Endurance - Hành trình không gian đầy cảm hứng

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng có lần tự hỏi, liệu ngày nào đó mình có thể bước lên một con tàu để đi vào vũ trụ, khi các công nghệ đang ngày càng phát triển và viễn cảnh về những chuyến du hành ngoài không gian có thể không còn quá xa xôi nữa?

Scott Kelly sống ở Houston, Texas, Mỹ, là cựu phi công lái máy bay chiến đấu, máy bay thử nghiệm, kỹ sư, phi hành gia, từng tham gia bốn chuyến bay vào không gian, anh đã chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ba chuyến thám hiểm và là thành viên của sứ mệnh kéo dài một năm lên ISS. Trong sứ mệnh Year in Space (Một năm trong không gian), anh đã lập kỷ lục về tổng số ngày tích lũy trong không gian và về nhiệm vụ không gian dài nhất của một phi hành gia người Mỹ. Cuốn hồi ký "Endurance - Hành trình không gian" kể lại nhiệm vụ Year in Space của anh trên Trạm ISS và những hoàn cảnh khắc nghiệt mà anh đã trải qua. Kelly cũng cho bạn đọc thấy được những niềm háo hức, niềm vui và tự hào khi dám dấn thân vào con đường khám phá vũ trụ để mang lại những thông tin quý giá cho toàn nhân loại. Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc

Khởi hành

Ngày 20 tháng 2 năm 2015

Bạn phải tới những nơi tận cùng Trái đất thì mới có thể rời khỏi nó. Vì các tàu con thoi đã ngừng hoạt động vào năm 2011, nên chúng tôi phải phụ thuộc vào người Nga để được bay vào không gian, và phải bắt đầu hành trình tới Sân bay Vũ trụ Baikonur ở vùng thảo nguyên hoang vắng của Kazakhstan. Đầu tiên, tôi bay từ Houston tới Moscow trong hành trình 11 tiếng quen thuộc, và từ đó đi bằng xe van tới Thành phố Ngôi Sao, Nga, cách Moscow 72 kilômét - mất khoảng từ một tới bốn giờ, tùy thuộc vào tình hình giao thông ở Moscow. Thành phố Ngôi Sao là phiên bản Nga của Trung tâm Vũ trụ Johnson; là nơi các nhà du hành vũ trụ Nga được huấn luyện trong 50 năm trở lại đây (và gần đây hơn là các phi công vũ trụ sẽ lên không gian cùng với họ). Thành phố có thị trưởng riêng, cùng với một nhà thờ, nhiều bảo tàng, và các khối căn hộ. Có một bức tượng khổng lồ của Yuri Gagarin, người đầu tiên bay lên không gian vào năm 1961, đang bước một bước chân giản dị, khiêm nhường về phía trước trong khi cầm một bó hoa sau lưng. Từ Thành phố Ngôi Sao, chúng tôi bay hơn 2.500 kilômét tới Baikonur, một thời từng là địa điểm phóng bí mật của chương trình không gian Liên Xô. Đôi khi người ta nói về một nơi “khỉ ho cò gáy”, nhưng tôi đã không còn nói như vậy trừ khi là về Baikonur. Địa điểm phóng thực ra được xây dựng trong một ngôi làng tên là Tyuratam, đặt theo tên một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn nhưng lại được gọi là Baikonur, tên một thị trấn khác cách đó vài trăm kilômét để đánh lạc hướng. Trước đó, người Liên Xô cũng gọi khu vực phóng của họ là Thành phố Ngôi Sao để khiến người Mỹ bối rối hơn nữa. Những người sống ở Baikonur hiện nay hầu hết là người Kazakh, hậu duệ của các bộ lạc người Turk và Mông Cổ, cùng một nhóm thiểu số người Nga bị bỏ lại sau khi Liên Xô tan rã. Nga thuê các cơ sở ở đây từ phía Kazakhstan. Đồng rúp của Nga là đồng tiền chính, và tất cả các phương tiện giao thông đều mang biển số Nga.

Từ trên không, Baikonur trông như được quăng hú họa xuống vùng thảo nguyên cao hẻo lánh. Nó là một tập hợp kỳ lạ của những tòa nhà bê tông xấu xí, nóng kinh hoàng vào mùa hè và lạnh tê tái vào mùa đông, với hàng đống máy móc gỉ sét, hỏng hóc chồng chất khắp nơi. Từng đàn chó hoang và lạc đà đi kiếm ăn dưới bóng râm của đống máy móc hàng không vũ trụ. Đây là một nơi vắng vẻ, hoang dại, và là sân bay vũ trụ duy nhất còn hoạt động trên hầu khắp thế giới...

