Truyện ngắn dự thi: Kim chỉ và hoa (phần 1)

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN |

- Cô chú muốn tính thế nào thì tính - Luân cất giọng khàn đục như vừa kéo liên tục vài điếu thuốc lào - đi hay ở cũng đều làm công nhân cả. Ở quê làm ít tiêu ít, gần anh gần em, có gì hô một tiếng là khối người xúm vào. Cô chú dắt nhau vào trong đó thì lương cao hơn thật nhưng phải thuê nhà thì để lại được mấy đồng. Rồi còn con cái học hành, cả hai bố mẹ lao vào xưởng hết lấy ai nom dòm, Bống nhỉ?

Con Bống bất ngờ bị gọi tên chẳng biết sự thể thế nào cũng chạy lại gật đầu rồi ngả vào lưng bác. Nó vừa chui ra từ núi hàng của mẹ, trên đầu còn dính nguyên bụi vải. Không tránh được vì khắp căn nhà ba gian này, chẳng có ngóc ngách nào mà bụi vải không tìm cách làm tổ. Ban đầu Hoài còn ra sức dọn nhưng giờ thì mặc kệ. Chỉ tới hôm con Bống đi học bị bạn trêu là đầu đầy mạng nhện Hoài mới mua cái lược bí, mỗi sáng lại cẩn thận chải tóc cho con.

Bốn năm Hoài về làm dâu, căn nhà cũ lụp xụp đi nhiều. Cái giường ở gian ngoài ngày trước bố mẹ chồng Hoài vẫn nằm giờ bày la liệt các túi hàng, có hôm cao tới ngọn che mất cửa sổ nhìn sang vườn nhà ông anh chồng. Con Bống thích lăn lộn lên đấy như con mèo lười, duỗi người nằm sấp tập viết xiên xẹo mà Hoài nói thế nào nó cũng chẳng vào buồng. Từ ngày ông bà mất, bố đi làm xa, nhà chỉ còn hai mẹ con, con Bống lúc nào cũng muốn dính lấy Hoài.

- Vợ chồng em mới bàn với nhau thế, chứ cũng chưa quyết định bác ạ!
Tịnh - chồng Hoài đang làm công nhân nhà máy Chế biến thủy sản ở Sóc Trăng. Môi trường lạnh, ẩm ướt lại phải đứng suốt nên bệnh thấp khớp đớp vào người lúc nào không biết. Thương chồng, lần nào gọi điện Hoài cũng dặn “đi làm về anh nhớ ngâm chân nước muối ấm cho đỡ nhức” nhưng gần đây bệnh của Tịnh mỗi lúc một nặng thêm. Hoài muốn vào đó tìm việc để tiện chăm sóc chồng nhưng việc trường lớp của con Bống chẳng dễ dàng gì. Trường tư thì vợ chồng Hoài không kham nổi, còn trường công cũng nan giải chẳng kém. Ngày trước nghe báo đài nói về thiếu thốn trường học cho con em công nhân, Hoài chỉ nghe rồi để đấy, bây giờ chuyện vận vào mình mới vỡ ra biết bao nỗi niềm.

Mải suy nghĩ mông lung, tiếng chó sủa ran ngoài sân khiến Hoài giật mình. Liền đó, Thắm rồ máy phi con cúp vào sân, phanh đúng gốc cây mít, dựng chân chống đánh phịch rồi phăm phăm hất bao hàng lên vai như người vác lúa quẳng lên máy tuốt. Người Thắm mình trắm đẫy đà, đúng kiểu khiêm tốn chiều cao tự hào chiều rộng, lại thêm sức khỏe trời cho, cái tính tham việc, thích ôm đồm nên lúc nào cũng tất tưởi. Ném bịch hàng xuống trước cửa, Thắm chào Luân rồi quệt mồ hôi nói sang sảng:

- Đến khốn nạn với cái mã này. Bắt tội hơn cả giời đánh!
- Lại sửa tiếp à chị?
- Sửa lại hết! Mà khổ, đúng dịp nghỉ lễ, hàng lưu kho chứ nhà máy đã kiểm nhận đâu. Éo hiểu lão Lê che đậy kiểu gì mà ẩm mốc hết, lại rước thêm cái tội đi giặt là. Lần này thì lỗ vỡ mồm!
- Mã mới gấu hay quần đấy?
- Gấu! Chừa cái tội lần trước, lần này chị chỉ giao cho mày với mấy đứa cứng tay thôi. Gấu bông có bằng bàn tay, sửa nhiều nát hết hàng.

