Cảm động những câu chuyện giữa mùa dịch ở TP.Hồ Chí Minh

Nhóm PV |

TPHCM đã trải qua hơn 70 ngày kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 từ ngày 31.5 đến nay. Trong những lúc khó khăn ấy, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài đường, thế nhưng, chính những người vốn chẳng quen biết nhau nay khi dịch bệnh đến họ lại cùng “dìu nhau” đi qua gian nan, giúp nhau từ ký gạo, bó rau, phần cơm... như nét đẹp truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người dân Việt Nam.

Những bếp lửa hồng

Những ngày này, tại TPHCM, nhiều bếp lửa từ thiện đã được nhóm lên tình yêu thương, sự sẻ chia đùm bọc của người dân thành phố. Hơn 2 tháng qua, 150 người đã tự nguyện gia nhập Đội quân tình nguyện để nấu hơn 1 triệu suất cơm phục vụ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân tại khu vực phong toả.

Anh Phan Dương Tùng Sơn (ngụ quận 4, TPHCM) trong hơn 2 tháng qua đã gác lại mọi việc của gia đình, để tập trung cho việc nấu cơm phục vụ người dân khu vực bị phong toả, cũng như phục vụ cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trung bình mỗi ngày anh Sơn cùng với các thành viên trong Đội quân tình nguyện nấu cơm đã xuất 2.000kg gạo, hàng tấn thực phẩm để nấu hơn 20.000 phần cơm phục vụ cho thiện nguyện.

Để đảm bảo an toàn, các thành viên khi tham gia vào đội quân tình nguyện này, đều ăn ở tại đội để phục vụ cho việc nấu cơm. Nhiều người đã chấp nhận hy sinh cho công việc, chấp nhận xa gia đình hàng tháng trời, để dành toàn tâm, toàn sức phục vụ bữa ăn nghĩa tình đầy sự chia sẻ này.

Chung suy nghĩ, tại chung cư Bình Khánh, Quận 2, nhiều ngày qua, cư dân thuộc nhà B, Lô CD đã và đang tất bật nấu hàng trăm suất cơm để chuyển vào cho các y, bác sĩ cũng như các lực lượng chức năng đang làm việc ở Bệnh viện dã chiến. Hành động này xuất phát từ việc hằng ngày, người dân nơi đây được tận mắt chứng kiến sự vất vả của những y, bác sĩ, bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu chống dịch.

“Nhìn hình ảnh những y, bác sĩ ngất đi khi phải làm việc với cường độ cao trong nhiều giờ khiến tôi không khỏi ám ảnh, tôi muốn chuẩn bị những phần cơm thật sự chất lượng, giúp các y, bác sĩ có thật nhiều năng lượng để có thể chiến đấu với bệnh dịch” - anh Trần Văn Trường - Trưởng nhóm tiếp ứng chống dịch COVID-19 chia sẻ.

Đem “cần câu cơm” đi chống dịch

Hỗ trợ chống dịch theo một cách khác, đó là câu chuyện cảm động của 2 cha con chạy xe từ Quảng Bình vào TPHCM, ngày chở F0, đêm đi làm từ thiện. Những ngày cuối tháng 7, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Bình lên đường vào TPHCM hỗ trợ chống dịch. Theo sau đoàn xe này, một chiếc xe cứu thương đặc biệt cũng bắt đầu hành trình từ Quảng Bình vượt hơn 1.000km vào miền Nam. Trên xe là anh Đặng Minh Trí, chàng trai 24 tuổi quyết chí lên đường xông pha vào tâm dịch.

