Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Tôi lo một chút việc gia đình sau đó tức tốc vào viện thăm bác, vừa đến thì bác đã ở phòng cấp cứu. Cơn nguy kịch đã qua và đang trong quá trình hồi phục nhưng khá chậm. Thời gian sau đó, tôi hay đến bệnh viện chăm sóc bác, những lúc bác tỉnh táo thường hay kể chuyện cho tôi nghe. Thực sự chuyện bác kể không về vợ con, gia đình, không về kinh tế hay bất kỳ chuyện gì khác, chỉ là những chuyện đơn giản về đời sống công nhân, về công việc của bác, về ngành than.

Bác sinh vào những năm 50 của thế kỷ trước ở miền đất mỏ, lớn lên cùng mỏ, học tập trong mỏ và làm công nhân của mỏ, gắn bó cuộc đời với mỏ suốt từ thời trẻ trai đến nay.

Vốn là con trưởng trong một gia đình nghèo có 4 anh em, bố mẹ phải đi làm thuê vất vả từ nhỏ, cuộc sống nhiều lam lũ ấy khiến ông đặc biệt gần gũi với tâm hồn người thợ, mộc mạc, chân chất. Đất mỏ chính là gia đình thứ hai của ông. Đất mỏ Quảng Ninh là nơi chứa đầy những kỷ niệm với ngành than và đồng nghiệp của ông, gắn liền với mỗi viên than ra lò. Ông đã kể cho tôi nghe về cái duyên gắn bó với nghề mỏ, những kỷ niệm không quên của ông với những hòn than.

Trong thời gian thăm bác, tôi có dịp được thấy các bác sĩ, y tá thăm khám và hướng dẫn bác điều trị. Tôi có nghe bác sĩ nói về một loại bệnh mà người thường như chúng tôi thấy vô cùng lạ lẫm, nguyên nhân căn bệnh của bác là do bụi than bị lưu lại trong phổi, chiếm hầu hết hai lá phổi. Bụi than nhỏ li ti đặc một màu nâu đen, do đặc thù nghề nghiệp chứ không phải do bác tôi có thói quen hút thuốc mà bị như vậy. Hai lá phổi gần như bị xơ hóa hết cả. Bác tôi đã chạy rửa phổi nhiều lần, dùng thuốc thường nhưng bệnh tình chưa bao giờ khỏi và hai lá phổi màu xám vẫn là chủ đạo.

Bác chia sẻ: “Nhớ ngày bắt đầu công việc mới, có rất nhiều bỡ ngỡ, trong đầu bác đã nghĩ đến tìm việc khác, nhưng rồi nhờ sự động viên của đồng nghiệp, ngẫm về cảnh gia đình còn khó khăn chồng chất, cùng với đó là ngọn lửa yêu nghề trong bác chưa dứt, nên bác quyết định ở lại gắn bó với nghề cho đến khi nghỉ hưu”.

Đã hơn 30 năm vào ra hầm lò, chặng đường dài đã biến ông từ một con người nhút nhát trở nên can đảm hơn. Những gian khó biến mất, đọng lại là tình yêu, một tình yêu thực sự dành cho nghề khai thác mỏ. "Mỗi lần nhìn dòng than chảy, bác cảm thấy tự hào và sung sướng như quê mình được mùa bội thu. Rồi thu nhập của công nhân mỏ ngày càng tăng cao, thấp nhất cũng 15 triệu đồng/tháng, vào dịp cuối năm mùa khô có tháng đến 25 triệu, mức thu nhập như vậy cũng lo được cho vợ con, chính điều này cũng một phần giúp bác gắn bó với nghề hơn” - bác chia sẻ với giọng nói đầy phấn khích.

“Chắc có lẽ gia đình mỏ, anh em ở mỏ đã lôi cuốn, tạo động lực để bác bám rễ với công việc này. Ai cũng từng có những phút bỡ ngỡ khi làm những công việc mới, ai cũng có phút giây nặng lòng khi nghĩ về quê hương, chính những người đồng nghiệp đã kề vai sát cánh trong hầm lò và chính những dòng than ngày đêm tuôn chảy đã động viên khích lệ bác gắn bó với mỏ” - bác cười nói.

