Truyện ngắn dự thi: Kim chỉ và hoa (phần 2)

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN |

(...tiếp theo và hết)

Nói về chuyện mở xưởng, Hoài lúc nào cũng ngưỡng mộ Thắm. Lúc đầu ai cũng nghĩ với chục năm kinh nghiệm, nếu đi công ty thì vị trí tổ trưởng, thậm chí chuyền trưởng Thắm sẽ nắm trong tay.

Ấy mà đùng một cái Thắm lại tuyên bố “khởi nghiệp”. Thắm bảo mình làm công nhân nhiều năm rồi, giờ muốn làm bà chủ. Người nhà cản, hàng xóm gàn nhưng Thắm vẫn quyết tâm. Miệng thì nói như “tham tiền” lắm nhưng điều Thắm mong mỏi nhất là vừa làm kinh tế cho gia đình, vừa tạo thêm việc làm cho địa phương.

Thắm từng bảo Hoài: “Ở nhà có thêm việc thì càng nhiều người được ở lại, không phải bỏ quê đi tìm việc như trước. Như vợ chồng cô chú, nếu vào trong đó không hợp thì về quê làm với chị, không đến nỗi lo thất nghiệp”. Ngoài hai chục công nhân chính thức, Thắm còn tạo việc làm đều đặn cho cả trăm công nhân “thời vụ”. Họ là những công nhân “đi công ty” cả ngày nhưng vẫn cố nhận hàng về nhà làm thêm để có đồng ra đồng vào.

Ban đầu chỉ vài người làm, sau người nọ rỉ tai người kia hình thành một chuỗi sản xuất phi chính thức về đêm. Tay Khanh chuyên buôn máy may hàng Nhật bãi ước tính tổng số máy may trong dân có khi cũng ngang ngửa số máy của công ty chứ chẳng đùa. Hoài cũng nhận hàng từ xưởng Thắm về làm chứ chỉ trông chờ đồng lương năm triệu "đi công ty" thì chẳng ăn thua. Nuôi trẻ con giờ tốn lắm, nhà nào mà có hai đứa đang tuổi ăn học thì phải giật gấu vá vai, nên “cày được bao nhiêu cứ cày”.

Lắm tối “cày” mệt quá Hoài ngủ gật bên máy may. Nhiều lúc ngẫm đời công nhân như mình thật khổ, sáng lao vào xưởng từ sớm, tối mịt mới chui ra, về nhà lại quay cuồng con cái rồi ngồi dận máy chả có ngày nghỉ. Nhưng hôm nào công ty cắt phép “ép” nghỉ tập thể thì Hoài lại thấy buồn chân buồn tay. “Khổ quen rồi, sướng không chịu được”, Tịnh vẫn trêu thế mỗi lần gọi điện về nhà lại thấy vợ ngồi se chỉ luồn kim. “Nghỉ một tối thì chết à?”. Hoài bảo chồng: “Chết thì không chết được, chỉ có tiền ít đi thôi. Mà không ngồi may thì chẳng biết làm gì, chả nhẽ lướt điện thoại. Lướt mãi thì đau mắt, mà tối ngủ không ngon. Cứ ngồi dận tới mười giờ là ngủ thẳng cẳng tới sáng, chẳng mơ mộng gì”.

Ngày còn đi học, Hoài từng mơ trở thành cô giáo cấp một, mặc áo dài, cầm tay học sinh uốn từng nét chữ nhưng bây giờ giấc mơ ấy cũng lặn luôn vào mũi chỉ. Thi thoảng mấy đứa em gái nhắc lại trêu, Hoài chỉ cười xòa: “Bây giờ tao chỉ ước tháng nào cũng được nhận đủ hai trăm nghìn tiền sản lượng chứ không dám mơ thêm”. Hoài biết có nhiều ước mơ đã biến mất trong nhà máy. Nhưng nhà máy cũng chắp cánh cho không ít giấc mơ. Lần này, giấc mơ về bữa ăn ca ngon miệng của cả nghìn công nhân liệu có cơ hội thành hiện thực?

