“Mật mã” của mùa xuân

đỗ trung lai |

Bạn hãy thử nghĩ mà xem, mùa đông “đang yên đang lành” với đám cành cây đen trũi, trơ trụi; với gió bấc, mưa dầm và cái lạnh thấu xương, trên mặt đất lầy lội phương Đông hay trên tuyết trắng phương Tây. Thế rồi, “đột nhiên” mùa xuân đến. Tagore (1861-1941) viết: Ẩn kín trong lòng vạn vật, Người (mùa xuân) khiến hạt nẩy mầm, cho nụ trổ hoa.

Ở phương Tây, người ta làm đất và gieo hạt giống từ trước khi tuyết phủ kín đồng. Xuân đến, mặt trời rực rỡ, tuyết tan, đất ấm và ẩm, hạt giống của họ nẩy mầm. Ở phương Đông, ai chơi mai đều biết, giữa đông đã phải tuốt lá để cuối đông, mai (trắng) sinh nụ và Tết đến, chúng bung hoa trắng xóa khắp cành.

Tagore đã coi mầm và hoa, những “sứ giả” của mùa xuân, là “mật mã” của mùa tuyệt vời ấy và đã “văn bản hóa” chúng như vậy.

1. Ở ta, ai là người đầu tiên “văn bản hóa” những “mật mã” ấy? Thơ văn ta, từ đời Lý mới được chính thức in ra (và còn lưu được đến bây giờ), đến đời Trần thì đã xum xuê lắm.

Trần Nhân Tông (1258-1308) viết: Tan giấc, mở cửa sổ/ Nào hay, xuân đã về/ Phần phật đôi bướm trắng/ Bay về hoa ngoài kia. Thế là nhờ có đôi bướm trắng mà Trần Nhân Tông, từ chỗ “Nào hay, xuân đã về”, thấy được mùa xuân. Loài bướm đọc “mật mã” mùa xuân còn tinh hơn cả người!

Cùng thời, Huyền Quang viết: Giai nhân mười sáu bên khung gấm/ Tử kinh hoa nở gọi oanh về - cả người và cảnh đều xuân làm sao!

Sau này, Nguyễn Trãi (1380-1442) viết: Đường tuyết, thông còn giá in/ Đã sai én ngọc lại cho nhìn/ Xuân chầy, liễu chưa hay mặt/ Vườn kín, hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần, ong chửa thấy/ Tính quen khinh bạc, bướm chăng gìn. Cái lạnh mùa đông còn để dấu trên thông, tùng; xuân kín tiếng đến nỗi liễu còn chưa biết mà xanh, ong còn chưa thấy cái “tinh thần” của mùa xuân trong cành, thế mà én đã biết để tung trời và các tài tử bướm đã vào tận “vườn kín” để chờ hoa và đón xuân rồi, dù hoa cũng chỉ vừa mới để “lọt tin” thôi. Thật là tinh tế! Nguyễn Trãi, tất không đọc Tagore, nhưng không biết Nguyễn Trãi có đọc Trần Nhân Tông và Huyền Quang không nhỉ? Chắc là có, vì thời ấy, còn ai đọc nhiều như Ức Trai nữa.

Thế đấy, Trần Nhân Tông, Huyền Quang và Nguyễn Trãi đã nhìn thiên nhiên để giải mã mùa xuân của chính thiên nhiên. Mà, ba “Cụ” nhà ta còn “văn bản hóa” việc ấy trước Tagore những... dăm sáu trăm năm.

Nhưng mùa xuân thì cùng tuổi với đất trời, tức là trước cả ba “cụ” nhà mình lẫn Tagore... nhiều thiên niên kỷ. Vì thế, dù yêu các “cụ” đến mấy, cũng nên xem thử trước đó, loài người viết về việc họ giải mã mùa xuân như thế nào.

