Các chuyên gia cho biết, dù hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ dự kiến diễn ra tại Sydney, Australia vào tuần tới bị hủy bỏ, nhưng nhóm này - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - tiếp tục chứng tỏ giá trị của mình trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ được lên kế hoạch diễn ra ở Australia sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, do Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cắt ngắn chuyến công du châu Á và trở về Washington để giải quyết vấn đề trần nợ nên thượng đỉnh Bộ Tứ bị hủy.
Theo đó, các kế hoạch vào phút chót của Tổng thống Joe Biden phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Australia, cũng như các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nam Thái Bình Dương ở nước láng giềng Papua New Guinea cũng bị hủy.
Giáo sư Rory Medcalf - hiệu trưởng trường Cao đẳng An ninh Quốc gia Australia - cho hay, Bộ Tứ, được cả hai phe chính trị ở Australia chấp nhận như một phần của cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rất quan trọng đối với nước này.
“Bộ Tứ cho chúng tôi một mạng lưới trong khu vực. Bộ Tứ chứng minh rằng, Australia có thể thực hiện chính sách ngoại giao thông minh với tư cách là một cường quốc hạng trung với các đối tác dân chủ nhưng theo cách ổn định khu vực” - ông Medcalf nói.
Cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison, người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thành lập Bộ Tứ, gọi đây là một trong những bước tiến quan trọng nhất đối với an ninh của Australia kể từ khi Canberra ký liên minh với Washington.
“Đó là một tuyên bố rất mạnh mẽ. Tôi không chắc chính phủ hiện tại sẽ tiến xa đến đâu, nhưng điều đó rất quan trọng trong việc củng cố vai trò của Mỹ trong khu vực, đạt được sự hợp tác lớn hơn với Ấn Độ và thúc đẩy quan hệ đối tác với Nhật Bản” - ông Morrison, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại viện nghiên cứu Lowy Susannah Patton, cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, tốt hơn hết là Mỹ nên giải quyết các vấn đề trong nước trước.
Giáo sư Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị Aurel Braun cho biết, nhiều nhà lý luận và chính trị gia đã nói đi nói lại rằng chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước.
“Nếu bạn muốn trở nên hùng mạnh ở nước ngoài, bạn cần phải mạnh ở trong nước. Và rõ ràng, cuộc khủng hoảng về trần nợ tiềm ẩn, nhu cầu giải quyết vấn đề đó giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, là một vấn đề quan trọng. Mỹ không thể để xảy ra vỡ nợ” - Giáo sư Braun từ Đại học Toronto bình luận.
Ông nói thêm, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần nhanh chóng tìm ra một thỏa hiệp “để có thể tập trung vào những vấn đề chính sách đối ngoại đang thực sự cấp bách trên trường quốc tế và không để các yếu tố trong nước lấn át khả năng hành động hiệu quả trên bình diện quốc tế của quốc gia dân chủ lớn nhất”.
Ông Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp để cố gắng đạt được thỏa thuận về một thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ và cho phép nước này thanh toán các nghĩa vụ hiện có của mình.
Mặc dù Australia sẽ không tổ chức hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ, nhưng các nhà phân tích tin rằng việc hủy bỏ có thể sẽ có ít ảnh hưởng đến liên minh trong dài hạn.
Giáo sư Medcalf lưu ý, ngay cả Trung Quốc - nước mà Bộ Tứ có mục tiêu ngăn chặn sự trỗi dậy - cũng bắt đầu chấp nhận rằng Bộ Tứ sẽ tồn tại.
Giáo sư Medcalf cho biết “khá yên tâm” với tư cách là một nhà phân tích người Australia rằng, trong những năm gần đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng chấp nhận Bộ Tứ là một phần trong sự đa cực của khu vực, có thể kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc mà không gây ra xung đột.
Mặc dù vậy, vẫn có những lo ngại rằng, việc ông Biden “vắng mặt” ở Sydney có thể làm suy yếu niềm tin của Australia vào mối quan hệ với Mỹ. Truyền thông địa phương cho hay, việc hủy hội nghị thượng đỉnh có thể đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đồng minh trong khu vực.