Nhác thấy ông Thản ngoài đầu ngõ, bà Xuyến tất tả từ buồng trong chạy ra.
- Họp hành thế nào ông? Họ chốt sao?

Ông Thản lờ đi câu hỏi của vợ, lững thững treo mũ lên tay nắm cửa rồi ngồi xuống ghế li-văng. Khoác lên tay vịn ghế, rờ qua rờ lại để cảm nhận độ trơn nhẵn cùng cái mát rượi của gỗ gụ ta, ông nheo mắt nghĩ lại buổi họp vài tiếng trước. Trước giờ ông vẫn tự nhận mình là một tay cao cờ, bày binh bố trận đầy đủ, lúc nào cũng nắm chặt cục diện trong tay.

Buổi họp với phía công ty hôm nay cũng vậy, ông đã lo lót đủ đường. Trước là nhờ ông Chi đánh tiếng với mấy ông Hàn bên máy. Sau đẩy lịch giỗ cụ thân sinh lên trước cả tháng để tranh thủ mời đủ cánh cao tầng người Việt tới nhà cùng lai rai. Xong bốn tuần rượu, bát tiết canh dê xem chừng thấm bụng, ban bệ bỗng quay ra hỏi ông cầm tinh con gì.

Tôi tuổi Dần, cầm tinh con hổ. Thế là ai đó khẽ bâng quơ: “Không biết tiết canh hổ ăn như thế nào”. Ông Thản giật thót nhưng chỉ mấy giây là trấn lại ngay. Ý ngoại ngôn toại, thoáng cái là ông rành rọt. Kính tay quản đốc ly rượu mắt trâu, ông cười hỉ hả: “Việc này mà xong thì hổ ắt cắt tiết mời các anh, lúc đấy chẳng phải là rõ hay sao”. Cả đám cười ầm ầm, lại hè nhau nâng cốc, chén tạc chén thù vang cả góc nhà ăn.

Xong buổi nhậu ông Thản đinh ninh rằng, việc đâu sẽ vào đấy. Cánh quản lý đã có bếp ăn riêng (và ông hứa hẹn sẽ bổ sung thêm suất đặc biệt mỗi cuối tuần) còn công nhân ăn hay không ăn, ngon hay không ngon họ chẳng quan tâm. Đợi dư âm của vụ biểu tình lắng xuống, chỉ cần cái công văn “mang cơm ăn tại chỗ, tại xưởng sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan và vệ sinh môi trường làm việc” thì công nhân buộc phải ra quán. Mà ăn quán mỗi ngày mất thêm ba mươi nghìn, công ty không hỗ trợ thì một tháng đi đứt gần triệu tiền công, ai chả xót.

Chưa kể thời gian nghỉ trưa có hạn, người của ông lại thủ chặt ở hai cổng, muốn gây khó khăn dễ như trở bàn tay. Lúc đấy, dù muốn hay không công nhân cũng chỉ còn cách quay lại ăn ca. Tới đây thì ông đã tính đủ. Ông sẽ “cắt tiết” thêm cho cánh quản lý để được chọn thầu. Còn mấy ông Hàn đã có bố nuôi thằng Hưng lo liệu. Họp hành này cũng chỉ là hình thức mà thôi! Ấy vậy mà nửa đường lại nhảy ra một Trình Giảo Kim khiến mọi tính toán của ông đảo lộn. Ông Thản bóp trán rồi bắt đầu nhịp tay. Đấy là cách “vào thế” của ông mỗi khi suy tính.

- Tôi lo lắm ông ạ! Giờ mà cố làm tiếp có khi nào công nhân phá xe lần nữa không? Sợ nhất là thằng Hưng, nhỡ họ đánh nó què chân què tay thì khổ cả đời ông ạ! Bà Xuyến len lén nhìn chồng - Hay là... thôi, không làm nữa?

