Người “đưa đò” xin mua “vé phà”

Kỳ Quan |

Hơn 30 năm dạy học, thầy là người đưa đò thầm lặng, đưa bao thế hệ học trò qua dòng sông THPT đến với tri thức, đến tương lai, đến bao bến bờ hạnh phúc. Mỗi năm, người “đưa đò” miệt mài ấy một lần đưa học trò của mình qua “chiếc phà” lớn để vào đại học, đó là chương trình Chỗ trọ miễn phí (CTMP) của Báo Lao Động. Năm nay, người “đưa đò” ấy tình nguyện đem 2 tháng lương của mình xin mua “vé phà” để lo cho các học sinh.
“Chuyến phà” đầy ắp nghĩa tình

Hồi đầu tháng 5, khi chương trình CTMP vừa khởi động, PV thường trú Báo Lao Động tại TP.Tân An (tỉnh Long An) bất ngờ tiếp một người khách phương xa - thầy Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Mộc Hoá (huyện Mộc Hoá, Long An). Thầy Nam vượt gần 70 cây số về TP.Tân An gặp phóng viên Báo Lao Động để trình bày một nguyện vọng, đó là cho thầy đóng góp 2 tháng lương (10 triệu đồng) cho chương trình CTMP năm 2014. 

Khi phóng viên trao thư ngỏ, kèm theo quyền lợi của nhà tài trợ của Ban Tổ chức chương trình, thầy Nam xua tay nói: “Tôi ủng hộ chương trình vì thấy nó quá hay, quá thiết thực, quá hữu ích cho thí sinh nghèo, ngoài ra tôi không cần quyền lợi nhà tài trợ gì cả”. Kể cả một lá thư cảm ơn thầy Nam thấy cũng không cần thiết.

Thật bất ngờ khi thầy Nam cho biết, ngoài lần đầu tiên (năm 1999) thầy không tham gia chương trình CTMP vì lần ấy chương trình không triển khai tới tỉnh Long An, từ năm 2000 tới năm 2013, suốt 14 lần liên tiếp, năm nào thầy cũng đưa học trò về Cần Thơ thi đại học theo chương trình CTMP. Mộc Hoá là huyện nghèo vùng sâu, thuộc vùng Đồng Tháp Mười, từng được biết đến với cảnh khắc nghiệt “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”, mỗi năm chìm trong nước lũ 3-4 tháng. Học sinh Mộc Hoá đa phần nhà nghèo, rất cần sự trợ giúp trong học tập. 

Vì vậy, năm 2000, khi biết đến chương trình CTMP tiếp sức học sinh nghèo đi thi đại học, thầy Nam (lúc đó là Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhà trường) đã đăng ký cho học sinh của mình tham gia chương trình. Lần ấy, đích thân thầy đã đưa mấy chục học sinh của huyện đi thi đại học ở Cần Thơ. Để rồi từ đó đến nay, thầy gắn chặt với chương trình, kể cả khi đã là hiệu trưởng. 

Thầy Nam quan niệm: Nếu nhà trường như là con đò, những người thầy như chúng tôi là những người đưa đò, thì chương trình CTMP như là chiếc phà lớn, hằng năm đưa hàng ngàn học sinh nghèo qua sông để vào đại học. “Đây là chương trình xã hội từ thiện kéo dài và thiết thực nhất mà tôi từng thấy” - thầy Nam nói. Với số tiền “ít ỏi” (như lời thầy Nam) ủng hộ cho chương trình, thầy mong muốn góp phần chăm sóc các thí sinh được chu đáo hơn.

Hồi ức một đêm mưa

Mùa thi năm 1979, cậu học sinh nghèo Nguyễn Thành Nam lần đầu tiên rời khỏi vùng quê Đồng Tháp Mười, cùng mấy người bạn nghèo đi tàu đò, rồi lên xe đò vượt gần 200 cây số về Cần Thơ thi đại học. Đến nơi trước 1 ngày, vào trường thi làm các thủ tục đăng ký xong thì đã xế chiều. Các “hàn sĩ” lân la quanh trường tìm chỗ trọ vừa với túi tiền, thì hỡi ơi, tất cả đều kín người. Không có tiền ở khách sạn, không có phương tiện để tìm chỗ trọ xa hơn, Nam và các bạn đành phải ngủ nhờ dưới mái hiên một ngôi chùa cách không xa điểm thi để chờ hôm sau vào thi đại học. 

