Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.

Đó là lúc một cơn gió bất thần hất tung đám rác trên xe hắt vào mặt mình như một cái tát đột ngột hung hãn, mình vội thả tay khỏi chiếc càng xe, không ngờ chiếc xe đang trên đỉnh dốc rẽ vào một con hẻm nhỏ, thế là cả chiếc xe rác như con thuyền mất lái trôi tuột vào hẻm, rồi đâm sầm vào cây cột điện gần đó mới dừng lại, may mà khuya rồi, nhà nhà đều đóng cửa, đường phố  cũng vắng tanh. Không ai biết, không ai hay, nhưng mình đành phải một mình đánh vật với cái xe rác cồng kềnh, loay hoay mãi mà vẫn không nhích được lên tí nào dưới con dốc không hề bằng phẳng. Đường phố vẫn mù mịt gió, không một bóng người. 1 giờ đêm rồi, lại giông gió nữa, ai ra đường làm gì. Vậy mà có một kẻ điên thật, kẻ điên đang đi xe máy không hiểu sao lại nhìn thấy mình đang vật lộn với cái xe rác, bỗng phanh kít lại, rồi lẳng lặng đi xuống con dốc, chả thèm hỏi han gì, cứ thế túm lấy càng xe cùng mình đẩy vèo vèo lên phía đường cái. Mình chưa kịp lấy hơi để cảm ơn thì kẻ ấy đã vội vã lên xe máy rồi rồ ga phóng vút đi. Người đâu mà lạ, giúp người ta mà cứ như đi ăn trộm. Mà thôi, cũng may chứ kẻ điên ấy mà dùng dằng theo mình rồi buông lời tán tỉnh thì không biết mình còn hãi đến mức nào.

Hồi mới đi làm các chị trong tổ luôn dặn mình: Em đi làm ca đêm phải cẩn thận, không được để cho bọn thanh niên xấu nó xán lại gần, nhất là không đối đáp lại những lời tán tỉnh của bọn đàn ông, trông em mỏng mày hay hạt thế này là hay bị sàm sỡ lắm. Mình nghĩ đàn ông thì cũng có ba bảy loại đàn ông chứ, mà ban đêm biết ai là người tốt kẻ xấu. Không để cho người ta tán tỉnh thì bao giờ mới lấy được chồng, làm cái nghề này, khi người ta ngủ, nghỉ thì mình lại mũ áo tùm hụp đi làm, mà làm thì toàn phải tiếp xúc với những chất thải của xã hội. Mùi hôi thối luôn đeo bám. Lúc người ta đi làm thì mình lại chỉ biết ngủ vùi để còn lấy sức đi làm ca đêm, thì hỏi còn thời gian đâu mà tìm mới hiểu. Mình còn trẻ mình xung phong nhận ca đêm cho các chị trong tổ bận con nhỏ là phải đạo rồi. Hiềm nỗi  chỉ mong có một ngày lễ tết để được mặc chiếc váy hoa, đi đôi giày cao gót đến một quán cà phê nào đó với một người bạn nào đó, vậy mà mãi vẫn chỉ là ước muốn, bởi ngày lễ thường phải tăng ca, vì rác những ngày đó rất nhiều, mà làm thì có phải hết giờ là hết ca đâu mà phải làm bao giờ đường hết rác mới thôi.

Khi dấn thân vào nghề này mình cũng đã xác định rồi, khi kiếm được đủ số tiền để lo cho bản thân, và có chút vốn liếng làm hành trang xin việc mình sẽ quay lại làm đúng nghề mà mình đã chọn, mình thích làm cô giáo từ hồi còn bé. Vậy mà chỉ vì nhà nghèo không đủ tiền để chạy một suất hợp đồng dạy tiểu học, mình đã phải lang thang làm đủ nghề từ bán hàng thuê, đến nghề tiếp thị, công việc không ổn định lại còn phức tạp.