Chiếc xe cứu thương là tài sản của gia đình anh Trí lâu nay sử dụng để chạy dịch vụ cấp cứu ở Quảng Bình. Nhưng khi nghe TPHCM và các tỉnh phía Nam đang bùng dịch dữ dội, anh Trí đã bỏ lại gánh nặng kinh tế của gia đình phía sau, nhất quyết xin vào Nam hỗ trợ và được ghép luôn vào đoàn cán bộ y tế của Quảng Bình vào TPHCM. Được biết, anh Trí đã bắt đầu cho chuỗi ngày “lang bạt” từ giữa tháng 5 khi chạy xe cứu thương của mình vượt gần 600km ra vùng dịch Bắc Giang hỗ trợ.

“Mùa dịch này, nếu để xe ở quê thì mình chạy dịch vụ cấp cứu không hết việc đâu. Nhưng vì tình hình chung của cả nước thì cố gắng chịu thiệt thòi đi một ít. Kinh tế thì sau này vẫn kiếm lại được, chứ bùng dịch lên như các nước xung quanh thì phức tạp lắm”, anh Trí chia sẻ với Lao động.

Khi tình hình dịch tại Bắc Giang được kiểm soát, anh Trí mới về lại Quảng Bình. Vừa thực hiện xong 14 ngày cách ly, anh Trí tiếp tục lên đường vào TPHCM. Cùng đồng hành với anh Trí trong chuyến đi vào Nam lần này là ông Đặng Tri Thông, bố của anh Trí. Dù năm nay đã 62 tuổi nhưng ông vẫn sẵn sàng cùng con trai xông pha vào tâm dịch. Ngày lên đường vào TPHCM, vợ ông chỉ kịp làm thịt con gà và vay mượn người quen ít tiền để làm hành trang cho ông lên đường đồng hành cùng con trai.

Mỗi ngày, 2 cha con anh Trí đều đặn đưa đón đoàn y bác sĩ Quảng Bình đến nơi làm việc. Sau đó, chiếc xe mang biển Quảng Bình lại làm nhiệm vụ đưa đón F0 đi cấp cứu. Sau một ngày mệt nhọc, tối đến, 2 cha con anh Trí vẫn đi phát quà từ thiện đến những nơi đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Ấm lòng nghĩa tình người chiến sĩ

Không chỉ những người dân san sẻ tình cảm cho nhau mà nhiều chiến sĩ cảnh sát, công an, lực lượng an ninh dù đang ngày đêm bảo vệ sự bình an của thành phố, tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng để lại những câu chuyện vô cùng cảm động.

Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại chốt kiểm soát dịch đường Dương Bá Trạc (Quận 8, TPHCM), tối ngày 28.7, một cụ ông ra đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, người gầy ốm đạp chiếc xích lô cũ kỹ chở một vài phế liệu bên trên còn đang ở đường sau 18h - giờ quy định người dân không ra đường của TPHCM. Qua chốt trạm, một chiến sĩ công an đã hỏi thăm, nhường lại suất cơm cho cụ và dặn: “Ông ra đường sau 18h rồi, không ăn hết họp cơm này mai tôi phạt ông đó. Từ mai không ra đường giờ này nữa cụ ha!”. Nhận suất cơm tối từ chiến sĩ cảnh sát, cụ ông mỉm cười đầy hạnh phúc và nhanh chóng đạp xe trở về nhà.

Cũng vào cuối tháng 7, trong lúc làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch, tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 nằm trên đường Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), Đại uý Phan Thành Nghĩa - Trạm CSGT Tân Túc (Phòng CSGT, Công an TPHCM) phát hiện bé trai lang thang đang đi tìm đồ ăn tối vì đói, nên đã dành suất ăn tối cho bé và đưa bé về nhà ở ấp 3, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh).

Hay như trường hợp xảy ra vào khoảng 6h45 ngày 30.7.2021 trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua phường Linh Tây, TP.Thủ Đức, TPHCM, thời điểm trên, tổ CSGT do Đại uý Nguyễn Xuân Văn, Phó đội trưởng đội Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TPHCM làm tổ trưởng đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, đã dừng kiểm tra xe môtô biển số 78M1-8xxx do anh N. quê Phú Yên điều khiển.

