Chủ động tiếp nhận văn hoá trong bối cảnh mới

Nhà phê bình văn học MAI ANH TUẤN |

Khi nhìn lại một số hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, phát triển con người qua 35 năm đổi mới, Dự thảo báo cáo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, dự kiến diễn ra ngày 24.11 tới đây, thừa nhận đã có hiện tượng “nhập siêu văn hóa kéo dài” và “một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc”. Thực tế gây nhiều lo lắng này có lẽ cần đến những quyết sách và hành động cụ thể mới phần nào đem đến thay đổi theo chiều hướng tích cực và tốt đẹp hơn.

Phụ nữ tân thời thập niên 1930 mặc dài Lemur, một sự cách tân tôn thêm những vẻ đẹp truyền thống. Ảnh: Tư liệu
Phụ nữ tân thời thập niên 1930 mặc dài Lemur, một sự cách tân tôn thêm những vẻ đẹp truyền thống. Ảnh: Tư liệu

Cần một thái độ cởi mở

Lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi nhiều lý do khác nhau, khi chủ quan khi khách quan, luôn có sự tiếp nhận những vòng sóng văn hóa đến từ khu vực và quốc tế. Ở thời trung đại, chúng ta tiếp thu và tiếp biến văn hóa Phật giáo của Ấn Độ, văn hóa Nho giáo, Đạo giáo của Trung Hoa. Ở đầu thế kỷ XX, Việt Nam tiếp xúc và cộng sinh văn hóa Pháp, từ đó, dần hướng đến các giá trị văn hóa phương Tây.

Theo thời gian, những nét đặc sắc, tiến bộ và hữu dụng từ các làn sóng văn hóa này đã làm cho cơ địa văn hóa dân tộc càng trở nên phong phú, đa dạng. Cơ chế tiếp nhận này cũng cho phép xã hội, con người Việt Nam hình thành được phẩm chất linh hoạt, mềm dẻo và có thể nói là khôn ngoan thích ứng, gạn đục khơi trong, tích tiểu thành đại cái hay, điểm tốt của thế giới phục vụ cho đời sống thường ngày của mình.

Dĩ nhiên, năng lực “tự thẩm định” văn hóa ngoại lai, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa ngày một mạnh mẽ như hiện nay, đòi hỏi ngoài khôn ngoan, còn cần tỉnh táo, vừa biết người nhưng cũng phải biết mình, nhận thức sâu sắc về cội gốc mình. Người Việt đầu thế kỷ XX đi giày Tây, mặc áo vest, phụ nữ cạo răng đen để răng trắng, để tóc lệch ngôi, mặc áo gài khuy bấm nhằm hưởng ứng cách tân và lấy đó làm chuẩn thẩm mỹ mới. Nhưng khuyến nghị viên chức hôm nay mặc áo the khăn xếp đến công sở lại có thể là sự ôn cố bất hợp thời.

Cũng như vậy, không thể bắt buộc thế hệ trẻ hôm nay thuần thục đường kim mũi chỉ, thành thạo cấy cày, “nói ra thơ thở ra văn” đủ thi thư sách vở để chứng tỏ mình tường tận chữ nghĩa như cha ông xưa. Mỗi thành tố văn hóa, tự bản thân nó, thường chứng tỏ sự hữu dụng để tồn tại với chính bối cảnh, thế hệ mà nó thuộc về. Bởi vậy, thay vì quá dè chừng dẫn đến cấm cản, loại bỏ hoàn toàn văn hóa ngoại lai đang ồ ạt xuất hiện như hiện nay, chúng ta cần thái độ cởi mở chấp nhận, và nhất là, cần xem xét, cân nhắc tính hữu dụng của nó.

Mỗi gia đình khó lòng ủng hộ con cái chỉ rành ngoại ngữ mà kém tiếng Việt nếu nhận ra tiếng Việt hữu dụng ngay câu chào hỏi thưa thốt với ông bà, cha mẹ. Mỗi thị dân ở các đô thị lớn không thể quanh năm suốt tháng tổ chức tiệc tùng kiểu Tây để chứng tỏ mình “sang chảnh” nếu họ nhận ra sự hữu dụng của lễ Tết, hội hè truyền thống trong việc gắn kết tình thân, vun đắp hiếu nghĩa. Mỗi người trẻ chẳng đến mức thành “fan cuồng” của K-Pop nếu họ biết đến tính hữu dụng của âm nhạc dân gian trong việc diễn tả các trạng thái cảm xúc, cung bậc tình cảm dù là phức tạp nhất.