2. Hóa ra, từ đời Đường (618-907), Sầm Tham đã viết: Chợt gió xuân về một đêm nọ/ Muôn vạn cành lê, hoa nở đầy. Vương Duy viết: Sớm xuân mưa bụi Vị Thành/ Liễu xanh càng lại thêm xanh bên nhà; rồi lại viết: Người nhàn, hoa quế rơi đêm/ Núi xuân bốn mặt lặng êm như tờ. Đỗ Thẩm Ngôn viết: Liễu bên sông tốt tươi/ Mây sớm hồng mặt bể/ Gió ấm, oanh vàng ca/ Rau tần xanh như vẽ. Vương Xương Linh viết: Có người vợ trẻ vô tư lự/ Ngày xuân trang điểm, bước lên lầu/ Chợt thấy liễu mềm bên lối nhỏ/ Tiếc để chồng đi kiếm tước hầu. Mạnh Hạo Nhiên viết: Người chợt tỉnh giấc xuân/ Chim quanh nhà ríu rít. Trương Thuyết viết: Xuân trước, Kinh Nam mai tựa tuyết/ Xuân nay, Kế Bắc tuyết như mai. Thôi Hộ viết: Hôm nay, người ấy đâu rồi/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (gió xuân). Tào Đường viết: Bích Động xuân này im vắng quá/ Đường trần mờ mịt dưới trăng suông/ Cỏ dao, cát ngọc đầy bên suối/ Nước chảy, hoa đào ngào ngạt thơm. Lưu Phương Bình viết: Cuối xuân, sân không một bóng người/ Cửa khóa, hoa lê đầy mặt đất. Tiền Khởi viết: Cốc Khẩu, xuân tàn, oanh lác đác/ Hoa hạnh rơi cùng hoa tân di. Liễu Tông Nguyên viết: Lá đổ đầy sân, oanh loạn giọng/ Quanh thành, hoa núi rụng trong mưa...

Thế là, mầm cây, hoa lê, hoa mai, hoa đào, hoa quế, hoa tử kinh, hoa hạnh, hoa tân di, chim én, ong bướm, suối trong, cát ngọc, cỏ dao, tiếng chim... đều từ chỗ là “sứ giả”, đã trở thành “mật mã” của mùa xuân trong mắt con người, tùy nơi, trên khắp thế gian này, tít từ khi còn chưa có “người thông minh”. Và, mãi sau này mới được con người “văn bản hóa” lại, từ khi họ có chữ.

Nhiều đời sau, ta còn thấy bao thế hệ thi nhân dùng cách ấy. Thế Lữ viết: Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy/ Cùng ngắm xuân về trên khóm mai. Xuân Diệu thì nhục cảm hơn: Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần. Đoàn Văn Cừ viết: Ngày ửng hồng sau làn sương gấm mỏng/ Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh. Anh Thơ viết về xuân tỉnh lẻ: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười, nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Nguyễn Giang viết: Gió xuân phơ phất thổi trên cành/ Lớp lớp bên đường bóng lá xanh/ Cây cỏ cười tươi, hoa mũm mĩm. Nguyễn Bính viết: Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng, hay: Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn, hoa bưởi hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng (Con bướm của Nguyễn Bính không “tài” bằng con bướm của Nguyễn Trãi!)...

3. Thế là, càng ngày các “mật mã” của mùa xuân càng phong phú và người hơn, trần thế hơn, gợi cảm hơn, bên cạnh sự “tự nhiên nhi nhiên” cổ xưa. Rồi các nhà thơ lại dần cho mùa xuân “can dự” vào cảnh mình, tình mình, thời mình. Ví dụ: Vắng người yêu dấu bên mình/ Thì Giêng Hai cũng hóa thành tàn thu. Ví dụ: Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với cả hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây, đem chắn nẻo xuân sang.  Ví dụ: Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn/ Đến cả mùa xuân cũng lỡ làng. Ví dụ: Mùa xuân người ra trận/ Lộc giắt đầy trên lưng...