Bác giới thiệu sơ qua về lịch sử công ty, ngành than, với giọng nói đầy tự hào của một người gắn bó hơn ba chục năm với nơi này: "Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!". Ðó là khẩu hiệu cách đây 82 năm, ngày 12.11.1936, hơn ba mươi nghìn công nhân đất mỏ Quảng Ninh cùng đồng sức, đồng lòng hô vang, đòi quyền lợi cho chính mình. Từ đây, truyền thống công nhân vùng mỏ nói riêng và truyền thống ngành than nói chung bắt đầu được dệt nên bởi những thành tích vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày nay, truyền thống đó được tiếp nối không ngừng, thể hiện qua những thành tích vượt bậc, vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong nền kinh tế thị trường mà công nhân, cán bộ toàn ngành than đã và đang vượt qua".

Trước khi vào lò, ai cũng tinh tươm, sạch sẽ, vậy mà chỉ sau một ca làm việc, quần áo ai cũng ướt sũng mồ hôi. Ai cũng chung một gương mặt đen nhẻm. Bụi than và mồ hôi trộn vào nhau, tạo thành một lớp sáp đen nhánh trên gương mặt, khi gặp ánh sáng phát ra những tia sáng lấp lánh. Khi ấy, vẻ đẹp đích thực người thợ lò mới được thể hiện. Thường thì sau khi ra lò, rất nhiều công nhân bị rơi vào trạng thái điếc tạm thời do thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, độ rung của máy móc. Dù rất mệt nhọc, nhưng ai cũng nở nụ cười rất tươi.

Với bác, nghề than để lại không ít kỷ niệm buồn bởi những lần hút chết và bởi bạn lò của bác đã có không ít người phải hy sinh. Giọng bác trầm buồn: “Bác không sao quên được cái chết của anh bạn cùng vào làm việc 1 ngày với bác. Hôm ấy anh đang cười đùa bên cạnh bác thì đột nhiên tiếng cười tắt lịm, ngoảnh lại bác thấy cả núi than đổ xuống vùi anh mất xác. Ít lâu sau đó, mấy anh bạn khác cũng bị điện giật chết ngay trong lò, cái chết của họ để lại gánh nặng cho gia đình và vợ con”. Nhưng, cũng chính nghề than đã đưa một số anh không được học hành trở thành một người có học rồi một cán bộ quản lý có trình độ.

Đi thăm quan một số công trình phúc lợi, từ nhà giao ca, khu tắm giặt, đến hội trường, sân bóng đá mi-ni, công viên và tượng đài thợ mỏ mới cảm nhận được hết sự quan tâm, đầu tư về vật chất và tinh thần đối với tài sản quý của mình. Trước đây, thợ lò mỗi khi vào ca phải xếp hàng chờ đợi lấy bảo hộ lao động, đèn lò. Bây giờ, công ty cải tạo lại dây chuyền cấp bảo hộ lao động tại tủ của từng cá nhân. Mỗi thợ lò có một tủ sắt, trong đó để những bộ quần áo, ủng được giặt sạch sẽ, cùng mũ bảo hộ, đèn pin. Tất cả các tổ phục vụ đều làm ba ca theo ca của thợ lò. Mùa đông cũng như hè, chị em trong tổ đều phải làm việc trong cái ngột ngạt, hầm hập của thời tiết cộng với nhiệt độ tỏa ra từ máy giặt công nghiệp và lò sấy. Có ca lên tới 900 bộ quần áo bảo hộ lao động. Số lượng than cám được rũ ra từ những bộ quần áo ấy, không ai cân đong đo đếm, nhưng nó khiến các chị luôn chân luôn tay quét dọn. Trước đây, quần áo của anh em đi làm về rách, sẽ có bộ phận trong công ty tổ chức khâu vá, giờ thì không phải làm việc đó nữa rồi. Nói là cấp phát bảo hộ lao động định kỳ, nhưng nếu đồ dùng cá nhân bị hỏng, rách, công ty lập tức thay mới để bảo đảm an toàn trong sản xuất. Với thợ lò, việc tắm giặt sau ca sản xuất còn quan trọng hơn cả ăn, uống.

Những nụ cười phấn khởi mỗi giờ vào, tan ca; những dòng than đen tuôn chảy không ngừng, những mệt mỏi được hòa quyện vào tiếng cười giòn giã cùng với lời ca, tiếng hát đầy khí thế hào hùng: “Khi chúng tôi vào lò, ánh bình minh rạng rỡ... Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại... Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống...”. Bản hùng ca người thợ mỏ như thêm động viên, như thêm khích lệ những người thợ mỏ ngày đêm hăng say lao động, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” sản xuất nhiều than cho Tổ quốc.

Thời kỳ đầu bác vào làm việc trong mỏ được làm thợ khai thác trực tiếp, bác vui lắm, mình có sức khỏe mình phải đi đầu, mình nhanh nhẹn mình phải khai thác đạt sản lượng cao nhất. Thời kỳ đó mỏ được giao nhiệm trọng tâm cốt yếu nhất là duy trì tốc độ khai thác trong các lò chợ. Tuy luôn có cải tiến và cơ giới hóa từng bước nhưng tốc độ chậm vì còn phải thử nghiệm và ngân sách của mỏ cũng còn hạn hẹp.

Năm 1980 vinh dự đến với cán bộ công nhân mỏ, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ Quảng Ninh đến thăm nơi công nhân làm việc, thăm điều kiện làm việc của cán bộ công nhân mỏ, động viên tinh thần cũng như các phương án hỗ trợ vật chất cho cán bộ công nhân viên mỏ, làm cho tinh thần của cán bộ đặc biệt là công nhân mỏ tăng rất cao, rất nhiều cuộc thi đua lao động sản xuất được tổ chức thực hiện và tất nhiên sản lượng tăng lên trông thấy, ai nấy đều rất phấn khởi. Là người thợ khai thác trực tiếp khi các lãnh đạo đến thăm mỏ, bác vẫn phải làm việc như bình thường, không được trực tiếp nhìn, trực tiếp bắt tay hay nói chuyện với các lãnh đạo. Tuy nhiên, nghe các bạn đồng nghiệp truyền tai nhau là các lãnh đạo rất hiền, cực kỳ quan tâm đến đời sống, các điều kiện làm việc cũng như các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người thợ, quan tâm đến các quy trình quản lý công việc của lãnh đạo mỏ. Nếu có gì bất cập là tháo gỡ, sửa chữa ngay...  Nghe được như vậy thôi nhưng bác và những người thợ mỏ khác cảm thấy rất vui, rất tự hào và vô cùng yên tâm.

Những năm sau đó là những năm thi đua khai thác, thi đua làm việc, phấn đấu khắc phục khó khăn vượt qua gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao... Nhiều phong trào thi đua được phát động, đi vào những nội dung thiết thực, cụ thể; lấy các điển hình tập thể, cá nhân làm nòng cốt. Khuyến khích ý tưởng sáng tạo, đề xuất, hiến kế, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới. Để hưởng ứng các phong trào đó, các bộ phận trong công ty ai cũng nhận kế hoạch thi đua phấn đấu hết mình vì công việc được giao. Riêng bác là người khai thác trực tiếp thì luôn tâm niệm khai thác đúng quy trình, năng suất cao nhất, tiết kiệm thời gian, sáng tạo trong từng công việc nhỏ như thao tác, vận hành trang thiết bị, luôn luôn báo cáo và đóng góp ý kiến sau mỗi ca, làm trên tinh thần vì công việc trên hết. Danh hiệu chiến sỹ thi đua, danh hiệu xuất sắc năm nào bác cũng nhận nhiều lắm, đến bây giờ cũng chả nhớ được cụ thể là bao nhiêu.

Trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là những năm đầu 2000, đời sống cán bộ công nhân toàn ngành đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, công nhân mỏ chưa bao giờ mất niềm tin. Các bác cùng làm việc, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn cũng chỉ mất mấy năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của các cấp lãnh đạo cùng với các biện pháp đổi mới, thực hiện đồng bộ hoá ngành Than đi vào công nghiệp hoá-hiện đại hoá sản xuất kinh doanh. Chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với 5 thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Quyết định này mở ra cho nền kinh tế đất nước, cho ngành Than một tương lai sáng sủa. Công nghệ được cải tiến, năng suất tăng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, đời sống của công nhân viên ngày càng được cải thiện.

Mấy năm sau đó lương của công nhân được tăng lên, công việc đỡ nặng nhọc hơn nhờ máy móc công nghệ mới. Bác và anh em công nhân vô cùng phấn khởi, đi làm mặt ai cũng tươi rói. Sau đó bác nghỉ hưu mang theo nỗi hụt hẫng, nỗi nhớ công việc, những thói quen của người thợ trong bao năm gắn bó. Nhìn quy mô của mỏ mới, các công nghệ mới trang thiết bị mới, các lãnh đạo mới, tư tưởng mới, theo bác tương lai ngành mỏ cũng như đời sống của các bạn đồng nghiệp trong thời gian tới sẽ luôn tốt đẹp, luôn là ngành trọng điểm đóng góp cho đất nước, cho tương lai của dân tộc. Mỗi lần nói chuyện với bác là những kỷ niệm đời thường của người thợ mỏ luôn dạt dào. Tôi có cảm giác giống như một mỏ kỷ niệm khổng lồ tuôn chảy bộc phát tự nhiên dồi dào mãnh liệt.

Sau khoảng một tuần điều trị thì các bác sỹ nói bệnh bác đã thuyên giảm, sức khỏe được cải thiện nên cho bác về với gia đình. Trước khi về, bác sỹ có dặn dò cẩn thận bác và người nhà. Bác sỹ nói bệnh của bác là bệnh suy yếu sức khỏe, không bao giờ chữa khỏi được do phổi bị tổn thương vĩnh viễn nên bác phải hết sức chú ý vấn đề về sức khỏe, kiêng những chất kích thích gây kích ứng phổi, sống vui vẻ tập thể dục thể thao đều, không được làm quá sức...

Sau khi bác sỹ đi, tôi có hỏi bác là bệnh của bác nghiêm trọng như nào? sao không khỏi được? bác nói với tôi giọng chậm rãi: Bác là người vùng mỏ, lớn lên cùng mỏ, làm việc trong mỏ, hít khí mỏ, ăn uống ngủ nghỉ cùng với mỏ, cái nhịp sống đó bác quen rồi. Hồi trẻ, nếu có đi xa một hai ngày bác đã thấy bứt dứt khó chịu muốn về ngay rồi. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, trong không khí có bụi than bác hít vào phổi, theo thời gian tích tụ dần trong phổi gây ra xơ phổi dần dần. Bác có rửa phổi vài lần nhưng bác sỹ nói là không thể rửa hết được vì các thể xơ hóa liên kết với bụi than, dịch rửa không có cách nào lôi ra hết được.

Bác nói bệnh của bác bình thường thôi, anh em đồng nghiệp nhiều người bị, không nặng thì nhẹ, anh em cũng quan niệm nó là bình thường, mình chỉ yếu đi tý thôi. Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, bác thấy đó có thể là do phận của mình, phận của những người thợ mỏ, bụi than bám vào phổi, tồn tại cùng phổi khéo cũng hòa với máu của mình. Anh em thợ nhiều lúc đùa nhau gọi là Máu Mỏ. Ờ thì bụi than là máu mỏ cũng đúng thôi, nó trong phổi mình, trong máu mình, sống với mình bao năm rồi nên nó là máu cũng đúng thôi. Bác luôn yêu, luôn nhớ về dòng máu ấy không một lời oán thán, nó là duyên là nghiệp của người thợ mỏ. Bác nói chắc nịch một câu là: Khi tao chết chắc chắn máu mỏ vẫn trong cơ thể tao. Có chôn xuống dưới mồ thì cũng là một sự mãn nguyện, một sự tự hào của người thợ mỏ. Tao muốn thế và hạnh phúc với điều đó. Ánh mắt sáng ngời, giọng điệu sang sảng khi bác nói về máu mỏ-dòng máu chung của những người thợ làm cho tôi vô cùng xúc động tự hào thay và thêm một chút ghen tị rằng khi về già có nhìn lại trong mình sẽ chẳng có thêm dòng máu đặc biệt nào như máu mỏ, máu của người thợ mỏ!!!

Khi tôi viết những dòng này thì bác đã ra đi ở tuổi ngoài 60 vì sức khỏe yếu. Khi bác mất, tôi không có ở bên nhưng khi nhìn bác lần cuối, tôi thấy bác như đang mỉm cười, mặt mày vẫn rạng rỡ như ngày nào. Ai cũng nói bác sướng cả đời khi chết mới thanh thản vậy, nhưng riêng tôi, tôi nghĩ bác cả đời gắn bó với mỏ, dòng máu mỏ đã tiếp thêm niềm tin cho bác trong cuộc sống, chỉ có máu mỏ, đất mỏ mới nuôi dưỡng nên những người công nhân như vậy. Đời này bác chỉ có mỏ thôi!!!

VŨ THỊ MINH HUYỀN

Hà Nội, ngày 4.12.2021

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội ế ẩm, không còn tình trạng thổi giá cao

ANH HUY |

Những năm trước đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội luôn được quan tâm, thậm chí rất sôi động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đất đấu giá đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.