơm tho, sạch đẹp vạn lần hơn. Chị yêu kính của em. Vĩnh biệt chị!

Nước mắt chị rớt xuống má hồi nào không biết. Chị thầm biết ơn Khang đã nhìn thấu đến tâm can của mình. Chị định đi viếng Khang. Nhưng hỏi thăm mới hay Khang đã hiến tất cả các bộ phận của cơ thể cho khoa học. Gia đình Khang cũng đồng ý theo trăn trối của đứa con trai xấu số. Nằm một lúc, nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường thấy đã đến giờ phải cầm chổi ra đường. Chị Tâm bật dậy khe khẽ đọc bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu mà chị đã thuộc nằm lòng bấy nay. Chị tin rằng ở một nơi xa xôi nào đó Khang sẽ nghe thấy lời của chị:

... Nhớ em nghe/ Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe...

Đặng Đình Liêm
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt đàn ông

Vũ Trường Anh |

“Những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Việc cần làm là chọn cách thức để vượt qua” - L.O.Baird

Truyện ngắn dự thi: Hồn gốm

Nguyễn Thị Khánh Liên |

Từ tuổi bảy mươi, năm nào bà nội cũng làm một lọ gốm mừng sinh nhật. Bà làm với tâm thế đó là lọ gốm cuối cùng. Những lọ gốm bà làm được trưng bày trên chiếc kệ đầy bụi. Gần chục lọ.

Thượng úy cảnh sát kể khoảnh khắc lao ra dòng lũ cứu người ở Hà Giang

Tô Thế |

Kể về thời khắc lao ra dòng lũ cứu người dân, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Công an huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, bản thân cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cố gắng làm sao tiếp cận, đưa người dân về bờ an toàn.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Những chủ tịch UBND quận, huyện ở Hà Nội thuộc đối tượng kiểm tra trong năm 2024

KHÁNH AN |

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra về phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với ông Nguyễn Hồng Thanh

Ái Vân |

Ông Nguyễn Hồng Thanh được phê chuẩn kết quả bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6: Bóng chuyền Việt Nam không dự giải châu Á

HOÀNG HUÊ |

Bóng chuyền Việt Nam rút lui khỏi giải châu Á, Ngọc Thuân ghi dấu ấn... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6.

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Truyện ngắn dự thi: Nước mắt đàn ông

Vũ Trường Anh |

“Những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Việc cần làm là chọn cách thức để vượt qua” - L.O.Baird

Truyện ngắn dự thi: Hồn gốm

Nguyễn Thị Khánh Liên |

Từ tuổi bảy mươi, năm nào bà nội cũng làm một lọ gốm mừng sinh nhật. Bà làm với tâm thế đó là lọ gốm cuối cùng. Những lọ gốm bà làm được trưng bày trên chiếc kệ đầy bụi. Gần chục lọ.