Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Vợ hắn và mấy đứa con đang coi tivi, nhỏ chị nắm tay em, kéo chạy tọt vô buồng, rồi đóng sầm cửa lại. Hằng - vợ hắn chẳng tỏ thái độ gì, mà nhặt mấy chiếc dép của con ném vào góc nhà, khom người nâng cánh cửa, khép ép sát vào tường, để rộng chỗ cho hắn lao xe vào. Hắn chồm xe qua gờ xi măng, chặn nước mưa, rồi lao xuống dốc hàng ba, vào nhà, chiếc xe máy tưng hổng lên, làm mấy vòng sắt và giỏ đồ nghề văng xuống. Vậy là tự động đồ nghề của hắn khỏi cần cất, cũng vào vị trí, mà thường ngày hắn vẫn để. Hàng xóm nhà nào cũng cửa đóng then cài. Chỉ còn nhà hắn là vẫn còn sáng đèn, cả trong lẫn ngoài.

***
Lục cục trong nhà tắm, tiếng xối nước ào ào, loanh quanh vài câu chửi phông lông rồi hắn chui tọt vô mùng nằm, chưa đầy ba phút đã nghe tiếng ngáy của hắn dậy trời như xe “ben đổ đá”. Sáng ra mới bảy giờ kém, đã thấy hắn quần áo bảo hộ chỉnh tề, mặt mày tươi tắn, ung dung trên chiếc xe 67 cà tàng, đằng sau ngoắc cuộn sắt sáu. Tiếp tục hành trình công việc một ngày mới. Nhìn tướng hắn cũng “bảnh tỏn” ra phết.

Chỉ tại cái bệnh nghề nghiệp, cho nên ngực của hắn đen vàng, đặc biệt là chỗ cổ của hắn, vàng sẫm như hai đầu ngón tay mấy ông ghiền thuốc gò, thuốc vê, phần ống chân nổi màu như vẩy ốc vặn bởi: Thường ngày trầm mình trong lòng ống cống, một công việc nặng nhọc, không kém phần độc hại. Và đặc biệt hơn nữa là, hai chỗ hõm gần mắt cá chân phía ngoài của hắn, chẳng hiểu có phải, kỳ cọ bị khó hay không? Mà bám vào đó một lớp màu vàng nghệ già như thể “Trầm tích trên da”.

Hắn làm ở công ty cấp thoát nước, nhưng chủ yếu là “thoát”. Tuy chuyên làm ngoài đường, giữa ban ngày nắng gắt. Nhưng hắn vẫn phải mang một chiếc đèn pin trên trán, loại đèn chuyên dụng. Bởi trong vòm ống cống tối đen. Trên mu bàn tay trái của hắn, nổi lên những cục u cùng thẹo, ghít. Dấu tích của những lần trượt búa khi chặt, đục, trấn rễ cây. Công việc nạo vét sình đất bắt buộc phải là con người, bởi máy móc hiện đại cũng chỉ hút được những đoạn gần với miệng hố ga.

Đặc biệt bao giờ cũng vậy, trước khi chui xuống cống, là thấy hắn thoa hết lên đầu, mình, chân tay một lớp xà bông bột pha thành nước thật đậm đặc, sau đó lấy cục xà bông thơm tho trét phủ lên... Hỏi ra mới biết, hắn làm vậy, khi xong công việc tắm gội sẽ nhanh sạch. Bởi dưới lòng cống, đủ thứ hỗn hợp, vi chất độc hại. Và nữa là, tối về lên giường vợ còn tạm chấp nhận, bởi phụ nữ thường ưa sạch sẽ thơm tho.

Công việc của hắn tuy cực nhọc, nhưng hắn vẫn cần mẫn kiên trì hoàn thành tốt công việc được phân công, và cũng nhờ cô bác, thường kêu làm thêm, khi nhà mình bị ngập nghẹt, cống rãnh bị tắc, nghẽn. Tiền lương hàng tháng hắn đưa cho vợ chi tiêu gia đình, còn ngoài ăn nhậu, hắn cũng dành dụm được một chút để giành. Phòng khi vợ bệnh, con đau. Dần dần món tiền tích góp ấy cũng kha khá, hắn luôn giữ trong mình.

