Chiếc máy scan phủ bụi

Cẩm Văn |

Một thời gần gũi và thường chễm chệ ở vị trí trang trọng nhất giữa phòng thư ký tòa soạn, chiếc máy quét ảnh hiệu Epson giờ nằm im lìm trong kho kỹ thuật ở tầng 4 trụ sở Báo Lao Động trên đường Phạm Văn Bạch (Hà Nội) như dấu tích cho một thời làm báo chật vật, thiếu vắng những công nghệ hỗ trợ hiện đại.

“Phách lại ngay đi...”

Đó là quãng cuối năm 2002 dương, cái lạnh đầu mùa xuyên thấu chiếc áo kaki mỏng tôi vội mang theo trên chuyến xe đò cuối ngày đang chầm chậm tiến vào thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Hôm nay là một ngày trọng đại với người dân Sơn La và là một sự kiện được báo chí, truyền hình cả nước săn đón.

Hôm nay, những hộ dân đầu tiên của xã Ít Oong, huyện Mường La quyết định dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn ngàn đời, bỏ lại hết sau lưng những ruộng nương màu mỡ trải dài liên tiếp hai bên bờ sông Đà. Họ đang làm một cuộc đại di cư lịch sử xuống bản mới dưới Tân Lập - Mộc Châu, một cuộc hành trình dài cả trăm cây số vì công trình mang tầm vóc quốc gia - thủy điện Sơn La...

Cả thị trấn Mộc Châu lúc ấy không có đến một cửa hàng cho thuê máy tính, phố núi chìm trong bóng tối và hiu hắt trong cái lạnh ngày càng tê buốt. Tôi phi vội về phía bưu điện thị trấn, quăng chiếc balô phủ đầy bụi đất xuống dưới gầm chiếc bàn dành cho người đến viết thư và tốc ký thật nhanh 2 trang giấy A4, cho kịp ghi lại những diễn biến chính trong ngày. Tôi nhớ đâu đó những gương mặt chuẩn bị phải dời xa đất cũ, những cảnh bà mẹ dắt theo đám con nhỏ với ngổn ngang nồi niêu xoong chảo, những đám đàn ông cố xếp thật nhiều càng tốt những gì có thể trên chuyến xe chuẩn bị khởi hành...

Tiếng chiếc máy fax rít lên những tiếng tè tè, rè rè thường vốn rất khó chịu nhưng với tôi lúc ấy, nó lại là một thứ âm thanh rất đỗi vui nhộn, báo hiệu một bản tin nóng đang được gấp gáp chuyển về tòa soạn, một công đoạn phiền phức nhưng cũng quyết định toàn bộ việc bài viết có kịp lên trang số báo Lao Động ngày mai. Tôi nhẹ người khi trực ban Thư ký tòa soạn thông báo bản fax rõ chữ, rõ dòng và đội nhập liệu (nhập lại bài viết trên máy tính) đang chia người làm cho kịp tiến độ.

Quãng thời gian ấy, cái chuyện rõ chữ, rõ dòng trong bản fax chuyển về tòa soạn nó quan trọng lắm vì đâu đó không ít lần, phía đầu dây bên kia, ông trực ban Thư ký tòa soạn thường quát lác rất lớn: “Phách (fax) lại ngay đi, bảo nó chậm chậm thôi, cái trang sau méo lắm, mất mấy dòng rồi”. Hay có hôm hăng tiết hơn còn nạt nộ: “Mày ăn to nói lớn viết chữ nó cũng to to ra một tí, bọn nhập tếch (text) nó chả đọc được đây này...”.

“4 nghìn 2 trang” – cô bưu thư thông báo như thể cũng vừa hoàn thành một sứ mệnh trọng đại.

Tỏa sáng như một ngôi sao

Sau chuyến ấy, ông Trưởng ban Kinh tế sai tôi lên Thông tấn Xã Việt Nam, số 5 Lý Thường Kiệt mua ảnh minh họa cho các bài viết của ban, dĩ nhiên vẫn là những bức ảnh được in trên giấy, ghi rõ ở mặt sau thông tin người chụp, địa điểm và thời gian chụp, chi tiết như properties trên những bức ảnh số ngày nay. Ông trưởng ban không quên nhắn với theo là phải lấy hóa đơn đấy nhá, léng phéng là chết với ông...

