Nghiên cứu về loài khủng long "tiền nhiệm" của khủng long bạo chúa do Đại học Calgary ở Canada và Đại học Tsukuba ở Nhật Bản thực hiện được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science đầu tuần này.
Khủng long ăn thịt Ulughbegsaurus uzbekistanensis thịnh hành ở Trung Á hơn 90 triệu năm trước, ở cuối kỷ Phấn Trắng.
Loài khủng long khổng lồ này áp đảo những kẻ săn mồi khác cùng thời kỳ. Các nhà khoa học ước tính Ulughbegsaurus dài gần 8m, nặng hơn 1,1 tấn.
“Nó có thể là động vật ăn thịt lớn nhất trong hệ sinh thái vào thời điểm đó” - Darla Zelenitsky, nhà cổ sinh vật học khủng long tại Đại học Calgary, cho hay.
Ulughbegsaurus cũng có răng giống cá mập. Ông Zelenitsky gọi khám phá này là "sự xuất hiện mới nhất của một trong những loài khủng long răng cá mập".
Khủng long mới phát hiện thuộc chi khủng long ăn thịt Carcharodontosaurus vốn chỉ bao gồm 2 loài được biết đến trước đây. Ulughbegsaurus được đặt theo tên của Ulugh Beg - vị vua, nhà thiên văn học sống ở Trung Á vào những năm 1400.
Những mảnh xương và răng giúp phát hiện ra loài khủng long mới được khai quật từ sa mạc Kyzylkum ở Uzbekistan vào những năm 1980. Giáo sư Kohei Tanaka, Đại học Tsukuba, trưởng nhóm nghiên cứu, là người đầu tiên nhận ra rằng các mảnh xương và răng này thuộc về một loài chưa từng được xác định.
Hiện chưa biết vì sao Ulughbegsaurusk bị xóa sổ nhưng việc loài khủng long ăn thịt này tuyệt chủng có thể đã tạo điều kiện cho khủng long bạo chúa phát triển lớn hơn và trở thành kẻ săn mồi thống trị hệ sinh thái thời bấy giờ.