Phong vị Tết xưa nơi cung đình triều Nguyễn

hồng nhung |

Việc đón Tết ở cung đình bắt đầu từ khi nào? Quy định về ngày nghỉ lễ Tết của triều đình ra sao? Nhà vua có thực sự nghỉ Tết? Những văn bản về công việc quan trọng phát sinh trong ngày nghỉ Tết liên quan tới triều chính và quân đội sẽ được xử lý như thế nào? Có phải triều đình chỉ trang hoàng hoàng cung, thăm lăng tẩm, cúng lễ Tiên tổ? Tết cung đình giống và khác gì Tết trong dân gian? Tất cả sẽ được bật mí qua chính những văn bản hành chính của triều đình lúc bấy giờ - Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.

Tết Nguyên Đán là một dịp lễ lớn, có thể nói là lớn nhất trong năm của người Việt. Và dưới triều Nguyễn, cung đình đón Tết với nhiều nghi lễ long trọng, nhằm tỏ rõ mong muốn quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Trong khối Châu bản triều Nguyễn quý giá hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, có bản Tấu của Bộ Công vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), trong đó Hoàng đế Tự Đức đã phê trên bản Tấu về việc nghỉ lễ Tết rằng: Từ nay về sau đặt thành lệ rằng, Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc.1

Chuẩn bị đón Tết từ trước 1 tháng

Trên thực tế, các công việc chuẩn bị Tết trong hoàng cung đã được bắt đầu từ sớm, trước Tết một tháng, ngay từ mùng 1 tháng Chạp, bằng lễ ban lịch năm mới. Xưa, triều đình làm lịch (do Khâm Thiên Giám phụ trách) và hằng năm cấp phát lịch mới cho các địa phương. Lễ cấp phát lịch gọi là lễ Ban sóc, được triều Nguyễn tổ chức vào mùng 1 tháng Chạp hàng năm (sóc là ngày mùng 1 âm lịch), bắt đầu từ năm Gia Long thứ 5 (1806).

Lễ Ban sóc ban đầu được tổ chức tại điện Thái Hòa, từ thời Thiệu Trị trở đi, lễ này được tiến hành tại lầu Ngọ Môn. Bản Tấu của Bộ Lễ vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), cho biết: Ngày 1 tháng 12 là lễ Ban sóc, xin làm lễ tại lầu Ngọ Môn cho hợp với điển lệ. Hoàng đế Thiệu Trị đã phê trên văn bản: Chuẩn y lời bàn cho thi hành.2

Sau đó triều đình ấn định ngày nghỉ Tết và trang hoàng hoàng cung. Không khí Tết rộn ràng bắt đầu từ đây.

Người dân sẽ nhận lịch tại địa phương mình. Lịch của triều đình nhận được sự trông mong của toàn dân, là biểu tượng của một năm mới, cũng là niềm vui mà triều đình mang đến cho muôn dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Ấy vậy nên nhà thơ Trần Tế Xương có câu thơ: “Xuân từ trong ấy mới ban ra. Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà”.

Nếu trong dân dân gian có tục thỉnh gia tiên về “ăn Tết” thì trong hoàng cung cũng có lễ thỉnh các vị Tiên Đế (các vua đời trước của triều Nguyễn) về “ăn Tết” với triều đình, gọi là lễ Hợp hưởng. Lễ thường được cử hành vào ngày 22 tháng Chạp. Đích thân hoàng đế đến Thế Miếu hoặc Thái Miếu làm chủ lễ. Các hoàng tử, thân công, quan đại thần đi tế tại các miếu điện. Bản Tấu của Nội các ngày 20 tháng 12 năm Thành Thái thứ 4 (1892) về ngày lễ Hợp hưởng tại các miếu có ghi rõ: Hoàng thượng đích thân đến làm lễ ở Thế Miếu.3

Nếu có binh biến, phải điều quân, tướng; Nếu có những sự việc đặc biệt nghiêm trọng cần nhà vua giải quyết, lệnh điều sẽ được xử lý như thế nào - khi mà trong những ngày nghỉ tết khi ấn đã niêm phong? Có hay không những sự chuẩn bị của triều đình trước những tình huống bất thường trong ngày Tết?

Một nghi lễ biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết là lễ Phong ấn. Ngay từ thế kỷ XVII, thương lái nước ngoài Samuel Baron đã mô tả: “Ngày 25 tháng Chạp, ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp đúng một tháng. Trong quãng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra...”. Trước khi cho vào hòm niêm phong, các kim sách, kim bảo (sách vàng, ấn vàng) được lau chùi cẩn thận, nên lễ này còn được gọi là Lễ Phất thức. Dưới triều Nguyễn, Lễ thường được cử hành vào ngày 25 tháng Chạp.

