Truyện ngắn dự thi: Đời công nhân

Ngô Nữ Thùy Linh |

Ba giờ sáng, xe chuyển bánh. Một vệt sáng dài, trượt ngang dãy phi lao trước mặt. Hàng cây gắn liền với tuổi thơ của chị. Rồi cứ thế mất hút lẫn sau ánh mắt buồn rười rượi. Xe xọc xạch qua đường đất, thẳng tiến quốc lộ 1A. Mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ, tiếng bác tài nhắc nhở:

- Ai có tiền vàng gì thì cất cho cẩn thận nhé, quãng đường từ đây vào Nam cũng gần ba ngày, cướp bóc trên đường nhiều lắm.

Không có tiếng trả lời. Mỗi người đều đã say giấc. Riêng mỗi mình chị, ôm khư khư bọc quần áo. Biết đường vào Nam xa xôi, mông lung. Nên thứ mang được duy nhất chỉ có hai chỉ vàng, chị dấu bên trong đôi tất chân. Bên ngoài đi một đôi giầy cũ kĩ. Hai chỉ vàng cứng, ngọ nguậy dưới chân để chị luôn có cảm giác nó vẫn còn đó.

Cuộc sống một người công nhân đến với chị bằng những ngày vào việc mệt mỏi. Ốm nghén, nôn ói. Đất khách quê người. Cô đơn, bơ vơ giữa chốn thị thành. Những ngón tay ngượng ngùng khi lần đầu tiên sờ đến chiếc máy may công nghiệp. Nó khác xa so với những gì chị tưởng tượng. Mỗi lần giơ chân ấn nhẹ bàn máy, nó vù một tiếng, chạy xẹt qua, để lại một đường may cong cong, xiên xẹo. Lại lóng ngóng tháo chỉ, làm lại từ đầu. Một tuần vật lộn cùng mớ bòng bong, toàn quần dài, quần đùi trẻ em. Việc của chị chỉ là chạy thun cho những chiếc quần đó. Nhưng đường may trậm trụt. Chị đã bao giờ được thử nghiệm những chiếc máy công nghiệp này đâu. Chỉ cần sượt tay một cái, những chiếc kim to chực đâm vào tay, xuyên thấu đến chảy máu. Chưa kể đến việc gãy kim liên tục. Chuyền trưởng nhìn chị với ánh mắt hằn học:

- Làm hết tuần chưa chắc tiền lương đủ trả đền tiền kim may đâu.

Tiếng máy may trong khu công nghiệp chạy xành xạch. Những chị em công nhân cắm cúi, không một tiếng hỏi han.

Buổi trưa, khi mọi người bắt đầu lục tục kéo nhau đi ăn cơm thì chị tranh thủ ngồi lại, gỡ nốt những đường chỉ cong vẹo. Gia tài sau những ngày tập tành làm công nhân, chị có một chiếc túi nhỏ xinh bên mình. Bên trong đựng hai con suốt chạy chỉ và một chiếc kéo cắt chỉ. Ngày nào cũng mang đi rồi lại mang về. Chiếc túi vải của mẹ ngày trước đựng hai chỉ vàng. Chị rình mò cả tuần, mới biết chỗ mẹ cất để làm lộ phí những ngày đầu bước chân vào làm công nhân. Cuộc chạy trốn làng quê đầy tủi hổ.

***

Một tháng vật lộn với những khó khăn. Chiếc bụng đã bắt đầu nhô lên. Hằng đêm chị ôm gối khóc ướt sũng. Bao nhiêu chờ đợi, mòn mỏi chị cũng chẳng thấy tin tức gì từ phía anh. Vậy mà trước lúc ra đi, anh hứa hẹn đủ điều. Bây giờ thì chị vẫn đang một mình vật lộn với những gian nan, thử thách. Nghĩ đến những ngày tháng cận kề ngày sinh, chị không khỏi đau xót. Cái giá phải trả cho sự nông nổi, ngông cuồng của tuổi trẻ.