Rồi mình gặp được chị Kha. Chị Kha là bạn của chị cái Hân. Hôm đó hai đứa đang ngồi than thở vì vừa bị thất nghiệp chân tiếp thị bia. Nghe được chuyện chị bảo bọn mình các em có muốn đi làm ngay không, lương hợp đồng nhưng ổn định lắm, chả phải cầu cạnh xin xỏ ai, cứ mang hồ sơ đến công ty môi trường, ít ngày sau là người ta gọi thôi, tất nhiên mới vào làm hơi vất vả tí chút nhưng sau quen dần cũng ô kê lắm. Hai đứa đực mặt ngồi nghe. Cái Hân giãy nảy: Thôi thôi cái nghề quét rác ấy bọn em không làm đâu. Đang hơ hớ thế này, làm nghề ấy, có mà ế chỏng gọng. Mình cũng thế, mình vốn sợ bẩn, lại hay lợm giọng bởi những mùi khó ngửi. Nhưng mình không có lựa chọn nào khác. Gái nhà quê học xong chẳng xin được việc làm nào ổn định đã hơn năm nay rồi, mà giờ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn tùng tiệm cũng sắp hết đến nơi, thôi kệ cứ xin vào làm thử, sau này tính sau. Chị Kha thật tốt, chị dẫn dắt mình vào nghề, chỉ cho mình cách bôi dầu gió hoặc tinh dầu vỏ cam quýt vào khẩu trang để chặn những cơn lợm giọng buồn nôn, chị còn tìm cho mình một căn nhà trọ giá rẻ gần nhà chị để chị em đi làm cho tiện. Lúc đầu chị cho mình đi theo chị để học việc, giúp mình những cách thu dọn rác nhanh và không tổn sức. Bây giờ chị còn cho mình gửi con những hôm mình bận đi làm tăng ca nữa.

Hình như gió đã bớt gầm gào rồi, con đường vẫn vắng tanh, chỉ có những ngọn đèn đường thả cái ánh sáng âm u như buồn ngủ, thỉnh thoảng trêu ghẹo những cành cây đang đong đưa như gợi tình với ngọn đèn ma mị. Mình cũng thấy như dễ thở hơn rồi, mình hít một hơi thật dài, cảm nhận có một mùi gì thơm thơm như mùi dầu gió mà không phải mùi dầu gió, mùi gì nhỉ, à mùi bệnh viện. Cái mùi này mình đã từng quen một lần, mà mình không phân biệt được nên đặt nó là mùi bệnh viện. Phải rồi cái lần đó mình phải nằm viện mất một tháng, vì cú đâm trúng sườn của một thằng ngáo tốc độ. Trước khi bị đâm mình đã nghe thấy tiếng rú rít ầm ầm hơn cả một cơn bão, biết là lại có tốp đua xe, mình định tránh vào lề đường nhưng không kịp, nó tông vào  mình như thế nào mình cũng không biết nữa, chỉ biết khi tỉnh dậy thì đã nằm trong bệnh viện, mình đầy bông băng, nhìn xung quanh chỉ thấy có chị Kha ngồi  gật gù bên cạnh. Cũng may hồi đó mình còn trẻ mình hồi phục nhanh chóng, chỉ bị gãy một dẻ xương sườn, một bên chân bị ống bô đè lên bỏng rộp đến nứt toác. Thế mà khỏi mình lại hăm hở đi làm. Lần ấy, mình mới biết công đoàn là thế nào, mới chỉ là chân lao động hợp đồng thôi nhưng mình được công đoàn hỗ trợ tiền viện phí, ngoài ra các chị em trong công ty còn hùn góp ủng hộ mình tiền ăn, ở, sinh hoạt. Chỉ buồn một nỗi không gặp được anh, anh có biết mình bị tai nạn không. Cũng mới quen nhau thôi làm gì mà anh dám đến tận công ty để hỏi xem vì sao không thấy cô công nhân quét rác ấy đi làm. Với lại trong công ty có ai biết mình đã có người yêu đâu, ngay cả chị Kha.

