Mùa xuân vĩnh cửu từ bộ tứ Paris

Lý Đợi |

Một trong vài tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Auguste Rodin (1840-1917) là L’Éternel Printemps (Mùa xuân vĩnh cửu), nhưng mùa xuân ở đây không phải là một mùa của đất trời, mà chính là một mùa của đời người. Với bộ tứ Paris, mỹ thuật hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu cũng đã tạo nên mùa xuân vĩnh cửu như thế, quyến rũ giới thưởng ngoạn khắp nơi trên thế giới.

Nếu trong nước, thời kỳ đầu có Trí Lân Vân Cẩn, Nghiêm Liên Sáng Phái, thì bộ tứ ở Pháp có Phổ Thứ Lựu Đàm. Họ có quan hệ hữu cơ với trường phái Paris, nên thường được gọi là bộ tứ Paris, xếp theo năm sinh, gồm có Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000), Lê Thị Lựu (1911-1988). Xem lại đa số tác phẩm của họ, sẽ thấy họ dành nhiều tâm sự và tâm huyết cho vẻ đẹp của văn hóa, văn học, nghệ thuật từ quê cha đất mẹ, từ niềm hoài nhớ về mùa xuân vĩnh cửu của đời người.

Nếu cộng thêm tác phẩm của Điềm Phùng Thị (1920-2002) và Lê Bá Đảng (1921-2015), 6 nhan sắc Việt này đã mang lại một khí quyển thị giác và một màu dân tộc đến châu Âu từ ngay Thế chiến 2. Để qua họ, nhiều người có thêm cái nhìn khác về Việt Nam, nơi không chỉ có chiến tranh, tinh thần vệ quốc, sự hy sinh và nghèo khó, mà còn là những mùa xuân vĩnh cửu được nhìn thấy qua những nét ý vị, tươi trẻ, thanh tao.

Tác phẩm Mẹ và con của Lê Thị Lựu. Ảnh: Tư liệu
Tác phẩm Mẹ và con của Lê Thị Lựu. Ảnh: Tư liệu

Trên thị trường quốc tế và trong nước, Lê Phổ là tên tuổi nổi danh sớm hơn, có tác phẩm cán mốc triệu USD trước tiên ở giao dịch công khai. Tác phẩm Đời sống gia đình (mực và bột màu trộn keo trên lụa, 82cm x 66cm) của Lê Phổ từng được Sotheby’s Hong Kong bán 1.172.080 USD vào tối 2.4.2017, trở thành bức tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam thời bấy giờ. Bức này từng thuộc một nhà sưu tập người Pháp trong nhiều chục năm.

Được vẽ trong khoảng 1937-1939, khi Lê Phổ vừa sang Pháp định cư vào năm 1937. Bức tranh chịu ảnh hưởng một chút từ trường phái ấn tượng (impressionnisme) Pháp, mang lại khoảnh khắc thân mật của gia đình, trong một ngày nhàn nhã. Nhìn cách ăn mặc chăm chút của các nhân vật và đóa trà mi đỏ đang nở rộ, có thể thấy đây đang là những ngày xuân của đất trời. Dù chiến tranh làm thưa vắng nhiều bóng dáng đàn ông trong khung cảnh gia đình, nhưng Lê Phổ vẫn diễn đạt được vẻ đẹp Việt Nam hoàn mỹ, thanh xuân, thông qua hình ảnh những người phụ nữ đoan trang và gợi cảm, với tay chân mảnh mai. Có lẽ với hình ảnh quý phái và mang tính biểu tượng cho mùa xuân vĩnh cửu, bức Đời sống gia đình đã sớm thuyết phục giới thưởng ngoạn, sớm chạm mốc triệu USD trên thị trường công khai.

Tác phẩm Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ. Ảnh: Tư liệu
Tác phẩm Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ. Ảnh: Tư liệu

Hoặc như tác phẩm đang giữ quán quân về giá bán công khai của tranh Việt, đó là Chân dung cô Phương (sơn dầu trên toan, 135,5cm x 80cm, 1930) của Mai Trung Thứ. Bức này được bán 24.375.000 HKD, tương đương hơn 3,1 triệu USD, tại phiên đấu giá Beyond Legends: Modern Art Evening Sale (Hơn cả huyền thoại: Đêm nghệ thuật hiện đại) của nhà Sotheby’s Hong Kong hồi 18.4.2021.

