HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO LAO ĐỘNG XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (14.8.1929-14.8.2022):

Thắng lợi to lớn và những khó khăn đến gần

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1975 - 1985 đánh dấu những thăng trầm to lớn của Báo Lao Động. Đó là thời kỳ đỉnh cao sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng cũng là vực sâu khi đứng trước cuộc khủng hoảng báo chí tới gần...

Báo Lao Động Mới sáp nhập với Báo Lao Động

Ngày 30.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc.

Lịch sử Báo Lao Động cũng vì thế mà sang trang mới.

Một số biên tập viên, phóng viên ngay trong ngày 1.5 được lệnh bằng mọi cách vào Sài Gòn giúp Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam ra tờ báo mới. Trong số đó có Tống Văn, Xuân Mai, Thuỷ Nguyên, Thanh Bình...

Báo Lao Động từ số nhà 51 Hàng Bồ, Hà Nội bằng mọi cách chuyển lên xe của Tổng Công đoàn đi xuyên Việt vào phát hành trong Sài Gòn.

Mỗi trang báo là một hiện vật quý giá trong tay người lao động mới giải phóng. Toàn thể tòa soạn ý thức rằng, mỗi câu chữ trên báo không phải chỉ nói với bạn đọc miền Bắc, mà đang nói với bạn đọc cả nước. Nhưng như thế khác nào muối bỏ biển. Bằng mọi giá phải sớm ra tại chỗ một tờ Lao Động.

Ngày 24.8.1975, tờ Lao Động Mới, cơ quan của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam, số 1 ra mắt bạn đọc miền Nam. Ban Thư ký Tổng Công đoàn yêu cầu Toà soạn Báo Lao Động bằng mọi cách chi viện cho tờ Lao Động Mới, coi nó như tờ Lao Động hiện diện ở miền Nam.

Trên trang 1, số 1, Lao Động Mới chào mừng bạn đọc: “Công nhân, lao động chúng ta đang sống trong những ngày hội lớn xây dựng đất nước, xây dựng đời sống văn minh và một nền văn hoá tiến bộ. Trong suy nghĩ đó, chúng ta cần ánh sáng soi đường của Đảng Lao Động Việt Nam, đảng tiền phong của giai cấp công nhân; cần bàn tay dìu dắt của tổ chức công đoàn để không ngừng phát huy trí tuệ và sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ. Lao Động Mới xin đáp ứng một phần xứng đáng yêu cầu đó của các bạn”.

Từ ngày 6 - 8.6.1975, tiến hành Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định hợp nhất công đoàn cả nước, lấy tên là Tổng Công đoàn Việt Nam..., lấy Báo Lao Động làm cơ quan ngôn luận của Tổng Công đoàn Việt Nam.

Báo Lao Động Mới sáp nhập với Báo Lao Động.

Thời kỳ này, Báo Lao Động đứng trước nhiệm vụ mới và thử thách mới. Trụ sở báo tại 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Bạn đọc thấy ở những dòng cuối của trang cuối các số báo Lao Động ra trong thời gian này ghi thêm một dòng chữ: “Phân tòa soạn tại miền Nam: 120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh”.

Dòng chữ khiêm nhường nhưng đó là kết quả biết bao năm đấu tranh máu lửa của nhân dân và giai cấp công nhân Việt Nam. Sau này, địa chỉ 120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trở nên thân thuộc với bạn đọc cả nước.

Năm 1979, Tổng Biên tập Lê Văn qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ông Trần Nhật Dụ, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, Thư ký Liên hiệp Công đoàn các cơ quan trung ương được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập.

Kỷ niệm thành lập Báo Lao Động năm 1978
Kỷ niệm thành lập Báo Lao Động năm 1978.

Trong điều kiện mới, báo phát hành tuần một số

Một thời kỳ mới bắt đầu, Ban Biên tập báo chủ trương đổi khổ báo và ra báo tuần. Sau Hội nghị hợp nhất công đoàn toàn quốc, báo ra tuần một kỳ vào ngày thứ Năm, 8 trang khổ 35 x 40cm. Có sự thay đổi trên vì trong điều kiện mới báo không thể đáp ứng yêu cầu thông tin hàng ngày. Điều kiện vận chuyển lúc đó, báo in ở Hà Nội đến tay bạn đọc ở miền Nam thì đã quá chậm. Bởi vậy phương án tối ưu lúc đó là thực hiện báo tuần, đề cập các vấn để theo chiều sâu.

