Truyện ngắn: Hội Châu Trần

ĐỖ HỒNG HÀ |

Người ta rục rịch, náo nức chuẩn bị rồi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó hàng mấy tháng trời rằng: Lễ hội Châu Trần năm nay sẽ được tổ chức trọng thể trong 3 ngày: 14,15,16 tháng 3 âm lịch. 

Ngoài phần tế lễ thần Châu Thổ của các đoàn nam tế quan, nữ tế quan là phần hội, bao gồm các trò chơi truyền thống như thi thả diều, chọi gà và nhiều trò chơi khác.

Ngày lễ hội có từ bao giờ cũng không ai nhớ nữa, đời nọ truyền đời kia cho đến bây giờ. Tương truyền, ở bãi ven xóm Chềnh có một ngôi đền thờ thần Châu Thổ. Người ta bảo ngôi đền ấy thiêng lắm, cầu gì được nấy.

Nghe nói, khi mới lập làng, sông Hồng với những cánh bãi còn nguyên sơ chưa có người khai phá. Đám trẻ trong làng thường lùa trâu bò ra bãi chăn thả từ sáng sớm đến chiều tối mới lùa về. Chúng mang theo đứa thì lon gạo, đứa nắm cơm, đứa con cá. Buổi trưa, trước khi ăn, chúng mang những đồ ăn ra bắt chước người lớn cúng lễ, ý là cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Bằng những vật liệu có sẵn ở bãi, chúng dựng lên một túp lều làm chỗ cúng lễ và trú mưa, trú nắng. Lúc rỗi, đám trẻ chỗ thì chơi chọi gà, chỗ kia thả diều. Gặp phải năm mất mùa, có bữa bọn trẻ không đứa nào mang gạo hoặc cơm theo mà chỉ toàn ngô, khoai nên bữa trưa chúng không mang cúng lễ như trước.

Buổi chiều, gần đến lúc lùa trâu bò về thì bầu trời bỗng nhiên tối sầm lại. Một trận cuồng phong nổi lên cuốn đứt tung những cánh diều. Đàn trâu bò bỗng dưng biến mất. Bọn trẻ sợ hãi chạy về làng báo tin và kể chuyện với bố mẹ chúng.

Người lớn thấy đây là sự lạ nhưng vẫn bảo nhau sắm ngay đồ cúng lễ mang ra ngôi lều để khẩn cầu. Kỳ lạ thay, lời khấn của già làng vừa dứt thì gió bỗng lặng, mây đen kéo đi, bầu trời quang đãng. Xa xa đàn trâu bò đang ì ạch vác những cái bụng căng tròn lũ lượt về chuồng. Về sau, dân làng lập một ngôi đền thờ và hội thi thả diều, chọi gà gắn liền với việc cúng tế hàng năm.

Lại cũng có người bảo, ngày ấy, trong cơn lũ tiểu mãn, lúc chạng vạng tối, mấy người kiếm củi ven sông bỗng phát hiện ra một xác chết trôi dạt vào ven bãi non. Họ bảo nhau chạy về nhà lấy dụng cụ mai táng làm phúc. Lạ thay, khi mang dụng cụ ra tới nơi đã thấy cơ man côn trùng bu kín thi thể người chết.

Những con côn trùng thân đỏ ối, cánh màu sáng bạc thi nhau nhảy múa, nhả dãi luyện đất xây mồ. Sáng hôm sau ngôi mộ đã mọc lên sừng sững. Qua tháng ngày, phù sa cứ bồi đắp mãi và tạo nên một cánh bãi mỡ màu. Dân làng bảo rằng người dưới ngôi mộ ấy đã mất vào ngày giờ tối linh và lập một ngôi đền thờ suy tôn là thần Châu Thổ. Rồi tiệc cúng tế, hội thi thả diều, chọi gà cũng từ đó mà ra, duy trì cho đến bây giờ.

*

Ông Bính ngồi tư lự bên ấm trà và chiếc điếu cày. Bỗng ông lớn tiếng làm cả nhà sửng sốt:

- Anh Bá ra đây bố bảo. Cả bà nữa cũng lại cả đây.

Bá từ tốn ngồi xuống sa lông phía đối diện. Bà thì khép nép mép phản gian bên cạnh. Tợp một hớp chè đặc sánh, nuốt đánh ực, ông hỏi:

- Mấy hôm nay ti vi họ quảng cáo mở hội Châu Trần, nhà mình có biết không?

- Có, con có biết, ở mãi tận Đan Phượng kia, nhưng mà sao hả bố?

Không trả lời con, ông vẫn hỏi:

- Con Ô dạo này anh vẫn cho đá luyện đều đặn đấy chứ?

- Con vẫn cho luyện tập đều theo chương trình bố đặt ra. Nhưng mà bố định cho về hội đá hả bố? - Giọng Bá vừa ngạc nhiên vừa có vẻ như mừng rỡ.

- Ừ! Bố định thế.

- Đường đi có xa lắm không hả bố?

- Gần 70 cây số, không xa lắm đâu. Mà giả như có xa tới 700 cây thì cũng cứ đi. Con sẽ là chủ kê. Nhất định phải mang chiến thắng trở về.

- A! Hoan hô bố, con sẽ quyết tâm.

Bá hét toáng lên và lao vụt ra cổng, chắc nó đến với mấy anh bạn cùng chơi gà trong xóm.

Từ nãy đến giờ nghe hai bố con nói chuyện bà Bính vẫn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Ngay từ hồi mới cưới, ông ấy ham chọi gà đến quên cả vợ. Những lúc ấy bà giận, đêm nằm bà cuộn tròn tấm chiếu quanh mình rồi lăn vào góc giường, dứt khoát không cho ông đụng tới. Những tưởng ông phản ứng mạnh mẽ, nhưng không, ông cứ tỉnh bơ, thi thoảng buông một tiếng thở dài.

Chịu không nổi, bà bung ra khỏi chiếu chồm người đè lên người ông, hai tay giằng hai tai ông rồi hỏi làm sao. Ông bảo nếu có say mê cờ bạc làm tan cửa nát nhà thì giận thế chứ giận nữa tôi cũng chịu thua. Đằng này chỉ có ham mê chọi gà thì có ảnh hưởng gì lắm đâu mà cứ giận dỗi vô lối. Bấy giờ bà mới im. Từ đó bà mặc ông với niềm say mê chọi gà. Quanh vùng này hễ ở đâu có hội hè, chọi gà là ông đi. Ông đã ôm gà đi là bao giờ cũng mang giải thưởng trở về.

Ông chợt quay sang nói với bà:

- Bà chuẩn bị một ít tiền đi đường và mua một cái lễ về cáo yết. Đợt này cho cánh thanh niên nó đi thôi, còn đến hội sang năm tôi với bà sẽ về. Đấy là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nhất định phải về, ba mươi năm rồi còn gì, ông nói giọng nghèn nghẹn.

- Thật thế hả ông! - Bà bỗng thổn thức - Thế thì ông cũng phải về đi và cho tôi về với, bao năm rồi tôi chưa được biết quê chồng.

Bà chợt nghĩ có những lần bà hỏi quê quán gốc tích ông ở đâu, ông chỉ ậm ừ không muốn trả lời. Gặp khi bà hỏi gặng quá thì ông gắt lên: “Rồi khắc biết, rồi sẽ về quê nhưng chưa phải lúc”.

Ngoài kia, đồi chè đang nhú búp non bỗng sáng bừng lên dưới ánh trăng xanh dìu dịu. Gió thổi mạnh, những tàu lá cọ tròng trành, nghiêng ngả, chơi vơi trong ánh trăng ngàn. Ông nằm đó trằn trọc mãi mà không sao ngủ được.

...Ngày ấy, cách đây 30 năm cũng vào dịp lễ hội Châu Trần có một trận chọi gà diễn ra ở mức độ quyết liệt chưa từng thấy. Cuộc đấu kéo dài từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt hôm rằm vẫn chưa phân thắng bại. Sáng hôm sau tiếp tục đá sớm cho đến quá trưa mới kết thúc. Nhưng sự căng go quyết liệt còn diễn ra ở góc cạnh khác, mạnh mẽ và dữ dội hơn nhiều, người xem không thể nào biết được. Đó là việc Bính, chàng thanh niên xóm Cầu Gạch đã mang con gà Xám giao chiến với con gà Mơ của Toại ở xóm Cổng Đông.

Đây là sự lạ vì từ xưa tới nay lò gà ở các xóm trong làng chỉ cho đá luyện hoặc đấu giao hữu với nhau chứ không bao giờ đá tranh giải. Khi vào giải chỉ có gà làng đá với gà thiên hạ. Nhà cụ Quỹ có giống gà hay, mỗi năm cụ cho ấp ba lứa, mỗi lứa 10 trứng. Gà nở nuôi đến non giò rồi xem dáng, xem mỏ, xem những hàng vảy đóng ở chân gà mà biết được con nào đá hay con nào có những đòn gì sở trường thì giữ lại nuôi để sau này cho đá.

Những con không đủ tiêu chuẩn thì cho vào hàng thương phẩm. Mỗi lứa gà chỉ được một, hai con đạt tiêu chuẩn. Được giống gà quý, nhiều ngón đòn hay và đặc biệt, khi vào đá chỉ có thể thắng hoặc đánh đến cùng để chịu gục trên sới, không bao giờ bỏ thua chạy. Nên cụ Quỹ tuyên bố chỉ bán gà cho người trong làng chứ thiên hạ đến mua trả đắt bao nhiêu cụ cũng không bán.

Mỗi xóm có một lò luyện gà, từng đôi gà đá với nhau. Giữa các xóm cũng có đá tập luyện và giao hữu với nhau. Vì thế sở trường của từng con gà chẳng ai giấu được người làng.

Một tháng trước hội, Bính mang gà đến đá luyện ở xóm Cổng Đông. Cuối buổi, mấy anh em ngồi bàn luận về ngày hội sắp tới. Người bảo năm nay thế nào con Xám của Bính sẽ nuốt giải dễ như chơi. Vừa lúc Toại xuất hiện. Vẫn dáng vẻ nghênh ngang bất cần, nó bảo Bính có dám cho đá với con Mơ của nó không? Muốn thì nó chiều đấy.

Nó còn bảo con Mơ và con Xám đều cùng một đàn gà của cụ Quỹ tuyển ra nhưng yếu tố con người mới là quyết định. Ngoài việc chăm sóc, tập luyện còn phải truyền tinh thần, dũng khí của chủ vào cho gà. Vừa nói nó vừa vỗ ngực bảo thằng này không biết sợ là gì. Nghe điệu bộ và giọng nói của nó Bính cảm thấy như mình bị coi khinh, bị xúc phạm. Cũng một vừa hai phải thôi, huênh hoang, thướng mãi lên, coi mọi người dưới gót chân mình thì ai mà chịu nổi.

Nhớ cái hồi mới 15, 16 tuổi, buổi chiều hôm ấy cũng là ngày hội thi diều. Hai bố con Bính đang giữ gốc dây ở khu vực trước cửa đền, cánh diều cao vút đứng im phăng phắc, lúc ẩn lúc hiện bởi những tảng mây trắng xốp bồng bềnh bay qua. Một hồi trống của vị chủ khảo vừa dứt báo hiệu giờ chấm giải thi diều đã tới.

Người xem đông nghịt, tiếng trầm trồ thán phục, ai cũng bảo diều của bố con Bính cầm giải nhất là cái chắc. Lúc ấy, hai bố con Toại, bố cầm gốc dây con tung diều, chiếc diều to bằng tấm phản rẽ không khí vun vút lao lên rồi lại bổ xuống, lượn một vòng sàn sạt ngọn tre ven làng, rồi lại lao lên bổ xuống.

Mới chỉ ba vòng chao đảo mà gần một trăm cánh diều đang no gió, đứng im phăng phắc đã bị chiếc diều của bố con Toại hạ gục phân nửa, trong đó có diều của bố con Bính. Những chiếc diều đứt dây mất hút trên nền trời xanh thẳm. Mặc cho ồn ào, ầm ĩ, nhộn nhạo đang diễn ra xung quanh, bố con Bính vẫn đứng im, mắt trân trân nhìn về phía chân trời.

Rồi thời gian trôi đi, Bính cũng quên luôn ngày hội thi diều năm ấy. Thế mà bây giờ thằng Toại nó lại thách đấu gà với Bính. Bính nghĩ trong thi đấu được thua là lẽ thường tình. Nhưng trường hợp này lại hoàn toàn khác. Càng nghĩ Bính lại càng cảm thấy những suy nghĩ của mình như bị dồn chặt lại rồi đột ngột tan ra, ngấm vào gan ruột đến đắng ngắt.

Toại nó thừa hiểu là Bính và Na thân nhau đến mức nào rồi. Thi thoảng Bính cũng gặp Toại đến nhà Na chơi, hỏi thì Na bảo anh Toại là bạn thân nhưng anh Bính vẫn thân hơn. Bính biết vậy nhưng nói một lời yêu với Na sao anh thấy khó quá.

Có hôm trước mặt Bính, Toại trâng tráo hỏi: “Na ơi, em chọn anh hay là Bính đây”. Chẳng hiểu đùa hay thật, Na bảo các anh hãy đọ tài trên sới chọi gà của lễ hội, em sẽ chọn người chiến thắng. Nghe tới đó Bính lặng người đi. Có lẽ, Na biết con Xám của Bính là một con thần kê, một trong những con bất khả chiến bại trong làng? Còn Toại thì càng gần đến ngày lễ hội càng hung hăng tuyên chiến.

Sáng hôm rằm, khi Bính mang gà vào lễ trình thì Toại cũng tới và đòi thách đá. Đến nước này thì không thể chối từ và cuộc đấu diễn ra suốt ngày hôm rằm vẫn chưa phân thắng bại. Hôm sau vẫn tiếp tục đá đến hơn 12 giờ trưa.

Nắng đầu hè chói gắt, hai con gà vẫn sáp vào nhau, chậm chạp xoay tròn giữa xới, toàn thân cho tới đầu cổ con nào con nấy tím bầm, hai cánh xõa xượi, lông đuôi lông cánh xác xơ. Hết hồ (thời gian của một hiệp đấu), Bính đem gà vào chăm sóc. Anh nhúng chiếc khăn bông vào chậu nước, vắt, rồi lau mình mẩy cho nó. Vuốt nhẹ lên chiếc mào nụ đang rớm máu, anh động viên: “Cố lên nhé, chỉ một vài hồ nữa là chiến thắng thôi”.

Nhưng kìa, sao lúc này con gà nó nhìn anh ghê thế, hai con mắt tròn xoe màu đồng thau cứ trâng trâng không chớp. Bính nhỏ vài giọt rượu ngâm mật gấu đã thủ sẵn ở chiếc lọ con giấu trong túi áo. “Vào đi, đã hết giờ nghỉ rồi”. Anh tung con Xám vào xới. Rượu mật gấu đã truyền dẫn khắp tạng phủ con gà khiến nó dũng mãnh hẳn lên.

Liền một lúc nó tung ba, bốn đòn đá về phía đối phương khiến con Mơ loạng ngã dúi dụi. Tiếng reo hò động viên của người xem rộ lên từng đợt, từng đợt theo nhịp ra đòn. Bỗng con Xám đứng sững thở dốc, mỏ há rộng hoác, rớt dãi tuôn ra thành một dòng đặc quánh rồi từ từ gục xuống.

Sau khi định thần, con Mơ quay lại thong thả ra đòn trước một đối phương không còn sức chống đỡ, đang say lử và nằm gục giữa xới. Bính luống cuống và bất ngờ trước. Anh lao vào ôm lấy con gà và bế nó lên lòng. Toại sấn sổ vênh bộ mặt đỏ gay lên hét: “Chịu thua rồi hả, bỏ xuống đá tiếp đi, chịu rồi hả?”. Cả đám người xem náo loạn như ong vỡ tổ, tiếng la hét, tiếng xuýt xoa xen lẫn tiếng chửi thề tục tĩu.

Hôm sau, Bính dậy từ lúc trời còn tối đất. Anh lầm lũi ôm con gà ra đi, tới đầu làng, quay lại nhìn về phía giữa làng nơi có đền thờ thần Châu thổ: Cây đa cổ thụ sừng sững đứng đó, mái đền cong cong nghiêng cả một khoảng trời đêm. Đứng rất lâu như vậy mãi tới khi thấp thoáng có bóng người đi chợ sớm anh mới quay gót và rảo bước. Một tháng sau viết thư về nhà, Bính xin lỗi về sự ra đi không báo trước. Anh bảo ra đi tìm việc làm ăn và nhất định sẽ có ngày về.

*

Làng trung du, nơi Bính dừng chân, những quả đồi lô xô như bát úp chạy ngang, chạy dọc. Bính lấy vợ và sinh con. Năm nay thằng út ngoài hai mươi tuổi, hai cô con gái lớn lấy chồng và Bính đã lên chức ông ngoại. Đặt tên Bá cho thằng út là nhắc ông luôn nhớ về cái làng Bá của ông, nhớ về lễ hội Châu Trần hàng năm đã đóng dấu vào đời ông nỗi đắng cay, uất hận.

Đã ba mươi năm ông không thể quên được buổi sớm hôm ấy, cái buổi ông ôm con gà lầm lũi đi ra khỏi làng. Có lẽ Toại nói đúng, con người mới là quyết định hết thảy. Ông dồn hết thời trai trẻ của mình cho nghiệp chơi gà. Con gà Ô mà nay mai về đá hội Châu Trần là con ông ưng ý nhất.

Gà tầm trung, đầu công mình cốc, mỏ chắc khỏe, cong và nhọn tựa mỏ chim ưng. Ngực gà đỏ au, căng chắc vì đã tẩm nghệ vàng sao nóng bóp nặn sau mỗi kỳ luyện tập công phu tưởng như cầm dao băm vào dao phải bật ngược trở lại. Đôi chân màu ghi đá, khô và rắn đanh lại với những hàng vảy đều tăm tắp. Giữ lấy gốc cựa gà là năm chiếc vảy tựa năm cánh hoa. Đây là sự lạ nhất mà ông chưa gặp bao giờ.

Con Ô chưa có địch thủ. Tết vừa rồi, ông mang sang đá hội ở xã bên cạnh, mới đến hồ thứ ba chẳng hiểu nó ra đòn thế nào mà con gà kia quác lên một tiếng kêu thảm thiết rồi bay vụt ra khỏi xới. Nhất định thằng con trai ông sẽ trả hộ ông món nợ ngày xưa.

*

Từ sớm tinh mơ, tiếng trống, tiếng chiêng vang rền từng hồi từng nhịp, xen lẫn tiếng tù và tạo nên một âm thanh vừa náo nhiệt vừa cổ xưa. Trước sân đền lá cờ thần to áng chừng 20m2, xung quanh tua dải nom tựa những chiếc vây rồng đang tung bay ngạo nghễ.

Giữa sân, chiếc kiệu giá văn sơn son thếp vàng lộng lẫy với những đường chạm trổ tinh vi theo điển tích tứ linh, tứ quý. Hai hàng chấp kích sáng lòa, hùng dũng nào thanh long đao, nào chùy, nào sà mâu bát bửu. Cơ man loại cờ cắm xung quanh khu vực đền, cứ 10 mét một cái rồi kéo dài theo hai bên đường tới tận cổng làng. Người từ các xóm tuôn ra, người từ thiên hạ trẩy về tạo nên một khung cảnh tưng bừng, nhộn nhịp.

Có tiếng ọt ẹt kèm theo tiếng rít u ú rồi tiếng loa ồm ồm phát ra: “Mời chủ kê Ô là anh Nguyễn Văn Bá... (có tiếng hỏi nhỏ, người ở đâu ấy nhỉ?) và chủ kê Tía là ông Phạm Hữu Toại ở xóm Cổng Đông vào gặp ban tổ chức làm thủ tục thi đấu.

Người xem đã quây kín vòng trong vòng ngoài để chừa một khoảng trống to gấp ba cái nong đại, giới hạn bằng một vạch vôi trắng tròn vo. Bá tung con Ô vào xới khi con Tía vừa dứt tiếng gáy. Hai con cùng cúi rạp xuống rồi cùng sáp vào nhau, nhảy lên tung những cú đá chắc nịch. Tiếng mỏ cắp dứt khoát, tiếng đá đanh và gọn.

Hồ thứ nhất, hồ thứ hai, rồi hồ thứ ba, xem ra đúng là kỳ phùng gặp địch thủ. Sang đến hồ thứ năm thì trên mình mỗi con đầu loang lổ những vết tím bầm. Bỗng con Ô rúc đầu dấu dưới cánh con Tía. Tức thì tiếng người xem rộ lên: “Mệt rồi”, “Trốn đòn rồi”, “Liệu có chịu được một hồ nữa không”, “Cố lên, cố lên”...

Bất thần, con Ô ngóc đầu chui khỏi cánh con Tía rồi nhanh như cắt chuyển sang phía bên sườn tung một cú đá như trời giáng làm con Tía kêu một tiếng thất thanh, cái cổ vênh lên như ngoẹo hẳn đi. Tiếng xuýt xoa xen lẫn tiếng trầm trồ thán phục không ngớt. Sau cú ra đòn, con Ô lại rúc đầu giấu vào cánh bên kia của con Tía và đứng thở. Con Tía cứ đứng ngây ra muốn mổ để lấy đà nhảy lên đá mà không sao điều khiển nổi cái cổ gần như đang ngây dại.

Bỗng con Ô lại ngóc đầu bật ra khỏi tấm cánh đã xác xơ của con Tía và đánh một đòn quyết định. Cổ con Tía gãy gập xuống. Hai chân run run rồi ngã ềnh ra, đôi mắt vẫn còn mở thao láo. Con Ô xô vào định nhảy lên ra đòn tiếp nhưng nó chợt sững lại và giương đôi mắt tròn xoe màu đồng thau ra nhìn. Nó vừa bắt gặp ánh mắt của con Tía bỗng sáng bừng lên, giờ thì đang từ từ khép lại. Bá lao vào ôm lấy con gà trong niềm vui chiến thắng. Đám người xem tản ra rồi lại vây kín lấy hai vị anh hùng, người thì khen con này đá hay kẻ thì tiếc cho con kia bại trận.

Bá được ông Toại đón tiếp như một thượng khách. Dân ở đây thường thế. Cứ hễ gà mình thua thì bao giờ cũng phải mời cho kỳ được người chủ gà chiến thắng về nhà để hậu đãi, học hỏi thêm kinh nghiệm chơi gà.

Sau khi cơm rượu no say, ông Toại hỏi Bá quê ở đâu. Bá bảo anh sinh ra ở mảnh đất Phú Thọ nhưng hôm qua vừa được bố anh nói cho biết quê gốc cũng ở làng này, ở xóm Cầu Gạch. Đến lượt ông Toại ngạc nhiên, giương đôi mắt tròn xoe, miệng há hoác, lập bập:

- Sao, anh nói bố anh cũng ở làng này? Thế ông cụ tên là gì?

Bá thưa:

- Dạ, bố cháu tên Bính.

Từ nãy tới giờ bà Na vẫn lắng nghe chuyện không bỏ sót một câu. Khi Bá nhắc tới tên ông Bính bà buông một tiếng thở dài đánh sượt rồi bước vội ra cổng. Bà đi như chạy về phía đền Châu thổ, nơi ấy tiếng trống tiếng chiêng vang rền. Hôm nay đang là ngày chính hội.

ĐỖ HỒNG HÀ
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Cao Cả Xuề

Phan Đình Minh |

Đêm, gió nồm leo pheo đuổi nhau trên ngọn cây. Ông Cả Thìn bỗng thấy cô đơn bao trùm căn nhà và cả tấm thân teo tóp. Ông chợt nghĩ: Sao đến tuổi ấy mà thằng Xuề con ông chưa có vợ?  Cứ đà này vài năm nữa... ông mất đi.

Truyện ngắn: Lộc đời

LÊ Vạn Quỳnh |

Nhân mùa tân niên thời khắc của giao hoà gặp gỡ, Lý Sinh Mô mới được dịp mời nhà thơ Vi Lăng dự bữa tiệc có vui tới số. Nhà thơ một mực từ chối vì mình đang có bụi trong tuần 49 ngày của ông thân sinh. Năn nỉ với nhà thơ họ Vi thêm một hồi vẫn chưa chuyển, Mô liền chuyển giọng ràng buộc, rằng mình đã không quản tấm thân cùng tiền bạc lo cho cả tập thơ của họ Vi chào đời như ý, rằng bữa tiệc thân thiện cùng một số nhân vật có hạng của tỉnh nhà không có lợi lộc gì lớn mà chỉ góp tạo cho Mô chút oai phong sắp tới trong công việc, đấy là chưa kể chuyện Lý Sinh Mô mới đổi danh xưng thành Vi Mô theo cùng họ Vi danh giá của nhà thơ Vi Lăng. Có thế mà cũng lăn tăn. Vậy thì cái nhân văn to tướng của thi nhân hàng tỉnh để đâu. Hẹp. Cái lòng bàn tay có khi còn to hơn. 

Truyện ngắn: Tuyết hoa tửu

(Nhà văn Lê Hà Ngân, Trường THCS Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định) |

Cánh trắng mảnh mai e ấp phô sắc ngọc dưới trăng sương. Bà Nội tôi ngồi ngắm đoá quỳnh trong khoảnh khắc sương trăng, hoa chợt rùng mình mãn khai.

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Truyện ngắn: Cao Cả Xuề

Phan Đình Minh |

Đêm, gió nồm leo pheo đuổi nhau trên ngọn cây. Ông Cả Thìn bỗng thấy cô đơn bao trùm căn nhà và cả tấm thân teo tóp. Ông chợt nghĩ: Sao đến tuổi ấy mà thằng Xuề con ông chưa có vợ?  Cứ đà này vài năm nữa... ông mất đi.

Truyện ngắn: Lộc đời

LÊ Vạn Quỳnh |

Nhân mùa tân niên thời khắc của giao hoà gặp gỡ, Lý Sinh Mô mới được dịp mời nhà thơ Vi Lăng dự bữa tiệc có vui tới số. Nhà thơ một mực từ chối vì mình đang có bụi trong tuần 49 ngày của ông thân sinh. Năn nỉ với nhà thơ họ Vi thêm một hồi vẫn chưa chuyển, Mô liền chuyển giọng ràng buộc, rằng mình đã không quản tấm thân cùng tiền bạc lo cho cả tập thơ của họ Vi chào đời như ý, rằng bữa tiệc thân thiện cùng một số nhân vật có hạng của tỉnh nhà không có lợi lộc gì lớn mà chỉ góp tạo cho Mô chút oai phong sắp tới trong công việc, đấy là chưa kể chuyện Lý Sinh Mô mới đổi danh xưng thành Vi Mô theo cùng họ Vi danh giá của nhà thơ Vi Lăng. Có thế mà cũng lăn tăn. Vậy thì cái nhân văn to tướng của thi nhân hàng tỉnh để đâu. Hẹp. Cái lòng bàn tay có khi còn to hơn. 

Truyện ngắn: Tuyết hoa tửu

(Nhà văn Lê Hà Ngân, Trường THCS Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định) |

Cánh trắng mảnh mai e ấp phô sắc ngọc dưới trăng sương. Bà Nội tôi ngồi ngắm đoá quỳnh trong khoảnh khắc sương trăng, hoa chợt rùng mình mãn khai.