Chúng tôi đi qua những khu nhà tập thể đổ nát, những chảo vệ tinh khổng lồ đã han gỉ, những ụ chất thải nằm rải rác, thỉnh thoảng lại thấy một con lạc đà. Hôm đó là một ngày trời quang, nhiều nắng. Chúng tôi đi qua tượng Yuri Gagarin của chính Baikonur, bức tượng này có hai cánh tay đưa lên cao - không phải theo kiểu chữ V chiến thắng của một vận động viên thể dục ăn mừng cú nhảy hoàn hảo, mà giơ thẳng hai tay lên đầy vui sướng như đứa trẻ chuẩn bị thử nhảy lộn một cú. Bức tượng tạc ông đang mỉm cười.

Xa phía chân trời, một tháp phóng vươn lên trên bệ phóng bêtông đã hư hỏng. Đây là nơi Yuri lần đầu được phóng lên khỏi Trái đất, nơi gần như mọi nhà du hành vũ trụ người Nga đã rời Trái đất, và cũng là bệ phóng nơi tôi sẽ rời Trái đất sau hai tuần nữa. Đôi khi người Nga có vẻ quan tâm nhiều đến truyền thống hơn bề ngoài hay chức năng. Bệ phóng với tên gọi Gagarinsky Start (Bệ phóng của Gagarin) này thấm đẫm thành công của quá khứ, và họ không có kế hoạch thay thế nó...

Trên chuyến bay gần đây nhất của tôi tới trạm với một nhiệm vụ dài 159 ngày, tôi đã bị loãng xương, các cơ bị teo, và máu tự tái phân bố trong cơ thể khiến thành tim của tôi liên tục co giãn. Rắc rối hơn, cũng giống nhiều phi hành gia khác, tôi gặp phải vấn đề về thị lực. Tôi đã phơi nhiễm mức bức xạ hơn 30 lần người trên Trái đất, tương đương 10 lần chụp X-quang ngực mỗi ngày, và điều này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư trong suốt phần đời còn lại của tôi. Dẫu vậy, không gì trong số này có thể so sánh với nguy cơ tệ hại nhất: Chuyện tồi tệ nào đó có thể xảy ra với những người tôi yêu thương khi tôi đang ở trên không gian và không có cách nào trở về nhà.

Người Nga đã phóng khoang Soyuz kể từ khi tôi mới lên ba. Tàu vũ trụ Soyuz - Soyuz trong tiếng Nga nghĩa là “Liên Hiệp”, như trong “Liên Xô”- được thiết kế để hoạt động trong không gian, ghép nối với trạm, và giúp con người sống sót, nhưng tên lửa mới là công cụ chính, lời đáp trả của nhân loại đối với lực hút của Trái đất.

Các tên lửa (mà vì lý do kỳ quái nào đó cũng được gọi là Soyuz) được “sửa soạn” để phóng trong khu vực lắp ráp và kiểm tra nằm dọc theo kho chứa tàu, gọi là khu 112. Chúng tôi băng qua đường, đi qua một nhóm phóng viên Nga đang tụ tập, bước vào tòa nhà khổng lồ, và đứng trong một căn phòng im ắng khác to như cái hang, lần này là để xem quả tên lửa của chúng tôi. Nó màu xám đậm, nằm nghiêng về một bên. Không giống như tàu con thoi hay các tàu Apollo/Saturn khổng lồ ra đời trước đó, tàu vũ trụ Soyuz và tổ hợp tên lửa được lắp ráp theo phương nằm ngang và lăn ra bệ phóng trong cùng tư thế.

Dài 50 mét, tên lửa Soyuz-FG này nhỏ hơn đáng kể so với tàu con thoi sau khi lắp ráp nhưng vẫn to đến phát khiếp, một vật thể có kích cỡ bằng tòa nhà (mà chúng tôi hy vọng rằng) sẽ rời mặt đất, với chúng tôi ngồi lái ở phần mũi ở tốc độ gấp 25 lần tốc độ âm thanh. Soyuz-FG là hậu duệ của tên lửa Liên Xô R-7, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới. R-7 được thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để phóng vũ khí hạt nhân vào các mục tiêu thù địch. Ngày hôm nay, tôi đang đứng trong khu vực bí mật trước đây của Nga, và bàn bạc với hai người Nga về kế hoạch của chúng tôi để tin tưởng lẫn nhau bằng cả mạng sống của mình trong lúc lái thứ vũ khí cải biến này vào không gian...