Vậy mùa xuân vĩnh cửu ở bức này là gì? Đó là diễn đạt được vẻ đẹp mà theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: “Mona Lisa của Việt Nam, được trình bày bằng những gam màu rất đơn giản. Chính sự đơn giản đã tạo ra nét đẹp thuần túy, dịu dàng, đi thẳng vào hồn người bằng những bước chân nhẹ nhàng nhất”. Còn với nhà phê bình Nguyễn Quân thì: “Tôi thấy đây là một bức tranh chân tình nhất của Mai Trung Thứ, không bị làm duyên, hoài cổ như những tranh khác của cụ. Màu sắc, nét, bố cục, tạo dáng nhân vật và gương mặt đều dung dị, tự nhiên, gần tinh thần với Nguyễn Phan Chánh, khác với các tranh thiếu nữ tìm cái đẹp mơ mộng, lý tưởng, vu vơ thời bấy giờ. Tôi không quan tâm đến giá bán sau cùng, nhưng ngay khi nhìn thấy tranh, đã thấy đây là tác phẩm đáng giá, theo mọi nhẽ”.

Tác phẩm Đời sống gia đình của Lê Phổ. Ảnh: Tư liệu
Tác phẩm Đời sống gia đình của Lê Phổ. Ảnh: Tư liệu

Nếu để ý một chút về bối cảnh xã hội, năm 1930, khi bức tranh này ra đời, cũng là lúc phong trào xiển dương áo dài tân thời vừa được manh nha, với tiếng nói và hành động của các văn nghệ sĩ đi đầu như Nhất Linh, Lemur Cát Tường, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… Lúc vẽ bức tranh này, Mai Trung Thứ đang dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế, đến năm 1936 thì mới định cư tại Pháp. Nhìn kiểu áo dài mà cô Phương mặc, có thể thấy đây là một thiết kế theo phong cách Lê Phổ. Lúc này còn rất ít người mặc, nhân vật trong tranh cũng chưa dám cắt tóc ngắn kiểu demi-garçon, mà chỉ dùng vấn trần để tém tóc gọn lên theo lối tân kỳ.

Những chàng tuổi trẻ như Mai Trung Thứ - mới tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - dù mơ mộng, cũng chưa dám nghĩ rằng những chiếc áo dài tân thời trên tranh vẽ của họ sẽ sớm làm nên hình một hình mẫu, một biểu tượng thanh xuân, quyến rũ cho phụ nữ Việt Nam, kéo dài nửa thế kỷ sau đó. Ngày nay, những mẫu áo dài mà Lê Phổ, Mai Trung Thứ vẽ trên tranh vẫn còn hiện diện khắp nơi trong đời sống, thường được các thiếu nữ trẻ chọn mặc.

Bộ tứ Paris, từ trái sang: Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Ản: Tư liệu
Bộ tứ Paris, từ trái sang: Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Ản: Tư liệu

Vũ Cao Đàm cũng không kém cạnh, dù vẽ cảnh sinh hoạt hoặc các điển tích trong văn học Việt Nam, quan niệm về mùa xuân vĩnh cửu vẫn là ưu tiên thể hiện. Ví dụ như bức Hòa tấu (sơn dầu trên toan, 113cm x 145cm, 1984) diễn tả một quang cảnh hòa nhã, nơi 4 cô gái hòa ca, còn 2 chàng trai thì đánh cờ. Qua hình ảnh cành lê trắng, ta có thể thấy đây đang là mùa xuân, không chỉ của đất trời, mà còn của cả lòng người, vì có sự hòa hợp, có tình yêu, có hạnh phúc. Bức tranh làm gợi nhớ đến mấy câu trong Truyện Kiều: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa”.

Còn mùa xuân vĩnh cửu của Lê Thị Lựu thường thấy qua hình ảnh dung dị của trẻ em, của thanh thiếu nữ và tình mẫu tử. Đây không chỉ là mùa xuân của đời người, mà cũng chính là những ký ức đáng nhớ nhất. Theo quan niệm, chỉ có ở những độ tuổi này, chỉ khi còn mẹ cha, thì mùa xuân - ngày tết mới thật sự ý vị, hạnh phúc. Bức tranh Mẹ và con (mực và gouache trên lụa, 63cm x 49cm, khoảng 1960) là một ví dụ. Cũng là vẽ cảnh chờ đợi - vọng phu, nhưng qua nét mặt tươi vui và hoa lá khoe sắc xung quanh, có thể thấy được sự đoàn viên, sum vầy đang ở ngay trước mắt.

