Khi ánh đèn sân khấu tắt, sự lộng lẫy, hào nhoáng của những màn trình diễn thảm đỏ, của sự tưng bừng khai mạc, bế mạc và cả những hình ảnh tay bắt mặt mừng, đi chơi thăm thú tràn ngập trên facebook của các nghệ sĩ - về Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20 thì điện ảnh Việt Nam lại trở về nguyên thực trạng của nó. Với hàng loạt vấn đề chưa được tháo gỡ…
Tôn vinh dòng phim giải trí
20 năm Liên hoan Phim - một con số đẹp nhưng là tiếng thở dài chua xót khi sạch bóng phim Nhà nước ở mảng phim truyện điện ảnh - lĩnh vực quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một nền điện ảnh. Có 16 phim dự thi, đều là phim tư nhân. Một ban giám khảo gồm người già là chính, trao giải tôn vinh những người trẻ...
Ngôi vương được trao cho “Em chưa 18” của đạo diễn trẻ Lê Thanh Sơn - phim Việt phá kỷ lục với doanh thu “khủng” phòng vé, 1 phim hài lãng mạn, trẻ trung, tươi mới thuộc dòng phim giải trí - thương mại thuần túy. Một phim mà ngay nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng thừa nhận với truyền thông, nó là phim nhảm, với lời giải thích: “Sự nhảm nhí trong phim, tôi cho rằng đó xuất phát từ việc diễn viên không hoá thân thành nhân vật trên phim mà đem cái chiêu trò hài hước của mình đi mua vui cho khán giả. Cái chọc cười của diễn viên là bê nguyên si những mánh lưới hài hước trên sân khấu hay ngoài đời vào phim, chứ đó không phải là tính cách nhân vật hay tình huống hợp lý trong phim”.
Nếu xét theo tiêu chí tôn vinh tính nhân văn, sáng tạo, hội nhập… thì e rằng “Em chưa 18” còn thiếu nhiều yếu tố. Một phép thử dễ dàng nhất là sau LHP cử “Em chưa 18” đi thi đấu quốc tế để xem tính hội nhập với thế giới ở mức độ nào.
Nếu nhìn vào “Em chưa 18” như một gợi ý mang tính định hướng cho sự phát triển điện ảnh VN thì phải chăng điện ảnh VN sẽ hướng tới phim thị trường, giải trí dành cho giới trẻ là chính. Vì một Bông sen Bạc khác trao cho “Cô hầu gái” của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn là phim dạng kinh dị - lãng mạn - mang màu sắc phim Mỹ và không ít cảnh nóng.
Câu hỏi đặt ra: Nếu không trao Bông sen Vàng cho “Em chưa 18” thì chọn phim nào? Thực khó vì cả hai phim hiếm hoi thuộc dòng phim nghệ thuật dự LHP đều có những mặt dở.
Trong số đó, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng giành phần thắng (Bông sen Bạc) không có gì lạ, vì đây là phim được chọn đại diện điện ảnh VN gửi dự giải danh giá Oscar (Mỹ). Dù “Cha cõng con” ăn ở ý tứ hơn là cách kể - cũng vì thế mà giải kịch bản cho Bùi Kim Quy và Lương Đình Dũng của phim là hoàn toàn xứng đáng.
Phim nghệ thuật còn lại, “Đảo của dân ngụ cư” được hai giải cá nhân, trong đó quay phim chính dành cho NSND Lý Thái Dũng, là sự khẳng định lại một nhà quay phim đã thành danh, nhưng chút buồn thiếu vắng lớp trẻ tài năng kế thừa.
Hai phim giành giải ban giám khảo là dòng giải trí, trẻ trung như “12 chòm sao, vẽ đường cho yêu chạy”, hay mang tính quảng bá du lịch tôn vinh tà áo dài dân tộc như “Cô Ba Sài Gòn”. Còn Giải Đạo diễn xuất sắc Nhất dành cho Vũ Ngọc Đãng với “Hot boy nổi loạn 2”- 1 phim đề tài đồng tính.
Ban giám khảo hẳn đã phải rất cố gắng để chọn giải, sao cho ít ai cảm thấy mình bị oan, bị thiệt.
Và tiếc…
Tiếc nhất là sự thiếu vắng của dòng phim độc lập, dù nói như Ban tổ chức đã gửi mời nhưng họ không dự. Không dự vì có thể họ không tin vào sự thẩm định của giám khảo, hoặc không thực sự coi Giải Bông sen là danh giá.
Trong khi một số tác giả phim độc lập đang nổi lên mà trong năm 2017 hai dự án phim Việt gồm Culi không bao giờ khóc (Culi Never Cries) của Phạm Ngọc Lân và Vị (Taste) của Lê Bảo có mặt trong số 15 dự án đại diện cho 14 quốc gia tham dự giải thưởng L’Atelier - Quỹ Điện ảnh Cinéfondation thuộc Liên hoan Phim Quốc tế Cannes.
Nét mới của LHP 20 là thêm giải thưởng phim ASEAN - sự mở rộng mang tính hội nhập này là điểm sáng. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hầu hết các nước ASEAN cũng chưa gửi phim hay nhất đến, giải mang tính ngoại giao quảng bá văn hóa nhiều hơn.
LHP 20 đưa ra hai hội thảo chuyên môn về con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới và LHP VN trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc. Không có gì chê, nhưng nhiều vấn đề nóng của điện ảnh VN như hiệu quả và những bước triển khai của chiến lược phát triển điện ảnh VN đến đâu? Quỹ Tài năng điện ảnh làm sao để hoạt động, rồi vấn đề cổ hóa hãng phim truyện VN nghĩ về sự thay máu triệt để và bước đột phá mới cho điện ảnh Nhà nước… Tất cả rất cần được đưa vào những hội thảo mổ xẻ với tinh thần cầu thị chấp nhận phản biện.
Rồi nhiều chuyện khác tưởng nhỏ mà không nhỏ.
LHP lần thứ 20 nhưng một trang web chính thức của LHP vẫn chưa có, mà người ta chỉ có thể theo dõi lịch trình, thông tin LHP qua trang web của Cục Điện ảnh và trang Thế giới điện ảnh VN của Hội điện ảnh VN. Vẫn chưa có một hội chợ phim Việt để các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất có thể gặp nhau mua bán ý tưởng.
Nên lập riêng Ban Liên hoan Phim Việt Nam
Không ai phủ nhận nỗ lực của Ban tổ chức, nhưng đã xa rồi thời của nhiệt tình và kiêm nhiệm theo kiểu “tay dao tay thớt”. Hãy thành lập một Ban Liên hoan Phim VN riêng, không chỉ thành viên trong định chế Nhà nước mà cả những cá nhân độc lập, chỉ tập trung vào việc tổ chức một LHP VN để tạo nên một thương hiệu thực sự danh giá, không chỉ trong nước mà trên tầm khu vực, chí ít trong một tương lai gần.