Nhưng ở giữa trung tâm thành phố, thủ phủ miền Tây này, bạn bè thường xuyên thay phiên hú hí, khi đã gần kết thúc công việc buổi chiều. Thói quen ăn nhậu, có hay không nhưng đã dần thành nét “văn hóa” riêng của người miền Tây. “Lai rai vài lít khi chiều tắt, giãn cốt giãn xương sớm lại mần!!!”. Phần là gặp mặt, và cũng chén chú chén anh. Giải sầu, xả stress sau một ngày mệt nhọc. Tâm sự, sẻ chia những kinh nghiệm trong công việc... Sau vài ly rượu chữa lửa bằng bia, tranh luận có phần thêm sôi nổi và cười nói, đổi trao, cháy hết mình. Các sáng kiến cũng từ bàn nhậu mà khởi sắc:

- Nào là muốn lấy hết sình bùn từ trong đoạn giữa của đường ống cống ra thì ta phải: Dùng chiếc vỏ ôtô, đường kính gần bằng ống cống, cắt dọc chia đôi làm hai. Rồi lấy ống sắt như lõi ống chỉ, khoan lỗ bắt vít vào, với vòng trong của vỏ xe đã cắt. Cố định dây vào. Trọng lượng của vỏ xe, và ống sắt miết xuống lòng cống. Ta kéo từ từ sình, đất, giữa đoạn ống cống ra hai miệng hố ga, để cho máy hút lên xe.

Cả bọn trầm trồ khen ý kiến hay. Anh bạn chủ xị, cũng thêm vào một câu:

- Nhưng các ông ơi! Nếu có xuống cống để làm cũng phải nắm chắc quy luật lên xuống của nước thủy triều, chứ không có ngày chết ngộp trong ống cống đấy mấy ông ạ, kẻo bỏ vợ lại cho người ta xài, con thì người ta sai. Cả bọn cười rần lên, rồi lại zô zô cho xôm tụ.

Hắn vẫn trầm ngâm ngồi yên, mãi sau mới lên tiếng:

- Vậy! Thế tôi hỏi các ông. Nếu trường hợp cái rễ cây trổ từ trên xuống giữa hai khe của ống cống. Mỗi ngày một lớn dần, trong điều kiện phát triển ngày càng to. Mà lại nằm trong thế kẹt, không thể đưa lưỡi cưa vô thì các ông xử lý làm sao?

Cả bọn ngồi im lắc đầu, mãi chẳng có ai ý kiến gì!... Hồi sau hắn mới nói:

- Kia các ông nhìn bộ đồ nghề của tôi xem.

Cả bọn trố mắt nhìn theo về phía chiếc xe 67 cà tàng của hắn. Thì ra ngoài vòng dây sắt sáu ra, còn có mấy cái đục, cái nào cũng được mài sắc bén ngót, dài ngắn đủ kiểu. Đặc biệt chiếc búa, thật khác người ta. Đầu búa thì to, mà cán búa thì ngắn ngủn, đó là đồ chuyên dụng của hắn.

Hai két bia giờ chỉ còn vỏ, thêm mấy chai rượu vứt lăn lóc dưới gầm bàn. Cả bọn khật khưỡng ra về. Khi về nhà, hắn không biết để bóp tiền ở chỗ nào cho an toàn, chắc chắn, bởi cái tính đa nghi “Tào Tháo” thường nổi lên ở trong con người ta khi tâm trạng chông chênh, thiếu phần tự chủ. Trong men say chếnh choáng, hắn nghĩ cho vào đây là chắc ăn nhất, thế là hắn cuộn tròn số tiền tích góp bấy lâu cẩn thận, kiễng chân lên, đút vào đôi giày “vía” của hắn, để trên kệ treo tường, mà chỉ “năm thì mười họa” đám cưới, đám hỏi, giỗ Tết thì hắn mới lấy ra để đi. Cũng bởi xỉn quá, sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm...

Do vậy, hắn đã quên bẵng món tiền mà tối qua hắn đã đút vào tận cùng mỏ của đôi giầy “vía”. Hằng - vợ Hắn sau thời gian nghỉ chờ việc, rồi tiếp tục phải nghỉ luôn. Bởi nguyên liệu đầu vào không còn dồi dào như ngày nào, sự cạnh tranh của thị trường, cá tôm khan hiếm. Nhà máy đông lạnh ngày càng xây dựng nhiều. Việc nuôi trồng thủy hải sản còn nhỏ lẻ, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Nhiều khi được mùa thì lại bị rớt giá, vì tư thương khống chế, ép giá. Cho nên việc nuôi trồng của bà con nông dân, cứ dần bị mai một.

