Chuyện về người “tạc tượng” Bác từ hàng ngàn con tem

LỤC TÙNG |

Không chỉ đam mê, sở hữu kho tem độc đáo, ông Trần Hữu Huệ - nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) còn sưu tầm hơn 2.000 con tem quý về Bác Hồ do bưu chính trong, ngoài nước phát hành. Và ông dành cho chúng tình yêu đặc biệt...

Kho tem độc, lạ...

Tem Bác Hồ với công nhân quân giới kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Lục Tùng
Tem Bác Hồ với công nhân quân giới kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Lục Tùng
Sắp bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vừa nghe đến tem, ông Trần Hữu Huệ sôi nổi, hào hứng như một thanh niên. Thao thao chuyện về tem, ông đích thân đưa tôi lên gác, nơi được biến thành kho tàng tem quý với quy mô lên đến “6 con số”- một thế giới các con tem độc đáo, đa dạng sắc màu, quốc gia, chủ đề... và độc nhất có lẽ là bộ sưu tầm tem về Bác Hồ.

Ông Huệ không chỉ sưu tầm được tem đặc biệt quý về Bác Hồ do Bưu điện Việt Nam phát hành lần đầu vào năm 1946, ông còn sở hữu nhiều tem mang ý nghĩa lớn về Bác. Tính từ bộ tem in hình Bác Hồ đầu tiên phát hành năm 1946 đến nay, ngành Bưu chính Việt Nam đã phát hành khoảng 132 bộ tem in hình Bác. Ngoài tem lần đầu tiên, còn có 2 mốc thời gian đặc biệt là năm 1968 và 1970, tức 1 năm trước và sau khi Bác đi xa... thì ông Huệ đã sưu tầm được tất cả.

Ông Huệ hiện sở hữu những con tem quý, có giá trị cao như “Tem quân đội” màu xanh lá mạ, phát hành ngày3.11.1956 do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế; tem Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ với phụ nữ miền Nam… Đặc biệt, ông Huệ là người duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ được con tem Bác Hồ với Liên khu V do huyện Hoài Nhơn (Bình Định) phát hành năm 1951. Do in với số lượng có hạn nên số lượng tem hiện còn không nhiều.

Thống kê của giới sưu tầm tem, hiện cả bộ tem Bác Hồ với Liên khu V do huyện Hoài Nhơn phát hành năm 1951 chỉ còn 40 con. Trong đó, 39 con thuộc quyền sử hữu của các nhà sưu tập tem ở Mỹ, còn ở Việt Nam chỉ mình ông Huệ có. Ngoài ra, ông còn sưu tầm được 1 bì thư công vụ (tem sự vụ) làm theo lời Bác rất đặc biệt, làm từ giấy đã qua sử dụng.  Đó là bì thư được Ủy ban chống bão lụt tỉnh Phú Thọ gửi Thủ Tướng Phủ vào ngày 9.8.1959 từ việc tận dụng công văn đã sử dụng. Vì vậy mặt trước bì thư ghi thông tin người gửi và người nhận, còn mặt sau vẫn chi chít chữ của công văn cũ...

Bộ sưu tập của tấm lòng

“Hiện tôi đang sở hữu hơn 2.000 con tem và bì thư thực gửi về chủ đề Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ có tem trong nước mà còn có tem do nhiều quốc gia trên thế giới phát hành”,  ông Huệ chia sẻ.

Theo lời ông Huệ, sau năm 1975, tem in hình Bác được phát hành đều đặn và nhiều hơn. Và không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng in và phát hành tem về Bác. Ngoài các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Cu Ba, Lào, Trung Quốc... còn có cả nước tư bản như Pháp, Đức... Nhờ nhiều mối duyên lành, ông Huệ sưu tầm, sở hữu được nhiều tem này. Ông Huệ khiến tôi thêm cảm phục trước khối kiến thức và tấm lòng ông dành cho những con tem, nhất là tem về Bác Hồ.

“Bộ tem chân dung Bác năm 1946 có 5 mẫu, in trên giấy dó mỏng mịn, với các màu xanh lá mạ, vàng, đỏ, lam, tím... Con tem này do họa sĩ bậc thầy Nguyễn Sáng thiết kế dựa vào bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ tài Vũ Năng An chụp”. Ông Huệ  thông thuộc cả dòng chảy lịch sử của bối cảnh con tem ra đời.