Bản Tấu ngày 21 tháng 12 năm Tự Đức thứ 16 (1863) cung cấp cho chúng ta thông tin cụ thể về việc thực hiện lễ phất thức: Ngày hôm nay chúng thần đều đầy đủ quan phục, đến điện Cần Chánh lúc thái giám đem các hòm bửu tỉ, kim sách, ngọc bài, kim bài đến. Chúng thần lau chùi xong đem danh sách kiểm tra đều thấy phù hợp. Phụng lãnh hoàng phong niêm phong cẩn mật. Bản Tấu đã được hoàng đế Tự Đức phê duyệt.4

Ấn sau khi lau chùi sạch, đã được cho vào các hòm tráp, dán niêm phong bằng 2 chữ “Hoàng phong”. Lễ Phong ấn chính là một nghi thức thể hiện việc tạm ngưng công việc triều chính để thưởng thức tiết xuân.

Thế nhưng trên thực tế, hoàng đế và các quan đại thần trong triều không thực sự hoàn toàn nghỉ tết và phong ấn? Chi tiết thú vị này đã được khẳng định bởi những thông tin mà chúng tôi tìm thấy trong châu bản triều Nguyễn.

Bản Phụng Thượng dụ của Nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) nhấn mạnh rằng: Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này.5

Ngoài ra, bản Phụng Thượng dụ còn nêu rõ: Không câu nệ việc phong ấn, khai ấn, phàm các loại ấn triện, quan phòng đồ ký đã được cấp đều vẫn giữ lại sử dụng, phòng khi có sự vụ khẩn yếu cần phải tấu báo kịp thời.6

Chi tiết này cho thấy hoàng cung, triều đình, quan và con dân trăm họ có thể nghỉ tết chơi xuân sau một năm lao động vất vả, nhưng với nhà vua - thiên tử - người nắm vận mệnh đất nước thì hầu như không có ngày nghỉ Tết.

Đội nhạc ngày lễ. Nguồn: Thư viện Đại học Côte d'Azur, tác giả sưu tầm
Đội múa ngày lễ. Nguồn: Thư viện Đại học Côte d'Azur, tác giả sưu tầm

Ngày tất niên

Những ngày cuối cùng của năm cũ có lẽ là ngày được chào đón nhất. Sớm hôm đó các Hoàng tử, Hoàng thân chia nhau đến các đền, miếu đứng chờ, làm lễ tiễn biệt năm cũ. Việc tế tự phải làm vào sáng sớm mới bày tỏ được lòng thành kính.

Về việc tiến bài trong ngày tất niên, bản Tấu của Nội các vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) có đề cập: Vâng xét lệ trước, hàng năm, ngày Trừ tịch và ba ngày Tết Nguyên đán, tổng cộng là 4 ngày, trừ việc quan trọng cấp bách cần tiến trình ngay, còn lại việc tầm thường của các bộ nha xin dừng việc tiến bài. Bản Tấu đã được hoàng đế Thành Thái phê duyệt.7

Bên cạnh đó, còn có một số văn bản thông tin cụ thể, chi tiết về nghi thức thực hiện lễ Tuế trừ (buổi sáng), lễ Trừ tịch (buổi tối) như quy định lễ phục, quy định bắn pháo, quy định mở cửa thành cũng như các vị tôn tước được lựa chọn khâm mệnh hành lễ... Tất cả lễ nghi đều thể hiện mong muốn bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới đến.

Khi cây nêu được dựng lên ở Điện Thái Hòa trong lễ Thượng tiêu là báo hiệu một năm mới đã cận kề.

Châu bản triều Nguyễn ghi rõ, việc thượng tiêu (dựng nêu) và hạ tiêu (hạ nêu) do Khâm Thiên Giám chiếu theo lệ, chọn ngày giờ tốt rồi làm phiến tâu, xong sao lục cho bộ Lễ để sao cho các nơi tuân theo thực hiện. Nội dung này được đề cập trong bản Tư trình của Bộ Lễ năm Đồng Khánh thứ 7. Như vậy, theo lệ trước, việc dựng nêu được thống nhất theo giờ tốt mà Khâm Thiên Giám đã chọn.