Tháng 7 trời Cần Thơ hay mưa về đêm. Một cơn mưa rào ập đến lúc nửa đêm, những cậu học trò nghèo bị mưa tạt ướt, phải ngồi co ro chờ sáng. Hằng ngày Nam và các bạn phải đi bộ mấy cây số đến điểm thi... Kết quả kỳ thi năm ấy không phụ lòng cậu học trò nghèo, Nam đậu vào Đại học Cần Thơ, ngành sư phạm. Ra trường, anh trở về quê hương dạy học.

 

 Thầy Nguyễn Thành Nam trong một lần đưa học trò đi Cần Thơ thi đại học.

Gần 20 năm sau, vào kỳ thi năm 1998, “chuyện đêm mưa” tương tự cảnh của cậu học trò nghèo Nguyễn Thành Nam tái diễn. Lần này chuyện xảy ra đối với mấy thí sinh nghèo ở tận đất Mũi Cà Mau về Cần Thơ thi đại học. Cũng ngủ mái hiên, nửa đêm bị mưa tạt ướt, ngồi co ro đợi sáng. Lần này cảnh đáng thương ấy đã tình cờ lọt vào mắt của một nhà báo. 

Đêm ấy, nhà báo Lê Thanh Nguyên - nguyên Trưởng văn phòng Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long - ngủ trực cơ quan. Nửa đêm mưa lớn, anh đi đóng cửa sổ, tình cờ nhìn thấy ở dưới đường cảnh mấy thanh niên bị mưa tạt ướt đứng run dưới mái hiên nhà đối diện. Cảm thương, nhà báo Lê Thanh Nguyên mời họ vào văn phòng trú mưa và được biết đó là những thí sinh nghèo đi thi đại học. 

Một ý tưởng chợt loé lên trong đầu nhà báo Lê Thanh Nguyên, người cũng từng trải qua đời học sinh nghèo. Và chương trình CTMP cho thí sinh nghèo ra đời sau đó. Chính nhà báo Thanh Nguyên đã miệt mài ngồi vẽ nên biểu trưng của chương trình - một mái nhà đơn sơ nhưng vững chãi, lồng bên trong là chiếc mũ khoa bảng. 

Từ một ý tưởng nhỏ, chương trình CTMP đã nhanh chóng trở thành một hoạt động xã hội từ thiện lớn, gây tiếng vang trong vùng Tây Nam Bộ, tạo hiệu ứng xã hội tốt. Vào năm cao điểm, chương trình CTMP đã đón 4.500 thí sinh, được đưa đón về Cần Thơ thi đại học, được trao những phần ăn, những vật dụng cần thiết, được hướng dẫn tận tình...

Đi thi đại học… tới tuổi hưu

Hơn ai hết, từ hoàn cảnh mà mình đã trải qua, thầy Nguyễn Thành Nam rất thích thú chương trình CTMP của Báo Lao Động. Chuẩn bị vào mùa thi năm học 2000-2001, chương trình CTMP được phân bổ về tới Trường THPT Mộc Hoá. Với vai trò Chủ tịch CĐCS nhà trường, thầy Nam đã đứng ra tổ chức đưa các học sinh nghèo đi thi theo chương trình. Để rồi suốt 14 năm liên tục, năm nào thầy cũng đích thân đưa các học sinh nghèo trong huyện đi Cần Thơ thi đại học bằng “chiếc phà” chương trình CTMP. 

Trong số cả ngàn học sinh huyện Mộc Hoá đi thi đại học ở Cần Thơ trong mười mấy năm qua, có cô học trò Nguyễn Thị Ngọc Dung là con gái của thầy Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Cần Thơ, cô gái được giữ lại trường, tiếp tục học sau đại học tại Bỉ. Hiện cô đã có mái ấm gia đình, trở thành cư dân của đất Tây Đô. Thầy Nam cho biết, có rất nhiều học trò khác của thầy từng “qua phà” CTMP của Báo Lao Động giờ là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ hoặc thành đạt ở nhiều nơi.