Uống hết cốc nước Luân đẩy qua, Thắm lại bắn như pháo liên thanh:

- Cả tuần nay chị cứ quay cuồng, đến đi đái cũng phải nín. May có con Linh, lúc tao không ở xưởng còn để ý trông nom, công đoạn nào sai là sửa ngay không lại đi đời nhà ma cả đám. Chỗ chị lấy hàng có ông sếp mới, soi hàng còn kinh hơn soi gái, động tí là bắt sửa. May thưa mũi chỉ một tí thôi mà cũng bắt dỡ ra. Đến nhục! Cái lỗi ấy ngày xưa có đứa nào buồn bắt. Sửa cả nghìn hàng có khác nào dí súng vào đầu không? Xưởng trong thì đang thiếu người, tao phải nhờ ông bà đóng hàng giúp. Hôm qua gần mười một giờ đêm hai vợ chồng còn lọ mọ đi đưa hàng, về nhà lăn ra ngủ chả thiết tha gì cơm nước.

Tính ra Thắm thuộc hàng công nhân lão làng trong xã. Dạo đấy quê còn nghèo, cả làng chỉ có mấy nghề gia truyền, không “đan dậm”, “quay rế” thì “cào hến”, “khều cua”. Thanh niên phơi phới, vừa muốn kiếm tiền, vừa muốn chơi cho biết đó, biết đây, “dại gì chết gí ở nhà”, học hết lớp chín, lựa mình chẳng vào nổi cấp ba, Thắm xin đi công nhân giày da ngoài Hải Phòng. Làm giày da hai năm thì chán, Thắm theo bạn vào Nam làm công nhân may bảy năm, tới lúc ông bố sợ con gái ế già, cuống quýt bắt xe vào “tróc nã” Thắm mới chịu về.

Đúng phong tục ở quê, Thắm sửa soạn ít bánh kẹo tới thăm họ hàng lối xóm. Kẹo dừa Bến Tre muốn kéo tuột răng mấy ông bà già lại thành thứ thanh niên trẻ con mê tít. Nhưng người ta còn mê Thắm kể chuyện hơn. Làm nông ngày mùa thì làm không kịp thở, chứ bình thường rặt tỉ phú thời gian. Nghe Thắm kể “đi làm muộn mười phút trừ nửa ngày công”, hay “một chuyền hơn trăm công nhân, lúc ùn hàng thì phải nín đái cắm đầu vào may” rồi “bãi đỗ xe to bằng nửa xóm mình, mỗi lần tan ca chen nhau gấp chục lần chợ Tết”, bà con ai nấy đều há mồm.

Nhất là lúc khoe bằng khen công nhân tay nghề giỏi, thấy người vuốt, người sờ, người đưa tay di thử cái dấu đỏ, tự nhiên Thắm thấy cái “oai” trong lòng phất lên như lúa trổ đòng. “Nhưng về quê rồi thì công nhân giỏi cũng đi làm ruộng hết”. Chẳng biết ai dại mồm chọc đúng chỗ đau, Thắm mát mẻ: “Ông bà cứ khéo lo. Cháu nghe nói sắp có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào xã mình mở nhà máy may rồi đấy”. Có thật không? Cô nghe ở đâu? Nghe bao giờ? Đám người sồn sồn lên như chia lòng đụng lợn, Thắm nói đại: “Bạn cháu có ông anh chồng làm bên tỉnh mách thế”.

Đứa bạn “thế lực” té ra chính là anh cắt tóc ở thị trấn Thắm mới gặp hôm qua. Quán đúng ngã tư, cắt tuốt cả nam - nữ nên đông khách ra trò. Anh chàng cũng hóng được vài tin sốt dẻo. Vừa cắt tóc, vừa buông lời tán tỉnh cô khách lạ mặt mới ở Nam về, anh phọt ra cái tin giật gân nghe lỏm được từ “mấy ông cán bộ đi họp về qua quán anh nói chuyện với nhau thế”. Thắm đồ là tin vịt. Nhưng vịt thì vịt, cứ át được mấy ông bà ưa tọc mạch này cho sướng bụng cái đã. Đến Thắm cũng đâu có ngờ, mình nói bạ nói bậy thế mà lại trúng!