Khi đề cập đến tem Bác Hồ phát hành năm 1968, ông Huệ kể lại, năm đó, Bưu điện phát hành 2 bộ tem về Bác. Trong đó 1 bộ in hình Bác trên nền lá cờ đỏ có tên “Tiến lên theo lời Bác dạy”, bộ tem còn lại có tên “Làm theo lời Bác” trên đó có câu nói nổi tiếng của Người “Không có gì quý hơn độc lập tự do.  Riêng năm 1970, nhân 1 năm ngày Bác đi xa, Bưu điện cho phát hành bộ tem gồm 3 mẫu chân dung Bác rất trang trọng, trong đó có hình chân dung Người khi đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Năm 1991, sau khi con đã trưởng thành và cuộc sống gia đình tương đối ổn định, ông Huệ dồn hết thời gian chăm sóc bộ sưu tầm tem về Bác. Sau thời gian chuẩn bị thì đến năm 1998, ông hoàn thành bộ sưu tập 400 con tem về Bác Hồ do Việt Nam và thế giới phát hành cùng 60 bì thư thực gửi mang chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Được bạn bè, bạn chơi khuyến khích, ông mang dự thi Triển lãm Tem bưu chính Quốc gia lần thứ I (năm 1998) tại TPHCM. Và ngay lần “trình làng”, “Hai lúa chơi tem” ở An Giang đã vinh dự đoạt Huy chương Đồng. Như được tiếp thêm động lực, ông Huệ không ngừng làm giàu bộ sưu tập tem Bác Hồ. Và cũng từ đó, bộ sưu tập này đã mang lại cho ông nhiều phần thưởng, lời khen tặng tại các cuộc triển lãm với chủ đề “Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp”....

Lương duyên hơn nửa thế kỷ và hơn thế nữa

“Tôi bắt đầu làm quen với việc chơi tem từ năm 1965 khi lần đầu từ quê ra Long Xuyên học, thấy được các bạn ở đây chơi tem”, ông Huệ bồi hồi nhớ lại. “Dù trước đó không hề biết tem là gì, nhưng không hiểu sao ngay sau cái nhìn đầu tiên con tem màu tím với chủ đề Cổ nhạc Việt Nam in hình cô gái Việt trong bộ trang phục truyền thống đánh đàn tranh, tôi bị hút hồn rồi gắn bó với nghiệp sưu tầm tem”. Dành một phần, thậm chí dành toàn bộ tiền ăn sáng, ông Huệ dần làm giàu bộ sưu tập tem với say mê đặc biệt. Có tem mới là ông Huệ mua cho bằng được, bất kể chủ đề, quốc gia... bởi với ông con tem còn hơn cả tuyệt tác mỹ thuật.

“Con tem luôn được họa sĩ nổi tiếng đương thời thực hiện theo chủ đề, bố cục hoàn chỉnh nhất”, ông Huệ tâm tình. “Vì thế, tuy mỏng, nhỏ và nhẹ bâng, nhưng nó không chỉ là tuyệt tác phẩm mỹ thuật, mà còn chất chứa bên trong cả dòng chảy lịch sử...”.

Như định mệnh, năm 1969, trong lần vào thư viện ở Long Xuyên đọc sách, ông bắt đầu ý tưởng về bộ sưu tầm tem về Bác Hồ. “Thực sự thì lúc đó, tôi không biết nhiều về Bác nhưng việc thấy tạp chí TIME đăng ảnh ông Hồ Chí Minh ngay trang bìa thì tôi biết đây phải là con người vĩ đại. Đặc biệt khi lật vào bên trong, thấy tấm ảnh Bác rất thần sắc, tôi rất ngưỡng mộ...”

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, có dịp lên Sài Gòn, ông mới có dịp thỏa mãn đêm mê. Ghé vào Bưu điện, thấy cả thế giới tem Bác Hồ của Bưu điện Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi dành ra đúng phần tiền trả... vé xe, ông Huệ dốc hết túi ra mua tem Bác Hồ... Đây được xem như bước khởi đầu cho đam mê chiếm phần lớn thời gian, tiền bạc dành cho sưu tầm độc đáo, khổng lồ của ông Huệ. Không chỉ dành 5-10 giạ lúa sau mỗi vụ thu hoạch để lên Sài Gòn tìm mua tem Bác Hồ, ông còn thường xuyên viết thư trao đổi, thậm chí là xin xỏ những người sưu tầm phía Bắc. Ông kể, may mắn quen được nhà sưu tầm Trịnh Xuân Dĩnh ở Hà Nội. Sau thời gian giao lưu, cảm mến nhau, ông Dĩnh cho biết bố mình từng là người công tác ở Văn phòng Phủ Thủ tướng và có nhiều bì thư thực gửi cùng tem Bác Hồ. “Khi ra Hà Nội, tôi tìm đến tận nhà. Thấy tôi thành kính thắp hương lên bàn thờ thân sinh của mình, ông Dĩnh đã rưng rưng nước mắt, sau đó mang nhiều tem, bì thư quý tặng”, ông Huệ bồi hồi nhớ lại.

Càng sưu tập tem về Bác Hồ, có thêm nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử liên quan, ông Huệ càng càng kính yêu, cảm phục Bác nhiều hơn. “Không chỉ vĩ đại về tư duy, tư tưởng khi làm việc, trong cuộc sống đời thường, Bác là con người cần cù, giản dị, tiết kiệm... Đó là những phẩm chất cần thiết cho thế hệ trẻ, vì thế tôi quyết tìm cách truyền chất lửa từ Bác đến các em”, ông Huệ chia sẻ về hành trình 15 năm truyền lửa đam mê, thú vui đến các thế hệ học sinh.

Bắt đầu vào năm 2006, ông Huệ tình nguyện thuyết phục lãnh đạo Trường THCS Núi Sập (huyện Thoại Sơn) để thành lập “CLB chơi tem”. Với phương thức thưởng 10 con tem cho mỗi học sinh trả lời đúng kiến thức lịch sử liên quan đến tờ tem tại các buổi sinh hoạt định kỳ, ông Huệ đã từng bước nhóm lên những đóm lửa nhỏ về đam mê chơi tem... “Đến nay, nhiều em đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giảng viên, nhưng vẫn giữ liên lạc, trao đổi tem. Trong đó có nhiều em đặc biệt đam mê tem Bác Hồ”, ông Huệ tự hào nói.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Google Doodle chúc mừng ngày Quốc khánh Việt Nam 2020

Thanh Hà |

Google Doodle hôm nay (2.9) đã có hình ảnh đặc biệt chúc mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam.

Ký ức đón Quốc khánh tại nước Nga xa xôi của người con Việt Nam

NGỌC ANH - TẠ QUANG - HOÀI TRANG |

Ngày Quốc Khánh 2.9 là ngày đặc biệt trong mỗi trái tim người dân Việt Nam. Và đối với TS.GVCC Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Văn hoá và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì ngày này lại càng đặc biệt hơn, bởi cô đã có 7 năm đón ngày Quốc Khánh ở đất nước Nga xa xôi.

Tạo hình Bác bằng những con tem

Phạm Đông |

Bắt đầu từ năm 1995, bằng tất cả sự kính trọng, tình cảm trào dâng, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã  thực hiện hơn 1.000 bức tranh ghép bằng tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhiều bức được chọn trưng bày tại các triển lãm, gây ấn tượng đặc biệt...

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Google Doodle chúc mừng ngày Quốc khánh Việt Nam 2020

Thanh Hà |

Google Doodle hôm nay (2.9) đã có hình ảnh đặc biệt chúc mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam.

Ký ức đón Quốc khánh tại nước Nga xa xôi của người con Việt Nam

NGỌC ANH - TẠ QUANG - HOÀI TRANG |

Ngày Quốc Khánh 2.9 là ngày đặc biệt trong mỗi trái tim người dân Việt Nam. Và đối với TS.GVCC Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Văn hoá và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì ngày này lại càng đặc biệt hơn, bởi cô đã có 7 năm đón ngày Quốc Khánh ở đất nước Nga xa xôi.

Tạo hình Bác bằng những con tem

Phạm Đông |

Bắt đầu từ năm 1995, bằng tất cả sự kính trọng, tình cảm trào dâng, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã  thực hiện hơn 1.000 bức tranh ghép bằng tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhiều bức được chọn trưng bày tại các triển lãm, gây ấn tượng đặc biệt...