Nhận thư mời của Ban Tổ chức chương trình CTMP mời dự lễ đón thí sinh sáng ngày 2.7 tại Cần Thơ, thầy Nam nói: “Không có thư mời thì tôi cũng có mặt. Năm nào tôi cũng đưa các học sinh Mộc Hoá đi Cần Thơ thi đại học theo chương trình CTMP”. Bao thế hệ học sinh Trường THPT Mộc Hoá đã quen với hình ảnh người thầy có mặt rất sớm trên chuyến xe chở các học sinh nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười về Cần Thơ dự lễ khai mạc chương trình CTMP, rồi vào khu ký túc xá xem xét chỗ ở của các thí sinh, đợi cho đến khi các em thi xong, thầy trò mới cùng quay về.
Là một người gắn bó gần như suốt lịch sử của chương trình CTMP, thế nhưng, thật bất ngờ khi thầy Nam nói: “Tôi mong chương trình CTMP sẽ sớm kết thúc. Tôi năm nay đã 53 tuổi, nếu chương trình CTMP còn tiếp tục, tôi sẽ tự nguyện gắn bó cho tới khi nghỉ hưu. Nhưng thật lòng, tôi mong sẽ tới lúc thí sinh không còn cần đến chương trình này nữa. Đất nước phát triển, đồng bằng mình cũng dần khá lên, thí sinh nghèo ngày càng ít đi, rồi sẽ đến lúc chương trình CTMP hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”.
Thực tế cho thấy, số lượng thí sinh nghèo ở Mộc Hoá đăng ký tham dự chương trình CTMP năm sau luôn thấp hơn năm trước. Điều đó phản ánh phần nào hộ nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười ngày càng giảm, hộ khá và giàu tăng lên. Nhiều gia đình có con thi đại học hùn nhau mướn xe dịch vụ đưa đi thi, có cả cha mẹ đi theo. Một chuyện tốt đẹp rồi sẽ kết thúc để mở ra bao điều tốt đẹp hơn...
 

Kỳ Quan
TIN LIÊN QUAN

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Gặp gỡ ông đồ ngoại quốc mong muốn lan toả văn hoá Việt

Linh Trang - Việt Anh |

Hình ảnh ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên, bên cạnh những chữ thư pháp uyển chuyển đã trở nên thân thuộc với người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Năm nay, tại Hà Nội có sự xuất hiện của những ông đồ vô cùng đặc biệt đang tất bật để trao chữ dịp đầu xuân năm mới.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho Hà Nội phát triển

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Những bệnh nhi chạy thận xuyên Tết

NGUYỄN LY - PHƯƠNG NGÂN |

TPHCM - Tết là khoảng thời gian sum họp bên gia đình, người thân. Điều tưởng chừng đơn giản đó, nhưng lại là mong ước xa xỉ của những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh suy thận mãn vì phải chạy thận xuyên Tết.

7 sự kiện thể thao quan trọng trong năm 2023

Thanh Vũ |

Thể thao thế giới được kỳ vọng sẽ diễn ra sôi nổi trong năm 2023, trong đó 2 sự kiện nhận nhiều sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam là World Cup nữ 2023 và Asian Cup 2023.

Vấn đề nóng nào được mong chờ xuất hiện trong Táo Quân 2023?

HẢI MINH |

Táo Quân 2023 được hy vọng sẽ khai thác nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội trong suốt cả năm qua.

Mắm “Bò hóc” - món ăn “vua” của người Khmer Nam bộ

Lục Tùng |

Không nhiều người biết mắm bò hóc của người Khmer Nam bộ hiện diện trong nhiều món ăn vạn người mê, nhất là món bún cá.

Việt Nam cán mốc 7 triệu tài khoản chứng khoán: Làm gì để nâng cao chất lượng?

Đức Mạnh |

thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, nhưng vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực.