CÙNG TRAO ĐỔI

Từ Nguyễn Lân đến Hoàng Tuấn Công - hiểu tiếng Việt sao cho đúng!

PHẠM VÕ THANH HÀ |

Cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công (HTC), từ đây gọi tắt là sách HTC (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017) thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo bạn đọc. Không ai có thể phủ nhận sự công phu, giá trị khoa học của phần lớn nội dung cuốn sách. Sở dĩ chúng tôi dùng chữ “phần lớn nội dung” bởi đây đó vẫn còn những chỗ, những đoạn cần được trao đổi. Đã đành cuốn sách của GS Nguyễn Lân (NL) có chỗ sai song không vì thế mà chúng ta không góp ý với HTC để cuốn sách của anh ngày càng hoàn thiện.

 
 

1. Hãy bắt đầu từ cái mà NL gọi là “tục ngữ”: Ngâu tháng bảy. Rõ ràng, NL đã thiếu chuẩn xác khi cho rằng cụm từ ấy “nói những cơn mưa rào tháng bảy”. Còn HTC đúng qua khẳng định: “ngâu tháng bảy không phải tục ngữ, cũng chẳng phải thành ngữ” và “mưa ngâu là mưa dầm dề, dai dẳng chứ không phải mưa rào, ào ào rồi tạnh ngay”. Tuy nhiên, người viết e rằng HTC đã sai khi gọi “Ngâu tháng bảy” là “tên một tiết khí trong năm” (tr.33).

Về “Tiết khí”, theo hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi thì lịch một số quốc gia phương đông được chia thành 24 tiết khí. Trong 24 tiết khí này có 8 tiết quan trọng là thời điểm bắt đầu (Lập hạ, Lập thu, Lập đông, Lập xuân) và giữa (Hạ chí, Thu phân, Đông chí, Xuân phân) của 4 mùa, không hề có “tiết khí Ngâu tháng bảy”.

2. Một ví dụ khác là từ “lãng công” (tr.341). HTC đã sửa sai cho NL khi thay “lãng công” bằng “lãn công” và khẳng định: lãn là lười (có thể minh họa bằng câu “đại lãn chờ sung” - lười nhác chờ sung rụng). Tuy vậy, nếu hiểu lãn công “là làm cầm chừng, làm không đủ công, khiến cho năng suất lao động giảm” như HTC thì không hoàn toàn đúng. Nói cách khác, HTC chỉ đúng ở hai ý: “làm cầm chừng” và “năng suất lao động giảm” và sai ở cách giải thích “làm không đủ công”.

Nghĩa “đủ công” thường được hiểu là đủ “một ngày” hoặc “một ca”. Chẳng hạn như quy định của nhà máy, công nhân nếu làm cả thứ bảy thì trung bình 1 tháng phải lao động 26 ngày mới được tính là “đủ công”. Vì lý do nào đấy mà về sớm hay “cắt phép” sẽ “thiếu công” (so với định mức). “Một công thợ” sẽ được trả bằng nọ, bằng kia tiền nếu đủ định mức thời gian (thường là 8 tiếng). Do đó, “làm không đủ công” là không đủ ngày, không đủ thời lượng chứ không phải “lãn công” (lười).

3. Tương tự như vậy, ở phần giải thích cho câu “tức như bò đá” (tr.429), NL cho rằng “bò không thể đá được”, HTC phủ nhận: “Tuy không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò”, người bị bò đá “đã đau, lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây”. Chúng tôi thấy có ba điểm cần trao đổi, như sau:

- Trước hết, “song phi” (hay song phi cước) là một trong những đòn chân trứ danh của nhiều môn phái võ như Taekwondo, Karate, Kungfu… Để mô tả pha “song phi” thì có thể chưa có sự đồng nhất về ngôn từ nhưng về đại thể, đó là đòn đánh mà chủ nhân tung cả hai chân (song) lên không trung (phi - “bay lên”), một chân đá dứ (đòn ảo) đánh lạc sự chú ý của đối phương rồi ra đòn quyết định bằng chân còn lại. “Linh hồn” của song phi cước là sự kết hợp uyển chuyển, nhịp nhàng giữa hai chân: Nhanh - chậm, trước - sau, thật - giả có chủ đích, có sự tập trung - phân tán sức mạnh. Con ngựa, giả dụ có chồm về phía trước, đập/đạp vào đối phương thì đó là “cú đập cùng lúc của cả hai chân” nên không thể nói ngựa tung ra “những cú song phi uy lực, dứt khoát” như HTC nói được. Thêm nữa, sở trường của ngựa là “đá hậu” (phía sau) nhưng cũng không thể xem đó là “song phi” của ngựa.

- Thứ hai, HTC khẳng định: Bò “không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa” nghĩa là những cú “đá theo kiểu của bò” - không mạnh, không có nhiều uy lực. Vậy mà nạn nhân của con bò “đã đau, lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây” thì kể cũng lạ. Chưa kể “hồn vía lên mây” thường chỉ trạng thái lo lắng, sợ hãi đến mức mất hết tinh thần - sợ mất vía, còn khi cơ thể phải chịu những tác động như đánh, đập, đấm, đá… thì hệ quả tất yếu là đau đớn, bầm dập. Rất hiếm khi thể xác đau đớn đến mức “hồn vía lên mây”, lại càng hiếm khả năng “một phen giật mình” vì cú đá của con bò mà “hồn vía lên mây”.