Trạm vũ trụ quốc tế bắt đầu hoạt động vào năm 1984, khi Tổng thống Reagan thông báo trong báo cáo thường niên trước Quốc hội Mỹ rằng NASA đang thiết kế một trạm vũ trụ với tên gọi Tự do (Freedom), sẽ được đưa lên quỹ đạo trong vòng 10 năm tới. Sự cản trở từ Quốc hội đã gây ra việc cắt giảm và tái cơ cấu kéo dài nhiều năm trời, và rồi trạm Tự do không thể tiến gần thêm tới bước thực sự được xây dựng, cho tới năm 1993, khi Tổng thống Clinton thông báo trạm sẽ được hợp nhất với trạm vũ trụ Mir-2 (Hòa Bình 2) được đề xuất bởi Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga. Với sự gia nhập của các cơ quan hàng không vũ trụ đại diện cho Châu Âu, Nhật Bản và Canada, liên minh quốc tế này đã bao gồm tới 15 quốc gia. Cần hơn 100 lần phóng để đưa các bộ phận lên quỹ đạo, và hơn 100 lần đi bộ ngoài không gian để lắp ráp chúng. Trạm ISS là thành tựu xuất sắc của công nghệ và hợp tác quốc tế. Nó đã tiếp nhận con người liên tục kể từ ngày mùng 2 tháng 11 năm 2000; là nơi loài người đồng thời tồn tại trên và ngoài Trái đất. Nó là cấu trúc có người ở dài nhất trong không gian, và đã được hơn 200 người từ 16 quốc gia ghé thăm. ISS là dự án quốc tế trong thời bình lớn nhất trong lịch sử.

Buổi sáng cuối cùng trên Trái đất trước khi cất cánh, tôi thức dậy vào khoảng 7 giờ... Sau khi cụng ly sâm panh với người quản lý lâu năm và những đồng nghiệp quan trọng khác, chúng tôi ngồi yên lặng trong một phút - truyền thống của Nga trước một hành trình dài. Khi chúng tôi rời tòa nhà, một tu sĩ Chính thống giáo Nga ban phước cho chúng tôi và vẩy nước thánh lên mặt mỗi người. Các phi hành gia Nga kể từ thời Yuri Gagarin đều phải trải qua từng bước này. Chúng tôi đi trên nền một bài hát Nga truyền thống, “Trava u doma”, bài hát về các nhà du hành vũ trụ Nga nhớ nhà nghe như một dàn nhạc diễu hành Liên Xô đang chơi trong lễ hội:

Và chúng tôi không mơ về tiếng gầm của sân bay vũ trụ 

Hay màu xanh, xanh thẫm giá băng này

Mà mơ về đồng cỏ, đồng cỏ gần nhà

Đồng cỏ xanh, đồng cỏ màu xanh...

Chuyển động ru chúng tôi vào trạng thái trầm ngâm. Một lúc sau, xe buýt chậm lại, rồi tới một điểm dừng ngay trước điểm phóng. Chúng tôi gật đầu với nhau, bước xuống và tiến vào vị trí của mình. Chúng tôi tháo các dải chun bịt đã được kiểm tra chống hở cẩn thận trước mặt mọi người mới một giờ trước đó. Tôi đứng ở trước bánh xe phía sau bên phải và thò tay vào trong bộ đồ Sokol của mình. Tôi không nhất thiết phải tè, nhưng đó là một truyền thống: Khi Yuri Gagarin trên đường tới điểm phóng cho lần bay đầu tiên trong lịch sử vào không gian, ông đã yêu cầu dừng xe bên đường - ngay ở đây - và tè vào bánh xe trước bên phải. Sau đó ông bay vào không gian và sống sót trở về. Cho nên giờ đây tất cả chúng tôi phải làm y hệt như vậy. Truyền thống này được tôn trọng tới mức tất cả các nhà du hành vũ trụ nữ cũng mang theo một chai đựng nước tiểu hay nước lọc để hất vào bánh xe thay vì cởi hẳn bộ đồ ra. Nghi thức này được mọi người quan sát một cách đầy thỏa mãn...