Cả cơ quan lúc bấy giờ trông mong vào “tủ thuốc” của Tổ trưởng Tổ ảnh Hoàng Luật, một phóng viên ảnh già, kỹ tính và cực kỳ ngăn nắp. Lúc ấy chưa có nhiều máy ảnh số, chiếc Nikon Coolpix đời đầu màu đen hiếm hoi và duy nhất của Thư ký tòa soạn lúc ấy chỉ được ưu ái cho những sự kiện nóng, gấp gáp về giờ giấc và cần cho ra ảnh ngay. Tôi nhớ đó là một chiếc máy ảnh còi cọc đến tội nghiệp so với hệ thống máy ảnh dùng phim của báo lúc bấy giờ và cho ra một thứ ảnh nhạt nhòa mà theo như lời của phóng viên ảnh kỳ cựu Lê Anh Tuấn là “chả ra làm sao”.

Tác giả chụp ảnh cùng trẻ em bản Nà Tòng, xã Ít Ong (Mường La, Sơn La) sau thời điểm nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, phát điện. Ảnh: Cẩm Văn
Tác giả chụp ảnh cùng trẻ em bản Nà Tòng, xã Ít Ong (Mường La, Sơn La) sau thời điểm nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, phát điện. Ảnh: Cẩm Văn

Các bài viết lúc bấy giờ phóng viên cũng phải in ra giấy, ghi rõ số chữ, không quên kẹp thêm ảnh minh họa theo bài, mà thường là hiếm khi ảnh với nội dung bài trùng khớp với nhau đến 100%. Một phần lớn những bài viết còn lại đều trông mong vào tủ ảnh của Tổ trưởng Hoàng Luật, một chiếc tủ gỗ cao độ mét tám được chia thành hàng chục ngăn nhỏ, sắp xếp ảnh theo từng lĩnh vực - ngành nghề, vuông vắn và ngăn nắp như những ngăn tủ thuốc bắc thường thấy trên phố thuốc Lãn Ông.

Và lúc này đây, chiếc máy scan ảnh hiệu Epson tỏa sáng như một ngôi sao trên sân khấu Thư ký tòa soạn, những tiếng rẹc rẹc soẹt soẹt quét ảnh kéo dài liên hồi tận mỗi đêm ở trung tâm nghiệp vụ Báo Lao Động, lúc bấy giờ nằm trong ngõ 167 Tây Sơn. Epson như một ngôi sao đích thực, sôi động, tất bật và kiêu sa, như thể tôi mà lăn ra ốm, đố các ông in được báo ngày mai...

Lao Động ở thời mã hóa

Rồi một sáng đẹp giời, ồ ạt máy tính về, những chiếc máy mới thơm nồng mùi công nghệ hiện đại xếp dài ngay ngắn trên bàn làm việc của mỗi phóng viên, những chiếc máy tính chipset 486, 586... thời nào giờ lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho một hệ thống hoàn toàn mới, kết nối mạng nội bộ liên thông với nhau và lướt web mịn màng như nhung. Cánh phóng viên gõ bài nhoay nhoáy trên máy tính, tự tin kèm thêm ảnh kỹ thuật số và không quên mở thêm cửa sổ Yahoo Messenger xem trưa nay có cô bạn gái nào hẹn ăn trưa...

Cuộc lột xác mới chỉ bắt đầu, bài báo viết tay fax vội về tòa soạn cho kịp bản in sáng mai hay một chiếc máy scan ảnh phủ bụi trong kho kỹ thuật tầng 4 giờ nhường chỗ cho một Lao Động với hệ thống truyền tin trực tiếp từ hiện trường theo chuẩn HEVC - công nghệ mã hoá, truyền dẫn video mới nhất của thế giới ở thời điểm hiện tại. Cánh phóng viên giờ có thể sử dụng camera chuyên dụng hoặc đơn giản chỉ là điện thoại thông minh, tường thuật trực tiếp hình ảnh chất lượng cao từ hiện trường về toà soạn thông qua mạng viễn thông di động để biên tập, kiểm duyệt và xuất bản trực tiếp trên các kênh phân phối nội dung đa phương tiện của báo.

Chưa kể với việc thiết lập mạng sản xuất - phân phối hình ảnh NDI, tích hợp trực tiếp vào trường quay đa phương tiện, Lao Động giờ có thể dễ dàng đồng bộ tín hiệu hình ảnh giữa trường quay trung tâm đặt tại toà soạn và trường quay đặt tại các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện. Với mạng sản xuất này, phóng viên của báo có thể dễ dàng thực hiện các chương trình cầu truyền hình chất lượng cao, dễ dàng kết nối tín hiệu, ghi âm, ghi hình từ xa với nhân vật khách mời phỏng vấn ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới thông qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh để phục vụ cho các bản tin video và podcast hằng ngày...

