Xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định: Tung hoành giữa Thủ đô

NHÓM PV |

Để hiểu rõ hơn phương thức vận hành của những xe hợp đồng này, PV đã nhập vai là những hành khách có nhu cầu đi từ Hà Nội về các địa phương. Những ngày rong ruổi trên các chuyến xe hợp đồng, mới thấy sự “lộng hành”, ngang nhiên hoạt động đón, trả khách với mật độ dày đặc, trên một cung đường cố định của các nhà xe này.

Rất nhiều lượt xe limousine 11 chỗ ra vào Thủ đô mỗi ngày, lập “bến cóc” đón trả khách như chỗ không người. Trong khi đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền gần như vắng bóng để mặc cho nhà xe tự tung tự tác...

Sân bay cũng... thành "bến cóc"

Tiếp tục trong vai là hành khách muốn đi từ Hà Nội về thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), PV đã liên lạc với số điện thoại 19001500 của nhà xe Hà Nội Limo (Công ty TNHH Hà Nội Limo).

Nói về giờ giấc chạy của nhà xe, nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết: “Xe sẽ chạy từ 7h30 sáng, sau mỗi tiếng sẽ có thêm 1 chuyến xe”. Cứ như vậy, đơn vị này “tung” nhiều lượt xe vào nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xuống TP.Việt Trì, nhân viên này cho biết, xe sẽ chạy đường cao tốc về thẳng thị xã Phú Thọ. Song nếu cần hành khách cũng có thể xuống xe trên cao tốc để về được điểm gần nhất. Điểm đón và trả khách sẽ tận nơi khách yêu cầu, chính vì vậy "thượng đế" tha hồ lựa chọn.

 
Xe Hà Nội Limo đón khách ngay tại văn phòng số 17 đường Cầu Giấy. Ảnh: PV.

Nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết: Nếu anh chị xuất phát tại Cầu Giấy, vui lòng ra địa chỉ 17 Cầu Giấy – văn phòng công ty để lên xe.

8h30' sáng 6.7, chúng tôi có mặt tại đây.

Cứ ngỡ chọn ngày giữa tuần, chúng tôi ra văn phòng sẽ đón được xe ngay lập tức. Tuy nhiên, do chưa đặt chỗ nên chuyến lúc 8h30' đã kín ghế. Sau đó, nhân viên trực tổng đài khuyên chúng tôi chỉ cần chờ đợi 1 tiếng, sẽ có xe tiếp theo đến đây đón khách.

Nhân viên này không quên dặn dò chúng tôi phải đặt chỗ trước bằng cách cung cấp tên, số điện thoại liên hệ. Trước 30 phút lên xe, đích thân lái xe sẽ gọi cho khách hàng để “giục” đến “bến” đúng giờ.

Quả thật, đúng 9h sáng, chiếc xe limousine của nhà xe Hà Nội Limo đã đỗ ngay trước cửa văn phòng công ty ở 17 Cầu Giấy. Lái xe kiểm tra trên app về tên, số điện thoại của hành khách và gọi điện cho từng người.

9h30' xe chính thức lăn bánh với 4 hành khách. Tay cầm vô lăng, lái xe liên tục kiểm tra app đặt xe để đón khách ở những điểm tiếp theo. Xe dừng bánh trên hai điểm ở đường Bưởi và Võ Chí Công để đón thêm 2 hành khách.

 
Lái xe điều khiển vào sân bay Nội Bài để đón khách. Ảnh: PV.

Di chuyển theo hướng cầu Nhật Tân, chúng tôi nghĩ xe sẽ đi một mạch theo đường cao tốc về thị xã Phú Thọ. Song, đến sân bay Nội Bài, phương tiện này mua vé vào sân bay, sau đó lao vun vút vào khu vực sảnh đón khách của sân bay trong sự ngỡ ngàng của khách hàng.

Khách trong sân bay được yêu cầu đứng sẵn ở điểm chờ, khi gọi điện nhận diện được hành khách, lái xe nhanh nhảu xuống mở cốp, cất đồ và mở cửa để khách lên xe. Những thao tác này diễn ra rất nhanh chóng.

Lái xe chia sẻ, phía công ty yêu cầu tài xế phải chạy đúng giờ. Mỗi ngày, người này trung bình sẽ chạy được 4 lượt, cao điểm sẽ lên đến 6 lượt. Nếu hành khách đến “bến”, ra muộn ảnh hưởng đến giờ chạy khiến lái xe không thể kịp ăn trưa, ăn tối.

