Mối nguy lây lan dịch bệnh từ phòng nghiên cứu

Tường Linh (Theo New Yorker) |

Trong bối cảnh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất hiện càng lúc càng nhiều, con người đang xây dựng hàng loạt phòng nghiên cứu sinh học để tìm hiểu chúng. Nhưng như thế, liệu chúng ta có làm tăng nguy cơ rò rỉ bệnh tật ra ngoài xã hội và gây ra thảm họa nghiêm trọng?

Trung tâm nghiên cứu dịch đặt giữa trung tâm chăn nuôi động vật

Mỗi buổi sáng sớm, nhà vi trùng học Kimberly Dodd lại lái xe đi làm ở đảo Plum, tiểu bang Connecticut (Mỹ), trên một hành trình dài 30 phút. Hòn đảo này là một dải đất dài hơn 4km, nằm cách biệt với đất liền. Trên đảo có hàng trăm loại chim thú sinh sống, còn Phòng nghiên cứu bệnh thú y đảo Plum, nơi Dodd làm việc, cũng thường xuyên có khoảng 40-50 con vật ở bên trong - đa phần là gia súc hoặc lợn. Có điều, những con vật vào phòng nghiên cứu sẽ không bao giờ sống sót trở ra.

Theo hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành, phòng nghiên cứu ở đảo Plum nằm trong nhóm an toàn sinh học cấp 3 (BLS-3). Ở cấp này, nó có thể tiếp nhận dịch bệnh nghiêm trọng, thậm chí bệnh gây chết người, để nghiên cứu chúng và tìm ra vaccine hoặc thuốc điều trị. Về lý thuyết, phòng nghiên cứu BLS-3 hoàn toàn có thể xử lý vi khuẩn bệnh than cực kỳ nguy hiểm hoặc thậm chí là virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang gây dịch COVID-19.

Trước kia, Dodd từng làm ở các phòng nghiên cứu BSL-4, tức an toàn sinh học cấp 4 và là mức cao nhất. Những nơi này có thể tiếp nhận được cả dịch bệnh phát tán qua đường không khí mà nhân loại chưa có thuốc chữa. Năm 2014, cô đã tới Tây Phi để tham gia chống bùng dịch Ebola. Công việc hiện nay của cô tại đảo Plum là tìm hiểu các loại bệnh có thể gây hại cho vật nuôi, như bệnh lở mồm long móng và cúm lợn Châu Phi.

Để tới nơi làm việc, Dodd phải đi qua một cái phà. Sau khi xuống phà, cô phải bắt xe buýt chuyên dụng tới cơ quan nằm ở nơi biệt lập trên đảo. Khi tới đây, cô sẽ bắt đầu thực hiện quy trình an toàn cực kỳ nghiêm ngặt để vào và ra phòng nghiên cứu.

Cụ thể, Dodd sẽ phải cởi hết trang phục, để lại giày dép và đồ trang sức lại và mặc đồ bảo hộ toàn thân thay thế. Có hai bảo vệ sẽ kiểm tra xem cô có mặc đồ an toàn đúng quy định không. Người của phòng nghiên cứu được yêu cầu mặc đồ bảo hộ trong suốt thời gian làm việc.

Trước lúc tiến vào các phòng “bẩn”, nơi có chứa động vật nhiễm bệnh, Dodd cũng phải kiểm tra xem dòng khí tự nhiên có đang được thổi vào bên trong không, hay từ trong thổi ra. Khi rời phòng nghiên cứu, cô sẽ phải cởi bỏ hết đồ bảo vệ và phải tắm khử trùng toàn thân trong 5 phút.

Dodd và đồng nghiệp bị cấm mang đồ ăn trong hộp không có nắp đậy lên phà. Còn nếu cô hoặc bất kỳ ai có làm việc tại một trong các phòng “bẩn” ở cơ sở nghiên cứu, tất cả đều sẽ phải tự cách ly trong tối thiểu là 5 ngày.