Cuốn sách của phi hành gia giữ kỷ lục 340 ngày liên tiếp sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: Omega Plus cung cấp
Cuốn sách của phi hành gia giữ kỷ lục 340 ngày liên tiếp sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Cuộc sống trên Trái đất - suy nghĩ ngày trở về

Tôi thường được hỏi rằng, chúng tôi học được những gì sau một năm trong không gian. Tôi nghĩ đôi khi người ta muốn nghe về một khám phá hay hiểu biết sâu sắc mới về khoa học, một thứ gì đó bất thình lình nảy ra trong tôi như một tia vũ trụ xuyên qua não tôi ở một khoảnh khắc xuất thần nào đó trong nhiệm vụ. Tôi chẳng có câu chuyện nào như vậy để kể. Hầu hết nhiệm vụ của tôi là những gì tôi đã chuẩn bị. Dữ liệu vẫn đang được phân tích khi tôi viết những dòng này, và các nhà khoa học rất phấn khích với những gì họ đang thấy. Sự khác biệt trong gen giữa em trai và tôi từ năm nay có thể mở ra những hiểu biết mới, không chỉ về việc du hành vũ trụ ảnh hưởng thế nào lên cơ thể của chúng tôi mà còn về việc chúng ta già đi thế nào trên Trái đất. Nghiên cứu về Sự di chuyển của dịch cơ thể mà chúng tôi thực hiện rất hứa hẹn trong khía cạnh cải thiện sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ trong những nhiệm vụ dài ngày. Nhiều kết quả và nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục xuất hiện trong nhiều năm và nhiều thập kỷ nữa dựa trên 400 thí nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện suốt năm qua. Chúng tôi không chỉ giải quyết các vấn đề và cố gắng giúp mọi thứ trong chuyến du hành của chính mình trở nên tốt hơn, mà còn nghiên cứu xem làm thế nào để khiến mọi thứ tốt hơn cho tương lai, những nhiệm vụ về sau trên trạm vũ trụ và những phương tiện du hành không gian tương lai.

Cá nhân mình, tôi đã học được rằng không thứ gì gây ngạc nhiên bằng nước. Vào đêm máy bay của tôi hạ cánh ở Houston và cuối cùng tôi cũng được về nhà, tôi đã làm chính xác những gì tôi luôn nói là sẽ làm: Tôi đi qua cửa trước, đi ra cửa sau, và nhảy xuống bể bơi, trong khi vẫn đang vận bộ đồ bay. Cảm giác được nhúng mình trong nước lần đầu tiên sau một năm trời thật khó tả. Tôi không bao giờ coi nước là thứ hiển nhiên nữa. Một phi hành gia bay cùng tôi nói rằng anh ấy cũng cảm thấy như vậy.

Tôi có cơ hội suy ngẫm về những gì mình đã học được. Tôi hiểu ra rằng mình có thể thực sự điềm tĩnh trong những tình huống xấu. Tự bản thân tôi đã biết như vậy kể từ khi tôi còn bé, nhưng điều đó được củng cố thêm chắc chắn.

Tôi đã học được cách tách bạch tâm trí tốt hơn, điều đó không có nghĩa là quên đi cảm xúc, mà thay vào đó là tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát và bỏ qua những gì mình không thể.

Tôi đã học được từ việc quan sát mẹ tôi tập luyện để trở thành một sĩ quan cảnh sát rằng những bước tiến nhỏ cộng lại thành một bước nhảy khổng lồ.

Tôi đã học được tầm quan trọng của việc ngồi lại và ăn cùng mọi người. Tôi đã hiểu rằng lại được ở bên gia đình là việc có ý nghĩa đến thế nào.

Tôi đã học được rằng hầu hết các vấn đề đều không phải thuộc về khoa học đỉnh cao, nhưng nếu nó thuộc về khoa học đỉnh cao, thì bạn nên hỏi một nhà khoa học đỉnh cao. Nói cách khác, tôi không biết hết mọi thứ, thế nên tôi đã học được cách tìm kiếm lời khuyên và chỉ bảo, và lắng nghe các chuyên gia. Tôi học được rằng một thành tựu tưởng như là do một con người hoàn thiện rất có thể có tới hàng trăm, hay thậm chí hàng nghìn bộ óc và công sức con người đằng sau nó, và tôi đã học được rằng được làm hiện thân của thành tựu đó là một đặc ân.