Sau khi đón đủ khách, xe chạy băng băng 1 giờ 45 phút về thẳng văn phòng nhà xe Hà Nội Limo ở phường Âu Cơ (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Đến đây, lái xe mới tiến hành thu "tiền tươi thóc thật" của hành khách là 180.000 đồng/người.

 
Dù phải trả tiền, nhưng hành khách không phải kí bất kì hợp đồng nào và cũng không có vé xe. Ảnh: PV.

Hành khách đến thị xã Phú Thọ sẽ xuống xe, còn ai đi về huyện Thanh Ba lại tiếp tục hành trình. Hành khách không phải ký bất kì hợp đồng nào và cũng không có vé xe. Việc khách đến, khách đi, chỉ có nhà xe quản lý trên hệ thống phần mềm của mình. Xe hợp đồng chỉ là cái cớ để nhà xe này "trá hình" chạy tuyến cố định đón trả khách.

Xe hợp đồng chỉ là cái cớ để "lách luật"

Tiếp tục trong vai người có nhu cầu đi Thái Bình, không khó để PV có thể đặt 1 "ghế" về tỉnh này của nhà xe Phiệt Học – Công ty TNHH TM&DV Vận tải Phiệt Học.

Nhà xe này đón trả khách ở rất nhiều khu vực như 3 điểm ở Giáp Bát, đường Mỹ Đình, Nguyễn Xiển, gần Siêu thị Big C, đường Phạm Văn Đồng, phổ biến hơn cả là điểm ở đường Trương Công Giai (cổng công viên Cầu Giấy)… Như vậy, xe Phiệt Học sẽ gom được khách ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội về Thái Bình.

13h30 ngày 4.6, chúng tôi lên xe limousine của nhà xe Phiệt Học tại điểm đón số 88 Trương Công Giai. Di chuyển một đoạn đường đến gần khu vực siêu thị Big C, lái xe đón thêm một hành khách cùng hàng gửi về Thái Bình.

Cũng tương tự như nhà xe Hà Nội Limo, khi đi hết cao tốc gần về địa phận tỉnh này, lái xe mới tiến hành thu tiền của hành khách. Xe dịch vụ này chạy tuyến cố định, hoạt động công khai, thu trực tiếp tiền từ người dân mà không hề phát vé, ký kết hợp đồng nào.

 
Hành khách muốn di chuyển đến các điểm khác, nhà xe Phiệt Học sẵn sàng đưa họ về tận nhà. Ảnh: PV.

Sau 2 giờ đồng hồ di chuyển, PV đã có mặt ở Trung tâm điều hành nhà xe Phiệt Học có địa chỉ số 235 Trần Thái Tông (TP.Thái Bình). Hành khách muốn di chuyển đến các điểm khác, nhà xe sẵn sàng đưa họ về tận nhà.

Ghi nhận của PV, quanh khu vực Trung tâm điều hành nhà xe Phiệt Học có nhiều xe limousine của hãng này đang dừng đỗ. Các xe liên tục xuất hiện trước cửa văn phòng để đón, trả và trung chuyển hành khách.

Một nhân viên của nhà xe Phiệt Học cho hay, hiện nhà xe này có 29 xe Limousine chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội. Trung bình cách mỗi tiếng sẽ có một chuyến từ sáng sớm đến 20h tối.

Tại Hà Nội, nhà xe sẽ đón, trả tại điểm, còn ở Thái Bình thì hành khách sẽ được đón tận nhà. “Ở đây (Thái Bình - PV) thì dễ hơn, còn ở Hà Nội không đón tận nhà được”- nhân viên này nói.

Chiều cùng ngày, PV đặt vé xe limousine Hà Hải (địa chỉ 167 Lê Lợi, TP.Thái Bình) để di chuyển về Hà Nội và được hẹn đến 19h30 có mặt ở văn phòng xuất phát.

Thời điểm xuất phát, trên xe đã đón 6 hành khách. Sau đó, lái xe tiếp tục đón thêm 2 hành khách ở dọc đường. Giá vé cho lộ trình từ TP.Thái Bình - Hà Nội là 160.000 đồng/người.

 
Sau khi đủ khách, lái xe dừng xe và tiến hành thu tiền xe. Ảnh: PV.