Ngày chị rời làng, anh cũng đã xuất khẩu lao động được mấy ngày. Anh bảo qua bên đó, cuộc sống ổn định, anh sẽ tìm cách đưa chị qua, rồi cùng nhau xây dựng cuộc sống bên đó. Quê mình nghèo, quanh năm bám mặt với ruộng đồng, biết bao giờ mới khá lên được. Mình phải đi ra ngoài, tiếp xúc với những nền công nghiệp hiện đại, học cách làm ăn của người ta, khi đó mới mong thoát khỏi được lũy tre làng.

Những lời anh nói, chị nghe văng vẳng bên tai. Nhưng nó cứ dần dần xa theo những gì anh mang đi xứ người. Mấy trăm triệu cha mẹ anh lo lót đường cho anh đi, bây giờ cũng chưa trả được đồng nào. Tới tháng, lời lãi réo gọi. Hai ông bà già, hai đứa cháu nhỏ. Cha mẹ chúng cũng làm công nhân ở xa, mỗi tháng gửi tiền về cho ông bà nuôi chúng. Xa nhau biền biệt, ngày nào cũng chỉ nói chuyện qua loa được một lúc, công việc cứ cuốn họ đi. Ngày đặt chân vào Miền Nam, chị cũng tính tới tìm họ, xin một chỗ nương tựa trước mắt. Dù gì gia đình người ta cũng đã vào đây được mấy năm liền, sau này đứa bé trong bụng cũng là chỗ anh em, trước sau chả nhận nhau. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Ngày chị tìm tới công ty của chị dâu anh, bà bĩu môi nhìn chị đầy nghi ngờ:

- Rồi ai đảm bảo đứa con trong bụng cô là của thằng Hoàng, tự nhiên thấy người ta đi nước ngoài, thích đổ được là đổ à?

Chị không nói thêm, biết chuyện lỡ làng, chỉ đành nhắn người ta, nếu vậy nhỡ gặp người làng, xin giữ kín chuyện dùm.

***

Cuộc sống của những người công nhân cuốn chị đi. Sau những ngày vật lộn với công việc may chun quần cho trẻ em, một sáng chị được chuyền trưởng gọi lên, giao việc:

- Nay tay nghề của chị có vẻ cứng hơn, em đã đề nghị được chuyển chị lên bộ phận vắt sổ. Chị nên chú ý những sai sót cơ bản như hở mũi may, thiếu mũi, sai kỹ thuật.

Chị nhận công việc trong lòng khấm khởi. Vậy là chị đã được công nhận là một công nhân chính thức trong công ty, kí kết hợp đồng rõ ràng và mức lương khởi điểm khi đó của chị là 4 triệu đồng. Đối với chị, lương chính là thu nhập duy nhất để chị có thể duy trì cuộc sống của mình và đứa con trong bụng. Ngày cầm trên tay tháng lương đầu tiên, hai chỉ vàng của mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Chị đưa chúng ra, ngắm nghía, rồi lại cất vào, tự hứa sẽ có ngày trở về, tạ tội cùng cha mẹ.

***

Cuộc sống người công nhân đầy nghĩa tình, khi chị lúng túng với công việc ban đầu thì may mắn chị gặp được một đồng hương. Hai người cùng quê nhưng khác huyện. Chị ấy bảo:

- Nhà được mỗi đứa con, được sáu tháng ở cữ xong thì gửi nó về cho ông bà ngoại ngoài quê. Bao nhớ nhung cất gọn vào trong, chỉ biết làm và làm. Tới tháng lãnh lương gửi về cho bà mua sữa.

- Thế cha nó đâu?

Mắt người đồng hương ngân ngấn lệ:

- Đi làm thợ hồ, trượt giàn giáo, giờ nằm một chỗ kìa. Ông bà nội chăm đứa con trai thôi cũng cơ cực, nên con của anh chị, chị gửi ngoại trông.

Chị sờ xuống bụng mình, bất giác thở dài. Ít ra chị vẫn còn may mắn hơn đồng hương của mình. Còn cha còn mẹ khỏe mạnh, mấy đứa em trong nhà cũng được ăn học đàng hoàng tử tế nên chúng ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Lâu lâu cũng có chút chút gửi về cho cha mẹ, gọi là an dưỡng tuổi già. Chị vẫn nhớ như in câu nói của cha ngày nào:

- Lo học hành đàng hoàng tử tế đi con, mai mốt có cái nghề trong tay, rồi muốn làm gì thì làm. Không có nghề ngỗng gì, học xong cũng chỉ đi làm công nhân mà thôi.

