Không được viết

trần bá hải |

Nhận được thông báo từ tòa soạn mà Hoàng mừng quýnh. Vậy là bài viết của hắn cuối cùng cũng được báo chấp nhận đăng lên. Chính xác đó là một truyện ngắn, cái thứ đã khiến hắn mất bao thời gian và công sức suy nghĩ đến nát cả óc, rồi soạn thảo, sửa đi sửa lại, đánh máy muốn mòn cả mấy đầu ngón tay.

Đến ngày tận mắt nhìn thấy truyện ngắn của hắn được đăng trên mặt báo. Cái sự vui mừng của hắn được thăng cấp lên sự sung sướng đến tột cùng. Nhưng vui nhất có lẽ lại là vợ hắn. Thị hãnh diện vác cái điện thoại có bài báo của chồng đi khoe khắp cả dãy phố, cho dù chính bản thân thị còn chưa coi nội dung trong đó viết gì! Chả bù cho cái lúc hắn bù đầu viết bài, thị tỏ rõ thái độ hậm hực và bực bội với chồng ra mặt. Thị kêu hắn làm ba cái chuyện tào lao, thà rằng hắn quét được cái nhà cho vợ, hay dạy con học bài còn có ý nghĩa. Đằng này thằng chồng cứ cắm đầu vào cái máy tính, mặt mày thì cau có nhìn thấy ghét.

Hắn cho vợ hắn cái hy vọng rằng cứ để hắn viết đi rồi sẽ có tiền, ấy thế mà hắn viết suốt ba tháng trời, bài viết gửi đi khắp nơi có chỗ nào nhận đăng bài đâu. Thời này có ai rảnh mà đi đọc cái thứ văn viết dài lê thê cho mờ cái con mắt, lại nhức cả cái đầu. Người ta chọn Youtube, TikTok mà chơi, khi ấy cái tai được nghe, con mắt được xem hình ảnh chẳng sướng hơn hay sao. Thị chưa bao giờ đọc một cái gì chồng thị viết ra. Tâm hồn của thị vốn đã không ưa văn chương, đặc biệt lại là cái thứ văn chương do chồng thị viết.

Giá mà cứ mỗi khi thị đọc xong một trang viết là có trong tay được mấy trăm đồng bạc thị cũng đã đọc rồi. Bữa nay thị đột ngột “quay xe” khen chồng thị giỏi, chồng thị là nhất, chồng là năm bờ oăn, chồng là số một (năm bờ oăn mà còn “chưa chịu”, phải số một kìa “mới chịu”!). Hắn ngồi trên ghế, thị vòng tay ôm chồng, thị úp mặt vào lưng chồng mà dụi, thị cưng nựng hắn như con nít.

Hoàng nghe vợ mình tung hô mà chỉ dám cười thầm trong bụng. Vợ hắn thật tráo trở với hắn mà không biết xấu hổ. Chỉ mới hôm qua thôi, thị còn sa sả chửi chồng nào là cái loại bất tài vô dụng, cái thứ thấy vợ con khổ sở mà để mình con vợ lo hết, thằng chồng thì cứ ở đó bình chân như vại lại còn bày đặt làm văn, làm thơ ba cái thứ viển vông. Thị kết tội chồng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho cái nhà này trở nên khốn khó, vợ chồng lục đục cãi nhau suốt vì không có tiền. Hắn chỉ biết im lặng chịu trận khi nghe con vợ than vãn mà trong lòng thì buồn vô hạn.

Hắn cũng muốn kiếm ra tiền lắm chứ, bởi vì làm thằng đàn ông kiếm được ít tiền cho vợ đã là cái nhục, đằng này hàng tháng hắn không mang về cho vợ được đồng nào, có khi hắn còn phải mượn tiền của chính vợ hắn để trả tiền nhập hàng thì cái sự nhục nhã trong hắn nó còn tăng thêm mấy lần nữa? Thực tế thì hắn đã trở thành người đàn ông bất lực trong việc kiếm tiền. Thời buổi cạnh tranh buôn bán như hiện nay, Hoàng thấy việc kiếm tiền sao mà khó quá! Hắn không muốn đổ lỗi cho ai hay cho bất cứ một thứ gì hết cả, nhưng thực sự trong chuyện này vợ hắn cũng phần nào có lỗi.