Thời đó, mô hình một tờ Lao Động tuần thường bao gồm một số trang mục như sau: Các trang 1 và 3 dành cho xã luận và chuyên để phục vụ cho xã luận thường là các vấn đề chính trị, kinh tế; Trang 2 dành cho tin hoạt động công đoàn, bình luận chuyên đề công đoàn; Các trang 4, 5 dành cho văn hoá, xã hội; Trang 6 dành cho chuyên đề quốc tế; Trang 7 trả lời bạn đọc và Truyện dài nhiều kỳ; Trang 8 dành cho mục Vài phút nghỉ tay gồm tranh vui, chuyện vui, thư châm biếm, mẩu chuyện cười... và các tiểu phẩm.

Thời gian này bắt đầu xuất hiện những phóng viên đầu tiên tốt nghiệp đại học Khoa Báo chí Trường Đại học Tuyên giáo trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng như: Trần Thị Mỹ Hạnh, Độ Gia Chất, Thanh Thuỷ, Bùi Việt Sĩ… Tuy nhiên, làm nòng cốt cho các phòng biên tập vẫn là những biên tập viên, những cây bút trưởng thành từ đại học cuộc đời của báo như: Nguyễn Huy Đan, Phạm Văn Nhàn, Thái Giang… Lực lượng này đã phấn đấu cải tiến tờ báo theo nhịp điệu phát triển của cuộc sống.

Ngày 18.1.1978, tin vui đến với báo khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định tặng thưởng Báo Lao Động Huân chương Lao Động hạng Nhất đánh dấu 35 năm phát triển (từ năm 1943) và công lao của tờ báo của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đến năm 1983, trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm (từ năm 1943), Báo Lao Động lại được thưởng Huân chương Lao Động hang Ba.

Khủng hoảng và suy thoái

Tuy nhiên, trong những ánh hào quang đó, vào những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, đã bắt đầu có những dấu hiệu của khủng hoảng và suy thoái. Thoạt tiên là sự phai nhạt cảm tình của bạn đọc miền Nam sau những vồ vập ban đầu. Bạn đọc chê báo khô khan, hay lên giọng văn dạy, nhất là rất thiếu thông tin. Đây chính là một trong những chỗ yếu của Báo Lao Động.

Hậu quả của tình hình trên là số lượng phát hành giảm sút nghiêm trọng, ngay ở các tỉnh miền Bắc. Tổng số phát hành trong cả nước từ khoảng 60.000-70.000 bản mỗi số xuống còn 20.000-30.000 bản. Số lượng đặt báo tại các bưu điện giảm hẳn. Đây không phải là tình trạng riêng của Báo Lao Động. Nhiều tờ báo trong nước cũng lâm vào tình hình như thế.

Trong hoàn cảnh đó, Báo Lao Động cố gắng tự tìm cho mình lối thoát. Ban biên tập báo chủ trương đăng truyện dài nhiều kỳ với những cái tên hấp dẫn, cốt truyện ly kỳ, phiêu lưu, mạo hiểm, với nội dung chống tội phạm, chống tiêu cực.

Số lượng phát hành từng kỳ báo tăng lên tùy theo từng truyện, có truyện hấp dẫn số phát hành tăng lên hàng vạn bản. Việc đăng truyện dài nhiều kỳ được coi như cứu cánh của tờ báo.

Trong thời điểm lịch sử đó, mục "Lao Động trả lời" chuyên giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về nội dung và chi tiết ngóc ngách các chính sách xã hội đối với giai cấp công nhân được bạn đọc rất hoan nghênh…

Nhưng tất cả những thay đổi đó không cứu được tờ báo, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, báo chí nói chung và Báo Lao Động nói riêng lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Khủng hoảng về chất lượng báo.

Những số báo phát hành trong sự thờ ơ của bạn đọc. Người đọc cầm tờ báo dày đặc chữ trong tay lơ đãng nhìn những tên bài rồi đặt xuống, nói: Không có gì!