Một điểm đặc sắc khác của bộ tứ Paris là họ có đầy đủ kỹ năng và cơ hội để hòa vào dòng chính của mỹ thuật Pháp, nơi họ chọn làm quê hương thứ hai. Ngay cả về vật liệu cũng vậy, họ đều dành những tâm huyết cho tranh lụa và các bảng màu mang tính truyền thống của Việt Nam. Bảng màu này cũng được họ áp dụng sang tranh sơn dầu, một vật liệu của truyền thống Tây phương, mang lại những điểm nhấn riêng.

Bây giờ nhìn lại, dễ tưởng đây là chọn lựa dễ dàng, thật ra, nếu họ chọn hòa nhập trọn vẹn vào trường phái Paris, vẽ tranh theo kiểu Pháp, danh tiếng và tiền tài có thể đến sớm hơn, nhưng họ đã chọn một khung cửa hẹp để bước qua. Nếu không có đủ niềm kiêu hãnh về văn hóa Việt, về vẻ đẹp Việt, đặc biệt là về những mùa xuân vĩnh cửu của quê cha đất mẹ và trong lòng mình, họ khó mà đi được con đường thiên lý như vậy.

Mùa xuân vĩnh cửu trên phim

Cũng có tên Mùa xuân vĩnh cửu (tiếng Anh: The Eternal Springtime), phim tài liệu dài 26 phút của đạo diễn Việt Vũ đã được chọn tranh giải ở hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Oscar 2022. Phim có cái tứ chính là việc cậu con trai theo mẹ vào sống trong một cái hang, với mong muốn tìm sự tái sinh, vì trái đất đang bên bờ tuyệt chủng. Rõ ràng, về cấu tứ và thể loại là hoàn toàn khác nhau, nhưng quan niệm về mùa xuân vĩnh cửu thì Việt Vũ đã ít nhiều chia sẻ được tinh thần của bộ tứ Paris.

Lý Đợi
TIN LIÊN QUAN

Hy vọng từ những mùa xuân!

Nguyễn Hoài Bắc - Doanh nhân, kiều bào Canada |

Khát vọng của một dân tộc, một đất nước từ khi mới giành được Độc lập vào năm 1945. Từ Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến đồng bào cả nước khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bao giờ có những khoảnh khắc mùa xuân

Việt Văn |

Tình báo chiến lược Việt Nam từng có những “điệp viên hoàn hảo”, được một số cơ quan tình báo quốc tế đánh giá vào hàng top của thế giới, đối đầu với CIA của Mỹ, Phòng Nhì của Pháp... Trong khi ở nhiều nước, điện ảnh và phim truyền hình có hàng trăm phim tình báo, thì ở Việt Nam, xem ra chiến công của ngành tình báo chưa được nhiều nhà làm phim truyện điện ảnh quan tâm chủ đề này.

“Mật mã” của mùa xuân

đỗ trung lai |

Bạn hãy thử nghĩ mà xem, mùa đông “đang yên đang lành” với đám cành cây đen trũi, trơ trụi; với gió bấc, mưa dầm và cái lạnh thấu xương, trên mặt đất lầy lội phương Đông hay trên tuyết trắng phương Tây. Thế rồi, “đột nhiên” mùa xuân đến. Tagore (1861-1941) viết: Ẩn kín trong lòng vạn vật, Người (mùa xuân) khiến hạt nẩy mầm, cho nụ trổ hoa.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Hy vọng từ những mùa xuân!

Nguyễn Hoài Bắc - Doanh nhân, kiều bào Canada |

Khát vọng của một dân tộc, một đất nước từ khi mới giành được Độc lập vào năm 1945. Từ Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến đồng bào cả nước khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bao giờ có những khoảnh khắc mùa xuân

Việt Văn |

Tình báo chiến lược Việt Nam từng có những “điệp viên hoàn hảo”, được một số cơ quan tình báo quốc tế đánh giá vào hàng top của thế giới, đối đầu với CIA của Mỹ, Phòng Nhì của Pháp... Trong khi ở nhiều nước, điện ảnh và phim truyền hình có hàng trăm phim tình báo, thì ở Việt Nam, xem ra chiến công của ngành tình báo chưa được nhiều nhà làm phim truyện điện ảnh quan tâm chủ đề này.

“Mật mã” của mùa xuân

đỗ trung lai |

Bạn hãy thử nghĩ mà xem, mùa đông “đang yên đang lành” với đám cành cây đen trũi, trơ trụi; với gió bấc, mưa dầm và cái lạnh thấu xương, trên mặt đất lầy lội phương Đông hay trên tuyết trắng phương Tây. Thế rồi, “đột nhiên” mùa xuân đến. Tagore (1861-1941) viết: Ẩn kín trong lòng vạn vật, Người (mùa xuân) khiến hạt nẩy mầm, cho nụ trổ hoa.