Lúc đó chị còn cãi cha:

- Công nhân cũng một nghề mà cha. Cha không nhớ hồi xưa mẹ con cũng là công nhân đó thôi. Làng quê mình, những ai không đủ điều kiện theo học đại học, đều đi làm công nhân. Mặc dù xa quê một chút nhưng bù lại, lương thưởng hằng năm đều đặn. Cũng gửi về cho cha mẹ ở quê cất nhà. Phụ thêm trong gia đình nuôi các em đi học.

Chị nhớ căn tập thể cũ của gia đình. Ở đó có những chiếc máy cày hỏng được đưa về sửa chữa. Hằng ngày, ngoài giờ đi học, mấy anh chị em trong khu tập thể được trèo lên đó. Đứa tập lái xe, đứa đu đưa trong cabin, đứa nhặt nhạnh những cục sắt vụn về bán kiếm tiền mua vở đi học. Hồi đó nghèo, ngày ăn ba bữa không đủ. Mẹ làm công nhân còn kiêm thêm thủ quỹ, chân chạy vặt trong công ty. Nhưng chưa tới tháng, lương đã ứng hết chi tiêu trong gia đình. Cha suốt ngày càm ràm:

- Làm công nhân khổ thế, cứ theo cho cố làm gì. Về nhà làm ruộng, nuôi mấy con trâu, con bò, mấy chốc mà khá.

Cái sự khá của cha, chẳng bao giờ có. Chị nhớ năm người ta chia ruộng, gia đình cha mẹ được gọi là cán bộ, có lương, nên chẳng được chia. Số ruộng còn lại, chia theo đầu người, nhà được ba đứa thì được ba sào. Lúa thời đó không năng suất, chưa tới tháng 5, mẹ đã mang bao tải đi vay lúa non về ăn. Cuộc sống thiếu trước hụt sau.

***

Bụng ngày một to hơn. Khi chị đang chuẩn bị cho những ngày lót ổ thì điện thoại bên kia có tin tức của anh. Anh bảo công ty cho nghỉ không lương vì dịch bệnh, bây giờ muốn về cũng chẳng về được. Hay tin chị có bầu, anh không buồn cũng chẳng vui, không nói đến những dự tính của hai người, hồ hởi và phấn chấn như hồi đầu. Tâm trạng anh bế tắc, chị cũng không muốn làm anh suy nghĩ nhiều hơn. Nên cuộc gọi cho nhau cứ thế thưa dần.

Hai chân bắt đầu sưng và có dấu hiệu sắp sinh. Chị tới công ty uể oải, nặng nề. Những ánh mắt dò xét, nghi ngại cứ xuyên vào tận tâm can chị. Mỗi ngày đi làm đối với chị giống như cực hình. Nặng nề đặt chân lên bàn đạp, chúi đầu vào đường kim mũi chỉ cho qua ngày. May sao có đồng hương an ủi. Lâu lâu chị cũng đỡ tủi thân.

Ngày đứa con chào đời, hạt mưa nặng trĩu rớt trên mái nhà trọ cũ kĩ. Chị đau muốn ngất lịm đi, hai tay bấu chặt lấy tấm nệm cũ kĩ. Miệng thở dốc. Chị ráng sức bấm điện thoại gọi chị đồng hương. Khi được đưa vào bệnh viện, bác sỹ vội vàng đẩy lên băng ca, chuẩn bị kíp mổ liền. Tiếng y tá chạy lịch rịch ngoài hành lang. Rồi chị chìm vào hôn mê.

***

Chẳng biết ai đã liên lạc với cha mẹ ở quê. Khi chị tỉnh lại, ngơ ngác nhìn mọi người, mẹ đã ngồi ở đầu giường, nước mắt chực rơi:

- Sao khổ thế này con ơi, bụng mang dạ chửa, tới ngày tới tháng cũng không cho cha mẹ biết. Ngộ nhỡ mày có mệnh hệ gì nơi đất khách quê người, cha mẹ biết làm sao con ơi.

Tiếng chị yếu ớt:

- Con của con đâu?