Lại nhớ, sau cái hôm giông gió mịt mùng ấy mình đi qua cái công trường đang xây dựng gần đoạn đường mình phụ trách, liếc thấy có một túi nilong đựng toàn những vỏ chai nhựa, cả mấy lon bia nữa, chắc của đám công nhân xây dựng thải ra rồi ném vào góc bên ngoài chiếc lán bạt. Mình nhẩm tính, từ giờ cho đến lúc về nếu chưa ai nhặt thì mình sẽ xin đống chai nhựa kia, dồn về đống ve chai đang chất ở nhà, hôm nào kha khá thì đem bán cũng được chút tiền. Cái nghề này ngoài đồng lương, nếu biết nhặt nhạnh cũng có đồng ra đồng vào.

Mình rón rén đi vào phía công trường xây dựng, một tốp công nhân nhìn theo cười hơ hớ kèm theo tiếng trêu ghẹo, mình mặc kệ, lờ đi. Này cô kia, đi đâu mà dám vào đây, mình chỉ đống chai lọ, cho em xin mấy cái vỏ chai kia. Xin là xin thế nào, tiền cả đấy, muốn lấy thì cũng phải mất gì chứ, không có tiền thì cũng phải có tình. Lại tiếng cười hơ hớ. Mình quay ngoắt đi nghĩ bụng không thèm, thì vừa một tiếng ai đó vang lên. Này cô ơi, không của ai đâu, cô lấy đi. Mình quay lại, định hình xem tiếng nói ấy từ đâu, là ai trong đám công nhân kia, nhưng không phải, người đàn ông đang từ phía khác đi lại, anh nhìn mình lạ lắm, như muốn nói với mình điều gì, mình cũng thế mình cũng thấy ngờ ngợ như gặp ở đâu rồi. Như sợ mình không dám quay lại lấy, anh vội vàng chạy lại đống vỏ chai cầm lại đưa cho mình, bảo thêm, trong kia còn mấy lon bia nữa, đợi tôi tôi lấy cho, mình ngoan ngoãn đứng đợi và thấy lòng cứ bâng khuâng lạ. Cứ tưởng thế rồi thôi, ai ngờ anh ta lại chủ động gặp mình, đến tận xe rác của mình trao tận tay một túi ni lông to đựng đầy vỏ chai nhựa và lon bia. Lúc này thì mình không còn ngờ ngợ nữa, cái bàn tay ấy có đeo cái đồng hồ ấy, đúng rồi là anh ta. Lần này thì mình kịp cám ơn được, và mình mạnh dạn hỏi: Có phải anh là... Đúng đúng rồi, cô đúng là cái cô hôm ấy, vâng đúng rồi ạ. Rồi chúng mình cùng bật cười to. Rồi anh hẹn, hôm nào hết ca đi uống nước với anh nhá.

Thế là mình được mặc váy, vai đeo chiếc xắc tay mua vội ngoài chợ, bẽn lẽn vào quán cà phê như mọi cô gái mà mình vẫn ao ước. Ai bảo là công nhân môi trường không có thời gian hò hẹn, mình với anh có khối thời gian để gặp nhau. Lúc nào mình đang trong giờ ca mà anh rỗi thì anh ra chỗ làm với mình, anh giúp mình đổ những túi rác nặng lên xe, giúp mình đẩy xe qua những hẻm chật hẹp, anh đi ủng đầu đội mũ bảo hiểm xây dựng, chẳng ai nghĩ anh không phải là công nhân môi trường. Nếu có hôm nào cả hai cùng rảnh thì mình vẫn có quyền mặc váy, anh bận sơ mi đóng thùng, cả hai vào một quán cà phê bình dân vắng vẻ chụm đầu thoải mái thả những lời yêu mà chẳng ngại ngần ai. Anh bảo tết này anh sẽ đưa mình về giới thiệu với mẹ, anh chỉ có một mẹ một con, bố anh mất từ khi anh còn nhỏ xíu, mẹ một mình nuôi anh ăn học, mẹ muốn anh làm một công việc nhẹ nhàng và ở gần nhà, nhưng anh lại đam mê ngành xây dựng. Bây giờ anh đang giám sát thi công công trường này. Có điều nghề xây dựng luôn phải đi xa và không ổn định ở một nơi nào chắc chắn. Em có đồng ý lấy anh không. Mình đỏ mặt sướng run lên gục đầu vào ngực anh thì thầm, anh đi đâu cũng được,miễn anh sẽ về với em, rồi chúng mình hòa vào với nhau, siết chặt nhau, uống hơi thở của nhau trong tận cùng cơn khát và thỏa mãn trên chiếc giường ọp ẹp ken két đung đưa của căn phòng trọ 9 mét vuông.