- Thôi là thôi thế nào - ông Thản sẵng giọng - thế khác nào bà bảo tôi chịu thua đám công nhân nhà máy. Cấm bà bàn lùi! Để đấy tôi tính.

- Ông lúc nào cũng tính với toán. Nếu thằng Hưng có mệnh hệ gì thì ông có tính được không?

- Chưa gì bà đã nhặng xị lên? Đội đó khác nào quân ô hợp, chỉ gan lên được một lần thôi, lần sau đố dám! Tôi nghe ngóng cả rồi, có mấy chuyền rắn mặt là đình công, còn đâu vẫn bình thường. Để xem chúng nó gan được mấy hôm. Nghỉ dài có mà đói rã họng, chả mấy lại lục tục kéo nhau về làm.

- Ai biết có thi gan với họ được không?

- Mọi sự bà cứ nghe tôi, không phải nghĩ trước sau gì cho thêm rối. Giờ bà gọi thằng Hưng về, bảo nó đưa tôi ra đây có việc gấp.

“Mẹ ơi có ông nào tới nhà tìm, mẹ về luôn nhé”. Con gái gọi điện lúc Kim đang lúi húi ở chợ. “Con có nhận ra ông nào không?” - Kim hỏi, “Không ạ! Trông ông này lạ lắm! Mẹ về ngay đi”.

Kim năm nay gần bốn mươi tuổi, dáng người mảnh khảnh, nhanh nhẹn và quyết đoán. Những năm trước Kim cùng chồng làm việc tận Bình Dương, con gái gửi ông bà nội chăm sóc nên khi nghe tin huyện nhà thành lập nhà máy may, cả hai vợ chồng đều háo hức “hồi hương”. Hiện tại Kim giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn còn chồng làm bên sản xuất. Vì công ty mới thành lập, Công đoàn cơ sở còn non trẻ nên Kim có rất nhiều việc cần làm.

Gần đây, Kim càng bận rộn hơn, vừa động viên, vận động công nhân quay lại làm việc, vừa thương thảo, đấu tranh với Ban giám đốc để cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn ca. Buổi họp trước Kim với ông Thản (có thể là gần hết những người còn lại) đã bước vào thế đối đầu. Với kinh nghiệm bắt “sóng” công nhân trong hơn mười lăm năm tham gia công tác đoàn thể, chị thừa hiểu họ đã dắt nhau ngồi chung một con thuyền.

- Tôi đảm bảo với chị không ai có thể cung cấp giá tốt như chỗ tôi được. Nếu chọn bên khác công ty phải mất thêm cả khoản tiền lớn, thời buổi khó khăn, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó chị ạ! Ông Thản ra sức thuyết phục nhưng Kim vẫn giữ thái độ cương quyết.

- Cháu hiểu ý bác. Nhưng bác cũng biết Công đoàn là đại diện cho tiếng nói của toàn thể anh chị em trong công ty. Chúng cháu phải đặt quyền lợi của công nhân lên hàng đầu. Buổi họp trước cháu đã trình bày rồi, bữa ăn ca bên bác đang cung cấp hiện không đáp ứng đủ tiêu chuẩn Công đoàn mới đề ra là “No, ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng”. Thiếu một trong bốn tiêu chuẩn này đều không được bác ạ!

- Tôi hiểu cái khó của chị nhưng mong chị cũng hiểu chỗ khó của tôi. Đơn giá công ty đang làm với phía tôi là hai mươi ba nghìn một suất, mà đấy chị xem, giá cả thì leo thang vù vù, tôi cũng chật vật lắm! Chưa kể các khoản chi phí “thường xuyên”, không chi không được.

- Cháu có quan sát các suất ăn bên bác cung cấp rồi. Phòng ăn của quản lý thì rất đầy đặn, ngon miệng nhưng bên phòng ăn công nhân thì chưa được đảm bảo. Tình trạng này kéo dài nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc gần đây.