Theo tay mẹ chỉ, một thằng bé bụ bẫm đang nằm trên tay của chị đồng hương. Nó nhoẻn miệng cười, nụ cười y hệt người thương của chị ngày nào. Tự nhiên nước mắt chị chảy ào ạt, nhưng trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Niềm vui của người được làm mẹ.

Sáu tháng gần gũi đứa con trôi đi trong nháy mắt. Có bà ngoại chăm sóc, nó bụ bẫm trông thấy. Nhưng cuối cùng chị đành nuốt nước mắt để mẹ đưa về quê chăm sóc. Cuộc sống của một công nhân, một mẹ một con không thể xoay vòng trong căn phòng trọ cũ kĩ. Nếu không đi làm, cũng chẳng biết xoay xở ở đâu để có tiền sữa tã cho nó. Cộng thêm tiền sinh hoạt phí hàng tháng, tiền phòng trọ, ti tỉ thứ đổ dồn lên đầu. Mẹ chị bảo:

- Hay là về quê đi con, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Cả nhà nương tựa nhau.

Chị lắc đầu nguầy nguậy. Chị không muốn trở về làng, về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cũng là nơi gây biết bao đau khổ cho chị.

***

Cuộc sống người công nhân. Sáng tỉnh dậy đi làm, tối trở về căn nhà trọ. Tắm giặt xong xuôi, chị có thời gian điện thoại trò chuyện với con. Khi nào nó ngủ trước, chị lại lẳng lặng mang áo khoác, một chiếc nón rách và một bao tải nhỏ đi dọc đường nhặt ve chai. Mỗi tuần chị nhập cho vựa một lần. Cũng kiếm thêm được ít bổ sung vào tiền gửi cho con.

Mỗi lần bất giác nhìn thấy một gia đình sum họp, những đứa con quây quần bên cha mẹ, chị lại không khỏi chạnh lòng. Chỉ mong thời gian trôi nhanh, thằng nhóc đủ tuổi đi học, chị sẽ đón nó vào, cho nó đi học gần chỗ chị làm, vậy là thuận tiện đưa đón, mẹ con cũng được ở gần nhau.

***

Công nhân, mỗi người một số phận. Trong công ty của chị, hầu hết phần đông là chị em gái. Sáng sớm người có gia đình thì phải tất bật gửi con bên nội, bên ngoại. Hay hối con dậy sớm cho con ăn sáng đi học để kịp giờ cho mẹ tới công ty làm. Những chị em ở xa, có xe đưa đón thì phải dậy từ năm giờ sáng, đi bộ ra đường lớn chờ xe đến đón. Con cái coi như phó mặc hết cho chồng. Những ngày bình thường, đến năm rưỡi, sáu giờ có mặt ở nhà để sum vầy bữa cơm. Nhưng những ngày công ty tăng ca, nhiều đêm muộn mới được trở về. Tới nhà, lũ trẻ đã ngủ ngon lành. Sáng sớm, khi chúng chưa dậy, mẹ đã đi làm. Một tuần chỉ được ngồi bên nhau đúng ngày chủ nhật. Vậy nên cứ thấy xa cách đằng đẵng. Hôm rồi bên tổ hoàn thiện, có chị than ngắn thở dài:

- Bây giờ đất ở quê lên giá, mới sáng ra đường đã thấy cò đất lảng vảng, đất ruộng giờ cũng chẳng còn bao nhiêu. Nếu không có công ty, xí nghiệp để chị em có công việc thường xuyên, chắc có nước “cạp đất” mà ăn thôi.

Một chị thêm vào:

- Thì đúng rồi, nhiều khi nghĩ làm công nhân cũng cực bộn phần. Nào chồng, nào con, không ai lo cửa nhà. Nhưng đến tháng lương thưởng đầy đủ, bảo hiểm bây giờ cũng được đóng. Ít ra tới cái lúc chẳng nhìn được cái lỗ xâu kim thì cũng có đồng lương hưu ít ỏi.

Mấy chị em nhìn nhau, nụ cười đọng trên khóe mắt, phảng phất những ưu tư.

