Huế, nhìn từ... nhà vệ sinh cộng đồng

HOÀNG VĂN MINH |

Hôm nọ về Huế “làm du khách” tới lui trên đường Lê Lợi, đang loay hoay chưa biết nhà vệ sinh công cộng ở đâu thì ngước lên bất ngờ thấy tấm biển đề “Free WC” cùng mũi tên chỉ hướng khách sạn Century. Vào tới nơi thì gặp lúc một đoàn du khách bước xuống xe hối hả cũng đi tìm nơi miễn phí như mình. Huế và nền công nghiệp du lịch của thành phố này đang có những chuyển động tích cực, bắt đầu từ việc mở cửa những nhà vệ sinh miễn phí cho du khách…

Không tự tin với những ưu thế?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông - nguyên Giám đốc Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế - nhắn tin “triệu hồi” tôi về chỉ để càm ràm mấy chuyện về du lịch. Thầy trò hẹn nhau cà phê ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương. Chưa kịp nghe “càm ràm” thì tôi đã “há hốc mồm” bởi trên sông bỗng dưng xuất hiện chiếc thuyền rồng chở đầy du khách. Và thay vì vẳng nghe những lời ca Huế như mọi khi thì dội lại những âm thanh ầm ào của nền nhạc sàn. Và trên thuyền, mấy chục du khách, ai nấy cởi trần hua tay múa chân theo nền nhạc phát ra từ những chiếc loa công suất lớn ở phía đuôi thuyền. Những tưởng chỉ có một trường hợp ngoại lệ, nhưng một lúc thì thấy có đến hai, ba thuyền rồng ngược xuôi nhau với hiện trạng tương tự. Thuyền rồng - ca Huế trên sông Hương đã bị biến thành sàn nhảy từ khi nào? Chính người Huế suốt ngày ở Huế như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cũng không hiểu vì răng, từ bao giờ trên sông Hương lại có chuyện lạ lùng đến như thế?

Ông Thông đánh tan không khí nặng nề bằng một tiếng thở dài, bảo những chiếc thuyền rồng trên sông Hương bị biến thành sàn nhảy có thể là lỗi buông lỏng của nhà quản lý, nhưng cũng là một trong những ví dụ sinh động để minh chứng rằng Huế chưa biết hoặc bỏ qua các thế mạnh của mình để chạy theo các tiêu chí của một thành phố trẻ, dùng sở đoản của mình để đua với sở trường của người khác trong đầu tư, khai thác du lịch. Thế mạnh của Huế, đó là một hệ thống cảnh quan thiên nhiên được tạo hóa ân sủng; một hệ thống di tích lịch sử còn đầy đủ diện mạo và thiết chế, hồn vía do tiền nhân để lại; một hệ thống chùa chiền cùng những sinh hoạt Phật giáo không nơi nào có; một “nền” văn hóa đặc trưng, dễ nhận diện và rất phù hợp với xu hướng du lịch mới là chia sẻ…

Hậu quả là sau gần 20 năm, Huế vẫn loay hoay với việc là làm sao để níu được chân du khách, làm sao để vượt ngưỡng 1,95 đêm/khách khi đến với mình. Ông Nguyễn Hữu Thông bảo “dạo này tôi từ chối tất cả những cuộc hội thảo liên quan đến du lịch do tỉnh, thành phố Huế tổ chức, bởi lý do: Hội thảo nào tôi cũng nêu lên những trăn trở của mình kèm theo rất nhiều giải pháp cụ thể nhưng sau đó tôi chẳng bao giờ nhận được một hồi âm nào từ phía những người có trách nhiệm. Tôi và những người tâm huyết khác cảm giác mình đang ném đá ao bèo bởi nói đúng hay sai cũng chả ai bận tâm phản hồi, tranh luận… Nên tôi nản chí!”.

Thật ra những chuyện ông Thông nói, kể cả thái độ im lặng của những người có thẩm quyền là chuyện không mới mẻ gì. Mới, có chăng là sau bao nhiêu năm bị khu biệt thành “biết rồi khổ lắm nói mãi” thì đến giờ vẫn “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Vì răng? Đã không ít lần tôi hỏi thẳng một số lãnh đạo, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế, và câu trả lời rằng “vẫn không biết vì răng?”. Ông Nguyễn Hữu Thông nói “tôi có cảm giác là không phải bây giờ mà đã nhiều thế hệ lãnh đạo của Huế không tự tin lắm vào các thế mạnh hái ra tiền nếu phát triển đúng hướng của mình. Tôi có cảm giác suốt ngày họ chăm chăm đi nhìn đèn nhà hàng xóm mà quên đi ánh trăng của nhà mình…”.

Và “mình không làm thì ai làm?”

Nhưng Huế đang chuyển mình. Đầu tiên phải kể đến những nỗ lực không biết mệt mỏi của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong việc tạo sức sống, hồn vía… cho các điểm di tích mà lần này là mở cửa Đại nội cho khách tham quan ban đêm. Sau “Đêm hoàng cung” từ cách đây gần chục năm chưa thành công, lần này Đại nội lại sáng đèn cộng với các hoạt động bước đầu gây được ấn tượng với du khách như Nghi thức đổi gác, cấm quân luyện võ, trình tấu tiểu nhạc, các trò chơi cung đình, ca Huế và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, diễn vở “Bách tiên hiến thọ”, triển lãm… “Mục đích chúng tôi nhắm tới là tạo thêm cho Huế một sản phẩm du lịch về đêm để bớt nghe than phiền ban đêm đến Huế không biết đi đâu, chơi gì” - ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - nói. Sẽ làm một điểm đến mới hay “chết non” như “Đêm hoàng cung” thì cần phải có thời gian. Và dù sao thì Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã nỗ lực làm, đã có cái mới, còn hơn là ai đó cứ ca thán mà không làm gì cả!

Huế thay đổi, bắt đầu từ những chuyện tưởng rất nhỏ nhưng không nhỏ như vận động các khách sạn, quán cà phê, công sở… mở của nhà vệ sinh miễn phí cho du khách. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng, bởi từ nhiều năm nay, đi vệ sinh ở đâu là câu hỏi ám ảnh của nhiều đời du khách khi đến Huế bởi lý do: Nhà vệ sinh công cộng ở Huế vừa thiếu, vừa bẩn thỉu, vừa “không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi vào đó” như lời than phiền của một du khách với người viết.

Ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị đứng ra vận động việc mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho du khách - khoe: “Chuyện không hề dễ dàng bởi ý thức, văn hóa ứng xử của phần lớn khách du lịch với nhà vệ sinh miễn phí còn quá yếu. Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng tôi cũng đã vận động được 50 đơn vị trên địa bàn, trong đó có chính Sở KHĐT, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Huế. Và chắc chắn, số đơn vị mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho du khách sẽ nhiều hơn trong thời gian tới”.

Ngoài vận động mở cửa nhà vệ sinh, ông Phan Thiên Định còn chủ trì kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện những cuộc “cách mạng” nho nhỏ nhằm bước đầu thay đổi hình ảnh du lịch Huế như: Thay đổi toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh công cộng toàn thành phố theo hướng hiện đại hơn. Trang bị lại kiến thức về văn hóa, ứng xử; thay đổi đồng phục, mẫu mã xe… Bước đầu đã thí điểm cho hơn 100 xích lô ở khu phố Tây và đã có sự lan tỏa tích cực qua nhiều nhóm khác trong thành phố. Sắp tới sẽ là những cuộc vận động dài hơi để “thành phố không còi xe”, bao gồm cả ôtô và xe máy và “thành phố không rác”… Ngoài ra, ông Phan Thiên Định đang ấp ủ rất nhiều dự án đường dài khác với mục đích làm sao để Huế tận dụng và khai thác tối đa những lợi thế của mình; làm sao để Huế đẹp hơn, sạch hơn, ấn tượng hơn… cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhằm kéo du khách và các nhà đầu tư đến với Huế nhiều hơn.

Chỉ hơi lạ là những thay đổi vừa kể, vốn là chuyện của văn hóa, của du lịch, nhưng sao người chủ trì thay đổi không phải là người của văn hóa, du lịch hay ai khác có trách nhiệm ở chính quyền địa phương mà lại là giám đốc một sở chẳng liên quan chi là kế hoạch và đầu tư? Ông Phan Thiên Định cười cười: “Anh không phải là người đầu tiên hỏi tôi câu này. Nhưng nói thiệt là những điều mình vừa nói với nhau, ở Huế chừ hỏi ai làm thì cũng không biết là ai làm. Một trong những vấn đề thâm căn cố đế của Huế là quá nhiều lời trách móc và than phiền nhưng không có giải pháp và không ai chịu hành động.

Tôi cũng đã từng hỏi mình như thế rồi trả lời: Thôi thì những cái không ai làm nhưng nếu có lợi cho sự phát triển của tỉnh thì mình đứng ra làm nếu không ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của Sở. Không những tôi mà tất cả anh em trong Sở đều cảm thấy vui vì đã làm được điều gì đó ý nghĩa. Và suy cho cùng thì chuyện nhà vệ sinh, chuyện xích lô, chuyện rác… cũng là bản chất của một môi trường đầu tư trong sạch”.

Lạ hơn nữa, theo ông Phan Thiên Định thì thời gian qua, bộ máy chính quyền cũng có những thay đổi lớn về nhận thức rất tích cực. “Nếu như trước đây thì việc làm của tôi và anh chị em ở Sở KHĐT chắc chắn sẽ bị nói là son sen - thể hiện bản thân, chen vào việc của người khác và đây không phải việc của mình - nhưng bây giờ thì khác. Không chỉ lãnh đạo ở trên mà các sở, ban ngành khác cùng cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ” - ông Định phấn khởi.

Thật ra thì nền tảng cho mọi thay đổi đều nằm ở chỗ suy nghĩ. Và không còn định kiến về hai chữ “son sen” thôi thì đã là một điểm cộng, tín hiệu rất đáng mừng cho Huế rồi…

HOÀNG VĂN MINH
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.