- Trong tuần thì cũng phải có bữa nọ bữa kia, quan trọng là từ ngày bên tôi cung cấp đâu có ai bị đau bụng, tiêu chảy vì ăn cơm trưa đâu? Tôi nghe báo đài đưa tin nhiều nhà máy khác công nhân ăn trưa xong phải nhập viện cả loạt. Từ cái này chị Kim có thể thấy thực phẩm bên tôi cung cấp cho công ty là đảm bảo an toàn. An toàn lúc nào cũng phải đặt lên đầu, còn mấy cái sau có thì tốt, mà không có thì cũng nên du di theo hoàn cảnh.

- Đúng là chưa ghi nhận trường hợp nào phải nhập viện nhưng tình trạng công nhân bỏ cơm hoặc ăn ít, ăn không ngon miệng lại rất phổ biến. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe anh chị em, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động nên không thể coi là “có cũng được, không có thì du di”.

Biết không lay chuyển được Kim, ông Thản đành xuống giọng:

- Chị Kim đã nói vậy thì tôi cũng không dám giấu, hôm nay tôi qua nhà là có chuyện nhờ tới chị, mong chị tác động phía Công đoàn để tôi tiếp tục thầu nhà ăn - ông Thản nghiêng người về phía Kim nói nhỏ - chỗ tôi chắc chắn cũng không để chị bị thiệt. Nói rồi ông đẩy túi hoa quả để phía Kim. Làm như vô ý, ông để lộ chiếc phong bì dưới mấy túm vải.

Kim sầm mặt nghiêm giọng hơn hẳn ban đầu:

- Mong bác mang túi quà về cho, cháu không nhận được. Còn việc liên quan tới nhà ăn của công ty, cháu nghĩ ta cứ trao đổi trực tiếp tại buổi họp là tốt nhất.

Đã hai tuần kể từ hôm ông Thản tới nhà Kim, phía Công đoàn cũng đàm phán với Ban giám đốc nhà máy tới lần thứ ba mà sự thể xung quanh bữa ăn ca vẫn chưa ngã ngũ. Ông Thản đã “cắt tiết” đặt cọc cho các ban bệ trước hẹn chỉ cốt sao giữ được cái đơn thầu. Thế mà vẫn chẳng chắc ăn!

Ông đi ra đi vào, lúc “vận động hành lang” người này, lúc lại rủ rỉ bàn tính với người kia. Không khí trong nhà bị ông vê cả lại như vê viên thuốc lào, chỉ chờ tới chiều thứ hai - buổi họp cuối là ông sẽ quyết có châm lửa hay không?

Đợi mãi rồi thứ hai cũng tới. Mới sáng sớm mà trời đã tối sầm, mưa vỡ trời vỡ đất. Trong tiếng gió rít và mưa xối xả dội xuống mái tôn, cả nghìn công nhân làm việc trong thấp thỏm. Mấy “loa chửi” ở xưởng cũng không còn “hú”, “gắt” khi phát hiện có chuyền bị ùn hàng. Mấy vị tổ trưởng thi thoảng tụm lại thì thầm to nhỏ rồi chợt tản ra khi thấy các “ban bệ” lại gần. Đến giờ ăn trưa tự túc cũng kết thúc trong vội vã. Tất cả cùng nín thở chờ đợi.

Đúng một giờ ba mươi, ai đó bỗng kêu lên: “Tới rồi. Tới rồi kìa!”. Như một hiệu lệnh, hàng nghìn con mắt đang cặm cụi bên các bàn may đồng loạt ngẩng lên trông về dãy cửa sổ kính hướng về khu văn phòng. Ai ngồi gần thì đứng cả lên, tranh nhau đứng sát cửa. Dẫn đầu nhóm người là ông giám đốc sản xuất, vừa đi vừa nói cười rôm rả với người đàn ông đội mũ phớt, áo xám xanh. Đích thị là ông Thản chứ không ai khác. Kim đi cuối hàng, tay cầm theo một túi tài liệu nhựa trong, chậm rãi sóng vai cùng chị thư ký Công đoàn. Góc nhìn từ phía xưởng may rất hạn chế, chả mấy chốc bóng áo xanh của Kim cũng khuất sau bức tường dẫn lên cầu thang tầng hai.