Sắc thái của nàng mỗi ngày một trùng xuống, những tiếng thở dài... lại dài thêm! Những sợi tóc mai không còn bung bông như trước, nước da trắng ngó sen ngày nào, giờ có vẻ bệch nhạt đi đôi chút, đôi mắt huyền bây giờ thường nhìn lâu hơn ở một điểm. Đôi gò má của nàng có phần lại cao hơn, có hay chăng như nàng bị sút ký!

***

Nhà hắn bữa nay lại có “biến cố”. Hai đứa nhỏ, ôm chặt nhau cố thủ trong buồng, bên ngoài chỉ còn hai vợ chồng hắn. Cũng vẫn sặc hơi men cùng bước đi loạng choạng, tính khí hắn lại thay đổi khác thường. Bình thường những lúc không có men rượu hắn rất thương yêu vợ con, và cũng rất biết lắng nghe lời vợ góp ý, và nhẹ nhàng, hiền lành, nhìn thương lắm! Nhưng lúc “ma men” đã nhập, thì thôi rồi! Mắt hắn long lên sòng sọc, cơ bắp chỉ thấy gồng, giọng nói không còn âm “bass” mà chỉ toàn âm “chép” cao vút, cùng những câu chửi thề, văng tục, cứ thế tuôn ra như bắp rang.

Sau một hồi gặng hỏi với lý lẽ của những kẻ xỉn say: “Rõ ràng tao để tiền trong nhà này, mà bây giờ đâu rồi? Mày không lấy thì ai lấy? Chẳng lẽ tiền có cánh mà bay sao? Hay bây giờ không đi làm, rồi ở nhà làm quẩn! Cái thói “gà què ăn quẹn cối xay”?! Lòng tự trọng tới mức này! Vợ hắn không còn kìm lại được nữa, mặt nàng đỏ phừng, người run lên nhìn hắn. Sự kìm nén trong trái tim của nàng như giọt nước tràn ly, đã bao lâu nay nàng chỉ nín nhịn cho qua, mong được êm thấm cửa nhà các con không phải lo sợ cảnh cha mẹ xô xát. Nàng đứng phắt dậy, ngực ưỡn ra, vén tay áo, trừng trừng mắt tiến lại.

Trong lồng ngực thình thịch tiếng dồn nén cả chuỗi câu từ, âm thanh, chuẩn bị xổ ra. Cái đục sắc lẹm và cây đục nhọn hoắt, là đồ nghề đục cắt rễ cây của hắn, lúc xe leo qua gờ chắn nước mưa, bị văng ra nằm ngay dưới chân nàng. Hơi rượu từ hơi thở của hắn phả vào mặt nàng, càng đậm đặc hơn. Bàn tay người phụ nữ thường ngày mềm mại khéo léo, cùng cặp mắt đen huyền diệu vợi. Lúc này như có lửa, phả ra từ đôi mắt ấy, bàn tay mềm mại giờ như thô ráp, gồ gề.

Nàng cúi người xuống, trong đầu như đảo điên, như tới gần đỉnh điểm của sự nóng giận con người thì...! Nhưng... từ trong sâu thẳm, tấm lòng người vợ, cái tình thương yêu chồng con lại trào dâng. Nàng nhắm nghiền mắt lại. Cái phừng phừng lan tỏa chạy rần rần trong cơ thể nàng, hình như giờ đây đã dịu vợi lại, cô đọng nơi đỉnh đầu nàng. Cái nết quen, lại chiếm lĩnh tâm hồn. “Âu” thì chồng mình cũng cực khổ, chui cống đằm sình, chắc là say xỉn lắm mới quá lời như vậy, rồi lại thôi, như những lần trước, tỉnh rồi thì lại hiền khô, không hỏi thì cả ngày cũng chỉ nói được vài câu. Và rồi nghĩ tới đó lòng nàng như mềm lại, cơn nóng giận cũng qua đi.