Cơ quan báo người đông nhưng vẫn thiếu bài và tin. Tin hội nghị, tin lễ tân, tin hoạt động của các nhà lãnh đạo, những loại tin dễ viết nhất, chiếm chỗ trên các trang báo…

Do số lượng phát hành giảm sút nghiêm trọng, nên báo lỗ vốn. Vốn lưu động cứ thế mà cụt dần. Lương nhà báo vốn đã còi cọc, nay lại còi cọc thêm vì giá cả thất thường, cửa hàng gạo không có gạo bán phải đong gạo ngoài, nhiều cuộc đi phải chi phi tốn kém không thể bù đắp.

Đã đến lúc phải có những quyết định cay đắng: Báo ngừng đỡ đầu giải bóng chuyền các đội mạnh vì lý do tài chính. Cơ quan báo bàn việc làm ăn thêm: Biên tập thêm một vài phụ san tô hồng thành tích cho nơi này nơi khác, in những ấn phẩm trên khoản giấy xén, mở cửa hàng văn hoá phẩm...

Cơ quan báo cũng thành lập tổ dịch vụ nhưng chẳng bao lâu tổ dịch vụ là đầu mối những cuộc kiểm điểm, đấu tranh nội bộ, làm hao tổn năng lượng con người.

Một không khí buồn nản, uể oải lan toả trên các bàn trà buổi sáng với những tin đồn thổi bùng lên làm xao động tâm trạng. Kỷ luật làm báo bị buông lỏng dần, những quy định về quy cách bài vở, các khâu biên tập, xét duyệt không được tôn trọng đầy đủ.

Đã xảy ra những sự cố in đậm dấu vết thời khủng hoảng: Có biên tập viên, phóng viên bị dính đạn bọc đường; có cuộc đi làm phóng sự biến thành cuộc đi săn; có phóng viên thích biến những cuộc đấu tranh nội bộ thành đấu tranh địch ta; các phòng làm việc, các công cụ, phương tiện làm báo bị xuống cấp nghiêm trọng…

Đầu năm 1985, ông Trần Nhật Dụ nghỉ hưu. Ông Xuân Cang được chỉ định làm Tổng Biên tập Báo Lao Động. Ông chia sẻ cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên những năm làm báo khủng hoảng, tiền hết, báo không người đọc. Khó, khổ nhưng Báo Lao Động không bó tay… nhanh chóng tìm cách thoát ra và trở thành một trong những tờ báo đứng ở hàng dấu cuộc đấu tranh đổi mới báo chí. Bởi vì Lao Động là tờ báo của giai cấp công nhân.

BÁO LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động vượt qua gian khó và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ

BÁO LAO ĐỘNG |

Những năm 1965 - 1975 được xem là thời kỳ Báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao theo quan niệm báo chí vô sản. Nhìn vào các số báo, các trang báo, có thể thấy đầy đủ những mặt mạnh, mặt yếu bắt nguồn từ một quan niệm làm báo đúng đắn, nhưng cũng chứa đựng những mầm mống của một thời kỳ khủng hoảng báo chí về sau…

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.

Tòa soạn trong rừng, người làm báo vật lộn với sốt rét để xuất bản

Báo Lao Động |

Hơn 200 số Báo Lao Động được phát hành trong 9 năm kháng chiến (1947-1954) đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và chính quyền, trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa, tạo nên truyền thống vẻ vang của tờ báo của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Báo Lao Động vượt qua gian khó và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ

BÁO LAO ĐỘNG |

Những năm 1965 - 1975 được xem là thời kỳ Báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao theo quan niệm báo chí vô sản. Nhìn vào các số báo, các trang báo, có thể thấy đầy đủ những mặt mạnh, mặt yếu bắt nguồn từ một quan niệm làm báo đúng đắn, nhưng cũng chứa đựng những mầm mống của một thời kỳ khủng hoảng báo chí về sau…

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.

Tòa soạn trong rừng, người làm báo vật lộn với sốt rét để xuất bản

Báo Lao Động |

Hơn 200 số Báo Lao Động được phát hành trong 9 năm kháng chiến (1947-1954) đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và chính quyền, trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa, tạo nên truyền thống vẻ vang của tờ báo của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.