Công nhân đành ngậm ngùi về lại vị trí. Thời gian chậm rãi trôi. Hai giờ. Ba giờ. Ba giờ ba mươi. Vẫn không có ai từ văn phòng đi qua. Cuộc họp đang giằng co quyết liệt. Dù điều này hoàn toàn bất khả thi, Hoài vẫn cảm tưởng như cả xưởng may đều cố gắng làm việc khẽ khàng hơn, như không để sót bất kỳ động tĩnh nào từ phòng họp lớn. Chốc chốc lại có người bồn chồn ngước lên nhìn cửa sổ. Tới hơn bốn giờ, những công nhân đầu chuyền một bỗng hô lên: “Ra rồi. Ra rồi kìa!”. Hoài ngẩng phắt lên. Nhưng các ô cửa kính đã lố nhố những người. Mọi con mắt đổ dồn về phía Kim.

Dưới hành lang dài và hẹp, một tia nắng trong sau mưa vắt lên vai Kim, chị nhìn về phía cửa kính, mỉm cười và khẽ phất tay ra hiệu. Công nhân nhận ra đó là dáng điệu phất cờ chiến thắng. “Thắng rồi! Công đoàn thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!”. Công nhân nhảy lên ôm nhau vì vui sướng. Có người rớm rớm nước mắt. Có người nghêu ngao hát: “Như có Bác Hồ...”. Cả xưởng may như nổ tung trong tiếng nói cười rộn rã. Niềm vui ấy kéo dài tới tối, lây sang giọng cả người ngoài cuộc như Thắm.

- Sướng nhé! Giờ có Công đoàn rồi, anh chị em thế nào cũng được nhờ!

- Chúng em cũng không ngờ chị Kim lại tâm huyết thế - Hoài hào hứng kể lại - Mấy anh chị đi họp cùng kể lúc chị Kim đưa bản danh sách ra, bên kia nín lặng không nói được câu nào. Bản danh sách này đã hạ nốc - ao ông Thản cùng vây cánh. Đó là thành quả của Kim suốt cả tuần nay. Kim đã lặn lội khắp các chợ đầu mối, chợ làng, tới tận vườn, tận chuồng các hộ kinh doanh thực phẩm để lên đơn giá từng chai dầu ăn, lít nước mắm, gói mì chính, cân rau cải, con cá khô, cân thịt lợn...

Chị muốn chứng minh rằng theo thực tế địa phương, với hai mươi ba ngàn, công nhân hoàn toàn có thể và có quyền ăn ca đầy đủ, chất lượng hơn suất ăn hiện tại. Giấy trắng mực đen rõ ràng, không ai chối được. Thậm chí Kim còn đưa thêm danh sách có chữ ký cam kết của các chủ hộ sẵn sàng cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng cho nhà máy với giá ưu đãi.

- Ông Thản cứ thế chịu thua à? - Thắm hỏi - Ông cố vớt vát là nói thì dễ làm mới khó. Nhưng chị Kim đứng lên tuyên bố luôn: “Nếu bác không làm được thì để Công đoàn chúng cháu làm!”.

Ban giám đốc nhà máy biết không thể xoay chuyển được tình hình nên đã ký biên bản đồng ý đổi nhà thầu nhà ăn với căn-tin rồi. Từ bây giờ Công đoàn sẽ lập ban giám sát chất lượng, hằng tuần cho công nhân bỏ phiếu đánh giá, nếu làm không đạt tiêu chuẩn sẽ cắt hợp đồng luôn. Em nghe nói sắp tới Công đoàn còn tổ chức tập thể dục giữa giờ cho công nhân, tránh ngồi nhiều quá, không vận động ảnh hưởng xương khớp.
- Đấy! Bầu được người có tâm cái là khác hẳn!