Qua quá trình trao đổi, anh N. cho biết mình là sinh viên vừa ra trường và đang chờ xin việc, còn chị họ là sinh viên năm 4, hiện hai chị em đang ở nhà trọ tại phường Hiệp Bình Chánh. Vì chỉ còn 200.000 đồng mua đồ ăn không đủ, giờ hết sạch thức ăn rồi nên muốn rời thành phố về quê tránh dịch.

Nhìn hai chị em vừa nói vừa khóc và mở ví ra còn đúng 200.000 đồng, ngay sau đó các chiến sĩ CSGT đã không xử phạt mà lấy thêm 500.000 đồng đưa cho chị em N. và nhẹ nhàng nói: “Không phải không muốn cho các em về nhưng thành phố đang dịch bệnh. Các em cầm tiền sống tạm đi, anh lấy số điện thoại có gì anh sẽ hỗ trợ thêm”. Bất ngờ với hành động của CSGT, hai chị em N. cảm ơn trong nước mắt rồi quay trở lại phòng trọ.

Còn mới đây, tổ công tác tuần tra Công an huyện Nhà Bè (TPHCM) gặp một cụ ông Nguyễn Chí Sắc (sinh năm 1934, cư ngụ Thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) đang đi bộ tới bệnh viện huyện Nhà Bè (xã Phước Kiển) để thực hiện việc tiêm vaccine COVID-19 theo lịch hẹn của cơ quan y tế. Qua trao đổi, tổ tuần tra được biết cụ đã đi bộ hơn 3km từ nhà tới chốt tuần tra, kiểm soát của tổ tuần tra. Do ở khu vực tổ đang thực hiện nhiệm vụ chưa có tuyến xe buýt đi qua bệnh viện huyện nên việc đón phương tiện di chuyển tới bệnh viện huyện rất khó khăn.

Khi đã rõ sự tình, tổ tuần tra đã sử dụng ôtô đưa cụ Nguyễn Chí Sắc đến tận bệnh viện huyện để cụ thực hiện việc tiêm vaccine COVID-19. Khi được nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ công tác cụ Sắc đã rất xúc động, vui mừng và cảm ơn rất nhiều các chiến sĩ công an.

Còn nhiều và nhiều hơn thế nữa những câu chuyện đẹp, ấm áp tình người như thế. Khi TPHCM đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh thì những hành động đẹp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tình đoàn kết, tương thân tương ái cùng nhau vượt qua đại dịch của người dân Việt Nam.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

TP.Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch COVID-19 trước ngày 15.9

VƯƠNG TRẦN |

Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nêu rõ, TP.Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021.

LĐLĐ tỉnh Cao Bằng động viên Đoàn Y tế hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh chống dịch

Nông Thị Quyên |

Tại Lễ xuất quân Đoàn cán bộ Y tế tỉnh Cao Bằng tham gia hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, ông Phạm Đức Khôi - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã trao số tiền 30 triệu đồng tới Đoàn.

Lai Châu chi viện 50 cán bộ y tế tới TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19

Đức Thành |

Ngày 6.8, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ ra quân tiễn đoàn công tác gồm 50 cán bộ y tế lên đường chi viện TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

TP.Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch COVID-19 trước ngày 15.9

VƯƠNG TRẦN |

Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nêu rõ, TP.Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021.

LĐLĐ tỉnh Cao Bằng động viên Đoàn Y tế hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh chống dịch

Nông Thị Quyên |

Tại Lễ xuất quân Đoàn cán bộ Y tế tỉnh Cao Bằng tham gia hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, ông Phạm Đức Khôi - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã trao số tiền 30 triệu đồng tới Đoàn.

Lai Châu chi viện 50 cán bộ y tế tới TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19

Đức Thành |

Ngày 6.8, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ ra quân tiễn đoàn công tác gồm 50 cán bộ y tế lên đường chi viện TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.