Lại ngạt thở nhưng cái ngạt thở của lồng ngực đang căng tức dồn nén và tràn căng sinh khí. Mồ hôi túa ra, mặt mình nóng lên, hình như mình đang rên khe khẽ, anh ơi, cứu em, em chết mất.

Chị ấy tỉnh rồi, bác sĩ ơi, cái giọng quen quen mà lâu nay mình vẫn được nghe lúc cận kề, lúc xa xăm. Mình cố mở to đôi mắt nặng trĩu, trước mắt chỉ là một màu trắng, cái gì cũng trắng, những bóng người lượn lờ cũng trắng đến rợn người, một cái bóng trắng cúi thấp xuống: Cô còn thấy khó thở không Ồ mình đã nằm ở đây bao lâu rồi nhỉ, không biết nữa, chắc là lâu lắm rồi. Xung quanh mình đầy dây nhợ nhằng nhịt, cả mũi miệng đều bị bịt kín bởi một mặt nạ thở bằng nhựa trong suốt. Không biết bé Lê giờ ra sao rồi, hôm mới vào viện mình còn chát chít với chị Kha trong điện thoại, nhìn thấy con vẫn khỏe mạnh, nó còn khoe bác Kha chiều con hơn cả mẹ cơ, ở nhà bác Kha vui lắm, có anh Khánh suốt ngày dạy con học vẽ, dạy con học online rất thích. Ừ gửi con cho chị Kha là mình yên tâm rồi, mình sẽ cố gắng chống trọi với con covid này để còn về với con chứ. Ước gì mình có thể biết được anh đang ở đâu, để báo cho anh biết, anh có một đứa con gái, anh sẽ về với con thì mình có sao cũng thấy yên lòng. Nhưng không ngờ anh lại là một kẻ bạc tình, chắc anh tham vàng bỏ ngãi, hoặc anh không vượt qua nổi định kiến lấy một cô vợ làm nghề quét rác. Đúng cái hôm mình định báo cho anh cái tin mình đã có thai thì cũng là hôm anh báo với mình tin anh phải chuyển đi xa, đến một công trường khác cách nơi mình ở hàng trăm cây số. Cái nghề xây dựng là thế mà em. Công trình ở đây đã thi công hoàn tất rồi, công ty điều anh đến giám sát thi công ở một công trường đang bắt đầu xây dựng. Mình choáng váng như bị say nắng, thấy như đất trời đang đảo lộn, rồi mình thấy lợm giọng như buồn nôn, rồi mình lả vào anh mà không tài nào đủ can đảm để nói với anh rằng anh sắp được làm bố. Anh lo lắng bảo mình hãy yên tâm, lúc nào rỗi anh sẽ nhảy xe khách về thăm em.

Thế mà chỉ đi được vài tháng anh  đã quên, đã tắt điện thoại, lúc nào gọi cho anh cũng chỉ nghe thấy tiếng tút tút như tiếng thở dài ngán ngẩm. Anh đã thay số điện thoại rồi chăng, anh đã cắt liên lạc với mình để không còn phải nghe mình than thở dằn dỗi nữa chăng. Nhưng mình vẫn tin, vẫn cố hy vọng, hy vọng cho mãi đến bây giờ khi bé Lê đã gần 8 tuổi. Nó đã nhiều lần hỏi mình: Sao các bạn con ai cũng có bố mà con thì không, bố con đâu hả mẹ. Lúc đầu mình bảo bố con đi công tác ở xa lắm, vì bố làm nghề xây dựng mà, rồi bố sẽ về với con, nó bắt mình cho xem ảnh, nhưng mình lại chẳng có tấm hình nào của anh, chỉ biết nói với nó, bố con tên là Dưa, cao to đẹp trai, mỗi tội da hơi đen tý thôi. Sao lại là Dưa, nó cười sằng sặc giống hệt hôm mình biết tên anh, anh bảo hồi nghén anh, mẹ anh chỉ thèm mỗi dưa lê, nên đặt luôn cho anh là Dưa, sao không lấy tên là Lê có phải hay hơn không, nhưng mẹ anh bảo con trai tên là lê nghe nó cứ yêu yếu thế nào ấy, nên đặt anh là Dưa cho khỏe mạnh, anh còn nói thêm, sau này có con gái anh sẽ đặt tên là Lê, là thứ quả mà bà nội ưa thích. Em đã thực hiện đúng lời mong ước của anh rồi, mà anh nỡ rời bỏ mẹ con em sao. Bây giờ em đang nằm đây, đang ở trên bờ vực thẳm đây, không biết lúc nào có để trụ vững hay là sẽ rơi xuống cái vực sâu thăm thẳm mà nhiều người đã rơi xuống đó rồi.

Mình rất muốn khoe với anh là mình đã được nhận là công nhân chính thức của công ty môi trường đô thị rồi, mình đã được hưởng mọi chế độ của một công nhân biên chế, đó cũng là sự trả công xứng đáng cho 5 năm liền mình đạt thành tích chiến sĩ thi đua, không kể ngày nắng đêm mưa, không kể giờ giấc éo le, không kể ngày lễ tết, mình luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, mọi cung đường vất vả nhất, và ngay cả mình đã chiến thắng được lằn danh phẩm chất và bạc tiền khi mình chạm phải một xấp tiền đô la trong phong bì bị vứt ra theo một bọc rác, không biết của ai, cũng không biết từ đâu khi mình trút rác vào thùng thì một bọc cưng cứng trồi lên trong đống rác đầy những giấy lộn. Mình đã toát mồ hôi vì sững sờ khi mở ra, mình đã dằn vặt khi mang nó về nhà, mình đã tự lên án rồi lại tự bào chữa cho mình, nhưng cuối cùng mình đã chiến thắng, mình đem đến đồn công an ngay phường đó để nhờ công an tìm trả cho người mất. Mình được phường khen, được công ty khen thưởng nhưng người mất thì vẫn bặt tăm hơi.

Nhưng lần này mình lại không chiến thắng nổi con covid, nó vô hình nhưng lại vô cùng nguy hiểm, nó đã đánh gục mình. Mình đã  thực hiện rất nghiêm khắc những quy định phòng vệ, đeo đến 2 cái khẩu trang, lại còn thêm một kính chắn giọt bắn, tay cũng hai găng tay, cả người còn bọc kín từ đầu đến chân bộ quần áo bảo hộ. Thế mà nó vẫn chui vào người mình bằng con đường thật vô hình. Nhưng nếu mình không đi đến khu cách ly ấy để dọn rác thì ai đi. Rác ngập lên rồi sẽ ảnh hưởng đến cả những khu gần đó nữa. Mình cứ tưởng mình có đủ đồ phòng vệ thì con covid chỉ có khóc, Thế mà không ngờ mình phải chịu thua nó để nằm đây, trong cái không gian trắng xóa và mờ mịt thời gian này.