Hắn lại thét lên: “Đâu rồi? Mày lấy tiền của tao thì đem trả tao ngay!”, nàng vẫn khăng khăng một mực là không lấy số tiền đó, có biết ở đâu mà lấy. “Bốp!” một cái tát như trời giáng, tiếp theo là một cú đạp vào bụng cái hự, nàng hét lên! Rồi quằn quại, cong người ôm bụng. Hai đứa nhỏ lúc này cũng liều mình từ buồng trong lao ra, ôm lấy má mà khóc, con nhỏ lớn ôm thốc má dậy, vuốt mớ tóc lòa xòa trên mặt má, vừa khóc vừa la, bớ người ta cứu má con, bớ người ta cứu má con!... Thằng cu em được thể gào to hơn, bởi tự nãy tới giờ, cứ dồn nén tấm tức.

Một bài giao hưởng khóc của ba lớp tuổi khác nhau, đan hòa vào, lúc đầu tiếng lòng còn dài ngắn, so le. Nhưng hồi sau có làn, có điệu, om xòm cả xóm. Người tới đầu tiên là cô Ngọc nhà ở kế bên, sau là bà Năm Hóng. Người giựt tóc mai, kẻ thoa dầu nóng, hai đứa trẻ càng khóc gào lớn hơn. Vì không hiểu mẹ chúng sẽ ra sao?... Hình như những âm thanh ấy đã lọt vào tận cùng trong tâm can con người của hắn, hắn cúi xuống nhặt cái áo, vắt lên vai loạng choạng bước đi ra ngoài đêm tối...

***

Ông Tùng có một cái xưởng cơ khí, tuy là nhỏ nhưng thu nhập hiệu quả thì rất lớn. Cũng nhờ sự chăm chỉ, hoạt bát, biết dùng người, cộng với tính làm ăn đàng hoàng, đạo đức của ông, cho nên khách hàng thập phương lui tới, mua bán rất đông, lợi nhuận thu vào tăng cao. Ông là người thành đạt, lại có vợ đẹp, con khôn, nhà thì ở trung tâm thành phố, còn ngoại ô, có nhà nghỉ dưỡng, vườn cây ao cá rất rộng rãi, thoáng mát thật là lý tưởng.

***

Cũng may mắn cho Hằng, vợ của hắn, bữa trước tình cờ gặp người bạn gái học cùng trường. Ở kế nhà ông Tùng, hay tin ông cần người giúp việc, đã giới thiệu Hằng làm ôsin cho ông. Công việc cũng không nặng nhọc gì, ngoài đi chợ nấu bữa cơm trưa cho ông, cùng vài anh thợ, quét dọn lau chùi và chăm sóc vun tưới mấy bụi hoa kiểng trước nhà xưởng. Dù vậy, nhưng ông vẫn trả lương rất hậu hĩnh. Nếu bữa nào đột xuất phải làm thêm giờ ngoài quy định, ông Tùng trả gấp đôi, gấp ba lần.

Lâu lâu ông lại cho một vài trăm gọi là mua quà cho sắp nhỏ. Ông Tùng có tiếng là thương người vì cũng từ cực khổ mà đi lên. Từ ngày có công việc ôsin, vợ hắn ổn định được tinh thần, sắc thái thay đổi, đi làm đồ mặc tươm tất hơn, những chiếc áo cũ, thay bằng những bộ đồ mềm mại, láng bóng, mịn màng. Gương mặt thanh tao, giờ điểm tô thêm chút phấn son, nhìn thật là quyến rũ. Tuy vợ hắn đã hai con, nhưng khi sính những bộ đồ này vào, thì những đường cong tuyệt mỹ của các vòng, vẫn nổi lên, đầy đặn, nữ tính.

Chiếc xe tải chuyên dùng dài dằng dặc, chở trên xe là hai chiếc máy kéo, nhìn nước sơn còn gin cỡ sáu bẩy chục phần trăm. Do một công ty làm ăn thua lỗ bị phá sản. Ông Tùng may mắn trúng đấu thầu. Quả này chắc là ông vô cả khúc! Bác tài cùng mấy anh bốc dỡ được ông mời ở lại dùng cơm trưa. Ông kêu vợ hắn mua thêm mồi nhậu đặc sản, và những món mà ông thường ưa thích.

***
Hơn hai giờ chiều, tiệc rượu mới tàn, thực khách đã về hết. Tuy thuộc dạng tửu lượng cao, nhưng hôm nay gặp toàn bạn hàng thuộc “gơ” chiến hữu, nên ông Tùng uống hơi nhiều. Đang suy nghĩ về chuyến hàng ngày mai, cho lính đi nhận, theo vận đơn thì vô tình chiếc áo cổ rộng mà vợ hắn đang cúi người lau chùi, dọn dẹp đã thu hút ánh mắt của ông khi bắt gặp cặp bồng đảo, căng tròn, nõn nà của Hằng, lấp ló.

