Truyện ngắn dự thi: Hồn gốm

Nguyễn Thị Khánh Liên |

Từ tuổi bảy mươi, năm nào bà nội cũng làm một lọ gốm mừng sinh nhật. Bà làm với tâm thế đó là lọ gốm cuối cùng. Những lọ gốm bà làm được trưng bày trên chiếc kệ đầy bụi. Gần chục lọ.

Tôi sinh ra trong căn buồng chất đầy gốm. Năm đó vì sinh tôi, cha mẹ không đi bán gốm nơi xa, chỉ bán chợ gần, nên gốm tồn chất đầy nhà, tràn vào căn buồng sản phụ. Mới ra đời, bên cạnh mùi sữa mẹ tôi đã nghe mùi gốm. Đó là mùi đất bùn lấy từ ruộng, mùi rơm, mùi nước sông Lu đục trắng, mùi củi rừng...Tất cả nằm ngay sân, sát căn buồng mẹ cho tôi bú. Và mẹ, sau một tháng ở cữ, đã ra bậc thềm buồng, ngồi làm gốm cùng người làm. Từng giọt sữa thấm qua làn áo mẹ, cả sữa và mồ hôi ướt rượt làn áo mỏng.

Tôi biết làm gốm khi vừa lên năm. Chị tôi còn biết sớm hơn. Chị bảo, chị biết làm gốm từ trong bụng mẹ. Dĩ nhiên là chị nói phách nhưng tuổi nhỏ tôi đã tin điều hão huyền ấy. Chị lớn hơn tôi ba tuổi nhưng giống như một nghệ nhân làm gốm. Ra đồng lấy đất, chị biết chọn loại bùn vừa tới, không quá non nhão, không quá cứng đầy sạn. Ra sông chị biết dòng chảy sông Lu chỗ nào nước trong, chị còn chọn mạch nước không những trong mà có cả mùi thảo dược là những cây cỏ làm thuốc mọc bên sông.

Bà nội, chị và cô Châu - một người làm lâu năm cho nhà tôi rất giỏi ở công đoạn nhào đất. Đất qua bàn tay của họ mịn láng, không một hột cát ẩn. Họ nhẹ nhàng, thảnh thơi nhưng chăm chú, tỉ mẩn. Có những nhà không có được đất như nhà tôi còn qua xin kỹ thuật nhào đất. Họ ngồi nhìn bà nội làm một ngày, trở về nhà làm y chang. Nhưng vẫn còn cát trong đất. Khi nướng gốm, nhiều sản phẩm bị nổ.

Chị bảo, khi nhào nặn đất chị nghĩ về con chim cúm núm trên đồng. Cuối mùa gặt, ngoài đất bùn ở ruộng nhà mình, những nhà làm gốm còn đi các ruộng nhà khác xin lấy đất bùn. Chị theo cha đi lấy đất hay gặp những con cúm núm lạc mẹ, chạy táo tác trên đồng. “Nhào nặn đất mất thời gian, phải nghĩ về một cái gì đó, nên chị nghĩ về con cúm núm”. Sau này tôi mới biết vì sao chị lại thương con cúm núm.

Hồi nhỏ, tôi đã ghen với chị mình. Chị có làn da sáng, đôi chân thẳng tắp, những ngón tay, ngón chân thuôn dài. Tóc chị thẳng, lông mày không quá rậm. Hàng mi cong nhưng cũng không quá dày. Ở chị có cái gì đó vừa đủ, vừa sáng lên, vừa nâu thẫm như một sản phẩm hoàn hảo.

Còn tôi, chân ngắn, da nâu, lông mày, lông mi rậm. Bàn tay, bàn chân cũng nâu như màu đất. Tôi luôn đứng sau chị cả về nét đẹp, sự tinh tế, sự thạo nghề.

Bà nội cực kỳ yêu chị. Dường như bà muốn bù đắp một tình thương nào đó mà chị thiếu. Bà nội truyền hết nghề cho chị, tỉ mỉ từng khâu. Mẹ tôi, hay nói trỏng, “nửa dòng máu không thể nào là một dòng máu”. Bà nội mặc kệ, lơ đãng, tai như không nghe. Tôi và chị thì hồn nhiên, cứ sống, cứ lớn lên trong đời sống của một gia đình Chăm, của gốm.

Cha tôi là một ngọn gió. Thời gian cha ở nhà rất ít nên gia đình tôi được sắp đặt bởi bà nội, mẹ, cô... những người đàn bà. Cha tôi chỉ xuất hiện ở nhà vào những dịp cúng, rồi ra đi ngay khi gà chưa gáy.

