Với mức lãi suất lên đến vài trăm phần trăm mỗi năm, nhiều app cho vay đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người vay.
Cho vay nặng lãi qua app đội lốt vay ngang hàng
Hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending) ra đời từ năm 2005 được phát triển sôi động nhất tại thị trường Trung Quốc. Loại hình cho vay này là các cá nhân nhận khoản vay trực tiếp từ người khác thông qua các website, ứng dụng online kết nối mà bỏ qua các khâu trung gian giúp tiết giảm được rất nhiều chi phí cũng như thủ tục.
Tuy nhiên, dịch vụ cho vay online nói chung và cho vay qua app nói riêng xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang dần biến tướng trở thành tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đặc biệt là các app cho vay có gốc gác từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian gần đây.
Trong một phát ngôn trên báo chí đầu tháng 5.2020 vừa qua, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech – cho rằng, tại thị trường Việt Nam hiện có từ 60-70 app cho vay đến từ Trung Quốc hoạt động tự phát, hay nói đúng hơn là trái phép.
Một nguồn tin khác cho biết, số app cho vay trên xuất phát từ khoảng 20 cá nhân và tổ chức, hầu hết cung cấp các khoản vay nhỏ với thủ tục nhanh gọn, thậm chí dễ dàng, nhưng đổi lại là mức lãi suất cao đội lốt các loại phí và mức phạt đối với khách hàng trả chậm.
Theo ông Võ Trần Đình Hiếu – Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Fintech TPHCM, hầu hết các app cho vay nặng lãi trên thị trường hiện nay không được cấp phép hoạt động. Đó là một hình thức tín dụng đen đội lốt cho vay ngang hàng.
Nguồn tiền cho vay có thể chỉ từ một cá nhân, song không được xác nhận rõ từ các tổ chức độc lập, và rất khó kiểm soát.
Thị trường Việt Nam trở thành nơi “lướt sóng”
Chỉ cần tìm kiếm trên Google hoặc trên chợ ứng dụng Google Play có thể thấy hàng chục app cho vay online được hiển thị. Theo chuyên gia Võ Trần Đình Hiếu, chỉ cần tải các ứng dụng này xuống và vào tìm hiểu thông tin bên trong có thể biết được nguồn gốc từ đâu đến, cụ thể đa phần là từ Trung Quốc.
Dịch vụ cho vay ngang hàng từng phát triển mạnh tại Trung Quốc, có giá trị thị trường lên tới khoảng 150 tỉ USD. Tuy nhiên, đến những năm 2015-2017, dịch vụ này biến tướng thành tín dụng đen, cho vay nặng lãi nguy cơ khó kiểm soát cho nên đã bị chính quyền nước sở tại siết chặt.
Theo ông Hiếu, bị siết tại Trung Quốc trong khi thị trường dịch vụ này tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu nhen nhóm cho nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp từ Trung Quốc tranh thủ vào thị trường Việt Nam để “lướt sóng” với kỳ vọng trong giai đoạn đầu còn có thể kiếm được lợi nhuận tốt.
Song song đó, nhu cầu vay những khoản nhỏ với thủ tục đơn giản, nhanh gọn tại Việt Nam cũng rất cao. Chính vì thế chỉ trong một khoảng thời gian không quá lâu số lượng app cho vay đã bùng phát mạnh trên thị trường chính vì sự gặp nhau giữa cung và cầu trên thị trường.
Tuy nhiên, từ sự bùng phát này nhiều hệ lụy xấu cũng đã nảy sinh đối với người vay, uy tín ngành fintech cũng như trật tự an ninh xã hội.