Như thế, làm thế nào để mỗi cá nhân nhận ra tính hữu dụng của thứ văn hóa mình đang theo đuổi là câu hỏi tiên quyết khi đối mặt với các xu hướng, trào lưu văn hóa mới. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ khi sự giáo dục đạt đến mức độ thấu lý hợp tình thì xã hội ắt sẽ trưởng thành, chín chắn trong mỗi lựa chọn của mình. Tiếp nhận hay “nhập siêu” kiểu dạng văn hóa nào, hữu hình hay vô hình, rất cần những hiểu biết, cần vốn giáo dục tự thân gắn với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Nếu kiên tâm giáo dục và lấy giáo dục làm bệ đỡ vững chắc cho việc lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thì ít nhất, nhận thức xã hội về “có mới nới cũ” khi tiếp nhận văn hóa sẽ có cơ sở hơn.

Trong thực tế, ở những gia đình và cộng đồng triển khai giáo dục thường xuyên về văn hóa truyền thống, những biểu hiện học đòi, a dua, hợm hĩnh chạy theo văn hóa ngoại lai sẽ ít xảy ra, hoặc sẽ xảy ra ít hệ quả, hệ lụy chướng tai gai mắt. Đặc điểm này cũng từng rõ nét trong thời điểm diễn ra cuộc Âu hóa ở đầu thế kỷ XX, thời điểm mà nhiều gia đình và tổ chức, hội nhóm trí thức vẫn cố gắng duy trì truyền bá, khơi gợi học hỏi các thành tựu văn hóa cổ truyền.

Ngay ở lớp người tinh hoa và Tây học nhất, hiểu biết, vốn sống cũng như cốt cách truyền thống vẫn được biểu đạt thường xuyên. Quá trình tri tân, canh tân xã hội khiến họ nhận ra chiều sâu của cội rễ dân tộc. Nói đúng hơn, họ biết tiếp nhận cái mới của văn hóa ngoại lai khi đã tự xây dựng cho mình nội lực văn hóa đủ mạnh.

Tạo dựng đủ đầy hơn nữa nội lực văn hóa của xã hội

Tôi cũng nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải tạo dựng đủ đầy hơn nữa nội lực văn hóa của xã hội để mỗi cá nhân càng ít nóng vội, cuống cuồng sính ngoại càng tốt. Nội lực văn hóa đó, đơn giản thì có thể từ đồ ăn thức uống, đi đứng nói năng, cho đến tình làng nghĩa xóm, anh em bằng hữu, bang giao quốc gia quốc tế.

Nội lực văn hóa cũng nằm trong nội lực nhận thức và hành động của mỗi cá nhân. Những chính sách quản lý, thúc đẩy và phát triển văn hóa nếu kịp thời thì sẽ làm nội lực này đủ sức đề kháng trước sự xâm nhập vàng ít thau nhiều của văn hóa ngoại lai.

Văn hóa Việt vốn trọng cái cụ thể, thiết thực, và ưa đề cao sự hài hòa, cân bằng nên nội lực văn hóa ngày nay rất cần được gia tăng ở khía cạnh tự tin, bản lĩnh và sáng tạo. Muốn sáng tạo văn hóa, một cách lý tưởng, thường xuất phát từ và lấy truyền thống làm căn nền, chứ không phải chạy tắt, rẽ ngang để trở thành người khác. Một thành phố chỉ toàn những khu đô thị, chung cư được đặt tên tiếng Anh rất kêu thì chỉ là thói quen bắt chước; một gia đình chỉ nhăm nhăm đặt tên con kiểu “tên quốc tế” thì khác nào copy sao chép; một lớp khán giả rất thạo ngóc ngách showbiz quốc tế mà không nhớ nổi dòng sử sách đất nước thì còn lâu mới trở thành công dân toàn cầu...

Những thiếu hụt hay nhầm lẫn trong cách trưng dụng vốn văn hóa từ nước ngoài, nhìn chung, đều hạn chế tầm phát triển lâu dài của một cá nhân, cộng đồng. Chỉ khi, xã hội biết tận dụng chính mình, đảm bảo giá trị bên trong được nảy sinh trọn vẹn, thì cá nhân và cộng đồng mới tìm được tấm hộ chiếu đàng hoàng bước vào thế giới hội nhập, nơi sự đa dạng văn hóa là đáng chào đón hơn là sự giống, bắt chước y chang nào.

Nhà phê bình văn học MAI ANH TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang. 

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang.