Rơi vào vòng xoáy vay nợ hàng chục app
Trao đổi với phóng viên, chị N.T.T (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hiện nay chị đang là giáo viên trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Chị T không nghĩ một ngày mình rơi vào tỉnh cảnh nợ nần, bị đe doạ mỗi ngày, gia đình liên tục bị làm phiền, nhà trường đang thành lập hội đồng xem xét kỉ luật cũng liên quan đến việc vấn đề này.
Chị T kể: “Cuối năm 2019, gia đình tôi có vay tín chấp ngân hàng một khoản để đầu tư kinh doanh. Cũng thời điểm này, tôi sinh con đầu lòng. Dịch COVID-19, khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ. Gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn”.
Lướt mạng xã hội, những app vay tiền liên tục hiện lên. Đường cùng, chị T đành phải tìm đến khoản vay từ những app này. “Ban đầu, tôi tính toán chỉ vay khoảng 1 triệu đồng duy trì chi tiêu hằng ngày. Khoảng thời gian sau dịch lắng, tôi đi dạy trở lại thì sẽ có tiền để trang trải món nợ nhỏ này” - chị T nói.
Tâm niệm như vậy, chị T làm theo hướng dẫn tải app có tên “vĐồng” về điện thoại. Để kích hoạt ứng dụng này, chị T phải đăng nhập số điện thoại, chụp chứng minh thư, địa chỉ nhà và cho phép chúng chiếm quyền truy cập vào danh bạ, hình ảnh, Zalo … của mình.
Xong xuôi, chị T bắt đầu vay 1 triệu đồng trên app vĐồng. Tuy nhiên, sau khi bấm nút vay tiền chị T mới ngã ngửa khi vay 1 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận là 600.000 đồng và 14 ngày sau buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền vay.
Do hoàn cảnh lúc bấy giờ còn cần khoản tiền chi tiêu, chị T tiếp tục vay số tiền cao hơn bằng hình thức app như vậy. Lúc số tiền vay nhiều lên mà không có khả năng chi trả, chị T tính bài toán vay app nọ để lấy tiền trả áp kia. Đến nay, chị T đã trải qua vay vài chục app vay tiền.
“Có những app tôi vay 5 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận là 3.200.000 đồng và trong vòng 7 ngày buộc phải trả. Túng quẫn quá, buộc tôi phải tính đường cùng vay app nọ lấy tiền trả app kia. Không biết những app này có liên kết với nhau hay không nhưng luôn nhận được lời mời chào dùng app mới qua số điện thoại di động của mình và đến nay con số vay nợ đã lên 90 triệu đồng” - chị T nói.
Lý giải nguyên nhân vì sao lún sâu vòng xoáy vay tiền app, chị T cho biết: “Nghe mọi người vay tiền nói nếu không trả đúng hạn thì họ trực tiếp gọi điện nhũng nhiễu, làm phiền những người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp. Lo lắng, nên tôi buộc phải cố gắng vay tiền app nọ bù vào khoản tiền vay trước”.
Doạ ném mắm tôm vào nhà
Mải miết chạy theo việc vay-trả, đến khi số tiền lên vay lên quá cao, chị T không thể gồng gánh được. Phía app đã tung ra những chiêu đòi nợ "có một không hai".
“Họ lấy hình ảnh trong máy của tôi, ghép ảnh của mình vào cả bàn thờ và nói tôi đi chiếm đoạt tài sản của họ. Những hình ảnh đó được gửi tới toàn bộ bạn bè Facebook, Zalo của tôi”-chị T trần tình.
Như vậy, những thông tin và hình ảnh trên lan truyền đến tay phụ huynh. Nhiều phụ huynh đã khiến nghị lên nhà trường liên quan đến việc vay tiền của chị T.
Chị T cho biết: “Thời gian tới, nhà trường lập hội đồng kỉ luật xem xét về trường hợp của tôi. Với một giáo viên thì danh dự và uy tín rất quan trọng. Chỉ vì trả tiền nợ chậm mà họ sử dụng mọi chiêu trò bôi nhọ tôi”.
Không chỉ dừng lại ở đó, những chủ nhân của app vay tiền còn đe doạ sẽ bắt con cái của chị T và đổ mắm tôm vào nhà bố mẹ. Sau đó, gia đình chị T liên tục lục đục.
“Bố mẹ tôi thắc mắc vì sao tự nhiên bị gọi điện khủng bố, trong khi đó con dâu đi dạy học nên rất sợ mang tiếng. Nếu gọi điện cho đồng nghiệp thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, danh dự”, chị T trần tình.
Chị T cho biết: “Vay thì sẽ phải trả. Tuy nhiên, việc đe doạ, bôi nhọ danh dự của mình trên mạng xã hội như vậy quả đáng trách. Tôi mong muốn không ai rơi vào hoàn cảnh tương tự như mình và tỉnh táo trước các app vay tiền”.