Tôi đã học được rằng tiếng Nga có nhiều từ vựng phức tạp hơn dùng để nguyền rủa so với tiếng Anh, và cũng có lượng từ vựng đa dạng hơn để chỉ tình bạn.

Tôi đã học được rằng một năm trong không gian chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Một năm xa cách người bạn yêu thương vừa cản trở vừa làm mối quan hệ thêm sâu đậm theo những cách thức mới. Tôi học được rằng trèo lên một quả tên lửa có thể giết chết tôi vừa là một sự đối diện với cái chết vừa là một cuộc phiêu lưu khiến tôi cảm thấy mình đang sống hơn bất cứ điều gì tôi từng trải nghiệm. Tôi học được rằng thời điểm này trong lịch sử du hành không gian của Mỹ là một ngã rẽ, nơi chúng tôi hoặc có thể tiếp tục cam kết tiến xa hơn nữa - hoặc hạ thấp tầm nhìn và thỏa hiệp với các mục tiêu của mình.

Tôi đã học được rằng mùi cỏ thật tuyệt, gió thì đáng ngạc nhiên còn mưa thì là một phép màu. Tôi sẽ cố gắng ghi nhớ chúng kỳ diệu đến thế nào trong suốt phần đời còn lại.

Tôi đã học được rằng các con gái tôi đều xuất sắc và nghị lực đến phi thường, và tôi đã bỏ lỡ một phần cuộc đời của mỗi cháu mà tôi không bao giờ có lại được nữa.

Tôi đã học được rằng việc theo dõi tin tức từ không gian có thể khiến Trái đất trở nên giống một vũng xoáy của hỗn loạn và xung đột, và thật đau đớn khi chứng kiến sự tàn phá môi trường của con người.

Tôi cũng học được rằng hành tinh của chúng ta là thứ đẹp đẽ nhất tôi từng thấy và chúng ta thật may mắn khi có nó.

Tôi học được một cách cảm thông mới với người khác, kể cả những người tôi không quen biết và những người tôi thấy bất đồng. Tôi dần dần để mọi người biết tôi đánh giá cao họ, ban đầu đôi lúc điều này có thể khiến họ thấy hơi kỳ lạ. Nó hơi khác với tính cách bình thường của tôi. Nhưng đó là thứ tôi thấy mừng là mình đã học được và hy vọng sẽ giữ được.

Tôi nói với Steve, bác sĩ hàng không vũ trụ của mình, rằng tôi đã thấy đủ khỏe để ngay lập tức trở lại làm việc sau khi trở về từ không gian, và tôi thực sự thấy thế, nhưng chỉ trong vòng vài ngày tôi cảm thấy tệ đi rất nhiều. Đó là cái giá của việc cho phép sử dụng cơ thể tôi vì mục đích khoa học. Tôi sẽ tiếp tục là đối tượng thí nghiệm cho tới cuối đời. Khoa học là một quá trình chậm rãi, và có thể mất tới nhiều năm trước khi có được một hiểu biết lớn lao hay một đột phá từ dữ liệu. Đôi khi các câu hỏi mà khoa học đặt ra lại được trả lời bằng những câu hỏi khác.

Tôi đã đi khắp đất nước và thế giới để nói về những trải nghiệm của tôi trong không gian. Thật vui khi thấy mọi người tò mò đến thế nào về nhiệm vụ của tôi, trẻ em cảm nhận theo bản năng sự phấn khích và kỳ diệu của du hành vũ trụ ra sao, và bao nhiêu người nghĩ, như tôi, rằng Hỏa tinh sẽ là bước tiếp theo.

Một bức ảnh không có trong máy tính nhưng tôi sẽ luôn nhớ tới là khung cảnh nhìn từ cửa sổ Soyuz khi chúng tôi trôi dần khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế. Mặc dù biết rõ bên trong trạm nhưng tôi mới chỉ có vài lần nhìn thấy bên ngoài trạm. Nó trông thật lạ lùng, lấp lánh ánh sáng Mặt trời phản chiếu, dài như sân bóng bầu dục, những mảng pin mặt trời trải ra rộng hơn nửa mẫu Anh (khoảng 2.023 m2). Đó là một cấu trúc cực kỳ độc đáo, bay quanh Trái đất ở vận tốc 28.164 kilômét trên giờ trong chân không, dưới nhiệt độ dao động cực độ từ -132oC đến 132oC, công trình của 15 quốc gia khác nhau trong 18 năm, của hàng nghìn con người nói những ngôn ngữ khác nhau và sử dụng những phương pháp kỹ thuật và tiêu chuẩn khác nhau. Có những khi, các môđun của trạm không bao giờ tiếp xúc với nhau trên Trái đất, nhưng chúng đều ghép khít tuyệt đối với nhau trong không gian.