***

Công ty giảm bớt nhân lực do dịch bệnh. Dự kiến đưa con trai vào đoàn tụ cùng bây giờ cũng tan biến. Một tháng, chị được công ty giải quyết cho nghỉ tạm thời, chị xoay vần trong căn phòng trọ chật hẹp, bức bối. Bao nhiêu tiền tiết kiệm được đều gửi về cho cha mẹ nuôi con. Chỉ còn lại một ít, chị ráng giữ lại cầm cự qua ngày. Cầu trời cho mình không bị dính Covid. Lại nhớ lời cha:

- Ở công ty khổ quá thì về con ơi, cha mẹ sẵn sàng đón con trở về.

Nhớ đến những lời của cha, nước mắt ầng ậc. Mỗi buổi sáng nhìn những người bạn trong công ty, gia đình trong khu trọ của mình lũ lượt về quê, lòng chị không thôi xót xa.

Sáng nay bên đội tình nguyện thành phố đặt trước cửa nhà một phần rau củ. Một bọc nhỏ gạo. Chị giở túi thực phẩm, bên trong còn có một miếng thịt gà nhỏ, một túm lá chanh, mùi lá chanh ngai ngái, đúng chuẩn mùi lá chanh miền ngoài, bao nhiêu kí ức đẹp đẽ nguyên sơ thuở còn ở quê nhà cứ thế dồn dập.

- Hay mình về quê thật, chuyến này về chẳng biết bao giờ trở lại.

Chị buồn rầu ngồi co ro bên bậu cửa. Dịch dã thế này cũng không dám ra đường nhặt ve chai nữa. Thôi thì tạm thời cứ ở lại, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mình làm công nhân mà, đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn từ khi bước chân vào thành phố này. Bây giờ vướng một chút, chắc rồi sẽ qua. Mọi người lũ lượt xin nhận tiền trợ cấp, lãnh bảo hiểm xã hội một lần để về quê sinh sống. Chị vẫn còn một niềm tin nhỏ nhoi, trụ lại được ngày nào hay ngày đó.

***

Nhớ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, chị cũng từng nghe câu. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...” Chị cảm nhận tình yêu thành phố này lớn dần lên trong tim mình. Dẫu chỉ là một công nhân nhỏ bé, sáng đi làm, tối tan ca. Thảng có lãnh lương mới dám mua một chút đồ ăn bổ, hay lang thang thành phố ghé một quán ven đường, chọn món mình yêu thích mua về cùng anh em xóm trọ chung vui. Một dãy trọ dài dằng dặc, kín hết một màu áo xanh nhạt. Cuộc sống của những người công nhân xa quê. Nhưng bù lại, chị cảm thấy yên ổn, bình an.

Những ngày thành phố oằn mình chống dịch, chị thấy mình lẻ loi, cô đơn. Tiếng xe cứu thương hú inh ỏi. Thỉnh thoảng quanh hẻm xuất hiện màu trắng khăn tang. Khung cảnh đìu hiu bao trùm.

Công ty kêu gọi mọi người ở lại. Trực tiếp sản xuất ngay tại công ty. Chị xếp gọn đồ đạc, gói ghém ba lô xin vào công ty làm việc. Một vài lãnh đạo đứng ra kêu gọi công nhân ở lại, giúp cho công ty giai đoạn này. Mấy anh trực máy cười hể hả:

- Ba cái lúc này, thấy công nhân mình có giá trị nha?

***

Bên kia gọi về, giọng anh hồ hởi:

- Tình hình bên Việt Nam ổn không em, bên này tạm ổn, anh đi làm lại rồi. Cũng gửi tiền về cho cha mẹ ở quê trả bớt tiền nợ rồi.

Chị ngạc nhiên:

- Ơ, anh vẫn còn nhớ là còn em hả?

- Nhớ chứ, em làm công nhân ở thành phố, con chúng mình đang gửi ông bà ngoại. Rồi mai mốt ổn định, anh phải về cưới cả trâu lẫn nghé chứ.

Cúp máy. Chị lại cặm cụi vào công việc của mình. Tiếng may máy chạy đều đều. Đôi chân nhịp nhàng đưa.../.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo. Hoặc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh.