Dodd thích khung cảnh lãng mạn ở đảo Plum, nhưng cô sẽ không làm việc ở đây mãi mãi. Vài năm nữa, cô và đa số các nhà khoa học khác sẽ phải tới phòng nghiên cứu mới đang được xây dựng. Khác với cơ sở biệt lập ở đảo Plum, Phòng nghiên cứu sinh học và an ninh nông nghiệp quốc gia (NBAF) lại nằm ở Manhattan - một thành phố thuộc tiểu bang Kansas.

Có một điều đặc biệt là Kansans hiện có hoạt động chăn nuôi gia súc lớn thứ ba đất nước. Các bang nằm ngay cạnh, gồm Nebraska, Oklahoma, Missouri và Colorado, cũng ở trong top 10. Vì thế, việc NBFA được đặt ở đây đã khiến nhiều người bị sốc. Một phòng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của gia súc đặt giữa trung tâm làm thịt bò cho nước Mỹ! “Nghe chẳng có lý chút nào. Điên rồ nữa là khác!” - Laura H. Kahn, một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton - nhận xét.

Một khi nhiễm bệnh lở mồm long móng, các loại trâu bò, dê, cừu, lợn... sẽ bị sốt và nổi mẩn đổ khắp cơ thể. Bò cũng sẽ cho ra ít sữa hơn bình thường. Những con gia súc trưởng thành sẽ bị sút cân, trong khi con non sẽ chết dần. Một con gia súc khỏi bệnh vẫn mang virus trong người và có thể lây nhiễm cho những con khác. Vì thế, cách giải quyết duy nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn gia súc nhiễm bệnh. Chi phí dập dịch sẽ trở nên vô cùng lớn.

Trong đợt bùng dịch lở mồm long móng hồi năm 2001, nông dân Anh đã phải giết 6 triệu con cừu, bò và lợn rồi chôn lấp hoặc thiêu xác chúng để ngăn bệnh lây lan. Các chuyên gia đánh giá, nếu căn bệnh lây lan tại Mỹ, ngành chăn nuôi bò trị giá tới 68 tỉ USD mỗi năm sẽ lập tức ngưng hoạt động.

Người dân ở Manhattan và Kansas nói chung dĩ nhiên quan ngại với NBAF. Tháng 9.2008, một tấm biển quảng cáo cỡ lớn đã xuất hiện trên xa lộ 18 - tuyến đường chính dẫn vào và ra Manhattan, với thông điệp nổi bật: “Không xây phòng nghiên cứu vi khuẩn NBAF!”. Người bỏ tiền dựng biển là Bart Thomas, cư dân đời thứ ba ở Manhattan. Ông làm thế khi nghe nói rằng NBAF sẽ nghiên cứu bệnh lở mồm long móng và cúm lợn cũng như cúm gia cầm - các căn bệnh có thể đánh quỵ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Khi tin tức lan ra, nhiều nhóm nhỏ cư dân Manhattan đã tiến hành các hoạt động phản đối. Họ viết báo, gửi thư kiến nghị, gây sức ép với giới chức địa phương. Tuy nhiên, tất cả việc này không thể thay đổi được quyết định của chính quyền. NBAF vẫn được xây ở Manhattan. Nghiên cứu dịch bệnh giờ không chỉ để bảo vệ vật nuôi ở Mỹ mà còn là vấn đề an ninh. NBAF chỉ là một phần xu thế mở rộng số lượng các phòng nghiên cứu dịch bệnh ở Mỹ, vốn bắt đầu sau vụ khủng bố 11.9. Sự kiện kinh hoàng này, cũng như các nguy cơ tấn công sinh học hình thành sau đó, đã khiến Mỹ tăng mạnh chi tiêu vào an ninh sinh học.

Trung tâm nghiên cứu sinh học NBAF đang được xây dựng ở Manhattan, Kansas,  Mỹ.
Trung tâm nghiên cứu sinh học NBAF đang được xây dựng ở Manhattan, Kansas, Mỹ.

