Thuê lại lao động để đi đếm ốc vít!

Lê An Nhiên |

Cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động (NLĐ) trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc; doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Pháp luật quy định rất rõ các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN bất chấp các quy định, thuê lại lao động với số lượng lớn, làm các công việc phổ thông đơn giản để nhằm trốn tránh trách nhiệm BHXH hoặc các quy định khác đối với NLĐ.

Thuê lại lao động để… lựa sản phẩm lỗi!

Anh Hà Minh Th (quê Bình Định), làm việc tại Cty N (KCX Tân Thuận, TPHCM) đã hơn một năm nay, nhưng được tính công nhật, tức là trả lương theo ngày. Anh Th không nhận lương trực tiếp từ công ty N mà được công ty M.T trả lương theo ngày. Anh Th cho biết: Công việc của anh không khác gì các công nhân khác ở công ty N, đó là làm việc tại bộ phận dập khuôn sản phẩm. Không chỉ mình anh mà còn có rất nhiều người khác làm việc tại Cty N ở các bộ phận như hoàn thiện, sắp xếp sản phẩm hay đơn giản là lựa sản phẩm lỗi đều là lao động được thuê lại, được một đơn vị khác trả lương theo ngày.

“Mỗi ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ, từ 7h sáng đến 18h mỗi ngày, không tính giờ nghỉ trưa, anh Th nhận được 180.000 đồng/ngày. Nói là làm ngày nào trả tiền ngày đó nhưng hai công ty đều yêu cầu phải làm đủ ngày, đủ giờ, muốn nghỉ phải xin phép Cty N, được Cty N đồng ý rồi về xin phép tiếp công ty thuê mình. Nghỉ ngang là bị trừ tiền ghê lắm!” – Anh Th cho biết.

Làm việc gần một năm nay, công việc thường xuyên, lâu dài nhưng anh Th không được đóng BHXH, không được tham gia công đoàn, khi có vấn đề bức xúc ở công ty cũng không biết kêu ai. “Từ Bình Định vào TPHCM kiếm việc, mới tới đầu KCX Tân Thuận tôi đã được công ty M.T rao tuyển lao động phổ thông, không cần hồ sơ, chỉ cần có chứng minh nhân dân là được, tôi liền đăng ký ứng tuyển. Một ngày sau tôi được đưa xuống công ty N làm công nhân (CN) ở bộ phận dập khuôn cho đến nay. Tôi nhiều lần hỏi xem Cty N có tuyển CN không tôi ứng tuyển để được làm chính thức, nhận lương từ Cty N, được đóng BHXH, được có quyền lợi như những NLĐ khác nhưng Cty N không tuyển mà chỉ sử dụng lao động được thuê lại từ các đơn vị khác” – Anh Th thở dài.

Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động

Cách đây không lâu, rất nhiều NLĐ vốn là nhân viên của Cty TNHH thương mại và dịch vụ PB (TP.Biên Hòa, Đồng Nai, là DN cho thuê lại lao động) đã tập trung về Cty CP C.T (KCX Tân Thuận, Q.7, TPHCM, là DN thuê lại lao động) để đòi tiền lương. Họ là những lao động được Cty TNHH thương mại và dịch vụ PB “gom” từ nhiều tỉnh, sau đó thỏa thuận (miệng) với NLĐ là đưa họ lên TPHCM làm việc tại Cty C.T, theo hình thức “cho thuê lại lao động”. Công việc là lựa những sản phẩm bằng sắt bị lỗi, thời gian làm trong 1 tháng, lương mỗi ngày là 140.000 đồng/người, ngày làm từ 8h sáng đến 18h tối...

Tuy nhiên, đến ngày nhận lương thì những NLĐ này được giám đốc Cty PB thông báo, phía Cty C.T cho rằng, CN làm chưa đạt yêu cầu nên chỉ thanh toán cho PB 85% tổng số tiền trên hợp đồng. Sau đó, PB cũng trả 85% lương cho CN. Khi CN phản ứng thì giám đốc Cty PB “xúi” họ lên Cty C.T mà đòi! Sau nhiều ngày tập trung đòi lương nhưng không được phía Cty thuê lại lao động là C.T trả lời, NLĐ tức giận đòi tiền ông giám đốc PB. Vị giám đốc này giải thích: “Khi Cty PB ký hợp đồng với Cty C.T, tiền lương của NLĐ được thỏa thuận là tính theo thời gian. Thế nhưng, sau đó phía Cty C.T lại đi lựa ra một CN giỏi nhất làm mẫu và buộc tất cả CN khác cũng phải làm được bằng đúng số sản phẩm mà CN “mẫu” này làm. Các CN không làm theo kịp nên Cty C.T viện lý do đó, chấm dứt hợp đồng và trừ khoảng 15% tiền công đối với Cty PB”. Trái ngược với giải thích của giám đốc Cty PB, phía Cty thuê lại lao động cho rằng, đã thực hiện đúng cam kết vì hai bên khi thỏa thuận hợp đồng đã thống nhất là trả công theo sản phẩm, đến ngày thanh lý hợp đồng, ông giám đốc đã ký nhận tiền thì không có lý do gì “xúi” CN lên đây đòi tiền!