Cũng cùng lúc đó vợ hắn ngẩng đầu lên, hai ánh mắt gặp nhau bối rối, Hằng vội lấy tay ấp lên ngực, vẻ thẹn thùng, xoay gót nghiêng về một bên, tránh ánh mắt vô tình khó cưỡng. Chắc bữa nay uống hơi nhiều mà toàn loại rượu đặc biệt, nên ông Tùng cũng không kìm hãm được sự cồn cào, rạo rực trong mình. Ông tiến lại gần, tay phải nắm tay che ngực, tay trái vòng eo lưng ôm ghì cô vào lòng, miệng thì thầm trong men rượu thơm nồng: “Em đẹp quá, ôi em đẹp quá!”...

Nàng vùng vằng, giãy giụa. Hai cánh tay ông Tùng như cứng rắn hơn. Nhưng những đầu ngón tay thì lại mềm mại uyển chuyển trượt trên lớp áo mỏng, như luồng điện của hai thái cực. Bỗng trong một khoảng thời gian, đôi bàn tay mềm mại của nàng. Cũng đan vào nhau quàng qua cổ ông Tùng. Hai trái tim đã loạn nhịp, mềm nhũn, nhịp thở ngắt quãng, tiếng ứ hự, tự động phát ra trong thanh quản hai người, nhìn làn môi mềm bóng ướt và cặp mắt lim dim khép hờ, với sắc mặt ngày càng hồng đỏ.

Ông Tùng thấy tự nhiên trong người mình như có một luồng điện chạy râm ran cục bộ. Ổng cúi người, bế “thốc” Hằng vô phòng. Rồi những ngón tay ổng lần theo từng chiếc cúc đã dời khuy áo, hương thơm mùi phụ nữ lạ choáng ngợp hết cả tâm hồn của ông. Ông là người đoàng hoàng đứng đắn từ trước tới giờ. Nhưng câu nói vui của bạn bè hay đùa giỡn với ông: “Đồ lạ, cá tươi” như thúc giục ông. Càng làm cho ông như vụng về bối rối. Và khi bàn tay của ông đưa gần về phía dưới thì...

Như đã ngộ ra điều gì kinh khủng và mất mát, nguy hiểm lắm! Hằng bật người vùng dậy, miệng lắp bắp: “Không! Không! Tôi xin ông!” rồi hất tay ông Tùng ra, lao người chạy ra khỏi phòng.

***
Không biết có phải là hắn bỏ nhậu rồi hay sao mà dạo này chiều nào xong công việc, cũng thấy hắn về sớm. Đón rước hai đứa nhỏ, tắm rửa, rồi nấu cơm nước, cho con cái ăn, đợi vợ về. Chiều nay cũng vậy, hắn về sớm hơn thường ngày, tắm rửa sạch sẽ, bảnh bao. Tay cầm chiếc thiệp hồng mà bạn hắn đã đưa từ tuần trước, đám cưới được tổ chức ở một nhà hàng sang trọng.

Hắn kiễng chân với đôi giầy “vía” của hắn mà lâu lâu mới có dịp để đi, hắn lấy khăn lau chùi bên ngoài bóng loáng rồi hắn đưa tay vào bên trong để lau, bởi để lâu bụi bám, bỗng bàn tay hắn chạm phải vật gì cồm cộm. Hắn thò tay kéo ra, mới vỡ òa thấy số tiền hắn giành dụm được, mà bữa hôm nhậu xỉn hắn cẩn thận cất vô, rồi quên luôn.

Hắn kêu lên tiếng: “Ối!” với vẻ mặt rạng rỡ. Nhưng sau đó hắn như mềm người thuỗn ra. Nhớ lại những gì mà hắn đã xử sự với vợ mình. Từ trong sâu thẳm, sự ăn năn hối lỗi, hắn đã nghĩ oan cho vợ mình. Và thực tình hắn ân hận lắm, chắc hắn đã ngộ ra những lỗi lầm sai trái với vợ con.