Con người đã dần “văn bản hóa” các “mật mã” của mùa xuân, vốn rất “tự nhiên nhi nhiên”, thành “mật mã” xuân của cảnh mình, tình mình, thời mình - hay dở là tùy lòng, tùy lúc, nhưng rõ ràng là có thay đổi, để “phục vụ” cho mình. Tiến hóa/ tiến bộ hay không, cũng tùy ở cách nhìn, nhưng “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”, là có thật và việc ấy, giúp cho con người mô tả được ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc, dục của mình, cũng là có thật.

Nói vân vi ra thế để khi “tra cứu” về mùa xuân, ta phải biết ơn Mẹ Thiên nhiên đã sinh ra người con tuyệt vời ấy để chúng ta biết được vòng tuần hoàn của sự sống, của thời gian; biết lúc bắt đầu mỗi chu kỳ nảy nở sinh sôi của vạn vật.

Mà không chỉ thế! Người ta còn thấy rằng, ngoài việc mùa xuân là mùa bật mầm của hạt, mùa đâm chồi nẩy lộc đơm hoa của cỏ cây; đó còn là mùa “động dục” của động vật. Tuyệt đại đa số động vật đều như thế vào mùa xuân. À, mà xem nào, hình như chỉ có con người - thêm vịt, gà, bồ câu và thỏ - là làm “chuyện ấy” quanh năm. Hóa ra, con người là cái giống được hưởng lợi cả bên ngoài mùa xuân. Con người ta “sướng” và “ghê” thật!

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Mùa xuân đến sớm với những người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam

Quách Du |

Sau mấy chục năm sinh sống, làm việc ở huyện biên giới Mường Lát, Quan Sơn (Thanh Hóa), hơn 50 người Lào như vỡ òa khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Cầm trên tay những tờ quyết định, nhiều người (còn chưa nói rõ Tiếng Việt) đã tuôn trào nước mắt. Họ khóc vì sung sướng, hạnh phúc bởi đây là “một mùa xuân đầu tiên” họ đón tết khi là công dân nước Việt Nam.

Mùa xuân đến sớm với công nhân và tổ chức Công đoàn

LỤC TÙNG |

Nhiều công nhân lao động (CNLĐ) tại Khu Công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành - An Giang) bày tỏ niềm vui hơn cả ngày Tết khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tổng LĐLĐVN đến tận nơi thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà Tết.

Đừng bỏ lỡ hoạt động mùa xuân tại Nga và Trung Quốc

Văn Đức |

Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời không thể bỏ qua để khám phá Nga và Trung Quốc. Lúc này cảnh vật ngập tràn trong muôn hoa rực rỡ và màu xanh tươi của những chồi non. Không còn lạnh giá của mùa đông cũng như ít khách du lịch hơn so với mùa hè.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Mùa xuân đến sớm với những người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam

Quách Du |

Sau mấy chục năm sinh sống, làm việc ở huyện biên giới Mường Lát, Quan Sơn (Thanh Hóa), hơn 50 người Lào như vỡ òa khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Cầm trên tay những tờ quyết định, nhiều người (còn chưa nói rõ Tiếng Việt) đã tuôn trào nước mắt. Họ khóc vì sung sướng, hạnh phúc bởi đây là “một mùa xuân đầu tiên” họ đón tết khi là công dân nước Việt Nam.

Mùa xuân đến sớm với công nhân và tổ chức Công đoàn

LỤC TÙNG |

Nhiều công nhân lao động (CNLĐ) tại Khu Công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành - An Giang) bày tỏ niềm vui hơn cả ngày Tết khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tổng LĐLĐVN đến tận nơi thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà Tết.

Đừng bỏ lỡ hoạt động mùa xuân tại Nga và Trung Quốc

Văn Đức |

Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời không thể bỏ qua để khám phá Nga và Trung Quốc. Lúc này cảnh vật ngập tràn trong muôn hoa rực rỡ và màu xanh tươi của những chồi non. Không còn lạnh giá của mùa đông cũng như ít khách du lịch hơn so với mùa hè.