Về vấn đề cho thuê lại lao động, ông Nguyễn Thành Đô – Chủ tịch CĐ KCN – KCX TPHCM cho biết, vừa qua CĐ KCN – KCX TP đã có văn bản gửi cho Ban quản lý KCN – KCX TP đề nghị thanh tra các Cty thuê lại lao động và gửi văn bản cho CĐCS các công ty có thông tin thuê lại lao động trái quy định pháp luật đề nghị trao đổi với chủ DN. Cụ thể, CĐ KCN – KCX TP có nhận được thông tin phản ảnh của nhiều CN đang làm việc tại Cty TNHH Nidec Copal, Nidec Tosok, FAPV thuộc KCX Tân Thuận, các Cty này hiện đang sử dụng một số lao động được thuê lại từ các DN cho thuê lại lao động không đúng danh mục các công việc được phép cho thuê lao động theo quy định tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Các đơn vị này thuê từ 50 đến 200 đến trên 1.000 lao động và có chiều hướng tăng thêm.

“Với việc thuê một lượng lớn lao động phổ thông, làm các công việc đơn giản là tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Nguyên nhân vì NLĐ có những bức xúc có thể dẫn đến tranh chấp lao động tập thể do DN không thực hiện đầy đủ chế độ đối với số lượng lao động này” – ông Nguyễn Thành Đô nhận định.

17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP:

1- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.


Lê An Nhiên
TIN LIÊN QUAN

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Điểm lại dàn nghệ sĩ gắn bó suốt 20 năm Táo Quân

Linh Chi - Dương Anh |

Trước khi Táo Quân 2023 lên sóng hãy cùng điểm lại những gương mặt đã "dành cả thanh xuân" để gắn bó và đem lại tiếng cười cho khán giả.

Nghề vận chuyển hoa, cây cảnh hốt bạc ngày giáp Tết

THÙY DƯƠNG - TÙNG GIANG |

Càng gần tết, những người làm nghề vận chuyển hoa cây cảnh càng tất bật. Tất tả ngược xuôi, những ngày làm việc hết công suất, thu nhập của những shipper này có thể đạt được 1 triệu đồng/ ngày.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho Hà Nội phát triển

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Ukraina không có xe tăng Leopard sau cuộc họp của NATO

Thanh Hà |

Mỹ và các đồng minh không đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu của Đức cho Ukraina khi Nga cảnh báo chiến sự có thể leo thang ở Châu Âu.

Những bệnh nhi chạy thận xuyên Tết

NGUYỄN LY - PHƯƠNG NGÂN |

TPHCM - Tết là khoảng thời gian sum họp bên gia đình, người thân. Điều tưởng chừng đơn giản đó, nhưng lại là mong ước xa xỉ của những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh suy thận mãn vì phải chạy thận xuyên Tết.

7 sự kiện thể thao quan trọng trong năm 2023

Thanh Vũ |

Thể thao thế giới được kỳ vọng sẽ diễn ra sôi nổi trong năm 2023, trong đó 2 sự kiện nhận nhiều sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam là World Cup nữ 2023 và Asian Cup 2023.

Công nghệ số Make in Vietnam - niềm tin làm được điều phi thường

Trần Tuấn |

Không chỉ dừng lại ở gia công phần mềm, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã dấn thân, tạo ra các sản phẩm, giải pháp Make in Vietnam chinh phục thị trường toàn cầu. Theo thống kê, hiện có hơn 1.400 sản phẩm Make in Vietnam có mặt tại nhiều nước trên thế giới, tạo ra doanh thu xuất khẩu của ngành công nghệ số năm 2022 đạt 136 tỉ USD...