Chính vợ hắn là người kêu hắn cứ nghỉ việc công ty đi nếu hắn không thể chịu nổi sức ép từ ông chủ. Nếu có chuyện gì khó khăn xảy ra trong cái nhà này, một mình vợ hắn đủ sức làm nuôi cả nhà, hắn không phải lo lắng gì cả. Trước sự tự tin của vợ, hắn quyết định nghỉ luôn việc công ty. Nghỉ việc rồi, ở nhà được một tháng hắn mới thấy thấm thía cái sự thất nghiệp nó là như thế nào. Hắn bắt đầu lọ mọ đi xin việc, ở những nơi hắn đã từng làm việc và cả những nơi hắn chưa từng bước chân đến bao giờ. Người ta chỉ nhìn mặt hắn mà từ chối, mà nói với hắn rằng họ chỉ tuyển người từ mười tám đến ba lăm tuổi, đối với chức vụ quản lý cũng không tuyển người quá tuổi bốn mươi.

Hơn năm trời hắn cố gắng chịu đựng làm tạm một vài nơi, với những công việc lương thấp lại không phù hợp với hắn. Thất vọng và chán nản cộng với cái tôi trong người hắn trỗi dậy. Hắn quyết tự mình đứng ra làm chủ chứ nhất định không đi làm thuê nữa. Cái lúc ấy vợ hắn vẫn kiên định là chồng thị có làm gì thì thị vẫn ủng hộ chồng mình hết lòng. Nghĩ là làm, hắn rút hết cả tiền bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế sau mấy chục năm đi làm thuê, chấp nhận hắn không còn cơ hội được lãnh lương hưu. Nhưng số tiền ấy chưa bõ bèn gì để mà khởi nghiệp, hắn lại tất tả đi vay mượn khắp nơi cho đủ số vốn mà hắn cần.

Loay hoay mãi cuối cùng hắn cũng mở được một tiệm bán đồ điện nước gia dụng. Tiền vốn thì đi vay mượn là chính chứ vốn của bản thân hắn có được trong đó chưa đến ba phần. Nguyên do là bởi hắn tính toán dở, hay tại trời không chiều lòng người hắn cũng không biết nữa! (Cứ tạm gọi là xui xẻo đi cho nó nhẹ người). Hắn mới mở tiệm được có ba tháng thì dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Mới đầu dịch bệnh còn nhẹ, ảnh hưởng không nhiều đến doanh thu bán hàng. Hắn chật vật cầm cự để duy trì hoạt động của tiệm và rồi cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Thực tế tiền lời hàng tháng hắn thu từ tiệm chỉ vừa đủ trả tiền thuê mặt bằng với trả nợ ngân hàng, toàn bộ chi phí trong nhà hàng tháng đều đổ lên đầu vợ hắn. Đến cái lúc dịch bệnh bùng phát nặng, chính quyền quyết tâm phong tỏa gắt gao nhằm tránh dịch bệnh lây lan, cả hai vợ chồng hắn chẳng làm ăn gì được suốt ba tháng trời. Tiền thuê mặt bằng hắn vẫn phải trả cho chủ nhà một nửa. Tiền vay ngân hàng thì được ngân hàng xem xét cho giãn nợ qua ba tháng. Đến lúc chính quyền gỡ phong tỏa và cho người dân được sinh hoạt bình thường trở lại thì mọi thứ đều lên giá, tiền trong nhà hắn cũng cạn sạch cả.

Con hàng trong tiệm của hắn cứ vơi dần đi mà hắn không biết xoay đâu ra tiền mua hàng để bù đắp vào. Rồi chẳng mấy chốc đã tới kỳ hắn phải đóng tiền thuê mặt bằng, tiền phải trả ngân hàng phần giãn nợ cộng thêm vào hàng tháng đã tăng thêm ba phần nữa. Khách đến tiệm của hắn mua hàng giảm đi thấy rõ, doanh thu của tiệm chỉ còn phân nửa so với trước đây. Ngân hàng thì ráo riết đòi nợ, mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reo hắn lại giật mình thon thót. Hắn rơi vào trầm cảm.

Tình cảnh của vợ hắn cũng chẳng khá hơn, thị hay than vãn về chuyện khi thì bị đau lưng, lúc lại bị đau đầu. Hắn kêu để hắn đưa thị đi khám bệnh thì vợ hắn dứt khoát không chịu đi. Thị lấy cớ bác sĩ giờ hay nuôi bệnh, thị có được khám bệnh thì cũng như không, chỉ thêm tốn tiền. Hắn nói mãi chuyện khám bệnh thì vợ hắn mới gắt lên rằng thị không bị gì hết, thị chỉ bị cái “bệnh thiếu tiền”. Và rằng hắn muốn chữa bệnh cho thị dễ lắm, chỉ cần hắn cầm cọc tiền mà đập vào mặt thị, bệnh của thị tự khắc sẽ khỏi.

Đúng ra thì vợ hắn xót tiền lắm, bác sĩ khám cho thị mà có ra bệnh thì thị biết đào đâu ra tiền để mà chữa bệnh! Hắn còn phát hiện ra vợ hắn mắc thêm một căn bệnh nữa, đó là “bệnh thương tiền”. Tiền trong tay thị chẳng có bao nhiêu mà có đêm thị rải tiền ra giường theo mệnh giá, rồi thị cứ thế đếm đi đếm lại dễ đến cả chục lần. Đếm tiền xong thị gom hết chúng lại thành một xấp. Thị tính toán lầm bầm trong miệng rồi đưa nguyên xấp tiền đó lên miệng hôn chụt chụt, hắn nhìn muốn buồn nôn. Thị cứ ôm nguyên cái xấp tiền đó mà đi ngủ. Hắn biết hắn không thể nào chữa hết “bệnh” cho vợ hắn, vì thế không khí trong nhà hắn càng thêm bí bít, u ám đến phát sợ.

Vợ hắn năm lần bảy lượt giục hắn đóng phắt cái cửa tiệm. Thà hắn về ở hẳn nhà để thị nuôi, trong nhà có thứ gì ăn thứ nấy còn hơn hắn đi làm nuôi béo chủ đất với ngân hàng. Hắn càng cố làm rồi càng đổ nợ, chủ nợ đòi tiền thì không biết lấy gì ra mà trả nợ. Thị năn nỉ hắn đi làm bảo vệ hay bất cứ nghề nào cũng được, miễn sao hắn có tiền mang về cho thị. Hắn nghĩ vợ hắn đang cố tình sỉ nhục hắn. Đường hoàng có trong tay cái bằng đại học, lại đã từng làm quản lý trong một công ty lớn như hắn, không lẽ lại đi làm công việc bảo vệ hay đi bán vé số.

Không phải là hắn coi thường mấy nghề này, nhưng với năng lực của hắn mà chỉ để làm những công việc đó thì hắn không cam tâm. Hắn chỉ ậm ờ cho xong chuyện chứ chưa trả lời dứt khoát với vợ hắn. Cứ nghĩ đến cái cảnh cuộc sống khó khăn trăm bề khi thất nghiệp là hắn lại rùng mình. Hắn muốn trốn quách đi một nơi nào đó để được yên thân, nhưng hắn biết đi đâu bây giờ? Thế là hắn vùi đầu vào cái điện thoại để tìm quên, để ngày qua ngày hắn khỏi phải đối diện với thực tế phũ phàng hiện ngay ra trước mắt.

Một lần tình cờ Hoàng đọc được thông tin trên báo mạng về một cuộc thi viết. Cái mà hắn quan tâm đó là giải thưởng, gì đâu mà tổng các giải thưởng lên tới gần ba tỉ đồng. Cha mẹ ơi! Số tiền lớn quá! Hắn không ham giải cao, hắn chỉ cần cái giải khuyến khích cũng được năm chục triệu, con số đó bằng số tiền lời hắn buôn bán vất vả mấy tháng trời mới có được. Thời hạn cuộc thi kéo dài tận hai năm lận, cứ cho là hắn chưa bao giờ có ý định thực sự cầm bút viết một bài văn để gửi cho một tòa soạn nào đó, nhưng không lẽ với ngần ấy thời gian mà hắn không viết được một truyện cho ra hồn, biết đâu hắn còn rinh luôn cả giải đặc biệt ấy chứ!?

Thế là hắn hăm hở bắt tay vào viết. Hắn viết điên cuồng như sợ người khác lấy hết chữ của hắn vậy. Đến khi đọc lại hắn mới thấy những gì hắn viết ra giống như một mớ bòng bong, không cái nào ra cái nào hết. Câu từ trong bài viết thì lủng củng, ý viết trong phần trước với ý viết trong phần sau lại chẳng ăn nhập gì với nhau. Nó giống như một con đường được người ta mở ra cho có để đi, rồi hết người này đến người kia đắp vá tạm bợ tạo nên những cái ổ gà, ổ trâu mà người buộc phải đi thì lắc đầu ngán ngẩm. Người không nhất thiết phải đi con đường ấy, họ chỉ mới đứng ở bên ngoài, nhìn vào con đường ấy thôi đã chẳng muốn bước vào.

Truyện do chính hắn viết ra mà hắn đọc còn không hiểu được nội dung thì hắn viết cho ai coi? Hắn càng cố bỏ công sức ra sửa chữa bài viết thì nó càng phát sinh thêm nhiều thứ rắc rối. Giữa cái “văn nói” với cái “văn viết” nó khác nhau nhiều quá! Cái bản thảo thì chằng chịt những vết gạch bỏ, những dấu vết sửa chữa, những dấu mũi tên chỉ hướng chuyển đoạn, chuyển ý xuất hiện khắp mọi trang viết. Hắn nhìn vào bản thảo lại nhớ đến cuốn vở nháp của con trai hắn mà nó hay vẽ bậy, vẽ bạ lên trên đấy. Hắn điên tiết quăng luôn cả tập soạn thảo với cây viết vào trong thùng rác.

Khi bình tĩnh lại, hắn tìm đọc những truyện ngắn của người khác viết được đăng báo để tự đánh giá thực sự cái khả năng viết của hắn là như thế nào? Hắn ngạc nhiên thấy hắn dư sức để viết cho hay hơn. Hắn tự an ủi rằng, mình không phải là một nhà văn mà chỉ là một "người viết". Hắn cũng không sáng tác truyện mà là “sản xuất truyện”. Hắn cũng không yêu văn chương nghệ thuật gì sất, hắn chỉ “yêu tiền”.

Muốn viết được văn cho hay, cho tốt thì người cầm bút phải có kỹ năng viết, phải là người có đầy cảm hứng sáng tác và tình yêu bao la đối với nghệ thuật. Hắn không có được những thứ ấy. Hắn lại chỉ mới bắt đầu cầm bút mà viết được như vậy là còn tốt chán. Chẳng qua là khi viết bài hắn chưa khéo léo trong việc lựa chọn, sắp xếp câu chữ. Hắn cũng cần có thêm một chút kiên trì, một chút của lòng can đảm nữa thì việc viết lách của hắn sẽ ổn.

Cũng như người mới ra làm hàng bánh cuốn, khách hàng ăn bánh rồi góp ý qua lại, người bán vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm bánh cho ngon, thêm với “cái duyên” của người bán rồi cũng có lúc đắt hàng. Thế thì hắn còn ngại ngần gì nữa mà không xắn tay áo lên mà viết. Hắn cứ làm đi rồi “nghề sẽ dạy nghề”. Hắn cứ việc viết cho nhiều vào, viết cho nhanh lên, mau in ra rồi gởi bản in đến các tòa soạn. “Trăm bó đuốc thế nào cũng bắt được con ếch”.

Tối nay Hoàng ngồi ở sân trước uống cà phê một mình. Thường ngày hắn uống trà chứ không uống cà phê. Từ khi cà phê lên giá hắn chuyển sang uống trà cho đỡ tốn. Hắn cũng chọn loại trà rẻ tiền, miễn sao có vị trà thay cho nước lọc chứ hắn không quan trọng trà ngon hay không ngon. Bữa nay vợ hắn bỗng dưng nổi hứng mua nguyên cho hắn một bịch cà phê to tướng loại đặc sản. Hắn hỏi lý do thì vợ hắn trả lời gọn lỏn: Thích thì mua!

Vợ hắn kê sẵn cho hắn một cái bàn nhựa với một cái ghế ngồi cũng bằng nhựa màu đỏ, vốn dĩ hai thứ ấy được dùng cho việc ăn cơm. Thị cẩn thận xịt thuốc muỗi khắp xung quanh khu vực sân trước để hắn khỏi bị muỗi đốt. Pha cho chồng ly cà phê xong, thị còn hỏi hắn cần gì ở thị nữa không. Hắn nói “không”, rằng cuộc đời hắn “chỉ cần có vợ”. Thị lườm hắn một cái rõ dài. Thị bĩu cái môi ra với hắn rồi ngúng nguẩy qua bên nhà hàng xóm tám chuyện. Hắn thấy vợ hắn thật đáng yêu, cái sự đáng yêu mang dáng vẻ sù sì chứ không hề lãng mạn chút nào hết.

Ngay từ cái lúc yêu nhau, hắn chẳng bao giờ tặng hoa cho vợ, đối với thị cứ mua ngay một đôi dép mà xỏ vào chân thị thế là xong. Cái lúc rước dâu lẽ thường cô dâu bịn rịn khóc lóc không muốn rời xa cha mẹ, thị thì cười toe toét giục mọi người mau lên xe đi thành phố cho kịp giờ hôn lễ. Cái ước mơ khi lấy chồng của thị chỉ đạt được một nửa, ấy là thị lấy được chồng thành phố thì có nhưng cuộc sống của thị sẽ trở nên nhàn hạ thì không. Nhìn sắc vóc của vợ mình phai tàn theo năm tháng, hắn thấy thương vợ hắn vô cùng...

(Còn nữa)

trần bá hải
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Chiếc vali lạ khiến 1 đoạn đường tại Đà Nẵng bị phong tỏa chỉ chứa rác thải

Văn Trực |

Đà Nẵng - Sau nhiều tiếng đồng hồ kiểm tra, chiếc vali lạ bị bỏ lại trên vỉa hè đường Việt Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được xác định chỉ chứa rác thải.

Ông Putin chiến thắng áp đảo trong bầu cử tổng thống Nga

Ngọc Vân |

Tổng thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay với gần 90% phiếu bầu.

Căn hộ chung cư sốt nóng, đất nền dưới 2 tỉ đồng được nhà đầu tư săn lùng

ANH HUY |

Khi giá căn hộ chung cư đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tìm mua những mảnh đất nền có giá từ 1-2 tỉ đồng.

Dự báo số lượng siêu bão trong mùa bão đặc biệt dữ dội

Khánh Minh |

Dự báo bão của ECMWF cho thấy mùa bão năm 2024 được coi là đặc biệt dữ dội với nhiều siêu bão.

Giám đốc đi xin vai và chuyện ít biết phía sau những vai diễn trên phim giờ vàng

Bình An |

Nhiều diễn viên từng chia sẻ họ đã đi xin vai diễn vì nhiều lý do, có thể quá ưng nhân vật, có thể cuộc sống khởi nghiệp khó khăn, không có việc làm.

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.