Lại gió nữa rồi, lần này gió ù ù thổi như cơn bão, gió hắt vào mặt mình bao nhiêu là thứ rác rưởi hôi tanh, mình cố vùng ra khỏi đám rác, nhưng rác cứ càng ngày càng lấp kín mặt mình đến không thở nổi, rồi mình chìm trong rác, ngạt thở vì rác. Bỗng mình trở nên nhẹ bẫng như một chiếc lá, mình bay theo cơn gió, lơ lửng trên không trung. Mình trông thấy anh, anh vẫn mặc nguyên bộ đồ làm việc ở công trường. Ơ kìa anh, anh về rồi à, sao anh bỏ mẹ con em đi lâu thế, em biết thể nào anh cũng về với mẹ con em mà, em không giận anh nữa đâu, ơ sao đầu anh nhiều máu đang chảy thế, anh bị ngã ở đâu phải không, lại đây để em băng bó cho nào, rồi chúng mình cùng về với con nhé, nó đang chờ em và mong gặp anh lắm đấy. Đừng, đừng đi theo anh, anh đã đi xa lắm rồi, em phải quay về với con, em phải cho con gặp bà nội nữa. Em còn nhớ quê anh không, em nhớ, em vẫn nhớ như in mà, nhưng em không dám tìm về quê anh, em sợ vì em chưa phải là vợ anh. Mẹ anh đang ở một mình, anh thương mẹ lắm, gặp em và con chắc bà mừng lắm đấy. Thôi quay về đi em, kiên cường lên nhé, em phải quay về với con chúng ta. Anh, anh ơi, đừng bỏ em...

Thật kỳ diệu, chị ấy sống rồi, chỉ số Sp02 đã lên 95, phổi cũng đang hồi phục dần, đêm qua chị ấy cứ ú ớ cả đêm, nhưng mọi chỉ số đã ở mức an toàn. Thật không tin nổi, bệnh nhân đã hồi tỉnh sau một cơn ngừng tim. Toàn bộ ê kíp trực đêm qua rã rời vì ca cấp cứu này, cứ tưởng không qua nổi, thế mà.

Bệnh nhân mở mắt nhìn xung quanh, trên mặt đã thoáng không còn dây nhợ loằng ngoằng nữa, nhưng những bóng trắng đâu hết rồi nhỉ, ô kìa sao những bộ áo trắng lại đang gục đầu la liệt trên bàn, trên ghế, có cả người lăn ra giữa sàn nhà thế kia, họ làm sao vậy nhỉ. Ồ họ đang ngủ, ngủ ngon lành. Bất giác trên môi bệnh nhân nở một nụ cười.

NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam hưởng ứng Tháng Công nhân 2022

LƯƠNG HẠNH |

Công đoàn Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.

CNLĐ nhận hỗ trợ xây Mái ấm Công đoàn: Muốn gắn bó lâu dài với công ty

Kiều Vũ |

Hà Nội - Ngày 31.5, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã đến thăm và trao quà cho công nhân lao động Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam được nhận hỗ trợ xây Mái ấm Công đoàn.

16 truyện ngắn xuất sắc được trao tại cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”

Thanh Hương |

16 truyện ngắn xuất sắc nhất được Hội đồng chung khảo lựa chọn để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Tư trong lễ trao giải “Làng Việt thời hội nhập”.

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam hưởng ứng Tháng Công nhân 2022

LƯƠNG HẠNH |

Công đoàn Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.

CNLĐ nhận hỗ trợ xây Mái ấm Công đoàn: Muốn gắn bó lâu dài với công ty

Kiều Vũ |

Hà Nội - Ngày 31.5, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã đến thăm và trao quà cho công nhân lao động Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam được nhận hỗ trợ xây Mái ấm Công đoàn.

16 truyện ngắn xuất sắc được trao tại cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”

Thanh Hương |

16 truyện ngắn xuất sắc nhất được Hội đồng chung khảo lựa chọn để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Tư trong lễ trao giải “Làng Việt thời hội nhập”.