Tôi cứ tiếc mãi hình ảnh những gương mặt chuẩn bị phải dời xa đất cũ ở Ít Ong - Mường La, những cảnh bà mẹ dắt theo đám con nhỏ với ngổn ngang nồi niêu xoong chảo, những đám đàn ông cố xếp thật nhiều càng tốt những gì có thể trên chuyến xe chuẩn bị khởi hành cho cuộc đại di cư mang tầm vóc lịch sử. Những hình ảnh mà ở thời điểm này, nhờ những đột phá công nghệ, bạn đọc có thể dễ dàng đồng cảm khi được xem trực tiếp trên Lao Động, theo thời gian thực....

Cẩm Văn
TIN LIÊN QUAN

Học nhiều điều bổ ích cho công việc từ Báo Lao Động

Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại phía Nam |

Cách đây 1/4 thế kỷ, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, lứa chúng tôi đã “thần tượng” nhiều bài viết, nhiều nhà báo nổi tiếng của Báo Lao Động - khi đó mới chỉ có phiên bản báo giấy. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kể từ khi Báo Lao Động điện tử ra đời, Báo Lao Động đã trở thành “khẩu vị” quen thuộc và một kênh thông tin quan trọng hằng ngày đối với tôi suốt nhiều năm qua.

Thắng lợi to lớn và những khó khăn đến gần

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1975 - 1985 đánh dấu những thăng trầm to lớn của Báo Lao Động. Đó là thời kỳ đỉnh cao sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng cũng là vực sâu khi đứng trước cuộc khủng hoảng báo chí tới gần...

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.

Không ký biên bản vì cho rằng mức vi phạm quá cao, và có... học luật

Chân Phúc - Nguyễn Ly |

TPHCM - Thừa nhận có uống bia, tuy nhiên cho rằng nồng độ cồn được kiểm tra ra là quá cao, người đàn ông quyết không ký biên bản.

Nhận định chứng khoán 27.2 - 3.3: Thị trường tiếp tục bi quan

Thái Mạnh |

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua từ 27.2 - 3.3, tiếp tục trải qua nhiều phiên biến động khi NĐT vẫn đang chờ đợi và quan sát trong giai đoạn trống thông tin. Đặc biệt khối ngoại liên tục có những phiên bán ròng khiến VN-Index lùi về mốc 1.024 điểm ngay trong những phiên đầu tháng 3.

TPHCM : Động vật hoang dã quý hiếm liên tục xuất hiện ở khu dân cư

TUỆ NHI |

TPHCM - Thời gian qua, tại TPHCM, nhiều động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp liên tục xuất hiện và được người dân bắt giữ, giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TPHCM.

Sức mua suy giảm, tiểu thương gặp khó

Đỗ Hạnh |

Chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm khiến nhiều hộ kinh doanh tại một số trung tâm thương mại phải đóng cửa. Các tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống cũng đang gặp khó khi sức mua của người dân giảm.

Giảm nghèo bền vững - Bài toán nan giải của địa phương

VĂN SỸ |

Những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, thực tế cho thấy công tác này còn không ít hạn chế, khó khăn. Làm thế nào để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo vẫn là bài toán nan giải với hầu hết các địa phương mà Bạc Liêu là một điển hình.

Học nhiều điều bổ ích cho công việc từ Báo Lao Động

Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại phía Nam |

Cách đây 1/4 thế kỷ, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, lứa chúng tôi đã “thần tượng” nhiều bài viết, nhiều nhà báo nổi tiếng của Báo Lao Động - khi đó mới chỉ có phiên bản báo giấy. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kể từ khi Báo Lao Động điện tử ra đời, Báo Lao Động đã trở thành “khẩu vị” quen thuộc và một kênh thông tin quan trọng hằng ngày đối với tôi suốt nhiều năm qua.

Thắng lợi to lớn và những khó khăn đến gần

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1975 - 1985 đánh dấu những thăng trầm to lớn của Báo Lao Động. Đó là thời kỳ đỉnh cao sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng cũng là vực sâu khi đứng trước cuộc khủng hoảng báo chí tới gần...

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.