Nhà máy may, tên trên giấy phép đăng ký kinh doanh thì dài lắm, tiếng Hàn loằng ngoằng, người quê chỉ nhớ được mỗi hai tiếng “Vina”. Người ta kháo nhau “Vina là Việt Nam mình đấy, bên Hàn họ gọi vậy. Quái thế không biết, chả biết phiên dịch phiên deo kiểu gì mà đánh rơi hết cả chữ”. Mà thây kệ, tên gì không cần biết, người trong xã quen gọi “công ty”, làm công nhân ở nhà máy may gọi là “đi công ty”.

Trẻ con học dốt người lớn dọa “không chịu học thì tao cho ở nhà đi công ty hết”, thanh niên làm ăn xa nhà người ta kêu “xa gần làm gì, đi công ty xã mình có phải hơn không, tiền làm tới đâu bỏ chặt túi tới đó”, rồi đứa nào lỡ trượt đại học hay tốt nghiệp đại học mà chưa tìm được việc làm thì cũng “đi công ty” tuốt. Chả biết từ bao giờ, “công ty” trở thành một bộ phận không thể tách rời của xã, “đi công ty” thành lựa chọn của hầu hết thanh niên trong làng.

Nhưng trước khi thành “công ty” thì công ty chỉ là mảnh đất heo hút nằm sát nghĩa trang của xã, có cho cũng chả ai dám dựng nhà. Ngày trước, người quê quen sống trong làng, anh em tề tựu, hàng xóm quây quần vì đất đó mới có “hơi người”. Nhà ai trót đẻ đông con phải kéo nhau ra dải đất bờ sông mép đồng thì tối đến lại đạp xe vào làng chơi cho ấm cúng. Thế nên lúc ông Chi - cháu đời thứ năm của cụ Chánh Ty ở Hà Nội về chồng tiền tỉ mua băng cả nghìn mét vuông đất dọc bờ sông lúc xã phân lô bán đất, người ta chỉ tặc lưỡi “tiền ở đâu mà lắm thế”.

Cái mảnh đất bạc tỉ bỏ hoang làm nơi cột bò, chăn trâu, đá bóng suốt mấy năm. Giá đem chỗ tiền ấy gửi ngân hàng thì đã đẻ ra vài trăm triệu nữa chứ chẳng chơi. Dại gì mà dại thế! Người làng thương ông Chi dại, nhưng lúc ba con ôtô bóng lộn chở mấy ông giám đốc người Hàn về ngắm đất thì họ lại ước “giá mình dại được như ông Chi”. Các cụ vẫn bảo trong trăm thằng dại kiểu gì cũng lòi ra một người khôn. Ở làng này đích thị là ông Thản.

Ông Thản da đỏ như gà chọi, gầy quắt (người làng vẫn kháy là khôn quắt cả người), hai mắt lúc nào cũng hấp háy chảy nước. Đêm nào nhà ông cũng mổ vài con lợn. Chợ phiên chính thì mổ thêm trâu, thêm bò. Ở quê, ngó khắp làng trên xóm dưới, phàm là hàng bán thịt có mấy ai không giàu? Trong số những người giàu thì vợ chồng ông Thản là giàu nhất. Đi họp họ ông chỉ thua người ta mỗi chuyện ít con trai. Vợ ông đẻ liền tù tì bốn “thị hến đái khai”. Tới đứa thứ năm ông chở tuốt vợ qua bên kia sông bốc thuốc, bấm huyệt, rồi đi cầu bái khắp các cửa từ Nam chí Bắc mới được thằng Hưng.