Đồng hành cùng chương trình
Đồng hành cùng chương trình
Ngô Nữ Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Sáu Hoa

Đinh Thành Trung |

Bóng trùm nhà tạm. Gọi là lều cũng được. Bóng trăng ra khi có thêm một ánh đèn chiếu tới. Đèn tỏa sáng, đánh thức mấy cái đầu ngái ngủ uể oải bước ra sân. Nhìn từ trên xuống, dãy lều xanh lơ như biến thành quần thể di tích nào đó. Nhiều con người lặng lẽ bước ra.

Truyện ngắn dự thi: Đêm đô thị

Hoàng Anh Linh |

Thanh vừa tan ca về. Anh mệt nhoài trườn chiếc xe Wave đã cũ vào một con hẻm. Con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người ngồi trên xe máy ra vào. Ngày mưa, nước đọng thành từng vũng nhỏ. Thanh lặng lẽ len chiếc xe qua lối hẹp thật khéo nhưng một vài tia nước bẩn vẫn bắn lên gấu quần. Hai bên vách tường xám xịt đều dán chi chít những tờ quảng cáo. Hôm nay có một tờ giấy mới vừa được dán. Thanh nhìn lướt qua thấy dòng chữ “cho vay”. Qua khỏi đoạn hẻm là một dãy nhà trọ thấp lè tè, tối tăm ẩn nép ở phía sau một chiếc cổng sắt đã rỉ lúc nào cũng khép. Trên cổng có vài dây tigon vắt qua, đong đưa từng chùm hoa gầy nhẳng, nhạt màu

Truyện ngắn dự thi: Cái nút cống

Lao động |

Ở tổ sửa chữa đường mỏ này, chỉ có tôi với Hoài là lính mới. Hoài trẻ nhất tổ, vừa học xong phổ thông trung học đã đi làm theo chế độ “đổi” - Bố mẹ về hưu, con vào thế. Trong lúc công việc khó khăn, kiếm được một chỗ làm có thu nhập ổn định đối với nhiều người như vậy là hạnh phúc lắm.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Tuyển nữ Việt Nam thu được giá trị gì từ World Cup 2023?

NHÓM PV |

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đề cao việc thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Góc nhìn thể theo số 119 sẽ cùng trò chuyện với bình luận viên Quang Huy, nhận định về những giá trị mà tuyển nữ Việt Nam sẽ có được ở giải đấu sắp tới.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

KHÁNH AN |

Dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga

Ngọc Vân |

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga để cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Truyện ngắn dự thi: Sáu Hoa

Đinh Thành Trung |

Bóng trùm nhà tạm. Gọi là lều cũng được. Bóng trăng ra khi có thêm một ánh đèn chiếu tới. Đèn tỏa sáng, đánh thức mấy cái đầu ngái ngủ uể oải bước ra sân. Nhìn từ trên xuống, dãy lều xanh lơ như biến thành quần thể di tích nào đó. Nhiều con người lặng lẽ bước ra.

Truyện ngắn dự thi: Đêm đô thị

Hoàng Anh Linh |

Thanh vừa tan ca về. Anh mệt nhoài trườn chiếc xe Wave đã cũ vào một con hẻm. Con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người ngồi trên xe máy ra vào. Ngày mưa, nước đọng thành từng vũng nhỏ. Thanh lặng lẽ len chiếc xe qua lối hẹp thật khéo nhưng một vài tia nước bẩn vẫn bắn lên gấu quần. Hai bên vách tường xám xịt đều dán chi chít những tờ quảng cáo. Hôm nay có một tờ giấy mới vừa được dán. Thanh nhìn lướt qua thấy dòng chữ “cho vay”. Qua khỏi đoạn hẻm là một dãy nhà trọ thấp lè tè, tối tăm ẩn nép ở phía sau một chiếc cổng sắt đã rỉ lúc nào cũng khép. Trên cổng có vài dây tigon vắt qua, đong đưa từng chùm hoa gầy nhẳng, nhạt màu

Truyện ngắn dự thi: Cái nút cống

Lao động |

Ở tổ sửa chữa đường mỏ này, chỉ có tôi với Hoài là lính mới. Hoài trẻ nhất tổ, vừa học xong phổ thông trung học đã đi làm theo chế độ “đổi” - Bố mẹ về hưu, con vào thế. Trong lúc công việc khó khăn, kiếm được một chỗ làm có thu nhập ổn định đối với nhiều người như vậy là hạnh phúc lắm.