5 mũi giáp công của kinh tế Việt Nam: Đánh thức tiềm năng kinh tế ban đêm

Nhóm phóng viên |

Đón đầu sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng trong nước và làn sóng khách nước ngoài tìm đến du lịch Việt Nam nhờ hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng như các chính sách kích thích du lịch đang được đồng loạt triển khai, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải đánh thức tiềm năng kinh tế của các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h hôm trước kéo dài tới 3h sáng hôm sau.

Nguồn thu đang bị ngủ quên

Khi nghiên cứu về hoạt động phát triển kinh tế ban đêm của các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, TS Lưu Thanh Tâm (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) nhận thấy, Việt Nam đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7h đến 17h, nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ.

Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18h tối đến 3h sáng có thể mang lại doanh thu khoảng 70% lại chưa được phát triển. Rõ ràng khi không có sản phẩm ban đêm sẽ không có cách gì giữ chân được khách du lịch khi họ đến Việt Nam, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước.

Nhiều địa phương trong thời gian qua đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm nhưng theo TS Lưu Thanh Tâm, do chưa có quy hoạch hợp lý nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả. Tại nhiều địa phương, những chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít, nên không hấp dẫn du khách. Chưa kể tại một số thành phố lớn của Việt Nam, các đơn vị hành chính đều áp dụng quy định sau 24h đêm, các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý lo ngại vấn đề an ninh trật tự đối với hoạt động sau 24h. Đặt câu hỏi tại sao các doanh nghiệp, hộ gia đình có thể kinh doanh xuyên đêm phục vụ du khách mà cơ quan quản lý không làm được (?), TS Lưu Thanh Tâm cho rằng, vấn đề này cần xem xét lại nếu muốn phát triển ngành kinh tế ban đêm.

Anh Trần Thanh Việt - chủ quán Pub G.K trên phố Bảo Khánh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhiều khách du lịch nước ngoài tỏ ra bất ngờ và tiếc nuối khi buộc phải rời quán trước 24h theo quy định của thành phố.

“Vấn đề không phải là họ “nhậu” giỏi hơn người Việt mà ở đây là do thói quen, đặc thù của các tour tuyến du lịch khiến nhiều đoàn khách đến Hà Nội chỉ có thể tự do ngắm xem thành phố hay thưởng thức ẩm thực đêm sau 22h”.

Cụ thể theo anh Việt, ngoài chuyện chênh lệch múi giờ và thói quen thăm thú ban đêm, nhiều đoàn khách nước ngoài đi theo tour thường sẽ phải tham gia một lịch trình thăm quan kín đặc, từ nghe nhạc cổ truyền, xem múa rối nước, các địa điểm thăm thú tại Hà Nội, chưa kể còn di chuyển và ăn tối tại các địa chỉ được công ty du lịch đặt trước.

“Nhiều đoàn khách quay lại thành phố khá muộn, còn phải nghỉ ngơi rồi tắm táp, thay đồ. Lúc ấy muốn đi mua sắm, vào quán bar - pub với bạn bè cũng khó vì gần đến giờ đóng cửa” - anh Việt cho biết.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Là đầu tàu kinh tế với nhiều hoạt động thương mại, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy kinh tế về đêm tại TPHCM vẫn trầm lắng. Du khách nước ngoài và cả du khách trong nước cũng đều nói rằng khi tới TPHCM thì buổi tối chỉ biết ngồi quán cà phê ở khu vực trung tâm thành phố hoặc các quận lân cận, rồi giải tán vào khoảng 22h. Muốn ngồi lâu hơn thì chỉ có ra phố đi bộ Bùi Viện (quận 1). Một số địa điểm ăn uống có thể xây dựng thành phố ẩm thực về đêm như khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), phố người Hoa (quận 5), khu Phú Mỹ Hưng (quận 7)... nhưng không được sắp xếp, quy hoạch bài bản để trở thành khu ẩm thực cho du khách như các nước.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chỉ dành cho người đi dạo, dịch vụ ẩm thực hay kinh doanh mờ nhạt. Chợ đêm Bến Thành thì nổi tiếng bán hàng giả, hàng nhái, nói thách “chặt chém” du khách. Ở quận 4, nơi cũng có khá đông khách du lịch, mới đây chính quyền quận cũng đã thí điểm hoạt động Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (đường Vĩnh Khánh, quận 4). Tuy nhiên, càng về khuya, khu phố này trở nên trầm lắng do có ít hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh để níu chân du khách. Thế nên, thời gian du khách quốc tế lưu lại TPHCM trung bình chỉ 1 - 2 đêm.

Ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND quận 4 (TPHCM) - cho biết, sắp tới quận sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục công trình xây dựng tạo điểm nhấn, tạo thêm không gian ăn uống, giải trí để Phố ẩm thực Vĩnh Khánh thu hút nhiều khách du lịch hơn, phấn đấu trở thành một “sản phẩm du lịch” của quận và của thành phố.

GS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, để đánh thức tiềm năng này trước tiên TPHCM phải có cơ chế cho phép nới lỏng khung thời gian cho hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí… Khi đã nới lỏng khung thời gian, thì các hoạt động về đêm tự động diễn ra theo quy luật “cung - cầu”.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, vai trò của kinh tế ban đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy thành phố đó có tiềm năng để đầu tư hay không. “Một thành phố có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư” - ông Bảo nói.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, TPHCM đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khung giờ từ 7h đến 17h hằng ngày, nhưng những sản phẩm du lịch này chỉ mang lại 30% doanh thu.

“Không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được du khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Đặt an ninh trật tự lên hàng đầu

Đặt vấn đề kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm và từ đó tăng nguồn lực cho du lịch, TS Lưu Thanh Tâm cho rằng, yêu cầu đầu tiên khi phát triển kinh tế ban đêm là phải có khung pháp lý đầy đủ về phát triển kinh tế ban đêm cho nước ta.