Trong mắt cả nghìn công nhân của nhà máy hôm nay, Kim thực sự đã trở thành người hùng. Lúc tan ca tất cả công nhân đều nán lại cổng để chờ Kim, họ công kênh Kim lên cao trong niềm hạnh phúc và biết ơn. Nếu Kim không một mực từ chối, lấy lý do phải ở lại tăng ca, có lẽ mọi người đã thực hiện hẳn một lễ rước Kim vòng quanh nhà máy về tận nhà. Sau cuối có ai chen qua đám đông tặng Kim một bó hoa. Bó hoa tự chế nhỏ nhắn gồm hoa bèo tây, hoa xuyến chi, bông lau được cột lại bằng một sợi ruy băng màu xanh quen thuộc.

Xanh công nhân rành rành ra ấy, nhưng khi nhận hoa, Kim cứ một mực nói với mọi người đây là màu “xanh hy vọng”. Nghe vậy ai cũng cười. Hoài cũng cười. Nhưng biết đâu Kim lại đúng thì sao?

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Kim chỉ và hoa (phần 1)

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN |

- Cô chú muốn tính thế nào thì tính - Luân cất giọng khàn đục như vừa kéo liên tục vài điếu thuốc lào - đi hay ở cũng đều làm công nhân cả. Ở quê làm ít tiêu ít, gần anh gần em, có gì hô một tiếng là khối người xúm vào. Cô chú dắt nhau vào trong đó thì lương cao hơn thật nhưng phải thuê nhà thì để lại được mấy đồng. Rồi còn con cái học hành, cả hai bố mẹ lao vào xưởng hết lấy ai nom dòm, Bống nhỉ?

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Chưa áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia

Anh Kiệt |

Chính phủ thống nhất chưa bổ sung vào Chính sách 5 của đề nghị xây dựng luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia.

Mức phạt với 4 rạp chiếu phim 18+ của Trấn Thành cho khán giả nhỏ tuổi vào xem

ĐÔNG DU |

Theo ông Phạm Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, 4 rạp để khán giả nhỏ tuổi xem "Mai" - phim 18+ của Trấn Thành có thể bị phạt 60-80 triệu đồng (mức phạt trung bình là 70 triệu đồng).

Nợ chồng nợ, Công ty Đông Dương thất hẹn mua lại lô trái phiếu 300 tỉ đồng

Anh Kiệt |

Công ty Đông Dương đã thất hẹn mua lại 30% vốn gốc của lô trái phiếu DDG12101 trị giá 300 tỉ đồng vào ngày 28.2.2024.

Du lịch quốc tế sôi động từ đầu năm, Việt Nam có trong top tăng trưởng mạnh

Minh Anh |

Lượng đặt dịch vụ du lịch nước ngoài từ một số quốc gia châu Á đã tăng mạnh đến 279% so với cùng kỳ năm ngoái trong Tết Nguyên đán. Việt Nam góp mặt trong top điểm đến tăng trưởng mạnh.

Truyện ngắn dự thi: Kim chỉ và hoa (phần 1)

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN |

- Cô chú muốn tính thế nào thì tính - Luân cất giọng khàn đục như vừa kéo liên tục vài điếu thuốc lào - đi hay ở cũng đều làm công nhân cả. Ở quê làm ít tiêu ít, gần anh gần em, có gì hô một tiếng là khối người xúm vào. Cô chú dắt nhau vào trong đó thì lương cao hơn thật nhưng phải thuê nhà thì để lại được mấy đồng. Rồi còn con cái học hành, cả hai bố mẹ lao vào xưởng hết lấy ai nom dòm, Bống nhỉ?

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.