Thu - người đàn bà nhuộm màu trong vườn khế

AN LÊ |

Ở ven bờ sông Đuống có một khu vườn khế luôn lung linh sắc màu. Không phải vì hoa tím buông trên lối nhỏ, không phải vì sắc lá xanh lọc nắng, cũng không phải vì những trái khế hình ngôi sao ánh màu vàng lục lấp lánh, mà bởi vì những súc lụa “buông chùng cửa võng” được nhuộm màu, phơi dưới tán cây.

CON TẰM NHẢ TƠ, THU NHẢ SẮC MÀU

Nữ hoạ sĩ Trần Thị Thu thường gọi mình là Trân Thù. Đấy là lối nói lái từ Thu Trần mà ra. Chị cũng thường châm biếm bản thân bằng biệt danh “Big Thu”. Thoáng nghe cứ tưởng như màu xanh ngọc bích của trời thu, nhưng thực ra, Big là to, là béo. Ừ đúng vậy, Thu là người đàn bà phốp pháp, to béo, ăn mặc lại phùng phình, lượt phượt, nên càng đồ sộ.

Thế nhưng, trong thân hình bồ tượng đó lại là một tâm hồn mong manh, mẫn cảm với cái đẹp của thiên nhiên và nghệ thuật. Thu mê mẩn sự mềm mại của lụa, mê mẩn các đường loang của màu trong sớ lụa, để tạo nên một cảnh tượng hồng hoang trong thuở khai thiên lập địa.

Lụa, đàn bà, nước Việt Nam là những khái niệm đã gắn chặt với nhau từ bao giờ. Khi người Việt còn chưa có danh tính, chỉ gọi nhau bằng dấu chỉ, bằng đặc điểm, thì người Việt đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Bà Man Thiện chẳng hạn. Tên của bà đâu phải là Thiện, họ của bà đâu phải là Man, ấy chẳng qua cái tên đó chỉ mô tả rằng bà là một phụ nữ Man hiền lành lương thiện.

Thế nhưng bà Man Thiện lại là tổ mẫu của nghề trồng dâu, nuôi tằm, đẻ 2 người con, đặt tên là Trưng Trắc, Trưng Nhị - vốn có nghĩa là Trứng Chắc và Trứng Nhị dùng để chỉ trứng ngài tốt, có thể nở ra những con tằm khoẻ mạnh, nhả ra những sợi tơ tố hảo. Bà mẹ của nghề tằm tang, bà mẹ của 2 bậc nữ lưu anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam vào những năm 40 trong Công nguyên.

Thế nên, lụa là một biểu trưng lớn của phụ nữ Việt Nam ở cả khía cạnh văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Qua bao đời, bao kiếp, những người đàn bà tần tảo, chịu thương chịu khó, miệt mài rút ruột nhả tơ để đem lại lợi ích, cái đẹp cho cộng đồng.

Dễ hiểu tại sao Thu Trần mê đắm lụa và luôn tìm cách thổi những cuộc đời mới mẻ vào từng mảnh lụa bằng màu sắc. Là giáo viên Mỹ thuật của trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc (Hòa Bình), Thu Trần đã mải miết trong cuộc chơi của màu sắc trọn đời người.

Chị luôn tìm tòi những thể nghiệm màu sắc mới trên các chất liệu dân tộc gắn liền với vùng miền núi Sơn La, nơi chị sinh ra và lớn lên, với vùng văn hóa Mường ở Hòa Bình như giấy giang, giấy chuối. Tuy nhiên, chỉ ở với lụa, Thu mới tìm thấy sự hợp hoan tuyệt ý.

Để chơi với lụa, Thu có nhiều cách xử lý màu. Hoặc là ngâm nhuộm lụa trong từng lớp màu khác nhau, lớp màu này chồng lên lớp màu kia, tạo ra những phản ứng ngẫu nhiên để cho màu mới tự sinh sôi, tự hiển hiện, tạo nên những lớp màu dày dặn, đa tầng nhưng vẫn chỉ trong cốt lụa mong manh.

Hoặc dùng các kỹ thuật ruộm màu của người Mường, người Thái để màu thấm và loang chảy có ý đồ, tạo nên các hoa văn kỷ hà mang hình cây, dáng núi, tượng sông, ảnh suối của đại ngàn Tây Bắc. Hoặc dùng cọ vẽ trực tiếp các vệt màu, mảng màu lên lụa, để màu tùy ý loang theo sớ lụa mà thành muôn màu muôn vẻ hữu tình.

Tôi rất thích ngồi nhìn Thu xử lý màu cho lụa trong vườn khế. Người đàn bà mũm mĩm như con tằm xoay như chong chóng trong những chậu màu, phía trên rì rào gió lùa trong tán lá, bên cạnh con chó đen trũi thanh thản nằm sưởi nắng.

Và khi những tấm lụa, súc lụa dài hàng chục mét đã được ăn màu lên cành khế để nhờ nắng gió hong khô, khu vườn như biến đổi thành rừng núi chập chùng, thành biển sóng nhấp nhô thủy triều lên xuống, thành những đường cong mềm mại xuân thì.

Lụa giờ đã có một đời sống khác. Chúng sẵn sàng hóa thân thành những thân áo dài, thành những tà váy có hoa văn độc bản để làm đẹp cho chị em. Nhà thiết kế áo dài Kenny Thái thường dùng lụa của Thu để đưa được hơi thở của ruộng bậc thang, cuả núi rừng Tây Bắc và những bộ sưu tập của mình.

Lụa của Thu cũng trở thành nguyên liệu cho những sáng tạo nghệ thuật khác, thậm chí gợi mở ra những phong cách mới hòa hợp được vẻ đẹp đương đại với chất liệu của truyền thống, phù hợp với mọi không gian trang trí nghệ thuật. Nhờ sắc màu của Thu mà lụa đã thoát thai thiên biến vạn hóa.

Một số tác phẩm của họa sĩ Thu Trần. Ảnh: Phạm Tân
Một số tác phẩm của họa sĩ Thu Trần. Ảnh: Phạm Tân

NHỮNG CUỘC CHƠI MÀU SẮC CHOÁNG NGỢP

Con tằm nhả tơ, còn Thu nhả sắc màu. Con tằm giăng tơ, còn Thu giăng lụa. Trong hơn nửa thập kỷ qua, kể từ khi bén duyên với lụa, Thu đã thổi tinh thần trừu tượng vào lụa, và đem giăng khắp non sông. Những dải lụa dài hàng chục mét mang màu tươi tắn, sặc sỡ đã được giăng trên những ngọn phi lao của làng biển Cẩm Thanh (Quảng Nam).

Lụa cũng tuôn từ guồng dệt khổng lồ đặt trên đỉnh núi bay hàng trăm mét xuống dưới triền sâu trong cuộc trở về quê hương Sơn La của Thu, tạo nên một khung cảnh diễm lệ mà vô cùng choáng ngợp trong một màn trình diễn sắp đặt nghệ thuật thực cảnh.

Và cách đây chưa lâu, tháng 10.2023, Thu Trần lại khiến người ta sững sờ với sức mạnh mềm của lụa trong triển lãm sắp đặt hội họa có tên "Tiếng gọi". Trong một không gian nhà xưởng sửa chữa toa xe lửa rộng gần 2.000m2 cũ kỹ, lành lạnh màu rỉ nâu vàng của sắt thép, những dải lụa mềm mại được vẽ màu dài tới 60m của Thu uy nghi, chiếm lĩnh và cải biến.

Thép vốn cứng rắn, nghiêm nghị, tinh chỉnh, rủ màu cũ kỹ, tàn phai còn lụa lại mềm mại, uyển chuyển, tươi mới. Thế nhưng, bằng việc giăng lụa lên những xà thép, trên những cỗ máy, Thu đã tạo nên một không gian nghệ thuật đầy ấn tượng. Những dải lụa thấu quang để ánh sáng đi qua, phản ứng với màu vẽ đã đem lại một hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.

Nhà xưởng, sắt thép là di sản của quá khứ, còn lụa là tinh thần tươi mới của hiện sinh. Chúng không bài trừ nhau, mà ngược lại, còn dùng vẻ đối lập để giao thoa, che đi những khiếm khuyết, phô bày sự hoàn mỹ chỉ có được khi đứng cạnh nhau.

“Tôi nghĩ rằng, lụa và sắt thép có thể đứng cạnh nhau. Trong một không gian rộng và đúng với những tưởng tượng, tôi thật sự cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng phải tính toán để bố trí tác phẩm sao cho khán giả có thể tiếp cận một cách hợp lý, vừa tầm mắt, trong một khu nhà xưởng rộng lớn như thế này.

Các bức tranh khác sẽ treo trên tường ra sao? Ánh sáng nhiều lớp đan xiên nhau như thế nào? Tôi không quan tâm việc sẽ tạo ra một điều gì đó khác lạ, kỳ vĩ. Điều tôi mong muốn là làm sao mọi người có thể hiểu được ý đồ của mình khi nói về "Tiếng gọi" của mẹ thiên nhiên, mẹ trái đất đã mang nặng đẻ đau tất cả những sinh linh trên thế giới này”, Thu trầm ngâm chia sẻ.

Thu chỉ quan tâm đến tiếng gọi trong sâu thẳm tâm hồn của mình. Và để đáp lại được tiếng gọi đó, chị đã phải lao động nghệ thuật đến tận lực. Chất liệu nghệ thuật cổ truyền, tinh thần nghệ thuật đương đại, không gian nghệ thuật rộng lớn, ý niệm nghệ thuật sắc sảo, tất cả những thứ đó đã đem về thành tựu xứng đáng, khiến giới nghệ sĩ và công chúng được chìm đắm trong niềm hạnh phúc thụ hưởng.

Thứ làm cho không gian một nhà xưởng của Nhà máy xe lửa Long Biên trở thành một phần của nghệ thuật, đi với nghệ thuật một cách hài hòa ấy chính là lụa đã được Thu miệt mài nhuộm màu trong mảnh vườn khế của mình. Và người đàn bà ấy vẫn cứ lên màu cho lụa để dành cho những cuộc chơi tiếp theo của mình.

AN LÊ
TIN LIÊN QUAN

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 35 bức tranh mới của họa sĩ Đào Anh Khánh

huyền chi |

Những tác phẩm mới của họa sĩ Đào Anh Khánh gây ấn tượng bởi gam màu rực rỡ, tươi mới, có nhiều cung bậc chuyển tiếp màu sắc.

140 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Linh qua “Hà Nội tôi yêu”

Thảo Quyên |

Ngày 5.10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã diễn ra Lễ ra mắt bộ sách hội họa của họa sĩ Ngọc Linh, “Hà Nội tôi yêu”. Đây là cuốn tuyển tập gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố xá Hà Nội được nghệ sĩ Ngọc Linh vẽ vào năm 1991.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm và làm việc tại Uruguay

Ban Đối ngoại |

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại một số quốc gia Nam Mỹ, ngày 8 - 9.3, Đoàn đại biểu cấp cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến chào đồng chí Juan Castillo, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay; hội đàm với Ông Mensaje Marcelo Abdala, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Uruguay (PIT-CNT) và làm việc với ông Mario Arizti, Thứ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Uruguay.

Cục Đường bộ lên tiếng vụ xe bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động

Nhóm phóng viên |

Báo Lao Động vừa có bài viết phản ánh nhiều xe bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động, trong đó có nhà xe Phiệt Học. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, xe này được cấp 2 phù hiệu. Đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết, trên hệ thống không thể nào có 2 đơn vị cấp phù hiệu cùng một lúc được.

Kinh doanh theo trend, người lợi nhuận trăm triệu, người ngậm ngùi lỗ vốn

VÂN HI |

Từ gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, bánh đồng xu phô mai đã tạo nên cơn sốt sau khi trở thành trend (xu hướng), phủ sóng khắp nơi kéo các đơn hàng liên tục tăng cho nhà vườn, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, không lâu sau vì loại hình kinh doanh có vòng đời ngắn, cung vượt cầu dẫn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ thua lỗ, thậm chí dẹp tiệm.

Công an điều tra vụ khai thác vàng trái phép khiến 1 người chết ở Lai Châu

THANH BÌNH |

Một chủ bưởng vàng tại Lai Châu hứa trả 250 triệu đồng cho gia đình nạn nhân để dàn xếp vụ chết người do khai thác vàng trái phép vừa bị phát hiện.

Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc khiến 2 vợ chồng tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Ngày 11.3, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông tin ban đầu về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 2 vợ chồng tử vong.

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 35 bức tranh mới của họa sĩ Đào Anh Khánh

huyền chi |

Những tác phẩm mới của họa sĩ Đào Anh Khánh gây ấn tượng bởi gam màu rực rỡ, tươi mới, có nhiều cung bậc chuyển tiếp màu sắc.

140 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Linh qua “Hà Nội tôi yêu”

Thảo Quyên |

Ngày 5.10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã diễn ra Lễ ra mắt bộ sách hội họa của họa sĩ Ngọc Linh, “Hà Nội tôi yêu”. Đây là cuốn tuyển tập gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố xá Hà Nội được nghệ sĩ Ngọc Linh vẽ vào năm 1991.