Ngày Tết

Các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian - nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi tiết, trong tâm thức đề cao chữ Hiếu và trong sự tạm ngưng công việc để thưởng thức tiết xuân ấm áp... chúng ta sẽ thấy có những điểm gần gũi với Tết dân gian, hòa trong nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các hoàng đế triều Nguyễn đề cao chữ Hiếu nên ngay trong ngày đầu năm mới, hoàng đế đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng, các văn bản hành chính Châu bản triều Nguyễn đã cho chúng ta biết: Đầu năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngày mùng 1, Hoàng thượng đến cung Gia Thọ làm lễ khánh hạ. Chúng thần thỉnh xin tuân theo lệ trước, bắn bảy phát pháo. Văn bản đã được hoàng đế Tự Đức phê duyệt.8

Làm lễ xong, hoàng đế ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng.

Ngày nay, việc thưởng tết thường được thực hiện sớm trước ngày nghỉ Tết Nguyên Đán. Còn dưới triều Nguyễn, vào đúng dịp tết, các hoàng đế ban thưởng cho hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.

Ngày mùng 1 nhà vua ban yến, thưởng tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên. Mùng 2 Tết, hoàng thượng đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua triều Nguyễn đời trước), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Ngày mùng 3 Tết, nhà vua lại thân đến Thái miếu làm lễ, sai các Hoàng tử, Hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó vua ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.

Đội nhạc ngày lễ. Nguồn: Thư viện Đại học Côte d'Azur, tác giả sưu tầm
Đội nhạc ngày lễ. Nguồn: Thư viện Đại học Côte d'Azur, tác giả sưu tầm

Dưới triều hoàng đế Gia Long, khi đất nước vừa thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, do vậy việc thưởng tết cho trăm quan không được nhắc đến nhiều. Chỉ một lần vào năm 1808, hoàng đế Gia Long mới ban thưởng cho triều đình,

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Năm 1808, ngày Tết Nguyên đán thưởng cho thân công cùng các hoàng tử 20 lạng bạc, các quan văn võ chánh thất phẩm 10 lạng bạc, tòng nhất phẩm 9 lạng bạc, chánh nhị phẩm 6 lạng, tòng nhị phẩm 5 lạng”.

Dưới triều Minh Mệnh, một văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán:

Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng;...Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội,... đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc.9

Nhà vua cũng ban thưởng rộng khắp chúng dân. Trong các khoản vâng theo chiếu báu để ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), có một khoản rằng: Người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo. Văn bản còn nêu rõ: Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết... Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lị sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm, lừa dối, để trừ thói xấu. Văn bản đã được hoàng đế Minh Mệnh phê duyệt.10

Ngoài ra, còn có các văn bản đề cập việc ban thưởng cho biền binh theo lệ nhân dịp Tết Nguyên đán. Bản Tấu của Bộ Hộ năm Tự Đức thứ 32(1879) cho biết: Phụng xét tại Kinh, số các viên biền binh lính thợ hiện trấn giữ các đồn lũy Thuận An, Tư Hiền, Hòa Quân, Lộ Châu, Triều Sơn, Thủy Tú, Phổ Lợi, Quy Lai và Thuận Hòa, hàng năm vào tiết Nguyên đán được chuẩn ban yến tiệc và theo lệ, tiền chiết cấp có mức độ khác nhau. Tết Nguyên đán năm tới, các viên biền binh đóng ở các đồn trên, trừ những người nào đã dự yến ra, những người còn lại ở các tấn, xin theo lệ trước, vẫn lấy ngày mùng 1, mùng 3 tháng Giêng, sẽ do bộ thần và Thừa Thiên phủ thần - mỗi bên phái một thuộc viên, ngày đó đến hội đồng cùng viên tham biện, căn cứ theo số người hiện có mặt, chia hạng cấp phát.11

Cũng có năm, nhà vua cho dừng việc chúc tết và ban yến vì những lý do “đặc biệt”:

Vì biên thùy chưa yên:

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Bộ Hộ và Bộ Lễ dâng bản Tấu về việc: Tết Nguyên đán sắp tới, xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sĩ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần. Hoàng đế Tự Đức phê lên bản Tấu: Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ.12

Vì có nhật thực và đang có dịch bệnh:

Văn bản của Nội các năm Tự Đức thứ 2 về việc dừng tổ chức chúc Tết và ban yến: Sáng ngày mùng 1 Tết năm tới có nhật thực. Nay lại đang có dịch bệnh lưu hành. Vì vậy, thiết triều chúc tết và ban yến ngày mùng 1 Tết năm mới đều truyền cho đình chỉ.13

Có thể thấy, Tết xưa trong hoàng cung triều Nguyễn được tổ chức trang trọng, chu đáo và mang đậm nét văn hóa truyền thống. Đó cũng là một phần trong phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam.