Ngày đẻ thằng Hưng cũng suýt chết nên sống chẳng khác nào ông tướng con từ nhỏ, muốn gì được nấy. Ông Thản chỉ chờ nó lớn là ông truyền dứt cái giang sơn này cho nó như vua truyền ngôi cho Thái tử để an ổn lên Lão thượng hoàng. Thế mà đùng một cái ông cho thằng Hưng đi làm con nuôi. Cả làng xôn xao. Nhà ai mà đè đầu được ông Thản ắt cũng chẳng vừa. Hỏi thì ông chỉ cười bí hiểm. Tới hôm mùng năm tháng năm Âm lịch, theo tục làng con cái phải đi Tết bố mẹ, thằng Hoàng lé chuyên lái taxi ở ngã tư thị trấn mới bắn tin về. Té ra bố nuôi của thằng Hưng chính là ông Chi bạc tỉ! Thằng Hưng gọi “bố Chi” được non năm thì xưởng may hơn hai nghìn mét cũng khánh thành.

Cả làng kéo nhau đi xem, chen chúc kín cả tường bao. Nghe đâu mời cả đoàn múa lân về, rồi cả thầy Ngoãn cao tay nhất vùng cũng được ô tô rước tới từ sáng sớm. Chẳng biết cô phiên dịch có phiên nổi bài văn khấn hay không, chỉ thấy ông sếp Hàn cứ nghe thầy điểm tên mình, là chắp tay vái lấy vái để. Đợi thầy lâu quá, công nhân mặc đồng phục xanh nước biển ngồi lố nhố phía dưới nheo hết mắt vì nắng. Cả nghìn người chứ có ít đâu. Mấy tháng trước bên đó tuyển rầm rộ lắm! Băng rôn đỏ treo quanh tường bao nhà máy, rồi lên cả đài phát thanh xã, phát thanh huyện rồi đài truyền hình tỉnh. Hết ối của chứ chả chơi.

Thằng Hưng được ông bố nuôi cắt cử chân bảo vệ ở cổng chính, nhận hồ sơ cứ gọi là gãy tay. Ở nhà, bà Xuyến cũng tiếp khách không ngơi nghỉ. Vừa cất túi quà vào buồng trong vừa liếc xéo ông Thản nằm vắt chân xem đấm bốc trên li-văng, bà phải công nhận “lão chồng mình ranh thật”. Cái xưởng kia là ông Chi xây rồi cho người Hàn thuê lại, may mặc gì kệ mấy ông nhưng đất có thổ công, sông có hà bá kiểu gì họ cũng phải dựa vào mình. Mà ông Chi thì ở tuốt trên Hà Nội, mọi việc ở đây không “ủy quyền” cho thằng con nuôi thì cho ai? Phen này ối đứa nhìn thằng Hưng mà tị đỏ mắt. Nhưng làm mãi chân bảo vệ thì cũng “quèn”, giá nhét được thằng con vào văn phòng ngồi máy lạnh mới gọi là “sang” hẳn.

Dượm giọng cho thanh, bà ngồi xuống ghế đập nhẹ vào chân chồng:
- Thế ông đã tính toán gì cho thằng Hưng chưa? Ông Chi bên kia có...
- Ơ cái bà này - ông Thản ngắt ngang - đàn bà biết gì mà xen vào! Chuyện thằng Hưng bà cứ kệ tôi!

Nhà ăn công ty luôn ám mùi đặc trưng khó tả, trộn giữa mùi mồ hôi, mùi nước mắm và các món xào nấu. Công nhân uể oải xếp hàng lấy cơm rồi cặm cụi ăn nhanh cho qua bữa. Mấy tháng đầu cơm ca còn coi như ngon miệng, nhưng từ ngày ông Thản trúng thầu nhà ăn, cơm trưa càng ngày càng khó nuốt. Hưng bỏ dứt cái chân đội trưởng đội bảo vệ để chuyên tâm làm “nhà cung cấp thực phẩm” sáng sáng đánh xe tải chở rau dưa, thịt cá tới bếp ăn rồi lên căn-tin bán hàng.

Căn-tin ấy cũng do ông Thản mở, bán đủ thứ như: Bánh mì, xôi, sữa, nước ngọt, đồ ăn vặt, trứng vịt lộn. Công nhân ăn trưa không đủ no, nhất là chị em nào bầu bí phải cắn răng vào đó mua với giá cao gấp hai, gấp ba ở ngoài. Để tận thu, thằng Hưng chỉ huy đám anh em họ ở cổng bảo vệ soi khám thật kỹ để không công nhân nào “tuồn” được dù là cái kẹo vào nhà máy.