Khi chúng tôi dần trôi xa, tôi biết mình sẽ không bao giờ được thấy lại nơi tôi đã sống hơn 500 ngày của cuộc đời mình. Chúng tôi sẽ không bao giờ có một trạm vũ trụ giống như thế một lần nữa trong đời, và tôi sẽ luôn biết ơn vai trò tôi đã tham gia trong thời gian tồn tại của nó. Trong một thế giới của sự thỏa hiệp và bất định, trạm vũ trụ là một thắng lợi của kỹ thuật và sự hợp tác. Đưa trạm lên quỹ đạo - vận hành nó và giữ cho nó hoạt động - là việc khó nhất mà con người từng làm, và đó là bằng chứng cho việc khi chúng ta quyết định thực hiện một việc khó khăn, nếu làm việc cùng nhau, chúng ta có thể làm mọi thứ, kể cả giải quyết những vấn đề hiện tại trên Trái đất.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Phi hành gia NASA trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sắp phá kỷ lục không gian

Bảo Châu |

Phi hành gia NASA sẽ làm việc gần một năm trên ISS - phá kỷ lục chuyến bay không gian lâu nhất của một phi hành gia Mỹ.

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Phát hiện chuyển động bí ẩn trên sao Hỏa

Song Minh |

Tin vũ trụ nóng nhất tuần qua gồm: Tàu quỹ đạo sao Hỏa phát hiện chuyển động bí ẩn trên hành tinh đỏ; Cây ớt đầu tiên nở hoa trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS; 3 ngôi sao tạo hiện tượng thiên văn kỳ thú...

Tiểu hành tinh "xương chó" kỳ lạ trong vũ trụ

Thanh Hà |

Nhóm thiên văn học ghi lại hình ảnh sắc nét và chi tiết nhất về tiểu hành tinh Kleopatra bằng Kính Thiên văn Rất Lớn (VLT) của Đài Quan sát Nam Châu Âu (ESO).

Trạm Vũ trụ Quốc tế kích hoạt báo động vì mùi khói bí ẩn

Thanh Hà |

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) kích hoạt báo động ở module dịch vụ của Nga vào ngày 9.9. Các phi hành gia đã ngửi thấy mùi nhựa cháy.

Nước uống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế chứa đầy vi khuẩn

Nguyễn Hạnh |

Các nhà nghiên cứu phát hiện nước uống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chứa đầy vi khuẩn, có thể gây hại đến sức khỏe của các phi hành gia.

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Phi hành gia NASA trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sắp phá kỷ lục không gian

Bảo Châu |

Phi hành gia NASA sẽ làm việc gần một năm trên ISS - phá kỷ lục chuyến bay không gian lâu nhất của một phi hành gia Mỹ.

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Phát hiện chuyển động bí ẩn trên sao Hỏa

Song Minh |

Tin vũ trụ nóng nhất tuần qua gồm: Tàu quỹ đạo sao Hỏa phát hiện chuyển động bí ẩn trên hành tinh đỏ; Cây ớt đầu tiên nở hoa trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS; 3 ngôi sao tạo hiện tượng thiên văn kỳ thú...

Tiểu hành tinh "xương chó" kỳ lạ trong vũ trụ

Thanh Hà |

Nhóm thiên văn học ghi lại hình ảnh sắc nét và chi tiết nhất về tiểu hành tinh Kleopatra bằng Kính Thiên văn Rất Lớn (VLT) của Đài Quan sát Nam Châu Âu (ESO).

Trạm Vũ trụ Quốc tế kích hoạt báo động vì mùi khói bí ẩn

Thanh Hà |

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) kích hoạt báo động ở module dịch vụ của Nga vào ngày 9.9. Các phi hành gia đã ngửi thấy mùi nhựa cháy.

Nước uống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế chứa đầy vi khuẩn

Nguyễn Hạnh |

Các nhà nghiên cứu phát hiện nước uống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chứa đầy vi khuẩn, có thể gây hại đến sức khỏe của các phi hành gia.