Và để công chúng quan tâm hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán trong hoàng cung triều Nguyễn, chào đón Xuân Tân Sửu (2021), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm “Cung đình đón Tết” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 28.1.2021.

Lần đầu tiên, triển lãm giới thiệu tới công chúng 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Đây chắc chắn sẽ là nguồn tài liệu, tư liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm tìm hiểu về Tết xưa trong cung đình triều Nguyễn.

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 258, tờ 176.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 22, tờ 182.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 5 tờ 209.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 366 tờ 83.

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 50, tờ 297.

6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 50, tờ 297.

7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 28 tờ 289.

8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 33, tờ 215.

9. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 20 tờ 199.

10. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 21, tờ 167.

11. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 330, tờ 345.

12. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 149, tờ 241.

13. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 11, tờ 385.

Để công chúng quan tâm hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán trong hoàng cung triều Nguyễn, chào đón Xuân Tân Sửu (2021), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm “Cung đình đón Tết” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 28.1.2021.

Lần đầu tiên, triển lãm giới thiệu tới công chúng 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Đây chắc chắn sẽ là nguồn tài liệu, tư liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm tìm hiểu về Tết xưa trong cung đình triều Nguyễn.

hồng nhung
TIN LIÊN QUAN

Tết Sum vầy là dịp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động

Bảo Hân - Trần Tuấn |

Động viên, chúc Tết công nhân lao động tại Bắc Kạn sáng 22.1, bà Tòng Thị Phóng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - nhấn mạnh: “Tết Sum vầy” là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, từ đó có những quyết sách giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Nghề làm bánh in độc, lạ nức tiếng ở Nha Trang vào vụ Tết

Nhiệt Băng |

Chiếc bánh in sản xuất tại Nha Trang, Khánh Hòa độc, lạ ở chỗ cao từ 30-40cm, được in hoa văn, rồng phượng, trang trí rất bắt mắt và đặc biệt chỉ phục vụ thị trường Tết là chính. Dù đã hình thành mấy chục năm qua ở thành phố biển, nhưng đến nay nghề này đang trên đà mai một, vì không có người trẻ kế thừa, lưu giữ.

Đường phố TPHCM rực rỡ sắc hoa ngày giáp Tết

HỮU HUY |

Những ngày giáp Tết, thời tiết TPHCM dịu mát dễ chịu, trên nhiều tuyến đường, sắc hoa rực rỡ như báo hiệu mùa xuân đang đến rất gần.

Đào Thất Thốn "nằm" điều hòa chờ khách rước về chưng tết

Tô Thế |

Hoa đào Thất Thốn sở hữu vẻ đẹp độc, lạ khác xa loại đào thường. Cây ra hoa kép, mỗi cây chỉ nở từ 10 - 20 bông, nhưng hiện nay với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt nên cây đào cho ra nhiều hoa hơn.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Sum vầy là dịp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động

Bảo Hân - Trần Tuấn |

Động viên, chúc Tết công nhân lao động tại Bắc Kạn sáng 22.1, bà Tòng Thị Phóng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - nhấn mạnh: “Tết Sum vầy” là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, từ đó có những quyết sách giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Nghề làm bánh in độc, lạ nức tiếng ở Nha Trang vào vụ Tết

Nhiệt Băng |

Chiếc bánh in sản xuất tại Nha Trang, Khánh Hòa độc, lạ ở chỗ cao từ 30-40cm, được in hoa văn, rồng phượng, trang trí rất bắt mắt và đặc biệt chỉ phục vụ thị trường Tết là chính. Dù đã hình thành mấy chục năm qua ở thành phố biển, nhưng đến nay nghề này đang trên đà mai một, vì không có người trẻ kế thừa, lưu giữ.

Đường phố TPHCM rực rỡ sắc hoa ngày giáp Tết

HỮU HUY |

Những ngày giáp Tết, thời tiết TPHCM dịu mát dễ chịu, trên nhiều tuyến đường, sắc hoa rực rỡ như báo hiệu mùa xuân đang đến rất gần.

Đào Thất Thốn "nằm" điều hòa chờ khách rước về chưng tết

Tô Thế |

Hoa đào Thất Thốn sở hữu vẻ đẹp độc, lạ khác xa loại đào thường. Cây ra hoa kép, mỗi cây chỉ nở từ 10 - 20 bông, nhưng hiện nay với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt nên cây đào cho ra nhiều hoa hơn.