Lái xe này cho biết, để đăng ký 2 điểm đón trả khách ở khu vực quận Cầu Giấy (37 Nguyễn Quốc Trị và 95 Trần Thái Tông - PV), mỗi tháng nhà xe phải "chung chi" tiền cho cơ quan chức năng.

Cũng theo lái xe này, ngoài các địa điểm trên, nhà xe còn đón trả ở Rạp xiếc Trung ương (số 77 Trần Nhân Tông). “Còn nếu khách ở những tuyến đường khác mà mình đến đón trả, bị phát hiện là bị lập biên bản ngay” – lái xe này nói.

Theo lái xe, việc chạy xe trên danh nghĩa hợp đồng sẽ đỡ được rất nhiều khoản chi phí, bởi nếu mua được một lốt cho chiếc xe này được đón trả khách ở bến xe Mỹ Đình phải chi ra 1 tỉ thì may ra mới mua được.

Tuy nhiên, ở Thái Bình, Nam Định,... không cho đón trả khách ở bến xe này mà chỉ được trả ở bến Nước Ngầm. Vì vậy, bắt đầu sinh ra những xe trên danh nghĩa hợp đồng.

Hàng ngày, rất nhiều xe hợp đồng ra, vào thủ đô đón trả khách. Trên những tuyến xe phóng viên khảo sát, những phương tiện này vô tư đỗ, đón trả khách ở nhiều tuyến đường. Song không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý.

Các xe hợp đồng đều chung một phương thức hoạt động trá hình như tuyến cố định, thản nhiên ra vào Thủ đô mỗi ngày. Điều này gây ra tình trạng thất thu thuế nghiêm trọng.


NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định: Công viên, rạp xiếc... thành "bến cóc"

NHÓM PV |

Mỗi ngày, có rất nhiều chuyến xe gắn mác hợp đồng nhưng vận chuyển hành khách theo khung giờ và tuyến đường cố định từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội. “Núp bóng” giấy phép chạy xe hợp đồng, những phương tiện này không vào bến, mà tận dụng trước cửa văn phòng, hoặc lập “bến cóc” là nơi đón trả khách. Chỉ cần gọi điện theo đường dây nóng hay đặt qua ứng dụng của nhà xe, hành khách sẽ được hướng dẫn đến “bến” gần nhất, hoặc đón ngay dọc đường.

Xe dù, phí bến bãi... đè nặng lên "vai" doanh nghiệp vận tải hành khách

Tô Thế |

Hà Nội - "Xe dù, bến cóc", phí bến bãi cao, lượng khách ít... đang là những áp lực đè nặng lên "vai" các doanh nghiệp vận tải hành khách sau khi vận tải hành khách liên tỉnh được hoạt động trở lại.

Hà Nội: Ngang nhiên lập bến cóc giao nhận hàng hóa

Minh Hạnh |

Trên các tuyến đường của Hà Nội như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Ba La, Quang Trung (Hà Đông), hàng loạt bến cóc ngang nhiên được mở ra để giao nhận, vận chuyển hàng hóa trái phép, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định: Công viên, rạp xiếc... thành "bến cóc"

NHÓM PV |

Mỗi ngày, có rất nhiều chuyến xe gắn mác hợp đồng nhưng vận chuyển hành khách theo khung giờ và tuyến đường cố định từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội. “Núp bóng” giấy phép chạy xe hợp đồng, những phương tiện này không vào bến, mà tận dụng trước cửa văn phòng, hoặc lập “bến cóc” là nơi đón trả khách. Chỉ cần gọi điện theo đường dây nóng hay đặt qua ứng dụng của nhà xe, hành khách sẽ được hướng dẫn đến “bến” gần nhất, hoặc đón ngay dọc đường.

Xe dù, phí bến bãi... đè nặng lên "vai" doanh nghiệp vận tải hành khách

Tô Thế |

Hà Nội - "Xe dù, bến cóc", phí bến bãi cao, lượng khách ít... đang là những áp lực đè nặng lên "vai" các doanh nghiệp vận tải hành khách sau khi vận tải hành khách liên tỉnh được hoạt động trở lại.

Hà Nội: Ngang nhiên lập bến cóc giao nhận hàng hóa

Minh Hạnh |

Trên các tuyến đường của Hà Nội như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Ba La, Quang Trung (Hà Đông), hàng loạt bến cóc ngang nhiên được mở ra để giao nhận, vận chuyển hàng hóa trái phép, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.