Không ăn thêm thì đói mà ăn thêm thì lẹm vào ngày công. Lắm chị em tiếc của bấm bụng rồi ngất ra xưởng vì tụt huyết áp. Công nhân ấm ức nhưng chả biết kêu ai. Kêu với công ty thì công ty bảo đã bàn giao hết trách nhiệm cho bên thầu là ông Thản rồi. Còn kêu với ông Thản thì ngay hôm sau ông tăng luôn giá để dằn mặt. Thế là đành nhịn. Nhưng công nhân đã chịu nhịn rồi mà bố con ông lại càng được đà lấn tới. Sườn nấu bí ông róc tận xương, thịt nạo tận bì, so ra mỏng như tóp mỡ, canh riêu thì lõng bõng, đồ tráng miệng cũng thối ủng.

Không biết từ ai, công nhân kháo nhau nhà ông Thản mổ lợn, miếng nào ngon ông đem ra chợ bán giá cao, miếng nào thiu thối, ế ẩm, “đầu thừa đuôi thẹo” ông cho xay giò, làm chả tuồn vào nhà máy. Rau củ cũng toàn đánh hàng ở chợ đêm, chọn mã xấu nhất, dập nhất để lấy giá rẻ. “Cơm trưa của mọi người là hai mươi ba nghìn một bữa nhưng bị nhà chúng nó gặm hết một nửa, ăn thế này chả biết có sống mà làm nổi không”. “Chúng nó ăn trên mồ hôi nước mắt của mình, không biết đêm ngủ có thấy giật mình không nữa”. Công nhân xì xào trong các bữa trưa mỗi lúc một nhiều.

Ông Thản biết đấy, vì tai mắt ông cài ở khắp nơi nhưng ông mặc kệ. Để yên thì còn đủ các món canh - xào - mặn, nếu còn kêu nữa ông sẽ thẳng tay cắt bớt cho chừa! Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, tới ông Thản cũng chẳng ngờ “đám công nhân ù ì” lại dám “tập kích” con xe tải chở thực phẩm của ông ngay trước cổng nhà máy.

Lúc Hoài ngồi kể lại chuyện này với Thắm, công nhân đã tự mang cơm đi ăn được ba ngày - Cứ giằng co thế này thì công nhân mình là người thiệt - Thắm vừa ghi chép đơn giá vừa nói - phải có người đứng ra chỉ huy thì mới hy vọng thắng được.
- Lần này có Công đoàn vào cuộc, không biết thế nào. Bọn em chỉ biết chờ thôi.
- Ai đang Chủ tịch Công đoàn nhà máy đấy?
- Chị Kim trưởng phòng kỹ thuật. Chị biết không?
- Biết! Chị Kim giỏi lắm! Chị mà có chị Kim làm cùng thì không “vất” thế này...
(Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Chưa áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia

Anh Kiệt |

Chính phủ thống nhất chưa bổ sung vào Chính sách 5 của đề nghị xây dựng luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia.

Mức phạt với 4 rạp chiếu phim 18+ của Trấn Thành cho khán giả nhỏ tuổi vào xem

ĐÔNG DU |

Theo ông Phạm Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, 4 rạp để khán giả nhỏ tuổi xem "Mai" - phim 18+ của Trấn Thành có thể bị phạt 60-80 triệu đồng (mức phạt trung bình là 70 triệu đồng).

Nợ chồng nợ, Công ty Đông Dương thất hẹn mua lại lô trái phiếu 300 tỉ đồng

Anh Kiệt |

Công ty Đông Dương đã thất hẹn mua lại 30% vốn gốc của lô trái phiếu DDG12101 trị giá 300 tỉ đồng vào ngày 28.2.2024.

Du lịch quốc tế sôi động từ đầu năm, Việt Nam có trong top tăng trưởng mạnh

Minh Anh |

Lượng đặt dịch vụ du lịch nước ngoài từ một số quốc gia châu Á đã tăng mạnh đến 279% so với cùng kỳ năm ngoái trong Tết Nguyên đán. Việt Nam góp mặt trong top điểm đến tăng trưởng mạnh.

Không có phiếu phản đối xây 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang, Hà Nội

KHÁNH AN |

100% đại diện các tổ dân phố trên địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đồng thuận với Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500.

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.