Theo đó, khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước để tránh những biến tấu, tệ nạn phát sinh. Thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở các nước cho thấy có những biến tấu, nhưng họ cũng đã kiểm soát khá tốt. Vì vậy, các cơ quan quản lý không nên cấm đoán khi thấy khó quản lý những dịch vụ về đêm.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, rõ ràng thành phố cần bắt nhịp với xu hướng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế về đêm nhưng khi xây dựng kinh tế ban đêm phải có lộ trình, nhất là phải bảo đảm an ninh trật tự. Trước mắt, UBND TPHCM yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án kinh tế đêm, hạn chế vận tải hàng hóa vào ban ngày và chuyển dần việc giao nhận sang ban đêm. Việc này giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm, đồng thời tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân. Các khung giờ trong ngày cũng bắt đầu được tận dụng hợp lý cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trao đổi với Lao Động, đại úy Dương Danh Đạt (nguyên Phó trưởng Công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Kinh tế đêm là đề án rất hay, tuy nhiên sẽ còn có nhiều vướng mắc bất cập. Liên quan đến lực lượng, nếu làm kinh tế đêm mà để duy trì đảm bảo an ninh trật tự, kể cả trật tự đô thị chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Còn đối với các cơ sở kinh doanh, một là cần phải đảm bảo các tiêu chí để tránh ảnh hưởng đến những người dân sống xung quanh. Đặc biệt là địa bàn phố cổ số hộ đông nên trường hợp mà không thực hiện theo đúng quy định chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản ứng.

“Nếu làm phân khu các tuyến phố hay cụm dân cư nhỏ thì rất khó để tạo sự đồng thuận. Đã kinh doanh thì phải ở mặt tiền chứ không ai chui vào trong ngõ. Phát triển rất tốt nhưng sẽ không tránh được các ý kiến trái chiều bởi cuộc sống của nhân dân” - đại úy Đạt nói thêm.

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước.

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Chính thức dừng hoạt động Chợ đêm Phú Quốc

Lục Tùng |

Từ ngày 16.3, chính thức tạm dừng hoạt động Chợ đêm Phú Quốc (Phú Quốc – Kiên Giang) để phòng, chống dịch COVID-19.

Tiểu thương chợ đêm lớn nhất Hà Nội tự bảo vệ mình trước dịch Corona

Phạm Đông |

Để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra, nhiều tiểu thương chợ Long Biên đã chủ động tìm hiểu về công tác phòng chống dịch bệnh.

Người lao động ở chợ đêm giữa nỗi lo dịch virus Corona

Trần Kiều |

Đêm là thời điểm những người mưu sinh tại các khu chợ đầu mối tất bật bắt đầu công việc. Điều kiện môi trường làm việc nặng nhọc và luôn đông đúc người qua lại tiềm ẩn nguy cơ bị lây nhiễm virus Corona cao. Trong nỗi lo dịch virus Corona, mỗi người lao động ở chợ đêm lại có cách phòng tránh dịch cho riêng mình. 

Kinh tế đêm: Manh mún chợ đêm "sao chép" và quán bar "xập xình"

THUỲ TRANG |

Kinh tế đêm được ví như mỏ vàng của những địa phương, lấy ngành du lịch làm mũi nhọn. Thế nhưng, nếu cứ phát triển manh mún với vài ba cái chợ đêm giống hệt nhau, vài quán xá mở nhạc xập xình ngay giữa khu dân cư thì người dân địa phương không chịu nổi, du khách cũng chẳng mặn mà để bỏ tiền ra hưởng thụ.

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Cận Tết, người tiêu dùng "méo mặt" vì phí ship tăng cao

Nhóm PV |

Bận rộn với công việc, bạn Nguyễn Hồng Phúc tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa lên mạng đặt ship quà Tết về biếu bố mẹ. Ấy thế nhưng ngay khi vừa nghe bên cửa hàng báo phí ship, Phúc giật mình ngã ngửa bởi phí ship quá cao.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Chính thức dừng hoạt động Chợ đêm Phú Quốc

Lục Tùng |

Từ ngày 16.3, chính thức tạm dừng hoạt động Chợ đêm Phú Quốc (Phú Quốc – Kiên Giang) để phòng, chống dịch COVID-19.

Tiểu thương chợ đêm lớn nhất Hà Nội tự bảo vệ mình trước dịch Corona

Phạm Đông |

Để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra, nhiều tiểu thương chợ Long Biên đã chủ động tìm hiểu về công tác phòng chống dịch bệnh.

Người lao động ở chợ đêm giữa nỗi lo dịch virus Corona

Trần Kiều |

Đêm là thời điểm những người mưu sinh tại các khu chợ đầu mối tất bật bắt đầu công việc. Điều kiện môi trường làm việc nặng nhọc và luôn đông đúc người qua lại tiềm ẩn nguy cơ bị lây nhiễm virus Corona cao. Trong nỗi lo dịch virus Corona, mỗi người lao động ở chợ đêm lại có cách phòng tránh dịch cho riêng mình. 

Kinh tế đêm: Manh mún chợ đêm "sao chép" và quán bar "xập xình"

THUỲ TRANG |

Kinh tế đêm được ví như mỏ vàng của những địa phương, lấy ngành du lịch làm mũi nhọn. Thế nhưng, nếu cứ phát triển manh mún với vài ba cái chợ đêm giống hệt nhau, vài quán xá mở nhạc xập xình ngay giữa khu dân cư thì người dân địa phương không chịu nổi, du khách cũng chẳng mặn mà để bỏ tiền ra hưởng thụ.