Sự gia tăng của các trung tâm nghiên cứu bệnh nguy hiểm

Mầm bệnh đã được con người sử dụng làm vũ khí từ rất sớm. Năm 1346, người Mông Cổ đã dùng máy bắn đá phóng xác người chết vì dịch vào thành phố Caffa và khiến đối thủ mắc bệnh. Năm 1763, các lãnh đạo quân Anh ở Fort Pitt, nay là Pittsburgh, đã tặng những cái chăn có dính mầm bệnh đậu mùa cho các tù trưởng của thổ dân da đỏ.

Tuy nhiên, kỷ nguyên hiện đại của chiến tranh sinh học không bắt đầu cho tới tận cuối thế kỷ 19, khi các nhà khoa học bắt đầu hiểu rằng vi khuẩn có thể gây dịch bệnh. Đức mà quốc gia đầu tiên triển khai chương trình vũ khí sinh học vào năm 1914. Nhật Bản thời Thế chiến thứ hai được cho là đã tổ chức các cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học tại Trung Quốc, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Người Nhật phát tán dịch bệnh bằng cách thả rệp mang mầm bệnh xuống mục tiêu. Sau Thế chiến thứ hai, cả Mỹ và Liên Xô đều nghiên cứu các kỹ thuật phát tán vũ khí sinh học qua đường không khí. Do lo ngại tác động khủng khiếp mà chiến tranh sinh học mang tới, Tổng thống Richard Nixon đã hủy bỏ chương trình này của Mỹ vào năm 1969.

Hiệp ước ngăn chặn vũ khí sinh học, với nội dung cấp việc nghiên cứu và sở hữu các loại vũ khí sinh học, có hiệu lực vào năm 1975. Vai trò lớn nhất của hiệp ước này là củng cố niềm tin rằng vũ khí sinh học rất nguy hiểm và sử dụng chúng là hành vi phi đạo đức. Kể từ Thế chiến hai tới nay, đã không còn một cuộc chiến tranh sinh học cấp nhà nước nào diễn ra.

Tuy nhiên, trong giai đoạn những năm 1990, giới làm chính sách Mỹ bắt đầu lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hoặc tấn công sinh học. Và Internet sẽ khiến thông tin tiếp cận với nhiều người hơn, bao gồm những kẻ xấu. Một khi tiếp cận được thứ vũ khí nguy hiểm này, chúng chắc chắn sẽ gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nơi.

Nỗi lo cuối cùng thành sự thật vào năm 2001. Khoảng một tuần sau các vụ khủng bố 11.9, nhiều phong bì thư đã được gửi cho các công ty truyền thông và chính trị gia Mỹ. Trong thư có một thông điệp viết tay với nội dung “Allah vĩ đại” hoặc “Nước Mỹ diệt vong” kèm theo một chút bột mịn, về sau được xác định là bacillus anthracis - loại vi khuẩn gây bệnh than.

Vi khuẩn này có thể dễ dàng phát tán và bay lơ lửng trong không khí. 5 người tiếp xúc với các lá thư sau đó đã thiệt mạng và thêm 17 người nữa phải nhập viện. Khủng bố sinh học lập tức trở thành ưu tiên cao nhất với chính quyền Mỹ. Năm 2002, Tổng thống George W.Bush đã cho triển khai một loạt quy định mới, gồm những ai được phép xử lý các mầm bệnh có khả năng dùng làm vũ khí sinh học.

Từ năm 2001 và 2006, chính quyền liên bang đã tiêu 36 tỉ USD để nâng cao khả năng phòng vệ trước khủng bố sinh học, với một lượng lớn tiền đổ vào xây dựng và mở rộng các phòng nghiên cứu. Trong khuôn khổ chủ trương mới, phòng nghiên cứu ở đảo Plum - vốn thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp từ năm 1954, đã được điều chuyển về Bộ An ninh Nội địa (DHS).