- HTC khái quát đặc tính của bò là “nhút nhát, hiền lành, chậm chạp đến độ bị coi ngu như bò”. Bò “hiền lành, chậm chạp” có thể đúng, nhưng nói bò “nhút nhát” thì chưa thỏa đáng. Đành rằng bò bị xem là ngu (ngu như bò), lơ ngơ (lơ ngơ như bò đội nón) nhưng không ai nói “nhút nhát như bò” mà chỉ ví “nhát như cáy”, “nhát như thỏ đế” mà thôi.

4. Một dẫn chứng khác nữa là việc giải nghĩa từ “liên quân” (tr.198). HTC chỉ ra sai lầm trong cách giải thích của NL (“quân đội gồm binh lính của nhiều nước họp lại để theo đuổi một mục đích chung”), rằng: đó là “đội quân” chứ không phải “quân đội” nhưng anh không đề cập đến yếu tố “của nhiều nước” - quốc gia (tr.198).

Chúng tôi cho rằng “liên quân” không nhất thiết phải là đội quân “của nhiều nước” mà hai lực lượng trong cùng một quốc gia vẫn có thể gọi là “liên quân” khi hợp sức với nhau, theo đuổi một mục đích chung. Chẳng phải có người từng viết: Không đương nổi sức mạnh của liên quân Trịnh Tùng - Bùi Văn Khuê, thế trận của quân Mạc tan vỡ từng mảng rồi sụp đổ hoàn toàn” (Quỳnh Cư, Tình sử Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 2003, tr.63) sao? Trong trường hợp này, liên quân Trịnh Tùng - Bùi Văn Khuê, thậm chí cả những ai theo phò nhà Mạc đều là “người trong một nước”, có điều họ “chẳng thương nhau cùng” mà thôi. Chưa nói đến, ở thời điểm hiện tại, lực lượng của hai bộ, ban, ngành trở lên phối hợp với nhau cũng được gọi là “liên quân” (liên ngành, liên bộ).

5. Về cách hiểu cụm từ chí cha chí chát (tr.160), HTC cũng chỉ đúng… một nửa. Anh có lý khi cho rằng đấy không phải cảnh “đi lại nhộn nhịp” (như cách NL giải thích) nhưng sai khi chỉ giới hạn nó trong “âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau” cũng như quả quyết: “không thể là âm thanh của giày dép”.

Theo quan điểm của chúng tôi, về đại thể chí cha chí chát gợi âm thanh (từ tượng thanh) nhưng trong từng văn cảnh cụ thể còn biểu thị cho trạng thái. Khi giày dép chí cha chí chát cần hiểu là cảm xúc của người đang sở hữu (oai oách, tinh vi kiểu trưởng giả học làm sang).

Cũng như hai câu thơ: Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi (Chân quê - Nguyễn Bính), hai chữ “rộn ràng” không phải để miêu tả khăn nhung, quần lĩnh mà phản ánh tâm trạng vui vẻ, háo hức của cô gái (nhân vật “em”) sau khi đi tỉnh về.

6. Một dẫn chứng khác, liên quan đến nghĩa của từ Đại tự (tr.283). Ở từ này, HTC gián tiếp thừa nhận NL không sai khi triết tự “đại = lớn, tự = chữ” nhưng có vẻ anh không chấp nhận cách hiểu đơn giản, độc nghĩa nên đã liên hệ “trong thực tế” và chỉ ra: “Đại tự còn được hiểu là bức hoành phi”.

Thực ra Đại tự chỉ là Hoành phi trong một số trường hợp. Đặc điểm của Hoành phi là treo ngang, khác với cặp câu đối treo dọc (người ta hay kết hợp “hoành phi - câu đối” thành một bố cục rất cân đối, hài hòa). Nếu là một “bức tranh chữ” viết to và treo ngang thì hiểu như HTC không sai (hoành phi đại tự). Nhưng khi bức đại tự được treo dọc thì không thể xem đó là hoành phi.

Còn không ít dẫn chứng khác, song như đã nói (NL sai không có nghĩa HTC hoàn toàn đúng) và do dung lượng bài viết nên ở các trường hợp dưới đây, chúng tôi không nhắc lại cái sai của NL nữa, mà chỉ tập trung vào những điểm thiếu chính xác của HTC.

7. Khi luận giải câu “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau” (tr.140), về cơ bản, cách giải thích cho việc “thiếu đất trồng dừa” tương đối hợp lý nhưng sao lại “thừa đất trồng cau”? Theo HTC, “cau chỉ mọc thẳng (nên được dân gian mệnh danh là Nhất trụ kình thiên - Một cột chống trời, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn). Phải đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng, cau mới lớn và cho quả”.

Một thực tế ai cũng biết là với cau, người ta thường trồng hai cây, thậm chí là hai hàng đối xứng qua một trục (con ngõ) hoặc trồng thành hàng dài (dọc bờ rào, trước Tiền đường các ngôi chùa…). Thêm nữa, khoảng cách giữa các cây cau khá lớn (lên tới một/vài mét) nên cần diện tích rộng (thừa/nhiều đất) chứ không phải do yếu tố “Nhất trụ kình thiên, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn” của cau. Chưa hết, “đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng” là điều kiện rất tốt nhưng không phải bắt buộc và duy nhất để cau sinh trưởng, ra hoa kết trái. Chẳng phải những cây cau trong chậu cảnh (đất ít, chật chội) vẫn tươi tốt và cho quả sao?

Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi vấn đề này với chủ đề “Xung quanh cuốn sách của Hoàng Tuấn Công - Vài trao đổi về phương pháp luận” trong số báo Lao Động ra ngày thứ bảy - tuần sau.

Bạn đọc có thể tham gia trao đổi, bình luận bằng cách gửi thư, bài qua email : toasoan@laodong.com.vn.

PHẠM VÕ THANH HÀ
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.