Chỉ cần vài click chuột trong các website lớn về mua bán nhà đất, đã có hàng trăm thông tin rao bán kèm theo hình ảnh, số điện thoại liên hệ.
Với lượng thông tin rao bán nhà trên mạng dày đặc như vậy, người mua cần phải biết cách sàng lọc thông tin tránh mất thời gian, công sức thậm chí rơi vào cạm bẫy dịp cận Tết.
Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị An (39 tuổi, ở Nam Từ Liêm) cho biết, chị được một người bạn giới thiệu đang có mảnh đất cần bán gấp ở xã Đông La, huyện Hoài Đức và sẵn sàng thương lượng. Do vướng vào một vài chuyện riêng cần phải xử lý, nên người bán sẽ phá giá.
Tuy nhiên, đến khi tìm hiểu, chị An mới biết, mảnh đất này được rao bán từ năm ngoái, qua nhiều "kênh" khác nhau. Sau nhiều tháng chưa "đẩy" được hàng, môi giới buộc phải nghĩ ra chiêu trò vỡ nợ để kích thích trí tò mò của người mua.
"Hỏi ra mới hay, khu đất buộc phải bán tháo vì đang vướng quy hoạch, có khả năng bị giải tỏa nên đưa ra giá rẻ chứ không hề có chuyện vỡ nợ", chị An chia sẻ.
Một môi giới tại khu vực Dương Nội (quận Hà Đông) tiết lộ, hiện anh đang có hơn chục lô đất ký gửi của các nhà đầu tư bán với giá rẻ "bất ngờ" từ 12 triệu đến 25 triệu đồng mỗi m2.
Lý do bán nhà giá bèo nhiều không kể hết: Từ việc sổ đỏ thế chấp ngân hàng đáo nợ, chủ nhà trốn nợ phải vay nóng, cho đến môi giới tự gắn mác bán tháo nhà đất để kích cầu.
Theo vị môi giới này, đối với những trường hợp bán tháo vì vỡ nợ thật thường bị khách mua ép giá, và người bán do đang cần tiền gấp nên cũng dễ dàng thương lượng hơn. Trường hợp vỡ nợ giả chỉ qua vài ba lời trao đổi là "lộ", bởi thực chất, những lời quảng cáo đó chỉ để gây sự chú ý của người mua.
Ông Nguyễn Trọng Dũng – Giám đốc sàn Bất động sản Gia Bảo cho rằng, việc rao bán nhà do vỡ nợ là có nhưng đây là con số hiếm hoi.
“Chính điều này cũng đã khiến nhiều môi giới lợi dụng để đăng tin lên các sản phẩm bất động sản nhằm câu khách. Đây là một nghệ thuật kinh doanh của môi giới nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà khi tiếp cận thông tin không chính xác”, ông Dũng nói.
Mặc dù đánh giá kiểu đăng tin đó của môi giới là giải pháp câu khách hàng thông minh nhưng ông Dũng lại cho rằng, đó chỉ là cách kiếm tiền chộp giật. Việc tung ra thị trường những thông tin không đúng sự thật gây nhiễu loạn thông tin thị trường, về dài hạn sẽ khiến lượng khách hàng giảm đi.
Chia sẻ với PV Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú – Chuyên gia tài chính bất động sản (Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, những tin rao bán đó thực chất chỉ là mánh khóe, chiêu trò của người bán hàng bởi lẽ, người vỡ nợ thực sự thì không ai công khai vì như thế sẽ bị người mua “nắm thóp” đang cần tiền nên sẽ mua với giá rất rẻ.
“Nếu người ta tự nhận vỡ nợ thì chỉ là cách để làm cho người mua tưởng đây là giá rẻ, mua được giá hời của một con nợ khát nước, nhưng thực tế thì lại không phải thế”, ông Tú cho hay.
Các chuyên gia khác đều khuyên rằng, người mua nhà nên tỉnh táo trước những thông tin rao bán vỡ nợ, nên cân nhắc đối chiếu, so sánh nhiều thông tin khác nhau để tránh bị nhầm lẫn.
Nhất là người mua nhà cần có sự tham chiếu trước những thông tin rao bán đó để xem giá bán sản phẩm bất động sản đó có thực sự rẻ không. Đồng thời cần cẩn thận từ khâu pháp lý đến giao dịch mua bán có chuẩn hay không… để tránh mua bán bị hớ hoặc bị lừa đảo.