Bữa đó tuy gặp lại bao bạn bè thân quen, rượu bia đủ loại, nhưng hắn chỉ uống có vài ly rồi xin phép về. Khi về nhà gặp vợ, vẻ hiền hậu của hắn lộ rõ ra mặt, khác với mọi ngày. Rồi bỗng hắn ôm choàng lấy Hằng mà thốt lên: “Anh xin lỗi em, trong thời gian qua đã hiểu lầm em, làm cho em phải buồn tủi thật nhiều”. Rồi hắn kể lại sự việc mà trong cơn say hắn đã giấu số tiền đó trong chiếc giày, cũng nhờ bữa nay có đám tiệc mới phát hiện ra.

Hằng bỡ ngỡ khi nghe được tiếng xin lỗi của chồng, và những câu từ, hành động thật là “hiếm” từ trước tới giờ mà Hằng mới được nghe. Cảm xúc vui buồn lẫn lộn nhưng vui nhiều hơn bởi bản lĩnh của một người vợ với tình thương yêu chồng con đã gạt bỏ sự bông lơn, bay bướm, về tình ái của xã hội.

Như buổi chiều hôm nay, nàng cố quên, và xóa bỏ những hình ảnh lúc buổi chiều. Chiếc xe 67 hôm nay, lần đầu tiên chở 4 người, đưa vợ con đi dạo một vòng quanh thành phố, rồi mới rẽ xuống bến Ninh Kiều mua cho sắp nhỏ quà bánh, đồ chơi, ngồi phía sau Hằng ôm chặt chồng hơn, trong lòng trào dâng một niềm vui mới. Dưới sông những chiếc tàu, xuồng vẫn hối hả rẽ sóng ngược xuôi. Những con tàu du lịch đèn sáng lung linh với giọng hò tiếng hát của khách du lịch gần xa...

Trên bờ những cặp gái trai, tay trong tay tản bộ trên bến Ninh Kiều, hàng dương vi vu bản nhạc, những cơn gió mát từ hướng cầu Cần Thơ đưa về, hòa quyện hương thơm của hàng nguyệt quế, đang bung nở trắng đều, cảnh vật thật vui nhộn lãng mạn. Hai vợ chồng dắt tay hai đứa con tản bộ trên cầu Tình Yêu, ngập tràn gió mát dòng sông Hậu mà từ ngàn xưa vẫn mãi hiền hòa.

Nguyễn Duy Chuông
TIN LIÊN QUAN

Cách tính lương hưu với lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 38 năm

Phương Minh |

Bạn đọc hỏi: Tôi là nam, đóng bảo hiểm xã hội 38 năm, theo quy định, tôi nghỉ hưu vào tháng 4.2024. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tôi là 13,2 triệu đồng. Vậy lương hưu của tôi được tính thế nào?

100% cán bộ, viên chức, người lao động Quỹ trợ vốn đăng ký thi đua

Kiều Vũ |

Hà Nội – Ngày 21.1, Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho biết 100% cán bộ, viên chức, người lao động hưởng ứng tham gia đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm 2024.

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Cả Công ty BHS lẫn công ty mẹ BKAV đều trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội

Ngọc Thiện |

Ngoài nợ lương người lao động, Công ty Cổ phần điện tử BHS còn nằm trong danh sách chậm đóng bảo hiểm cho lao động.

Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Đức mở rộng chỉ sau 29 phút

HOÀNG HUÊ |

Tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh giành quyền vào tứ kết nội dung đơn nữ giải cầu lông Đức mở rộng sau chiến thắng trước tay vợt người Mỹ Lauren Lam.

Bắt 2 đối tượng móc túi tại điểm chờ xe buýt ở Hà Nội

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Hai đối tượng có hành vi móc túi của người dân tại điểm chờ xe buýt vừa bị lực lượng chức năng tóm gọn.

Cách tính lương hưu với lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 38 năm

Phương Minh |

Bạn đọc hỏi: Tôi là nam, đóng bảo hiểm xã hội 38 năm, theo quy định, tôi nghỉ hưu vào tháng 4.2024. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tôi là 13,2 triệu đồng. Vậy lương hưu của tôi được tính thế nào?

100% cán bộ, viên chức, người lao động Quỹ trợ vốn đăng ký thi đua

Kiều Vũ |

Hà Nội – Ngày 21.1, Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho biết 100% cán bộ, viên chức, người lao động hưởng ứng tham gia đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm 2024.

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly |

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.