Trước năm 1990, chỉ có 2 phòng nghiên cứu cấp BSL-4 tồn tại ở Mỹ. Một phòng đặt tại đại bản doanh CDC Atlanta và phòng còn lại ở Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Lục quân Mỹ, Maryland. Giai đoạn những năm 1990, thêm 3 phòng BSL-4 ra đời. Trong 7 năm sau vụ 11.9, Mỹ đã bổ sung thêm 10 phòng nghiên cứu nữa thuộc cấp này.

Trong một báo cáo hồi năm 2007, Keith Rhodes - người khi ấy là phụ trách công nghệ tại Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ (GAO) - cho rằng, số lượng các phòng nghiên cứu cấp BSL-3 và BSL-4 đang tăng mạnh tại Mỹ. “Không một cơ quan liên bang nào biết rõ có bao nhiêu phòng nghiên cứu như thế đang ở Mỹ”, Rhodes viết. “Không ai đang chịu trách nhiệm xác định những rủi ro liên quan tới việc tăng số lượng các phòng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm này”.

Mùa hè năm 2008, cùng thời điểm DHS chọn địa điểm xây NBAF, FBI thông báo đã tìm thấy kẻ gửi các lá thư nhiễm vi khuẩn bệnh than. Đó là Bruce Ivins - một nhà nghiên cứu - bị bất ổn tâm lý nhưng lại có quyền tiếp cận an ninh cao tại phòng nghiên cứu BSL-4 của Lục quân. Ivins đã tự sát trước khi bị khởi tố. Nhưng vụ việc của anh ta đã gây quan ngại về những người đang làm việc tại các phòng nghiên cứu: Liệu có ai trong số họ sẽ thực hiện hành động khủng bố trong một ngày đẹp trời nào đó?

Những lần dịch bệnh bò ra từ phòng nghiên cứu

Ngày nay, các phòng nghiên cứu sinh học hiện đại đều được trang bị tường dày gia cố và hệ thống lọc khí hiện đại, vì thế chúng trở nên đặc biệt an toàn. Tuy nhiên, không phòng nghiên cứu nào là hoàn hảo. Ngay cả các cơ sở đặt ở ngoài đảo biệt lập cũng có điểm yếu: Việc nằm ở nơi xa đất liền khiến hoạt động xây dựng, bảo dưỡng trở nên đắt đỏ. Chúng sẽ dễ bị hư hại trong các cơn bão và mầm bệnh có thể nhờ đó mà phát tán ra ngoài. Các chuyên gia chỉ ra rằng, chỉ cần một cơn gió đủ mạnh, mầm bệnh - kiểu như virus gây lở mồm long móng - có thể bay qua biển vào gây hại trong đất liền.

Phòng nghiên cứu sinh học trên đảo Plum hiện ở cấp BSL-3,  nhưng sẽ được nâng lên cấp BSL-4.
Phòng nghiên cứu sinh học trên đảo Plum hiện ở cấp BSL-3, nhưng sẽ được nâng lên cấp BSL-4.

Dù phòng nghiên cứu tốt tới đâu, uy tín đến cỡ nào, nó cũng không thể tránh được khỏi sự cố. Năm 2007, Anh đã trải qua một cuộc bùng dịch lở mồm long móng nhỏ, với chỉ 8 con bò nhiễm bệnh. Cơ quan điều tra đã lần theo dấu vết và thấy bệnh phát ra từ Viện nghiên cứu Pirbright - một cơ sở nghiên cứu bệnh truyền nhiễm động vật nổi tiếng thế giới nằm ở Surrey. Một tòa nhà tại Pirbright có đường ống dẫn nước mưa bị bục do hoạt động lâu năm. Kết quả là nước nhiễm bệnh đã bắn xuống đường và một chiếc xe tải đi ngang qua đã mang mầm bệnh tới trang trại gần nhất.

Năm 2004, một nhà nghiên cứu tại Viện virus học quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc - người đang nghiên cứu bệnh SARS - đã vô tình nhiễm virus. Người này khiến bệnh lây lan cho một nữ y tá và cô tiếp tục truyền virus cho thêm 5 người khác gồm mẹ đẻ, khiến bà qua đời.

Năm 2006, một nhà khoa học tại Đại học Texas A&M đã bị ốm do tiếp xúc với vi khuẩn Brucella trong lúc đang lau dọn thiết bị nghiên cứu.

Năm 2014, công nhân đang làm sạch một phòng chứa tại Viện nghiên cứu Y tế quốc gia ở Maryland đã phát hiện nhiều ống chứa virus đậu mùa - căn bệnh đã bị tiêu diệt tại Mỹ kể từ năm 1980. Cùng năm đó, CDC thừa nhận, 48 nhân viên của cơ quan có thể đã phơi nhiễm vi khuẩn bệnh than. Nguyên nhân do họ tham gia vận chuyển các mẫu bệnh than chưa bị vô hiệu hóa, trái ngược thông tin an toàn ghi trên giấy tờ. Quá trình điều tra vụ này, người ta còn phát hiện thêm 4 sự cố tương tự xảy ra trong thập kỷ trước.

Ngay cả cơ sở nghiên cứu của quân đội cũng mắc sai lầm. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng, trong một thập kỷ, Trung tâm nghiên cứu Dugway của Lục quân đã gửi đi 575 lô vi khuẩn bệnh than chưa được vô hiệu hóa tới 94 phòng nghiên cứu ở Mỹ và 7 quốc gia khác. Năm 2014, tờ Guardian cho biết, nhiều phòng nghiên cứu an ninh cao ở Anh cũng để xảy ra gần trăm sự cố và tai nạn trong vòng 5 năm.

Theo các chuyên gia, việc xây nhiều phòng nghiên cứu có vẻ là câu trả lời hợp logic trong thời kỳ có nhiều mối đe dọa về khủng bố sinh học. Nhưng việc thiếu phòng nghiên cứu không phải là vấn đề quá lớn trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng, như tại đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

“Những vấn đề chúng ta đang chứng kiến (ở Mỹ) chưa chắc là do thiếu phòng nghiên cứu” - Filippa Lentzos, chuyên gia về các mối đe dọa sinh học ở trường King’s College London - đánh giá. Bà cho rằng, những thách thức lớn nhất mà virus SARS-CoV-2 mang lại là vấn đề lần theo nguồn gốc lây lan và tuyên truyền - để chuẩn bị thông tin cho công chúng, cung cấp số liệu chính xác và chống lại tin giả, tin sai đang được phát tán mạnh.

Tường Linh (Theo New Yorker)
TIN LIÊN QUAN

Nghiên cứu của Mỹ, Anh có thể “giải oan” nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán

Ngọc Vân |

Virus nguồn gốc COVID-19 có thể đã lây từ động vật sang người từ lâu trước khi ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán.

Thăm nhóm nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2

Linh Nguyên |

Chiều 27.3, Đại tá Nguyễn Đình Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng - đã tới thăm, động viên các nhà nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu chế tạo bộ kit one step real-time RT - PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, sản phẩm từ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT - PCR và real-time RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (2019-nCoV)”.

Nghiên cứu về tác động của dịch COVID-19 với sức khỏe tâm thần y bác sĩ

Thanh Hà |

Trang Medicaleconomics mới đây dẫn một nghiên cứu về COVID-19 cho biết, đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đang phải chịu nhiều gánh nặng tâm lý.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Nghiên cứu của Mỹ, Anh có thể “giải oan” nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán

Ngọc Vân |

Virus nguồn gốc COVID-19 có thể đã lây từ động vật sang người từ lâu trước khi ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán.

Thăm nhóm nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2

Linh Nguyên |

Chiều 27.3, Đại tá Nguyễn Đình Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng - đã tới thăm, động viên các nhà nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu chế tạo bộ kit one step real-time RT - PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, sản phẩm từ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT - PCR và real-time RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (2019-nCoV)”.

Nghiên cứu về tác động của dịch COVID-19 với sức khỏe tâm thần y bác sĩ

Thanh Hà |

Trang Medicaleconomics mới đây dẫn một nghiên cứu về COVID-19 cho biết, đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đang phải chịu nhiều gánh nặng tâm lý.