Mẹ tôi thường mắng chị dù trong mọi trường hợp, tôi mới là người làm sai. Mẻ gốm nhào đất không kỹ, bị nổ những cái vò. Canh củi đun không đều, lửa lúc bùng, lúc thiếu khiến gốm bị cháy sém, bị non. Bào đất không kỹ, lọ gốm ram ráp, không mịn. Những sản phẩm gốm lỗi là do tôi chứ không do chị. Nhưng chị luôn là người để mẹ trút giận. Chỉ có nội là thương chị với tất cả tình thương của một người bà.

Thời kỳ cực thịnh của gốm đi qua rồi tới thời kỳ suy thoái. Chiếc xe trâu của cha nằm xếp xó ở sân nhà. Không bán được gốm cha cũng không ở nhà. Một ngọn gió có đời sống của một ngọn gió. Cha luôn ở bên ngoài ngôi nhà, chứ không phải bên trong. Ông kiếm cớ đi, dù không buôn bán, rồi mất dạng.

Gốm chất đầy nhà trong tuổi mới lớn của chúng tôi. Như một quy luật được, mất, người ta không dùng gốm nữa. Bếp ga, bếp điện thay thế bếp gốm đất. Lu nhựa, vò nhựa thay thế vò, lu gốm đất. Những lọ hoa đủ mọi chất liệu đẹp và bền hơn lọ gốm. Gốm chìm trong bụi, trong những nhà kho cũ kỹ.

Làng nghề chúng tôi bắt đầu lâm cảnh nợ nần. Các nhà không còn làm gốm, lũ lượt vào những thành phố lớn, làm công nhân, cho thuê đồng ruộng và đóng cửa xưởng gốm. Những thợ làm ở nhà tôi cũng xin nghỉ làm. Cô Châu - người đàn bà yêu gốm - hơn nửa đời dành cho gốm - cũng từ biệt gia đình tôi, theo người cháu làm công nhân trong thành phố. Nghề nào cũng cần miếng ăn. Không ra nổi miếng ăn, liệu có còn nghề? Làng xơ xác. Những đồng ruộng bỏ hoang, bán tháo để trả nợ. Ngân hàng không lấy gốm mà lấy ruộng. Những cánh đồng buồn như chủ.

“Cái nào cũng có hồn, gốm cũng có hồn. Hồn gốm rất riêng biệt, như hồn con người ta vậy. Không cái nào giống cái nào” - nội lắc lư cái võng, têm trầu, nói một mình khi nhìn một lu gốm nằm chỏng chơ trên thềm.

Nội bệnh khi tờ giấy ngân hàng bay tới nhà, đòi lấy ruộng. Một tháng nữa, không trả nợ ngân hàng, mấy sào ruộng thế chấp sẽ bị ngân hàng tịch thu.

Chị tôi quyết định cứu gia đình. Chị theo bạn, làm công nhân trong thành phố. Tôi tiễn chị ra ga. Nhà gần ga nên chị em tôi không đi đường lộ mà đi tắt qua ruộng cho gần. Những cánh đồng sau vụ gặt cơ man nào là đất bùn. Ngày trước đó là niềm vui của chị em chúng tôi. Tôi nhớ cảnh chị chạy giữa cánh đồng, hét vang trời. Còn giờ, chúng tôi bước qua chúng trong cảm giác tủi hổ. Chúng tôi đã thất bại. Thời ông cha chúng tôi, nghề gốm sung túc. Gốm là cơm, là gạo, là sữa nuôi những người Chăm chúng tôi. Còn giờ, lớp trẻ, gốm là nợ nần. Thật tủi nhục.

Chuyến tàu chở chị cất còi xé từ ga. Tàu xình xịch chạy qua. Tôi đứng giữa đồng ruộng, nhìn chuyến tàu dài rồi bật khóc. Nếu không đi học, tôi sẽ chạy theo chị, làm công nhân ở xứ người.

Những ngày cả làng lên bờ xuống ruộng vì gốm, tôi vẫn yêu gốm. Tôi nhớ những mẻ gốm đêm, những chiếc đèn bật sáng, cha vừa về, tất bật xếp củi, phủ rơm. Đã có người đặt hàng, phải làm cho kịp. Những thợ gốm được huy động. Tiếng con gà bị cắt tiết ẹc ẹc giữa đêm vắng. Tiếng cười khúc khích và những câu chuyện. Nội đang làm thỉnh thoảng hát lên một bài Chăm cổ. Những ngày ấy trong dĩ vãng.

Tôi lén lút làm gốm trong bóng điện mù. Chị tôi đã truyền nghề cho tôi tất cả tình yêu với gốm. Chị bảo, tay chị làm công nhân có thể sẽ không còn dẻo. Chị muốn truyền lại hết cho tôi để một ngày gốm sẽ hồi sinh. Tôi không được bỏ cuộc, tôi phải luyện tay nghề. Cái mùi tôi đã nghe từ thuở lọt lòng, thân quen như mùi sữa mẹ. Khi cả làng không đỏ lửa làm gốm, tôi vẫn nhen cho mình một đốm lửa hy vọng.

Nhờ lương công nhân của chị mà gia đình tôi đã qua cơn bĩ cực. Nội có tiền uống thuốc, mẹ trả được tiền ngân hàng hàng tháng, tôi có tiền đóng học phí. Cha tôi - người vắng mặt - lâu lâu cũng gởi về ít tiền mua gạo. Cả gia đình đã sống sót dù gốm vẫn phủ bụi đầy kho.

Một ngày, tôi đi học về bỗng thấy chú trưởng thôn ngồi ở thềm nhà. Nội và mẹ đi vắng. Chú trưởng thôn ngồi chờ tôi để hỏi số điện thoại của chị tôi.

“Có chuyện gì vậy chú?” - Tôi ngơ ngác hỏi.

“Thôn đang thành lập hợp tác xã gốm. Gốm ngoài bán lẻ còn có mô hình kinh doanh hẳn hoi. Sản phẩm gốm sẽ được hợp tác xã đưa đi bán khắp nước, qua cả nước ngoài. Nên hợp tác xã cần những nghệ nhân lành nghề, cả già và trẻ. Chị cháu là một người trẻ thôn nghĩ đến đầu tiên”.

Muốn vào hợp tác xã phải có giấy phép kinh doanh của gia đình. Chứ mạnh nhà nào nhà nấy làm sản phẩm ẩu, bán buôn không uy tín, ảnh hưởng tới thương hiệu gốm của hợp tác xã. Người chủ kinh doanh phải là người đứng đầu cơ sở gốm. Nội và mẹ không biết chữ nên nội muốn chị đứng tên xưởng gốm nhưng mẹ không chịu, đùng đùng tức giận.

Sự tức giận của mẹ đã tiết lộ một sự thật khiến tôi và chị choáng váng, chị là người ngoại tộc, chỉ có nửa dòng máu, là con riêng của ba, không đủ điều kiện để làm người đứng đầu xưởng gốm. Xưởng gốm ấy dành cho tôi.

Chị tôi suy sụp ngay sau khi biết sự thật. Chị không tin rằng mình không phải là con của mẹ. Lúc này, những chì chiết, mắng nhiếc, đánh đập của mẹ đối với chị bỗng hiện lên rõ mồn một. Những ký ức làm chị tổn thương.

Chị làm việc và ở luôn trên hợp tác xã. Vào hợp tác xã mới không phải chuyện đùa. Thời đại 4.0, hợp tác xã làm ăn phải ra ngô, ra khoai. Hợp tác xã kiếm nơi tiêu thụ, còn các xưởng làm gốm phải làm ra sản phẩm đủ chất lượng và số lượng. Chị tôi do là nghệ nhân giỏi, chị dạy những người thợ trẻ, đi khắp nơi, ra tận nước ngoài để quảng bá về sản phẩm gốm. Nội khỏe thì cùng đi với chị. Mùa hè tôi không đi học cũng được đi cùng chị. Ba bà cháu cùng quảng bá sản phẩm gốm với những người chưa biết gốm và những người yêu gốm.

Hợp tác xã gốm là luồng gió mới của làng nghề chúng tôi và của thân phận chúng tôi. Những người trẻ bắt đầu ở lại làng làm gốm, không phải ly hương mà được làm kinh tế ngay lại làng mình, quê hương mình.

Một ngày, một người đàn bà Việt kiều đến thăm hợp tác xã gốm. Bà tìm đến chị tôi, nhìn chăm chăm vào chị.

“Ngân” - bà gọi.

Đó là một cái tên xa lạ trong dĩ vãng, nhưng êm tai vì có sự nghẹn ngào. Người đàn bà giàn giụa nước mắt.

Một người đàn ông Chăm đi bán gốm, gặp và yêu một người đàn bà Kinh. Người đàn bà Kinh vượt biên, rủ ông theo nhưng ông không theo. Hai mẹ con đi, số phận làm thất lạc đứa con nhỏ. Rồi số phận cho người ta nhặt được đứa trẻ, trao vào tay ông. Ông mang về, lấy vợ, để vợ chăm đứa con riêng và đứa con chung. Như một tiếng gọi hoang dã, ông lại cảm thấy mình nhớ nhung và đi tìm người đàn bà. Và ông lạc luôn trên chính hành trình của mình. Dù không tìm thấy ai, cũng chẳng còn tìm ai nhưng ông quen ra đi.

Người đàn bà Kinh là Việt kiều tìm được con mình nhờ hợp tác xã. Trên đất nước xa lạ, gốm Chăm được quảng bá và bày bán, có hình ảnh và tên các nghệ nhân. Chị tôi là hình ảnh của mẹ Kinh và cha Chăm, bất di bất dịch trên khuôn mặt. Người mẹ đã tìm ra con nhờ dòng chảy của thời gian và số phận.

Như mẹ tôi mong muốn, học xong, tôi làm chủ xưởng gốm của gia đình. Giờ tôi là một nghệ nhân gốm trẻ, thay chị. Chị tôi theo mẹ chị, ra nước ngoài kinh doanh.

Tiễn chị ở sân bay, tôi hỏi: “Sao chị lại ra đi? Chị không yêu mảnh đất này sao?”.

“Có chứ, chị yêu mảnh đất này rất nhiều. Gốm, Chăm, Việt Nam là tình yêu của chị. Nhưng chị cần mẹ, thứ tình yêu mà chị thiếu. Ra đi là để trở về. Chị muốn thế giới biết đến gốm Chăm. Như nội nói, gốm có hồn. Chị muốn thế giới nhìn thấy cái hồn ấy”.

Bàn tay nhăn nheo của nội nắm lấy bàn tay chị. “Đi đi cháu, hãy ra thế giới và đưa hồn gốm ra thế giới”.

Khi lọt lòng ngửi mùi gốm với mùi sữa mẹ, khi đói khổ nhà không một hạt gạo, gốm lăn lóc khắp nơi, khi chị tôi leo lên một chuyến tàu và tôi đứng khóc giữa cánh đồng, khi tôi lén lút làm gốm giữa đêm khuya, khi cha đốt chiếc xe trâu vì bất lực không kiếm ra gạo nuôi những người phụ nữ trong gia đình, khi hợp tác xã gốm được thành lập trong sự ngơ ngác của những người làng tôi...tôi không thể tin được rằng gốm được hồi sinh và nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Gốm Chăm đã được bảo tồn.
Tất cả những điều ấy giống như là một câu chuyện cổ tích.

Một buổi trưa hiếm hoi, cha ở nhà, xếp rơm, củi, đun mẻ gốm mới. Nội - không còn làm lọ gốm ngày sinh nhật vì đã quên tuổi, ngồi nhìn cha và tôi bận bịu bằng con mắt đục mờ. Một chiếc máy bay bay ngang qua bầu trời. Cha con tôi cùng nhìn. Mẹ đang nhào đất cũng ngưng tay nhìn. Ánh mắt mẹ bắt đầu có nỗi buồn nhớ. Nửa dòng máu cũng là máu. Nước mắt mẹ lăn trên đôi tay bết đất.
Nội cũng nhìn chiếc máy bay, nhưng khác chúng tôi, nội móm mém nhoẻn cười.

Đống củi cha nhen đã bùng lửa. Nhà bên cũng rộn ràng nhóm lò. Gốm đã được hồi sinh ở ngôi làng nghề chúng tôi, nhờ hợp tác xã và những nghệ nhân yêu gốm.

Nguyễn Thị Khánh Liên
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Chim non ra ràng

Lệ Hồng |

1.
Tôi nghĩ ba đứa tôi không hẳn là tệ! Cái nghèo cái khó sẽ đẩy cái tình nương tựa vào nhau, ba đứa cộp lại thừa hai cha hai mẹ. Thì cũng đủ bộ đấy thôi, ngó ngang gọi mẹ cha một tiếng chả ai giật thột. Mặc nhiên chúng tôi như ruột thịt, học một trường, cùng nhau lập nghiệp quyết chí nuôi thân. Chín tuổi, mười tuổi lên bờ xuống ruộng, đầy dấu hằn và những nỗi buồn mất mát, nó cứ na ná nhau đi qua.

Truyện ngắn dự thi: Hồi sinh

Lê Tuyết Lan |

Nhung dắt tay Mi vào phòng làm việc và giới thiệu với các trưởng nhóm dưới cô. Hai cô gái đội chiếc nón khác với mọi người trong phòng nhìn Mi với đôi mắt sắc lẹm và không hề muốn giấu đi sự khó chịu của mình. Một trong hai người phàn nàn với Nhung rằng, Mi là người thừa thãi của nhóm kiểm hàng bên kia, tại sao Nhung đem về nhóm mình làm gì. Người còn lại cũng thêm vào rằng, chắc hẳn cô ta làm không được việc hay thế nào ấy, nhìn gương mặt lơ ngơ thể nào cũng lại gây phiền phức cho chúng ta.

Truyện ngắn dự thi: Chị Thoàn

Phạm Xuân Hậu |

Chị Thoàn nổi tiếng ở làng tôi vì một lẽ: Chị nghiện thuốc lào nặng mà lại có rất nhiều người yêu. Trong số những người yêu chị có vài người rất đẹp trai.

Những ân hận, day dứt của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh ở vụ Việt Á

Việt Dũng |

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thấy ân hận, xót xa và đau khổ khi vướng lao lý ở đại án Việt Á, còn cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh day dứt trong 581 ngày bị tạm giam khi nói lời sau cùng.

Pháp có tân Thủ tướng 34 tuổi

Thanh Hà |

Ông Gabriel Attal, 34 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất của Pháp trong nhiều thập kỷ.

Hành trình 3 ngày đêm vây bắt nghi phạm giết người trốn ở Long An

An Long |

Với sự nỗ lực, quyết tâm trấn áp tội phạm, sau 3 ngày đêm vất vả, lực lượng công an TPHCM và Long An đã bắt được nghi phạm giết nữ nhân viên quán cà phê ở huyện Hóc Môn, TPHCM.

Vụ đề kiểm tra Ngữ văn khối 8 ở Đồng Tháp, chưa đến mức phải kỷ luật

Thanh Mai |

Theo lãnh đạo huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn khối 8, năm học 2023 - 2024 có sử dụng ngữ liệu chưa thật phù hợp, nhưng chưa đến mức phải kỷ luật.

Lý do bắt Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Newland Group

KHÁNH AN |

Lợi dụng danh nghĩa là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Newland Group, đối tượng Phạm Quang Thiêm (sinh năm 1989) và Đặng Xuân Kiên (sinh năm 1993) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 33 tỉ đồng dưới hình thức huy động vốn để đầu tư bất động sản.

Truyện ngắn dự thi: Chim non ra ràng

Lệ Hồng |

1.
Tôi nghĩ ba đứa tôi không hẳn là tệ! Cái nghèo cái khó sẽ đẩy cái tình nương tựa vào nhau, ba đứa cộp lại thừa hai cha hai mẹ. Thì cũng đủ bộ đấy thôi, ngó ngang gọi mẹ cha một tiếng chả ai giật thột. Mặc nhiên chúng tôi như ruột thịt, học một trường, cùng nhau lập nghiệp quyết chí nuôi thân. Chín tuổi, mười tuổi lên bờ xuống ruộng, đầy dấu hằn và những nỗi buồn mất mát, nó cứ na ná nhau đi qua.

Truyện ngắn dự thi: Hồi sinh

Lê Tuyết Lan |

Nhung dắt tay Mi vào phòng làm việc và giới thiệu với các trưởng nhóm dưới cô. Hai cô gái đội chiếc nón khác với mọi người trong phòng nhìn Mi với đôi mắt sắc lẹm và không hề muốn giấu đi sự khó chịu của mình. Một trong hai người phàn nàn với Nhung rằng, Mi là người thừa thãi của nhóm kiểm hàng bên kia, tại sao Nhung đem về nhóm mình làm gì. Người còn lại cũng thêm vào rằng, chắc hẳn cô ta làm không được việc hay thế nào ấy, nhìn gương mặt lơ ngơ thể nào cũng lại gây phiền phức cho chúng ta.

Truyện ngắn dự thi: Chị Thoàn

Phạm Xuân Hậu |

Chị Thoàn nổi tiếng ở làng tôi vì một lẽ: Chị nghiện thuốc lào nặng mà lại có rất nhiều người yêu. Trong số những người yêu chị có vài người rất đẹp trai.